Phòng bệnh cho trẻ: Cần bổ sung 2 dưỡng chất, chú ý các thực phẩm tổn hại khả năng miễn dịch

Trong thời kỳ dịch bệnh, làm sao để nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ thông qua chế độ ăn uống? Chuyên gia dinh dưỡng nhắc nhở bạn rằng có 2 dưỡng chất chính không thể bỏ qua. Đồng thời, cần lưu ý một số loại thực phẩm có thể làm tổn hại đến khả năng miễn dịch của trẻ.

Hai chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ: protein và kẽm

Các chất phytochemical và chất xơ trong rau quả đều có liên quan đến việc tăng cường khả năng miễn dịch. Trẻ em đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển trước hết nên tránh kén chọn thức ăn, nên ăn cân đối các loại rau củ quả nhiều màu như súp lơ, cà rốt, hành tây, nấm, rau chân vịt, v.v.

Đồng thời, cũng cần bổ sung đầy đủ các thực phẩm chứa chất đạm như đậu, cá, trứng, v.v. Cô Hoàng Dĩ Lăng (Huang Yiling), chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng Khả Dĩ tại Đài Loan, giải thích rằng, protein là nguyên liệu thô của immunoglobulin, do trẻ hoạt động nhiều, nếu protein và calo không đủ thì khả năng miễn dịch và phát triển có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển cũng có thể uống sữa, loại thực phẩm này cung cấp đồng thời protein và canxi.

Một chất dinh dưỡng khác cũng liên quan đến hệ miễn dịch là kẽm. Kẽm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ em, đồng thời tham gia vào quá trình phân chia, sửa chữa và tăng trưởng tế bào, từ da, tóc, móng tay cho đến sự phát triển của niêm mạc miệng. Kẽm còn có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa và điều trị cảm lạnh, duy trì vị giác và khứu giác bình thường, v.v.

Cô Lăng chỉ ra rằng, nếu trẻ thiếu kẽm, ngoài khả năng miễn dịch kém, tốc độ phát triển của trẻ còn sẽ chậm hơn so với những trẻ cùng tuổi, vóc dáng cũng nhỏ hơn.

Nguồn cung cấp kẽm chủ yếu là từ động vật: hàu, cua, trai, tôm, nghêu, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua.

Nếu trẻ nhỏ thích ăn rau hoặc ăn chay với người lớn thì bạn nên chú ý vì trẻ sẽ rất dễ bị thiếu kẽm và sắt, có thể để trẻ ăn thêm hạt bí có hàm lượng kẽm cao để bổ sung.

Phòng bệnh cho trẻ: Cần bổ sung 2 dưỡng chất, chú ý các thực phẩm tổn hại khả năng miễn dịch
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, chẳng hạn như hàu. (Ảnh: Shutterstock)

Các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, C, E cũng có trợ giúp trong việc duy trì trạng thái miễn dịch tốt.

Vitamin A: có thể duy trì tính toàn vẹn của màng nhầy trong cơ thể và giúp khí quản khỏe mạnh. Vitamin A có nhiều trong rau chân vịt, cà rốt, bí và cà chua.

Cà rốt rất giàu vitamin A, nhưng nhiều trẻ không thích mùi vị của cà rốt. Cô Lăng cho biết có thể hấp chín cà rốt rồi cho vào máy xay cùng với sữa, rồi xay đều để cà rốt không còn mùi. Vì vitamin A là một chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo nên làm như thế vẫn có thể giúp cơ thể hấp thụ vitamin A.

Vitamin C: có thể chống lại cảm lạnh, duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào và các mô niêm mạc đường hô hấp. Vitamin C có nhiều trong ổi, kiwi, đu đủ, cam.

Cô Lăng cho biết rất nhiều bạn nhỏ thích uống nước ép cam, bạn có thể chọn nước trái cây cô đặc hoặc nước mới vắt, nhưng nên chú ý đến liều lượng, tránh để trẻ uống quá nhiều đường.

Cô chỉ ra rằng mặc dù không hạn chế lượng calo trong bữa ăn của trẻ để tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng, nhưng cô khuyến khích tiêu thụ calo thông qua tập thể dục, và không khuyến khích hấp thụ nhiều đường. Nếu cho trẻ ăn cả trái cây và uống nước trái cây thì sẽ dễ vượt quá lượng đường khuyến nghị.

Vitamin E: Đây cũng là một loại vitamin tan trong chất béo, có chức năng chống oxy hóa và có thể tăng cường sức đề kháng. Thực phẩm giàu vitamin E là các loại hạt (như hạt dẻ cười, hạt mè đen) và trái bơ.

Phòng bệnh cho trẻ: Cần bổ sung 2 dưỡng chất, chú ý các thực phẩm tổn hại khả năng miễn dịch
Hạt mè đen chứa nhiều vitamin E giúp tăng cường sức đề kháng. (Ảnh: Shutterstock)

Bánh kẹo được chế biến quá kỹ dễ khiến cơ thể bị nhiễm trùng

Các loại kẹo bánh mà trẻ em thích ăn hầu hết đều được chế biến quá kỹ và chứa nhiều phụ gia thực phẩm nên sẽ làm giảm khả năng miễn dịch.

Đầu tiên là đường, ăn quá nhiều kẹo và bánh quy sẽ khiến khả năng điều tiết miễn dịch của cơ thể trở nên kém, dễ bị dị ứng, cảm lạnh, béo phì, v.v.

Cô Lăng chỉ ra rằng bánh quy và kẹo cao su đều chứa các loại dầu không tốt như dầu cọ và dầu chưa bão hòa (dầu hydro hóa). Ăn quá nhiều những thực phẩm này dễ gây ra tình trạng viêm kinh niên cho cơ thể. Vì COVID-19 khiến cơ thể nhiễm trùng, do vậy sẽ làm tổn hại sức đề kháng.

Do đó, tốt nhất bạn nên thay thế những món ăn vặt đã qua chế biến quá kỹ bằng những thực phẩm nguyên mẫu hoặc ít chế biến.

Những món điểm tâm tốt cho sức khỏe: Bánh nướng nhân trứng và sữa, pho mát tươi, sữa chua, Aiyu, đậu ngọt, thạch lạnh, súp đậu đỏ, súp đậu xanh, trái cây, trái cây sấy khô, v.v.

Trái cây sấy khô tốt nhất nên chọn sản phẩm đông khô hoặc nướng ở nhiệt độ thấp, không thêm dầu và đường, sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

Nếu con trẻ thèm ăn bánh quy, bạn có thể chiên khoai tây chiên trong nồi chiên không dầu. Cách thực hiện rất đơn giản, cắt khoai tây thành từng lát mỏng, quết một ít dầu, cho vào nồi chiên không dầu để chiên một lúc là được.

Cô Lăng nhắc nhở rằng, tiền đề của việc ăn những món ăn nhẹ này là không ảnh hưởng đến bữa ăn chính, và những trẻ nào béo cũng nên chú ý đến việc ăn các món tráng miệng.

Phòng bệnh cho trẻ: Cần bổ sung 2 dưỡng chất, chú ý các thực phẩm tổn hại khả năng miễn dịch
Súp đậu đỏ là một món điểm tâm lành mạnh cho trẻ em. (Ảnh: Shutterstock)

Trong thời kỳ dịch bệnh, trẻ nhỏ khó mà có thể tự bảo vệ bản thân. Người lớn không chỉ cần chú ý đến việc trẻ có đeo khẩu trang hay không, có rửa tay hay không, mà còn cần cân nhắc đến chế độ ăn uống của trẻ, để trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh trong giai đoạn này.

Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn