Nghiên cứu: Những người làm vườn có nguy cơ bị bệnh tâm thần và bệnh kinh niên thấp hơn

Một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên đối chứng đầu tiên về cộng đồng làm vườn đã phát hiện ra rằng ngoài việc ăn nhiều chất xơ hơn và hoạt động thể chất nhiều hơn – hai cách đã biết để giảm nguy cơ ung thư và các bệnh kinh niên – những người làm việc quanh quẩn trong vườn cũng giảm đáng kể mức độ căng thẳng, lo lắng và nguy cơ bị bệnh tâm thần.

Nghiên cứu mới trên các hộ gia đình có thu nhập thấp cho thấy những người làm vườn tham gia vào nghiên cứu vốn căng thẳng và lo lắng nhất đã thấy các vấn đề về sức khỏe tâm thần giảm nhiều nhất.

Bà Jill Litt, tác giả cao cấp và giáo sư môi trường tại Khoa Nghiên cứu Môi trường tại Đại học Colorado Boulder cho biết: “Những phát hiện này cung cấp bằng chứng cụ thể rằng làm vườn cộng đồng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư, bệnh kinh niên và rối loạn sức khỏe tâm thần.”

“Bất kể họ đi đâu, mọi người nói rằng có điều gì đó về việc làm vườn khiến họ cảm thấy tốt hơn.”

Không khí ngoài trời chứa đầy các phân tử của hàng triệu loại thực vật và các quá trình sinh hóa, có tác dụng chữa bệnh mạnh mẽ mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được. (Ảnh: AshT Productions/Shutterstock)
Không khí ngoài trời chứa đầy các phân tử của hàng triệu loại thực vật và các quá trình sinh hóa, có tác dụng chữa bệnh mạnh mẽ mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được. (Ảnh: AshT Productions/Shutterstock)

Nghiên cứu đã tuyển dụng gần 300 người mới bắt đầu làm vườn, có độ tuổi trung bình là 41.

Một nửa được chỉ định vào nhóm làm vườn cộng đồng và nhận được một khu vườn cộng đồng miễn phí, một số hạt giống, một khóa học làm vườn cơ bản và một đồng sự. Nửa còn lại được phân cho một nhóm đối chứng.

Cả hai nhóm đều trả lời các câu hỏi thường xuyên về khẩu phần ăn uống, sức khỏe tinh thần và số đo cơ thể của họ.

Sau hai mùa, nhóm làm vườn ăn chất xơ mỗi ngày nhiều hơn 7% so với nhóm đối chứng.

James Herbert, đồng tác giả và giám đốc chương trình kiểm soát và phòng ngừa ung thư của Đại học Nam Carolina cho biết: “Việc tăng thêm 1gr chất xơ có thể đem lại những tác động lớn, tích cực đối với sức khỏe.”

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chất xơ có tác động sâu sắc đến các phản ứng viêm và miễn dịch, ảnh hưởng đến mọi thứ từ cách chúng ta chuyển hóa thức ăn đến mức độ khỏe mạnh của hệ vi sinh vật đường ruột, cho đến mức độ nhạy cảm đối với bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư.

Bà Litt cho biết làm vườn cộng đồng mang tính chuyển đổi và thậm chí là cứu sinh, đặc biệt đối với những người nhập cư có thu nhập thấp sống trong các căn hộ.

“Ngay cả khi bạn đến khu vườn để tự trồng lương thực ở một nơi yên tĩnh, bạn bắt đầu nhìn vào mảnh đất của người hàng xóm và chia sẻ các kỹ thuật và công thức, và theo thời gian, các mối quan hệ sẽ nảy nở,” bà nói.

Một số mẹo làm vườn

Tổ chức Người cao tuổi Quốc gia Úc (National Seniors Australia) gần đây đã đưa ra một số hướng dẫn để tránh bị bệnh khi làm vườn, do các trường hợp bị bệnh Legionnaires ngày càng gia tăng – một dạng viêm phổi trầm trọng – từ hỗn hợp bầu (bao gồm các thành phần như rêu than bùn, chất khoáng, xơ dừa nhưng không chứa đất) và đất.

Mọi người nên đeo găng tay và khẩu trang khi làm việc với đất vườn hoặc hỗn hợp bầu, đặc biệt nếu người lớn tuổi, người hút thuốc hoặc người có hệ thống miễn dịch yếu.

Cô Harriet Whiley, phó giáo sư về sức khỏe môi trường tại Đại học Flinders, cho biết nên mở túi hỗn hợp bầu cách xa mặt và tránh lắc túi trước khi đổ hết.

“Bệnh Legionnaires không lây từ người này sang người khác, mà lây qua đường hô hấp hoặc hít phải vi khuẩn Legionella,” cô Whiley nói.

“Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải đeo khẩu trang, làm ướt đất và đeo găng tay hoặc rửa tay khi xử lý hỗn hợp bầu.”

Trước tiên làm ướt hỗn hợp bầu sẽ giúp ngăn bụi của hỗn hợp bầu bị ô nhiễm thổi vào không khí và bị hít phải.

Nghiên cứu làm vườn được công bố vào ngày 04/01 trên Tập san Lancet Planetary Health.

Tân Dân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn