Đau khổ vì đi tiểu thường xuyên? 2 bài tập có thể giúp ích

Giáo sư và bác sĩ nổi tiếng người Nhật giới thiệu phương pháp tập luyện cơ bàng quang và cơ sàn chậu để giải quyết những vấn đề này.

Khi chúng ta có tuổi, các vấn đề về tiết niệu như tiểu gấp, tiểu nhiều lần, són tiểu và tiểu đêm (thức dậy vào ban đêm để đi tiểu) trở nên phổ biến hơn dẫn đến sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như chất lượng cuộc sống giảm sút. Nhiều người gặp vấn đề này nhưng lại thấy khó khăn để nói về tình trạng của mình. Do đó, họ không tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.

Một giáo sư và bác sĩ nổi tiếng người Nhật đề nghị các bài tập luyện cơ bàng quang và cơ sàn chậu giúp giải quyết những vấn đề này.

Một cuộc khảo sát gần đây do Hiệp hội chức năng tiết niệu Nhật Bản thực hiện, cho thấy việc đi tiểu thường xuyên tương đối phổ biến ở những người từ 40 tuổi trở lên, với gần 40 triệu người gặp phải tình trạng này vào ban ngày và 45 triệu người phải đối mặt với tình trạng này vào ban đêm.

Satoru Takahashi, một bác sĩ nổi tiếng người Nhật Bản và là chủ tịch Khoa Tiết niệu tại Trường Y thuộc Đại học Nihon cho biết chứng bàng quang hoạt động quá mức là một bệnh lý cản trở khả năng lưu trữ nước tiểu đầy đủ của bàng quang, gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như đi tiểu thường xuyên, tiểu gấp và rò rỉ nước tiểu không tự chủ khi không kịp đến nhà vệ sinh (còn gọi là són tiểu cấp kỳ).

Một nghiên cứu tổng quan công bố trên Current Urology (Tập san Tiết niệu Hiện tại) năm 2018 cho thấy, tỷ lệ bị chứng rối loạn bàng quang hoạt động quá mức ước tính là khoảng 16.5%. Tuy nhiên, con số này có thể không phản ánh chính xác thực tế vì nhiều người tránh tìm kiếm sự chăm sóc y tế do bối rối hoặc thiếu nhận thức.

Một bảng câu hỏi khảo sát được thực hiện vào năm 2022 dành cho các độc giả của hai tờ báo Nikkei Gooday và Nikkei Business, cho thấy gần 50% số người tham gia khảo sát thừa nhận họ không tìm kiếm lời khuyên y tế cho các vấn đề tiết niệu của mình. Đáng chú ý, cuộc khảo sát cũng cho thấy người càng cao tuổi càng ít có khả năng tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ—với 63,5% những người từ 50 đến 60 tuổi; 56.7% từ 60 đến 70 tuổi và 42.6% từ 70 đến 80 tuổi—chưa bao giờ tìm kiếm lời khuyên y tế cho các vấn đề tiết niệu của họ.

Cô Noriko Hanada, một cư dân ở Kyushu, Nhật Bản, nói với The Epoch Times rằng kể từ khi bước sang tuổi 40, cô đã phải vật lộn với chứng tiểu đêm, cảm giác muốn đi vệ sinh nhiều lần mỗi đêm. Cô nói rằng ngay khi trở mình trên giường, cô cảm thấy muốn đi tiểu và không thể nhịn tiểu được. Tuy nhiên, cô Hanada không đi khám bệnh mà thay vào đó là mua thuốc lợi tiểu ở hiệu thuốc. Mặc dù thuốc này làm giảm thiểu các triệu chứng nhưng không giải quyết được nguyên nhân căn bản. Sau khi ngưng dùng thuốc, các triệu chứng tái phát. Kể từ đó, cô Hanada đã cố gắng giảm lượng nước uống sau bữa tối và đi bộ thường xuyên hơn. Mặc dù điều này đã mang lại một số cải thiện nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết.

Hiện có nhiều phương pháp điều trị tình trạng bàng quang hoạt động quá mức. Bệnh nhân có một số lựa chọn, từ phẫu thuật đến dùng thuốc và điều chỉnh lối sống. Đối với những người tìm kiếm một phương pháp tiếp cận không xâm lấn, bác sĩ Takahashi đặc biệt khuyến khích tập luyện cơ bàng quang và cơ sàn chậu. Ông nói rằng phương pháp điều trị này đặc biệt thuận lợi vì ít tác dụng phụ và có thể kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Phương pháp tập luyện cơ bàng quang

Khi quý vị cảm thấy muốn đi vệ sinh, hãy thắt chặt niệu đạo trong khoảng 5 giây để giảm cảm giác muốn đi tiểu. Mục tiêu ban đầu là đi tiểu trong khoảng thời gian từ 1.5 đến 2 tiếng đồng hồ, sau đó dần dần kéo dài thời gian giữa các lần đi vệ sinh thêm 5 hoặc 10 phút, cho đến khi quý vị chỉ cần đi vệ sinh 3 – 4 tiếng/một lần.

Phương pháp tập luyện cơ sàn chậu cho phụ nữ

Cơ sàn chậu của phụ nữ có chức năng hỗ trợ bàng quang và niệu đạo đôi giãn ra do mang thai, sinh nở, lượng estrogen giảm, dẫn đến rò rỉ [nước tiểu] khi ho, hắt hơi, cười lớn hoặc do nâng vật nặng tạo áp lực lên vùng bụng.

Việc tập luyện cơ sàn chậu có thể được chia thành hai tư thế chính: nằm ngửa và ngồi. Quý vị có thể chọn kết hợp cả hai hoặc tập trung vào một tư thế. Điều quan trọng là thực hiện đều đặn các bài tập từ 3 đến 4 hiệp mỗi ngày ít nhất trong một tháng.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Tư thế nằm ngửa

  • Bước 1: Giữ tư thế nằm ngửa với hai chân cách nhau rộng bằng vai và gập đầu gối.
  • Bước 2: Co cơ hậu môn, âm đạo và niệu đạo trong 5 giây, sau đó thả lỏng trong 5 giây, lặp lại chu trình này 10 lần.
  • Bước 3: Tăng nhịp độ thực hiện bước 2. Lặp lại trình tự này 10 lần.
  • Bước 4: Một hiệp có tổng cộng 20 lần lặp lại bao gồm cả bước 2 và 3.

Tư thế ngồi

  • Bước 1: Ngồi trên ghế, hai chân rộng bằng vai.
  • Bước 2: Co cơ hậu môn, âm đạo và niệu đạo trong 5 giây, sau đó thả lỏng trong 5 giây, lặp lại chu trình này 10 lần.
  • Bước 3: Tăng nhịp độ thực hiện bước 2. Lặp lại trình tự này 10 lần.
  • Bước 4: Một hiệp có tổng cộng 20 lần lặp lại bao gồm cả bước 2 và 3.

Ngoài ra, hàng ngày bạn nên kết hợp với các bài tập chi dưới cũng có thể làm giảm chứng rối loạn tuần hoàn máu vùng chậu, một yếu tố góp phần gây ra rối loạn bàng quang hoạt động quá mức. Cụ thể, tham gia vào các hoạt động như đi bộ, ngồi xổm và dùng cơ đùi trong trong khoảng một giờ mỗi ngày có thể mang lại kết quả tốt.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Kane Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn