BMI ‘không phải là thước đo sức khỏe’, chỉ số vòng eo nên là bao nhiêu?

Ngoài chỉ số BMI, cần có cách tiếp cận toàn diện nhiều dấu hiệu sức khỏe để có thể đánh giá sức khỏe tổng thể chính xác hơn

Khi cuộc tranh luận xung quanh việc đo lường thành phần cơ thể ngày càng gay gắt, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về độ tin cậy của chỉ số khối cơ thể (BMI) như một chỉ số về sức khỏe. Mặc dù đã được sử dụng rộng rãi trong hơn một thế kỷ nhưng các nhà phê bình cho rằng BMI không xem xét được sự thay đổi trong thành phần cơ thể, dẫn đến những hiểu lầm có thể xảy ra.

Những thiếu sót lớn nhất của BMI

Đánh giá BMI ban đầu được phát triển để đánh giá sức khỏe của một phần lớn dân số, giúp đưa ra góc nhìn bao quát về thể trạng chung của xã hội. Trong bối cảnh này, đánh giá BMI thường cung cấp kết quả chính xác. Tuy nhiên, khi áp dụng cho từng người, như thông lệ tiêu chuẩn hiện nay, BMI không thể cung cấp một bức tranh toàn diện về tình trạng sức khỏe của một người.

Công thức tính BMI:

BMI 'không phải là thước đo sức khỏe', chỉ số vòng eo nên là bao nhiêu?

Dựa trên BMI, một người được phân loại là: thiếu cân, bình thường, thừa cân, béo phì hoặc béo phì trầm trọng.

Theo cách hiểu thông thường, phân loại “bình thường” là biểu hiện của sức khỏe trao đổi chất, ở mức cân bằng giữa quá gầy và quá béo. Mặc dù lý do này có vẻ hợp lý nhưng nó lại bỏ qua những khác biệt đáng kể về thành phần cơ thể.

BMI 'không phải là thước đo sức khỏe', chỉ số vòng eo nên là bao nhiêu?
Chỉ số khối cơ thể (BMI) xác định xem cân nặng của bạn có tốt cho sức khỏe hay không dựa trên tỷ lệ cân nặng trên chiều cao. (Ảnh: Pikovit/Shutterstock)

Bởi vì chỉ dựa trên chiều cao và cân nặng nên BMI bỏ qua khối lượng cơ, mật độ xương, thành phần cơ thể tổng thể cũng như sự khác biệt về chủng tộc và giới tính.

Tiến sĩ về khoa học dinh dưỡng Chris Masterjohn cho biết, “Ví dụ, một vận động viên thể hình có thể có chỉ số BMI rất cao nhưng lại rất ít mỡ vì khối cơ làm tăng trọng lượng cơ thể. Điều này làm tăng chỉ số BMI của họ. Do đó, BMI hoàn toàn không phải là thước đo sức khỏe – BMI là thước đo cân nặng và chiều cao.”

Nghiên cứu cho thấy khối lượng cơ bắp cao hơn đóng vai trò là một chỉ số quan trọng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ, có mối tương quan tích cực với tuổi thọ tăng lên. Mặt khác, chất béo dư thừa có liên quan chặt chẽ đến việc giảm đáng kể tuổi thọ.

Tiến sĩ Tracy Richmond, giáo sư nhi khoa tại Trường Y Harvard với hơn 10 năm kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu liên quan đến cân nặng, cho biết: “Những người có chỉ số BMI cao hơn có thể khỏe mạnh.”

Bà cho biết chỉ dùng BMI để xác định rủi ro sức khỏe có thể dẫn đến việc bỏ qua những người có thể cần đánh giá thêm. Điều này có khả năng khiến những người khỏe mạnh hiểu lầm rằng họ thừa cân và thông tin sai lệch cho những người vốn có thể phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe trầm trọng.

Tiến sĩ Richmond cho biết: “Những người có chỉ số BMI thấp hoặc bình thường thường được cho là ‘đạt’ và khỏe mạnh. Nhưng những người có chỉ số BMI “bình thường” có thể bị rối loạn ăn uống và có nguy cơ thiếu máu và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Cách đánh giá sức khỏe tốt hơn

Bà Margaret Ashwell, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng có trụ sở tại Anh và là nhà tư vấn về khoa học dinh dưỡng chuyên về béo phì và hình dáng, cho biết WHtR là giải pháp thay thế giá trị cho BMI trong việc phân tích thành phần cơ thể và sức khỏe. WHtR so sánh chu vi vòng eo với chiều cao; lý tưởng nhất là chu vi vòng eo nhỏ hơn một nửa chiều cao.

Bà Ashwell nói với The Epoch Times: “WHtR là một chỉ số về nguy cơ sức khỏe sớm tốt hơn so với BMI vì WHtR là đại diện cho tình trạng béo phì ở trung tâm. Chất béo dự trữ trong vùng trung tâm là yếu tố nguy cơ của các bệnh chuyển hóa chính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim.”

Theo bà Ashwell, phương pháp đơn giản này xác định chính xác vấn đề mà các bác sĩ nên tìm kiếm: sự tích tụ mỡ. Và do việc tập thể dục và khối cơ tăng lên có liên quan đến chu vi vòng eo nhỏ hơn nên đánh giá WHtR có thể phân biệt giữa mỡ và cơ, không giống như BMI.

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy phép đo WHtR dự đoán tình trạng cao huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường loại 2 đáng tin cậy hơn so với đánh giá BMI.

Một nghiên cứu khác chứng minh rằng tỷ lệ WHtR là tiêu chí sàng lọc hội chứng chuyển hóa vượt trội hơn so với BMI.

Bà Ashwell nói: “Thông điệp đơn giản ‘giữ vòng eo nhỏ hơn một nửa chiều cao’ có thể được áp dụng cho đàn ông, phụ nữ, trẻ em ở mọi lứa tuổi và mọi dân tộc.”

Cách đo lường sức khỏe tốt nhất

Mặc dù kiểm tra chỉ số WHtR có thể đem lại lợi ích hơn BMI nhưng chỉ riêng WHtR sẽ không đánh giá sức khỏe tổng thể; chẳng hạn như tình trạng viêm tăng cao hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Vì vậy, ông Masterjohn đề xuất các đánh giá bổ sung như phân tích mỡ cơ thể, đo đường huyết lúc đói, xét nghiệm lipid, các dấu hiệu viêm như protein phản ứng C, bảng chuyển hóa hoàn chỉnh, công thức máu và phân tích nước tiểu để hiểu toàn diện về sức khỏe của một người.

Ông cũng đề nghị bác sĩ vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên cá nhân thực hiện sàng lọc chuyển động chức năng để duy trì chức năng cơ thể tối ưu theo tuổi tác.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Vance Voetberg
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Vance Voetberg là ký giả tự do của The Epoch Times tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân khoa học trong ngành báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe trung thực, truyền cảm hứng. Anh là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter.”
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn