Cỏ ngọt: Chất làm ngọt phổ biến giúp giảm đường huyết, chống lại bệnh tiểu đường

Hướng dẫn cơ bản về cách cai nghiện đường (Phần 2)

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.

Đường được biết là làm tăng đường huyết nhưng cỏ ngọt thực sự có thể làm giảm đường huyết. Trên thực tế, cỏ ngọt thậm chí còn được dùng để điều trị bệnh tiểu đường từ thời cổ đại.

Gần đây, cỏ ngọt trở thành một trong những chất thay thế đường tự nhiên phổ biến nhất. Đường được biết là làm tăng đường huyết nhưng cỏ ngọt thực sự có thể làm giảm đường huyết. Trên thực tế, cỏ ngọt thậm chí còn được dùng để điều trị bệnh tiểu đường từ thời cổ đại.

Cỏ ngọt còn được gọi là cỏ đường hay cúc ngọt. Theo một bài báo đăng trên tập san Nutrition Today (Dinh dưỡng Ngày nay) thì cỏ ngọt thuộc họ Hướng dương (Asteraceae), có nguồn gốc từ miền Nam Brazil và miền Bắc Paraguay. Trong nhiều thế kỷ, người dân bản địa Guaraní dùng cỏ ngọt để làm ngọt thức ăn và đồ uống.

Theo một phân tích gộp năm 2019 được công bố trên tập san Dinh dưỡng (Nutrients), họ cũng dùng cỏ ngọt cho mục đích y học, chẳng hạn như điều trị bệnh tiểu đường.

Vị ngọt của cỏ ngọt chủ yếu đến từ hợp chất gây ngọt steviol glycoside, ngọt hơn đường mía (sucrose) khoảng 200 đến 300 lần.

Theo tờ Nutrition Today (Dinh dưỡng Ngày nay), chiết xuất cỏ ngọt có độ tinh khiết cao chứa 95% steviol glycoside trở lên. Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tập san Molecules (Phân tử) phát hiện có tám loại hợp chất tạo ngọt tự nhiên trong lá cỏ ngọt, nhiều nhất là stevioside.

Cỏ ngọt được ngành chế biến thực phẩm và cộng đồng khoa học chú ý nhờ vào tiềm năng thương mại và đặc tính dược lý của nó. Kết quả là các đồn điền trồng cỏ ngọt mọc lên tại nhiều khu vực trên thế giới.

Chỉ số đường huyết (GI) và hàm lượng calo của cỏ ngọt bằng 0. Chỉ số đường huyết là chỉ số đo tốc độ và mức độ mà một loại thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu. Chỉ số đường huyết tiêu chuẩn là 100mg/dl.

Một chất làm ngọt có đặc tính chống tiểu đường

Nghiên cứu hiện đại cho thấy cỏ ngọt có khả năng chống bệnh tiểu đường.

Cỏ ngọt không chỉ kích thích gia tăng tiết ra insulin và hoạt động của insulin mà còn làm giảm tình trạng kháng insulin. Cỏ ngọt cũng ức chế hoặc làm giảm việc sản xuất glucose của gan, giúp duy trì sự ổn định đường huyết. Ngoài ra, các hợp chất tạo ngọt là stevioside và steviol trong cỏ ngọt giúp điều chỉnh hoạt động của một số enzyme, phòng ngừa lượng đường huyết giảm quá thấp và gây ra tình trạng hạ đường huyết.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Florida đã tiến hành một thí nghiệm với sự tham gia của 31 người trưởng thành. Họ nhịn ăn trong 12 tiếng và ăn cùng một bữa sáng. Trước các bữa trưa và bữa tối 20 phút, họ uống trà và ăn nhẹ có chứa đường mía (sucrose), chất làm ngọt nhân tạo (aspartame) hoặc cỏ ngọt nhưng họ không biết mình đang ăn loại đường nào. Sau đó họ tự do ăn trưa và ăn tối theo ý muốn.

Mức độ đói và no của họ được đánh giá hàng giờ và được xét nghiệm máu. Tất cả những người tham gia đã hoàn thành thử nghiệm với các thực phẩm trong ba ngày.

Kết quả cho thấy, những người tiêu thụ cỏ ngọt có lượng đường huyết thấp hơn đáng kể ngay sau bữa trưa so với những người tiêu thụ đường mía và chỉ số đường huyết cũng tương đối ổn định.

Cỏ ngọt: Chất làm ngọt phổ biến giúp giảm đường huyết, chống lại bệnh tiểu đường
Tiêu thụ cỏ ngọt dẫn đến lượng đường huyết thấp hơn ngay sau bữa trưa. (Ảnh: The Epoch Times)

Ngoài ra, sau bữa trưa, mức insulin của những người tiêu thụ cỏ ngọt nhìn chung là thấp hơn so với những người tiêu thụ aspartame hoặc sucrose.

Cỏ ngọt: Chất làm ngọt phổ biến giúp giảm đường huyết, chống lại bệnh tiểu đường
Ngoài ra, sau bữa trưa, mức insulin của những người tiêu thụ cỏ ngọt nhìn chung là thấp hơn so với những người tiêu thụ aspartame hoặc sucrose.

Đồng tác giả nghiên cứu Stephen Anton, giáo sư khoa sinh lý học và lão hóa tại Đại học Florida, người có bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng và sức khỏe, nói với The Epoch Times: “Điều đó gợi ý rằng so với các loại chất làm ngọt khác, cỏ ngọt có thể có lợi trong việc giúp mọi người kiểm soát mức đường huyết hoặc giữ mức đường huyết ở mức lành mạnh sau khi ăn. So với sucrose và aspartame, cỏ ngọt có thể giúp trạng thái trao đổi chất sau bữa ăn tốt hơn.”

Hơn nữa, những người tham dùng cỏ ngọt và aspartame có tổng lượng calo tiêu thụ thấp hơn đáng kể.

Mặc dù những người tham gia dùng cỏ ngọt trước bữa ăn không nhận được lượng calo từ nó, nhưng họ không bù đắp sự chênh lệch lượng calo bằng cách tiêu thụ nhiều hơn trong bữa trưa hoặc bữa tối so với những người dùng nhiều sucrose. Hơn nữa, mức độ no của họ là tương tự nhau.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát trên bệnh nhân tiểu đường được công bố trên Journal of the Science of Food and Agriculture (Tập san Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp) năm 2016 đã chứng minh thêm tác dụng hạ đường huyết của cỏ ngọt. 20 bệnh nhân tiểu đường loại 2 được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm, một nhóm dùng 1 gram bột lá cỏ ngọt khô mỗi ngày và nhóm còn lại không dùng bất kỳ loại nào. Thí nghiệm được tiến hành trong 60 ngày.

Kết quả cho thấy việc dùng bột lá cỏ ngọt khô giúp giảm đáng kể lượng đường huyết lúc đói và sau bữa ăn của những bệnh nhân tiểu đường này.

Cỏ ngọt: Chất làm ngọt phổ biến giúp giảm đường huyết, chống lại bệnh tiểu đường
Tiêu thụ cỏ ngọt giúp lượng đường huyết lúc đói và sau bữa ăn thấp hơn. (Ảnh: The Epoch Times)

Per Bendix Jeppesen, giáo sư khoa nội tiết và tiểu đường tại Đại học Aarhus ở Đan Mạch, người hiện đang nghiên cứu chiết xuất cỏ ngọt như một loại thuốc chống tiểu đường và như một chất làm ngọt lành mạnh, cho biết: “Tôi thấy rằng việc sử dụng cỏ ngọt làm chất thay thế đường có thể mang lại sự thay đổi lớn.”

“Đó là yếu tố thay đổi cuộc chơi,” ông nói với The Epoch Times.

Đó là bởi thành phần chính của cỏ ngọt có tác dụng tích cực đến hệ nội tiết của con người, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường. Ngoài việc nghiên cứu hiệu quả và kỹ thuật chiết xuất cỏ ngọt, ông Jeppesen còn tham gia vào các thí nghiệm liên quan về thuốc chống tiểu đường.

Con người hiện đại có xu hướng tham gia quá ít hoạt động thể chất, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo.

Ông Jeppesen nói: “Cỏ ngọt có thể là một chất thay thế rất tốt cho loại đường mà chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều. Bằng cách thêm cỏ ngọt – thực sự có thể nâng cao sức khỏe cộng đồng, vì lượng calo nạp vào sẽ giảm khi chúng ta tiêu thụ ít đường hơn.”

Cỏ ngọt có hiệu quả đến quá trình trao đổi chất, huyết áp và mỡ máu

Ngoài việc kiểm soát đường huyết sau bữa ăn và các tác dụng chống tiểu đường khác, cỏ ngọt có thể làm giảm huyết áp và mỡ máu.

Theo nghiên cứu đăng trên tập san Molecules (Phân tử) năm 2023, steviol glycoside có trong cỏ ngọt có thể điều chỉnh mức calcium trong máu, điều này có thể dẫn đến giãn mạch và giảm co thắt động mạch, cả hai đều góp phần làm giảm huyết áp.

Các nhà nghiên cứu ở Đài Loan tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược trên bệnh nhân tăng huyết áp, trong đó 174 bệnh nhân tăng huyết áp được chia thành hai nhóm. Một nhóm uống viên nang steviol glycoside ba lần một ngày, mỗi viên chứa 500mg steviol glycoside, trong khi nhóm còn lại dùng giả dược. Hai năm sau, những người dùng steviol glycoside cho thấy huyết áp được cải thiện đáng kể. Huyết áp tâm thu của họ giảm từ mức trung bình 150 xuống 140 mm Hg và huyết áp tâm trương của họ giảm từ mức trung bình 95 xuống 89 mm Hg.

Đáng chú ý, tác dụng có lợi của steviol glycoside đối với bệnh nhân tăng huyết áp được quan sát thấy khoảng một tuần sau khi bắt đầu thí nghiệm và tiếp tục trong toàn bộ nghiên cứu. Ngoài ra, nhóm dùng steviol glycoside cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống nói chung, được đo bằng một cuộc khảo sát.

Phân tích gộp đăng trên tập san Nutrients (Dinh dưỡng) bao gồm bảy nghiên cứu và chín thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với 462 người tham gia. Phân tích cho thấy so với dùng giả dược, steviol glycoside làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu 6.32mm Hg và huyết áp tâm trương 3.6mm Hg. Ngoài ra, chỉ số khối cơ thể, lượng đường huyết lúc đói và cholesterol toàn phần cũng giảm không đáng kể.

Cỏ ngọt cũng có thể làm giảm mỡ máu. Một tổng quan y văn cho thấy rằng việc tiêu thụ chiết xuất cỏ ngọt có thể làm tăng đáng kể mức độ lipoprotein mật độ cao (“cholesterol tốt”) và giảm mức cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và lipoprotein mật độ thấp (“cholesterol xấu”).

Cỏ ngọt có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa

Cỏ ngọt chứa hơn 100 hợp chất, nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe. Ngoài chất làm ngọt tự nhiên và các nguyên tố vi lượng khác nhau, cỏ ngọt còn chứa terpen, sterol, tannin, acid dễ bay hơi, flavonoid, vitamin, enzyme, acid hữu cơ và polysacarit, tất cả đều có hoạt tính sinh học.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp san Molecules (Phân tử,) steviol glycoside được chứng minh có tác dụng ngăn chặn và kiểm soát các yếu tố gây viêm tế bào. Chúng cũng đóng vai trò bảo vệ gan bằng cách ngăn ngừa tình trạng viêm và được chứng minh có tác dụng gia tăng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể.

Ngoài ra, steviol glycoside còn có đặc tính chống oxy hóa. Nghiên cứu được công bố trên Molecules vào năm 2023 chứng minh rằng chúng có thể bảo vệ tế bào tim khỏi bị tổn thương do hydrogen peroxide gây ra, giúp tăng cường sức sống và cải thiện khả năng chống oxy hóa. Chúng cũng có thể ngăn ngừa tổn thương DNA do oxy hóa ở gan và thận.

Tác dụng phụ tối thiểu

Theo một bài báo đăng trên tập san Experimental and Clinical Sciences (EXCLI) (Khoa học Thực nghiệm và Lâm sàng), người Paraguay đã tiêu thụ cỏ ngọt trong suốt hơn 1,500 năm mà hầu như không có tác dụng phụ nào được báo cáo. Ngoài ra, một tổng quan y văn cho thấy hầu hết các báo cáo về việc tiêu thụ cỏ ngọt không nếu ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), steviol glycoside có độ tinh khiết cao thường được công nhận là an toàn (GRAS). Nhưng lá cỏ ngọt và chiết xuất cỏ ngọt thô không được chứng nhận an toàn GRAS “do không đủ thông tin về độc tính.” FDA cho biết họ phải tuân theo các quy định về phụ gia thực phẩm chứ không phải thành phần ăn kiêng và thực phẩm bổ sung.

Ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc và Brazil, các sản phẩm có nguồn gốc từ lá cỏ ngọt được chấp thuận sử dụng làm chất tạo ngọt trong thực phẩm. Các sản phẩm này được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm cả trà.

Lượng steviol glycoside được chấp nhận hàng ngày, theo định nghĩa của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và Cơ quan An toàn Thực phẩm Âu Châu, là 4mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Ông Jeppesen cho biết, các cơ quan này phải mất hơn 10 năm mới tiến hành đánh giá nghiêm ngặt trước khi đưa cỏ ngọt vào danh mục phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, chiết xuất cỏ ngọt đã được sử dụng rộng rãi như chất làm ngọt ở Nhật Bản từ những năm 1980.

Một nghiên cứu trên chuột trước đó được đề cập trên tập san EXCLI cho thấy cỏ ngọt có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, ông Jeppesen cho rằng kết quả cuối cùng của những nghiên cứu này nhìn chung không được chấp nhận.

Cây cỏ ngọt. (Ảnh: casa.da.photo/Shutterstock)
Cây cỏ ngọt. (Ảnh: casa.da.photo/Shutterstock)

Cách chọn chất làm ngọt từ cỏ ngọt

Dù cỏ ngọt có nhiều lợi ích nhưng không phải tất cả các sản phẩm cỏ ngọt được bán đều có chất lượng cao.

Một số sản phẩm được phát hiện có chứa chất làm ngọt nhân tạo natri saccharin và natri cyclamate. Ngoài ra, chiết xuất cỏ ngọt thô có thể có khả năng gây dị ứng cao hơn chất làm ngọt cỏ ngọt có độ tinh khiết cao chứa ít nhất 95% steviol glycoside.

Vì cỏ ngọt rất ngọt nên hầu hết các sản phẩm cỏ ngọt được bán trong siêu thị đều là công thức pha trộn. Steviol glycoside thường chỉ chiếm khoảng 1% sản phẩm dạng bột, trong khi thành phần còn lại thường là rượu đường như erythritol và xylitol. Một số sản phẩm cũng có thể chứa sự kết hợp của steviol glycoside và đường mía hoặc đường thô.

Các sản phẩm cỏ ngọt dạng lỏng chủ yếu chứa nước và cũng có thể chứa một số chất bảo quản như rượu. Các sản phẩm không màu và trong suốt được bào chế bằng cách sử dụng steviol glycoside làm nguyên liệu thô; các sản phẩm có màu xanh lá cây có nhiều khả năng được chiết xuất trực tiếp từ cây cỏ ngọt.

Ông Jeppesen khuyến nghị nên chọn sản phẩm kết hợp chất xơ hòa tan và steviol glycoside để có vị ngọt không chứa calo và bổ sung thêm chất xơ. Ngoài ra, phương pháp sử dụng và bào chế các sản phẩm này cũng tương tự như đường, khiến chúng trở thành một lựa chọn thay thế thiết thực để sử dụng trong nấu ăn.

Một số sản phẩm cỏ ngọt có vị kim loại hoặc vị đắng do hợp chất stevioside.

Ông Jeppesen cho rằng hương vị của sản phẩm steviol glycoside sẽ tiếp tục được cải thiện khi công nghệ chiết xuất tiến bộ. Trên thực tế, dư vị của vị kim loại hoặc vị đắng giờ đây có thể được loại bỏ. Trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều sản phẩm steviol glycoside để bạn lựa chọn.

Mẹo trồng cây cỏ ngọt tại nhà

Làm thế nào có thể trồng cây cỏ ngọt tại nhà?

Cỏ ngọt là một loại cây khỏe mạnh sẽ phát triển mạnh trong điều kiện thích hợp. Nếu được cung cấp đủ ánh sáng và đất xốp, thoát nước tốt, cây cỏ ngọt sẽ ra nhiều lá hơn với hàm lượng steviol glycoside cao hơn.

Lá cỏ ngọt chứa tám loại steviol glycoside khác nhau và rebaudioside A được cho là có hương vị dễ chịu hơn stevioside. Một số giống cỏ ngọt chất lượng cao có hàm lượng rebaudioside A cao hơn stevioside đã được phát triển trong những năm gần đây.

Khi hoa cỏ ngọt nở, lá bớt ngọt. Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tập san Applied Microbiology and Biotechnology (Ứng dụng Vi sinh và Công nghệ sinh học), điều này là do hàm lượng hợp chất ngọt trong lá cỏ ngọt sẽ giảm đáng kể trong quá trình ra hoa.

Lá cỏ ngọt chứa tám glycoside steviol khác nhau. (Ảnh: Take Photo/Shutterstock)
Lá cỏ ngọt chứa tám glycoside steviol khác nhau. (Ảnh: Take Photo/Shutterstock)

Việc điều chỉnh mực nước tưới và bón phân hữu cơ dựa trên nhiệt độ và độ ẩm cũng rất cần thiết. Cỏ ngọt không chịu lạnh nên cần phải chuyển cây vào nhà vào mùa đông hoặc phủ một lớp rơm rạ dày vào gốc cây để cách nhiệt.

Đối với những người trồng thiếu kinh nghiệm, việc bắt đầu bằng hạt cỏ ngọt có chút khó khăn vì hạt khá khó nảy mầm; có thể thuận tiện hơn nếu nhân giống cỏ ngọt bằng cách giâm cành hoặc mua trực tiếp cây giống cỏ ngọt.

Tiếp theo: Cũng như cỏ ngọt, một chất làm ngọt tự nhiên khác đã thu hút được sự chú ý rộng rãi, có thể giúp kiểm soát lượng đường và mỡ trong máu, thể hiện tác dụng kháng virus tiềm năng chống lại COVID-19 và thậm chí còn chứng minh đặc tính chống ung thư.

Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Flora Zhao
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Flora Zhao là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Để tham khảo thêm các mẹo bổ ích, bạn có thể gửi email theo địa chỉ: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn