Cơn đau do nhiễm trùng đường tiểu không ngừng khi dùng kháng sinh, nghiên cứu mới làm sáng tỏ lý do

Cơ chế liên quan đến tế bào mast và yếu tố tăng trưởng thần kinh đang mở đường cho các phương pháp điều trị nhiễm trùng tiết niệu (NTTN) tốt hơn.

Mặc dù thuốc kháng sinh có thể loại bỏ nhiễm trùng đường tiết niệu (NTTN), nhiều người vẫn phải chịu đựng những triệu chứng dai dẳng, khốn khổ và các bác sĩ không hiểu tại sao. Nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu có thể đã tìm ra thủ phạm: sự phát triển quá mức của thần kinh.

Bằng cách nghiên cứu trên mẫu chuột và người, họ phát hiện ra rằng nhiễm trùng tiểu lặp đi lặp lại sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch phóng thích yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF), khiến các dây thần kinh đau mọc thêm mới trong bàng quang.

Phát hiện này cuối cùng có thể giải thích nỗi đau mà hàng triệu người phải trải qua mỗi ngày và mở đường cho việc ngăn chặn vòng luẩn quẩn của nỗi đau do NTTN tái phát.

Chỉ thuốc kháng sinh thường là chưa đủ

Mặc dù thuốc kháng sinh thường làm sạch NTTN nhưng nhiều người lại cảm thấy đau kéo dài sau đó. Thường do vi khuẩn E. coli gây ra từ phân, NTTN dẫn đến tiểu đau buốt, đi tiểu thường xuyên và ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ: Khoảng 50% đến 60% bị bệnh này trong đời, với ít nhất 25% phụ nữ bị nhiễm trùng tái phát trong vòng sáu tháng.

NTTN tái phát thường được định nghĩa là bị bệnh ba lần trở lên mỗi năm hoặc hai lần trở lên trong sáu tháng, Tiến sĩ Jason Kim, bác sĩ tiết niệu và giám đốc Trung tâm Sức khỏe vùng chậu & Khả năng kiểm soát chủ động của Y học Phụ nữ Stony Brook, nói với The Epoch Times. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn là dùng thuốc kháng sinh nhắm vào loại vi khuẩn có liên quan.

Tuy nhiên, điều này thường không giải quyết được tình trạng khó chịu dai dẳng sau khi hết nhiễm trùng, đồng thời lạm dụng kháng sinh có nguy cơ sinh sản vi khuẩn kháng thuốc.

Một nghiên cứu Khoa học Miễn dịch học gần đây có thể giải thích bí ẩn này, đồng thời có khả năng hướng dẫn cho sự ra đời các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Cơn đau NTTN dai dẳng sau khi dùng kháng sinh có liên quan đến sự phát triển thần kinh

Các nhà khoa học đã nghiên cứu lý do tại sao cơn đau vẫn tồn tại sau khi loại bỏ vi khuẩn gây NTTN bằng kháng sinh. Họ thu thập mẫu nước tiểu của những phụ nữ bị NTTN tái phát và so sánh chúng với mẫu của những phụ nữ không bị nhiễm trùng tái phát, cuối cùng phát hiện ra các dấu hiệu kích hoạt thần kinh.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các nhà khoa học đã gây ra nhiễm trùng đường tiểu ở chuột. So với những con chuột không bị nhiễm trùng đường tiết niệu, những con chuột bị nhiễm bệnh có biểu hiện phát triển thần kinh đáng kể.

Để xác định nguyên nhân, các nhà nghiên cứu đã nhiều lần cho nhiễm vi khuẩn E. coli vào bàng quang chuột và điều trị bằng kháng sinh. Ngay cả sau khi loại bỏ được vi khuẩn, những con chuột vẫn tiếp tục biểu hiện các triệu chứng nhiễm trùng tiểu, bao gồm đi tiểu thường xuyên và nhạy cảm vùng chậu.

Phân tích sâu hơn cho thấy những con chuột trải qua ba chu kỳ nhiễm trùng/điều trị đã phát triển quá mức dây thần kinh tương tự như những gì được quan sát thấy trong sinh thiết ở người. Ngược lại, những con chuột chỉ bị nhiễm bệnh một lần không có biểu hiện thần kinh quá mức.

Các phát hiện cho thấy nhiễm trùng do vi khuẩn lặp đi lặp lại có thể kích hoạt tế bào mast, tế bào bạch cầu tiết ra yếu tố tăng trưởng thần kinh, một hợp chất kích thích sự phát triển thần kinh và có thể làm giảm ngưỡng đau của bàng quang.

Phòng ngừa NTTN tái phát

NTTN thường gây nóng rát khi đi tiểu, đau vùng chậu và tiểu thường xuyên và tiểu gấp. NTTN không được điều trị khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai.

Tiến sĩ Kim cho biết, nhiễm trùng không được điều trị có thể lan đến thận, gây viêm thận bể thận, có khả năng dẫn đến suy thận.

Ở những bệnh nhân lớn tuổi, nhiễm trùng đường tiểu không được phát hiện có thể gây nhiễm trùng hệ thống ảnh hưởng đến toàn bộ đường tiết niệu, dẫn đến nhiễm trùng huyết, rối loạn chức năng cơ quan và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ông lưu ý rằng những thay đổi về trạng thái tâm thần thường là dấu hiệu đầu tiên của nhiễm trùng tiểu ở người lớn tuổi.

Có nhiều nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Tiến sĩ Kim cho biết, bước đầu tiên là đánh giá đầy đủ để xác định nguyên nhân. Ông giải thích, nếu không tìm thấy căn nguyên nào và một người bị từ 3 lần nhiễm trùng tiểu trở lên mỗi năm, thì sẽ có các chiến lược khác.

Một chiến lược là điều chỉnh hành vi, bắt đầu bằng việc đánh giá số lần bệnh nhân đi tiểu. Tiến sĩ Kim nói, “Chúng tôi thực sự thấy điều này ở nhiều giáo viên và y tá, họ không có thời gian để đi tiểu và họ có thể không đi tiểu cả ngày. Tôi có thể yêu cầu họ đi tiểu thường xuyên hơn để bàng quang trống rỗng.”

Đối với những phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu khiến bàng quang không rỗng hoàn toàn (đi tiểu không hết), bác sĩ Kim khuyên nên tập vật lý trị liệu sàn chậu. Điều này cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ vật lý trị liệu để đánh giá kỹ lưỡng và lập kế hoạch điều trị cá nhân.

Một chiến lược khác là uống thêm nhiều nước. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng năm 2018 cho thấy những bệnh nhân uống ít hơn 1.5 lít nước mỗi ngày (tương đương 6 ly), khi tăng lượng nước uống vào sẽ giảm nguy cơ viêm bàng quang tái phát.

Theo Tiến sĩ Kim, thực phẩm bổ sung nam việt quất – một phương pháp điều trị cũ có hiệu quả đáng ngạc nhiên nhờ hợp chất thực vật proanthocyanidins (PAC) – cũng là một lựa chọn. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy các sản phẩm từ nam việt quất chứa 36 miligram PAC hòa tan có thể ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu khi sử dụng hai lần mỗi ngày trong bảy ngày.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn