Bữa ăn chung là dấu hiệu tuyệt vời của một gia đình gắn kết

Theo bác sĩ tâm thần Tanveer Ahmed, bữa ăn chung đang dần trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết trong thời đại mà các thiết bị [điện tử] ngày càng phổ biến cùng với các kiểu gia đình đa dạng.

Ông Ahmed, sống ở Úc, cho biết mọi người nên duy trì bữa ăn chung trong gia đình, dù chỉ hai đến ba lần một tuần. Thời gian ăn chung mang lại cơ hội thích hợp cho các gia đình để nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt, khi các thành viên chia sẻ và thảo luận về khó khăn trong ngày hay việc gắn bó với trải nghiệm mới.

Khoảng thời gian ý nghĩa mà cha mẹ và con cái dành cho nhau đang ngày càng trở nên quý giá. Thống kê cho thấy, khi trẻ 18 tuổi, 90% thời gian của chúng với cha mẹ đã trôi qua.

Theo ông Ahmed, đây là lý do tại sao bữa tối cùng gia đình có mối tương quan với tất cả dấu hiệu của sức khỏe, từ cân nặng khỏe mạnh đến tinh thần tốt hơn.

Ông nói với The Epoch Times: “Việc ăn tối đều đặn cùng nhau là dấu hiệu tuyệt vời của một gia đình ổn định, gắn kết. Điều đó rất hữu ích cho trẻ nhỏ.”

Khoảng thời gian ăn chung giúp trẻ có cơ hội kết nối với cha mẹ và ông bà và tìm hiểu về các giá trị của bản thân, đồng thời giúp trẻ mở mang đầu óc với nhiều khái niệm, từ vựng, và câu chuyện mới.

Ông nói: “Điều đó giúp trẻ được thử thách và phát triển. Bởi vì, trong khi học tập ở trường, phần lớn sự giao tiếp của trẻ là với nhóm đồng đẳng. Vì vậy, bữa ăn chung rất có ý nghĩa khi giúp con trẻ có được phạm vi tiếp xúc rộng hơn giữa các thế hệ.”

“Việc nghe những khái niệm trừu tượng và nhiều từ vựng hơn khi nói chuyện với cha mẹ sẽ giúp thử thách năng lực của trẻ. Có bằng chứng cho thấy quá trình này khiến trẻ cải thiện ngôn ngữ về các khái niệm trừu tượng và cách giải quyết vấn đề.”

Thời gian gia đình quây quần bên nhau trong bữa ăn thường là khoảng thời gian quan trọng để trẻ học nhiều từ vựng, khái niệm, và câu chuyện mới. (Ảnh: BearFotos/Shutterstock)
Thời gian gia đình quây quần bên nhau trong bữa ăn thường là khoảng thời gian quan trọng để trẻ học nhiều từ vựng, khái niệm, và câu chuyện mới. (Ảnh: BearFotos/Shutterstock)

Với ông bà, bữa tối sum vầy bên gia đình thường xuyên là “liều thuốc giải” hiệu quả cho chứng cô lập xã hội. Nghiên cứu cho thấy cô lập xã hội ảnh hưởng đến 1/3 người lớn tuổi thời nay.

Người cao niên thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và khả năng vận động, thay đổi về thể chất và suy giảm nhận thức. Đây là trở ngại lớn với họ trong việc hòa nhập xã hội, đặc biệt nếu vấn đề đó khiến họ không thể lái xe.

Với một số người lớn tuổi, bữa tối gia đình có thể là giao tiếp duy nhất của họ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

Lỗi thời hay đã được khoa học chứng minh

Vào thời điểm các thành viên gia đình và hoạt động gia đình ngày càng đa dạng, các học giả từ Đại học Monash của Úc gợi ý rằng việc khuyến khích “bữa ăn gia đình bắt buộc” đặt ra những kỳ vọng không thực tế.

Giáo sư xã hội học Jo Lindsay nói rằng việc ngồi lại cùng nhau mỗi tối “bắt nguồn từ một quan niệm lỗi thời và rõ ràng là đã cũ về gia đình” và điều này “chỉ làm tăng cảm giác tội lỗi trong việc nuôi dạy con cái.”

Tuy nhiên, quan điểm đặc biệt hiện đại của bà Lindsay về bữa ăn gia đình đã bỏ qua một số khía cạnh khoa học quan trọng về lợi ích.

Nghiên cứu cho thấy những lợi ích đáng kể của bữa ăn gia đình, bao gồm giảm tỷ lệ béo phì, tăng tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, và giảm 35% việc ăn uống không điều độ.

Ngoài ra, bữa ăn chung cũng liên quan đến kết quả sức khỏe và tâm lý xã hội của thanh thiếu niên, bao gồm ít béo phì hơn, giảm nguy cơ rối loạn ăn uống và cải thiện thành tích học tập.

Bữa ăn gia đình có thể đặc biệt quan trọng với thanh thiếu niên, nhóm tuổi có tỷ lệ trầm cảm và lo lắng đang gia tăng trong những năm gần đây.

Trong một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu viết: “Trong thời gian thanh thiếu niên dùng bữa với gia đình, họ cảm thấy hạnh phúc và hoàn thành trách nhiệm tốt hơn, đồng thời ít bị kiệt sức và đau khổ hơn. Hơn nữa, xung đột gia đình chỉ xảy ra khi họ có cảm xúc tiêu cực vào những ngày không ăn chung với gia đình. Các phát hiện cho thấy bữa ăn chung giúp giảm thiểu rủi ro hàng ngày liên quan đến xung đột gia đình.”

Việc dùng chung bữa ăn thậm chí ảnh hưởng lâu dài đến các yếu tố quan trọng nhất của tính cách. Mức độ tiêu thụ bữa ăn chung nhiều hơn tương ứng với điểm số lòng vị tha cao hơn trên thang đo tự báo cáo của các em học sinh.

Không chỉ học sinh được hưởng lợi từ bữa ăn gia đình. Một nghiên cứu được công bố trên tập san Y học dự phòng cho thấy tần suất bữa ăn gia đình cao hơn “có liên quan đến hoạt động gia đình, lòng tự trọng cao hơn, mức độ trầm cảm và căng thẳng thấp hơn.”

“Những phát hiện từ nghiên cứu hiện tại cho thấy việc ăn chung thường xuyên có thể góp phần vào sự ổn định về mặt xã hội và tình cảm của các bậc cha mẹ.”

Ông Ahmed cho biết, ngay cả những gia đình hạt nhân phi truyền thống cũng được hưởng lợi rất nhiều khi thường xuyên ăn tối cùng nhau.

Ông thừa nhận rằng cuộc sống hiện đại có thể khiến điều này không còn giống như trước vì cấu trúc gia đình trở nên đa dạng hơn, thanh thiếu niên và trẻ em ngày càng bận rộn, và một loạt các sắp xếp công việc bao gồm làm việc theo ca và cuộc họp tại nhà.

Ông nói: “Vì vậy, có rất nhiều thứ phức tạp ở đây, và chắc chắn không còn đơn giản như cách sắp xếp gia đình theo kiểu những năm 1950. Nhưng đó không phải là lý do để cảm thấy có lỗi hay từ bỏ việc cố gắng.”

Bữa ăn cùng gia đình là cơ hội để truyền tải các giá trị gia đình, lịch sử, văn hóa và ý tưởng cho thế hệ tiếp theo thông qua câu chuyện và các món ăn được chuẩn bị và chia sẻ. (Ảnh: Viktoriyaa/Shutterstock)
Bữa ăn cùng gia đình là cơ hội để truyền tải các giá trị gia đình, lịch sử, văn hóa và ý tưởng cho thế hệ tiếp theo thông qua câu chuyện và các món ăn được chuẩn bị và chia sẻ. (Ảnh: Viktoriyaa/Shutterstock)

Bữa tối gia đình trong thời đại của thiết bị và phiền nhiễu

Ông Ahmed nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cố gắng tôn trọng các nghi thức. Một ví dụ điển hình là truyền thống Shabbat của người Do Thái – ăn tối cùng nhau vào mỗi thứ Sáu.”

“Nhưng nghi thức tụ tập cùng nhau này có thể khác nhau ở mỗi nơi. Đó có thể là buổi đi dạo vào cuối tuần, chơi cờ, hoặc xem một chương trình biểu diễn cùng nhau.”

Ông Ahmed thừa nhận rằng ảnh hưởng mà các thiết bị mang lại là rất lớn và khuyến nghị nên hạn chế dùng chúng trong các buổi giao tiếp chung.

Ông nói: “Theo mặc định, tất cả chúng ta thường lui vào phòng riêng và tập trung vào màn hình của mình, và tôi nghĩ bạn phải cố gắng để giảm thiểu điều đó.”

“Chỉ cần đó là thứ kết nối mọi người với nhau, thay vì tình cờ nhìn vào TikTok một mình, điều ấy vẫn có thể gắn kết mọi người. Nếu bạn muốn chia sẻ về điều gì đó, hoặc có thể là điều bạn đã chia sẻ trong ngày, và sau đó lại đưa ra và tán gẫu cùng nhau, tôi nghĩ điều đó không sao cả.”

Tương tự, bác sĩ nhi khoa Meg Meeker nói rằng bà thường yêu cầu mọi người cất điện thoại trong vòng một giờ trong giờ ăn tối.

Mặc dù đây có thể là một thử thách, ngay cả với cha mẹ, nhưng việc không dùng thiết bị điện tử ở nhà sẽ dạy con trẻ rằng trẻ sẽ ổn mà không cần để điện thoại cảnh báo mỗi phút. Điều đó sẽ rèn luyện trẻ giảm tần suất sử dụng thiết bị điện tử theo thời gian.

Cuối cùng, khi trường học và cuộc sống gia đình giúp chúng ta thu được kiến thức và kinh nghiệm, bữa ăn chung có thể là cách đặc biệt hữu ích để kết nối, giao tiếp và nói chuyện giữa các thế hệ.

Ông Ahmed nói: “Bữa tối gia đình là một trong những thời điểm hiếm hoi mà mọi người quây quần bên nhau. Đó là phần quan trọng để truyền tải các ý tưởng và giá trị cho thế hệ tiếp theo.”

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn