Bản tin đặc biệt

Dịch bệnh đang âm thầm ăn mòn tâm trí của người Mỹ

Một sự thay đổi đột ngột, chưa từng hiện hữu trên các chứng rối loạn tâm thần khiến các nhà khoa học lo lắng về ý nghĩa của nó

Billy là một cậu bé 10 tuổi sáng sủa có cha mẹ đều tốt nghiệp trường Đại học Ivy-League. Cậu bé học hành thông minh – đạt điểm A ở trường – nhưng lại thiếu kiến thức xã hội.

Cậu bé chơi thể thao cũng kém. Billy thường xuyên nói dối và gian lận khi chơi trò chơi board game hoặc tham gia các hoạt động nhóm. Cậu sẽ hoàn toàn suy sụp mỗi khi thua cuộc. Những người bạn chơi với cậu từ hồi mẫu giáo bắt đầu mất kiên nhẫn với cậu. Cha mẹ cậu nhận ra rằng họ cần phải làm gì đó cho con trai mình.

Vì vậy, cha mẹ Billy đã đưa cậu đến gặp bác sĩ Victoria Dunckley, một bác sĩ tâm thần nhi khoa chuyên về sử dụng màn hình.

Sau bốn tuần “không sử dụng màn hình” theo quy định của Tiến sĩ Dunckley, loại bỏ tất cả TV, điện thoại và trò chơi điện tử, các vấn đề của bé Billy đã được giải quyết một cách kỳ diệu. Cha mẹ cậu rất hài lòng nên họ quyết định tiếp tục duy trì việc cai nghiện màn hình.

Sau sáu tháng, bạn bè của Billy không còn tránh né cậu nữa và tinh thần thể thao của cậu đã được cải thiện rõ rệt. Billy quyết định tranh cử chức lớp trưởng và có bài phát biểu, điều mà trước đây đã làm cho cậu khiếp sợ.

Bé Billy là một trong nhiều bệnh nhân của bác sĩ Dunckley đã cải thiện được các vấn đề về tâm thần và hành vi sau khi loại bỏ hoặc giảm đáng kể thời gian sử dụng màn hình.

Việc sử dụng màn hình quá nhiều đã trở thành một dịch bệnh âm thầm ăn mòn cuộc sống và ít người có thể cưỡng lại được. Cuộc khảo sát năm 2012 của Gallup cho thấy khoảng 60% thanh niên thừa nhận dành quá nhiều thời gian trên Internet; một cuộc khảo sát tiếp theo ước tính rằng 83% người dùng điện thoại thông minh nói rằng họ luôn để điện thoại bên mình “gần như suốt thời gian thức.”

Màn hình có thể kích thích quá mức bộ não của chúng ta, dẫn đến việc bộ não phải thường xuyên ở trong tình trạng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Sau đó khiến chúng ta dễ bị suy sụp, trầm cảm và lo lắng khi xảy ra ngay cả những thay đổi nhỏ trong môi trường.

Vấn đề đang trầm trọng hơn

Mối liên quan ban đầu giữa thời gian sử dụng thiết bị và sức khỏe tâm thần kém được phát hiện thông qua các nghiên cứu thế hệ của Jean Twenge – Tiến sĩ tâm lý học và là giáo sư tâm lý học tại San Diego State University.

“Tôi đã quen với những thay đổi từ từ và đều đặn theo thời gian,” nhưng sau năm 2010, “tôi bắt đầu thấy một số thay đổi đột ngột hơn nhiều – tôi thực sự chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy,” cô Twenge nói trong chương trình TEDx.

Vào khoảng năm 2010, việc sử dụng mạng xã hội và internet đã tăng lên đáng kể, kéo theo đó là sự gia tăng tỷ lệ bệnh nhân bị trầm cảm nặng. (Ảnh: The Epoch Times)
Vào khoảng năm 2010, việc sử dụng mạng xã hội và internet đã tăng lên đáng kể, kéo theo đó là sự gia tăng tỷ lệ bệnh nhân bị trầm cảm nặng. (Ảnh: The Epoch Times)

Từ năm 2005 đến 2012, sự thay đổi về tỷ lệ của các giai đoạn trầm cảm ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi hầu như không vượt quá 1%. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến năm 2017, mức tăng gần 4%.

Ngoài ra, ngày càng có ít thanh thiếu niên ra ngoài hoặc đọc sách, trong khi thời gian dành cho mạng xã hội và internet đang tăng lên đáng kể.

Năm 2008, nhà trị liệu tâm lý Tom Kersting, người từng là cố vấn học đường trong 25 năm, đã chứng kiến sự gia tăng các chẩn đoán về rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em trên 8 tuổi.

ADHD thường được phát hiện ở thời thơ ấu, sau khi trẻ bắt đầu đi học. Tuy nhiên, ông cũng thấy rằng, chứng bệnh này ngày càng xuất hiện nhiều ở tuổi thanh thiếu niên và người lớn. Mặc dù có thể một số thanh thiếu niên này đã bị các bác sĩ lâm sàng bỏ sót khi còn nhỏ, nhưng ông Kersting nghi ngờ rằng, có thể nguyên nhân một số trẻ bị các triệu chứng ADHD là do sử dụng màn hình.

Chẩn đoán ADHD đang gia tăng. (Ảnh: The Epoch Times)
Chẩn đoán ADHD đang gia tăng. (Ảnh: The Epoch Times)

Vào khoảng năm 2012 có 30% thanh thiếu niên có điện thoại thông minh, khi đó ông bắt đầu nhận thấy có các hành vi nổi loạn và chứng rối loạn lo âu ngày càng phổ biến ở trẻ em. Thanh niên và thanh thiếu niên hiện nay cũng có xu hướng chống đối xã hội hơn và giảm khả năng phục hồi cảm xúc, điều này có thể liên quan đến việc giao tiếp trực tiếp không đủ do dành phần lớn thời gian với màn hình.

Ông Kersting nói với The Epoch Times, “Không chỉ là mất đi một lượng thời gian cho thế giới mạng, mà còn là những điều mà họ đã bỏ lỡ như: vui chơi bên ngoài và học tập xã hội.”

Trong thời kỳ đại dịch, thời gian sử dụng thiết bị của thanh thiếu niên đã tăng gấp đôi.

Dịch bệnh đang âm thầm ăn mòn tâm trí của người Mỹ

Một số nghiên cứu điều tra về chứng nghiện internet ở trẻ em trong thời kỳ đại dịch và một nghiên cứu lớn được thực hiện ở người lớn vào năm 2021 cho thấy rằng, những người lớn được coi là có nguy cơ nghiện internet có khả năng bị trầm cảm cao gấp 2.3 lần và rơi vào tình trạng lo lắng cao gấp 1.9 lần so với dân số chung. Hơn nữa, những người nghiện hoặc nghiện nặng có nhiều khả năng bị cả hai chứng trầm cảm và lo lắng gấp 13 lần.

Chuyển nhanh sang thời kỳ hậu đại dịch, với một báo cáo từ giáo viên rằng thế hệ mới nhất – Gen Alpha, còn được gọi là “những đứa trẻ iPad” – có thái độ hung hăng, vô kỷ luật và điều chỉnh cảm xúc kém trong lớp học.

Tiến sĩ Clifford Sussman, một bác sĩ tâm thần chuyên về chứng nghiện màn hình, đã tập trung vào việc điều trị tình trạng này do nhu cầu ngày càng tăng. Đặc biệt là sau đại dịch, “nhu cầu trợ giúp giải quyết vấn đề này bùng nổ,” ông nói với The Epoch Times.

Màn hình thu hút bạn như thế nào

Các hoạt động trên màn hình – cho dù là các trò chơi điện tử, mạng xã hội, lướt internet hay video phát trực tuyến – đều cung cấp một lối thoát. Các hoạt động này cũng có tác dụng kích thích bộ não một cách mạnh mẽ do màu sắc chói lọi và khả năng tích hợp liền mạch với thế giới ảo, giáo sư và nhà trị liệu tâm lý David Rosenfeld tại Đại học Buenos Aires nói với The Epoch Times.

Khi được tiếp xúc với bất kỳ điều gì mới mẻ và thú vị,bộ não sẽ tiết ra dopamin và bất cứ điều gì kích thích bộ não tiết ra dopamine đều có thể gây nghiện. Dopamin tạo ra cảm giác vui sướng, trong khi sự sụt giảm của dopamin lại liên quan đến sự cáu kỉnh và khó chịu.

Dopamine tạo ra cảm giác vui sướng, trong khi sự sụt giảm của dopamin lại có liên quan đến sự cáu kỉnh và khó chịu. (Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
Dopamine tạo ra cảm giác vui sướng, trong khi sự sụt giảm của dopamin lại có liên quan đến sự cáu kỉnh và khó chịu. (Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)

Các hoạt động trên màn hình đã được thiết kế để thu hút sự chú ý của chúng ta bằng cách thường xuyên cung cấp cho chúng ta những liều dopamin. Giống như chơi một trò chơi điện tử video nhập vai đã mang lại cho bạn cảm giác hồi hộp khi được lên cấp, đánh bại ông chủ, hoặc tìm được vật phẩm mới, màn hình sẽ lôi kéo bạn dành nhiều thời gian hơn nữa trong thế giới ảo.

“Trò chơi điện tử video bị chi phối bởi những quy tắc vi mô,” Bennett Foddy, người dạy thiết kế trò chơi tại Trung tâm Trò chơi của Đại học New York, cho biết trong cuốn sách “Không Thể Cưỡng lại: Sự Trỗi Dậy Của Công Nghệ Gây Nghiện và Các Cách Thức Làm Cho Chúng Ta Bị Sập Bẫy” của tác giả Adam Alter, như được trích dẫn trên tập san The Guardian.

Những quy tắc vi mô này có thể là một tiếng động “ding” hoặc một cú chớp đèn flash trắng bất cứ khi nào nhân vật di chuyển qua một ô vuông cụ thể và được đồng bộ hóa với hành động của người chơi để họ cảm thấy họ chính là người tạo ra điều đó. Phản hồi vi mô này sinh ra cảm giác phần thưởng, lôi kéo mọi người tiếp tục chơi.

Hệ thống này cũng có thể giải thích tại sao các hoạt động trên màn hình tương tác có thể gây ra nhiều vấn đề hơn cho trẻ em so với các hoạt động trên màn hình thụ động, như xem TV.

Tiến sĩ Dunckley đã lưu ý rằng, đối với trẻ em, trong khi phải mất hai giờ xem TV mới xuất hiện các dấu hiệu rối loạn điều hòa thì chỉ với 30 phút hoạt động trên màn hình tương tác đã đủ kích thích để các dấu hiệu đó xảy ra.

Nhiều trò chơi điện tử video cũng áp dụng các chiến lược trong cờ bạc, chẳng hạn như phần thưởng loot-box, trong đó người chơi được thưởng theo các khoảng thời gian ngẫu nhiên trong suốt trò chơi. Vì người chơi không biết khi nào phần thưởng tiếp theo sẽ đến nên họ càng bị buộc phải tiếp tục chơi – ngay cả khi họ không thích thú.

Chiến lược này xuất phát từ nghiên cứu của nhà tâm lý học Burrhus Frederic Skinner. Skinner đặt chim bồ câu vào một chiếc hộp có nút bấm, và thưởng thức ăn cho chúng bất cứ khi nào chúng ấn vào nút bấm. Ông phát hiện ra rằng những con chim bồ câu được thưởng không thường xuyên sẽ bị ép nhấn nút nhiều hơn những con được thưởng mỗi lần nhấn nút.

Sự ép buộc này cũng tồn tại ở con người.

Một đứa trẻ chơi trò chơi điện tử tại hội chợ thương mại ở Milan, Ý, vào ngày 22/11/2013. (Ảnh: Tinxi/Shutterstock)
Một đứa trẻ chơi trò chơi điện tử tại hội chợ thương mại ở Milan, Ý, vào ngày 22/11/2013. (Ảnh: Tinxi/Shutterstock)

Các bài đăng trên mạng xã hội chia thông tin thành những phần nhỏ, nuôi dưỡng người dùng bằng từng liều dopamin xuất hiện đột ngột qua từng bài đăng, lượt thích và bình luận.

Hơn nữa, mạng xã hội đã được thiết kế để thiếu đi những tín hiệu dừng lại tự nhiên vốn có trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.

Dù là một bài báo, một cuốn sách hay một bộ phim thì cũng luôn có hồi kết. Do đó, người ta được phép chọn một hoạt động khác khi kết thúc một bài viết, chương trình hay bộ phim. Tuy nhiên, với mạng xã hội, người ta có thể cuộn mãi mà không đến nội dung kết thúc.

Lướt Internet cũng không khác. Bạn đưa một từ vào công cụ tìm kiếm và kết quả cũng như các liên kết liên quan xuất hiện bất tận.

Khi thời gian xem màn hình chiếm lấy thời gian của ‘con người’

Khả năng được xã hội chấp nhận và tính phổ biến của màn hình thường khiến mọi người khó nhận ra rằng thời gian xem màn hình của họ có thể đang vượt quá tầm kiểm soát.

Cho đến nay, không có tiêu chí nhất quán nào về việc nghiện màn hình, nhưng ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy nhiều người Mỹ gặp vấn đề khi sử dụng màn hình.

Dịch bệnh đang âm thầm ăn mòn tâm trí của người Mỹ

Cố vấn Hilarie Cash, người đồng sáng lập reSTART Life, một trung tâm điều trị chứng nghiện công nghệ tại nhà, nói với The Epoch Times rằng việc xem màn hình được xem là có vấn đề khi làm mất thời gian cần thiết cho hoạt động bình thường của con người.

Mọi người cần ngủ khoảng 8 tiếng mỗi ngày và thời gian làm việc trung bình là 8.5 giờ. Họ cũng cần thời gian để giao lưu, tập thể dục, ăn uống, tắm rửa và quản lý các công việc cũng như sở thích hàng ngày. Bảy giờ dùng màn hình hàng ngày có nghĩa là các hoạt động cần thiết đang bị giảm đi.

Ông Dino Ambrosi, người sáng lập chương trình 12 tuần giúp sinh viên đại học hạn chế thời gian dùng mạng xã hội, ước tính trong một bài nói chuyện trên diễn đàn TEDx rằng nếu hầu hết những người 18 tuổi thời nay sống đến 90 tuổi, họ sẽ còn 334 tháng rảnh rỗi trong đời.

Ông nói, những gì họ làm trong thời gian còn lại này “theo đúng nghĩa đen, sẽ quyết định con người mà bạn trở thành.” Tuy nhiên, ước tính của ông Ambrosi cho thấy khoảng 93% thời gian đó được dành cho màn hình – hầu hết là một cách không chủ ý.

Bà Cash, hiện sở hữu chương trình điều trị cho những người đang vật lộn với chứng nghiện nội dung khiêu dâm trên Internet và trò chơi điện tử bắt đầu từ những năm 1990, đã nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại.

Mặc dù những khách hàng trước đây của bà cũng trải qua những biến động lớn do nghiện màn hình nhưng họ vẫn có đủ kỹ năng sống. Ngược lại, nhiều khách hàng của bà thời nay thiếu những kỹ năng sống cần thiết như nấu ăn, giữ gìn vệ sinh cá nhân, kết thúc cuộc trò chuyện, tạo dựng những mối quan hệ có ý nghĩa, giữ việc làm, v.v. Điều trị cho những người này thực sự là thử thách hơn.

Một trong những lý do là vì họ đã được trao một công cụ để thoát khỏi những bất tiện và khó khăn trong cuộc sống ngay từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Bà Cash cho biết những người này gặp khó khăn trong việc xây dựng các kết nối xã hội, vượt qua các thử thách, và giữ được công việc – tất cả đều cần thiết trong việc giúp một người xây dựng cuộc sống bên ngoài thế giới ảo.

Dịch bệnh đang âm thầm ăn mòn tâm trí của người Mỹ

4 biểu hiện rối loạn tâm thần chính

Các nhà tâm lý học và giáo sư Daria Kuss và Mark Griffiths tại Đại học Nottingham Trent là một số nhà nghiên cứu hàng đầu đang điều tra tác động của việc xem màn hình.

Trong số 26 nhà trị liệu tâm lý điều trị cho những người nghiện internet mà bà Kuss và ông Griffiths khảo sát, một số người cho biết các vấn đề về sức khỏe tâm thần của bệnh nhân chắc chắn là do xem màn hình.

Một nhà trị liệu tâm lý cho biết: “Họ không bị chứng lo âu xã hội hoặc rối loạn lo âu tổng quát trước khi bắt đầu xem màn hình [nhiều].”

Tiến sĩ Sussman nói thêm rằng khi đã nghiện [xem màn hình], thường sẽ không thể điều trị khỏi các vấn đề về sức khỏe tâm thần nếu không giải quyết chứng nghiện trước.

Trầm cảm

Việc giải trí bằng xem màn hình kéo dài dẫn đến việc phóng thích dopamine kéo dài. Điều này có nghĩa là một người sẽ bị giảm dopamine khi ngừng xem. Mức dopamine thấp có liên quan đến tâm trạng cáu kỉnh và trầm cảm.

Với sự kích thích liên tục, cơ thể cuối cùng sẽ cố gắng tự điều hòa bằng cách làm giảm độ nhạy của đường dẫn truyền cảm giác vui sướng của bộ não. Do đó, để đạt được “mức cao” tương tự, người ta phải tăng mức độ nội dung kích thích (có thể phản cảm, dữ dội, hoặc bạo lực hơn) hoặc xem nhiều hơn. Và khi ngừng xem sẽ dẫn đến tâm trạng chán nản và chán nản hơn.

Đương nhiên, mọi người ít quan tâm đến các hoạt động ít kích thích hơn – như những niềm vui vốn có, những tương tác giữa người với người.

Việc xem màn hình cũng làm giảm tiết melatonin, có khả năng liên quan đến nhiều loại rối loạn tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm.

Kể từ năm 2010, ít thanh thiếu niên đi chơi với cha mẹ hơn và tỷ lệ trẻ em trầm cảm đã tăng lên. (Ảnh: Alain Jocard/AFP qua Getty Images)
Kể từ năm 2010, ít thanh thiếu niên đi chơi với cha mẹ hơn và tỷ lệ trẻ em trầm cảm đã tăng lên. (Ảnh: Alain Jocard/AFP qua Getty Images)

Lo lắng và cáu kỉnh

Việc xem màn hình sẽ khiến một người liên tục bị phân tâm.

Phương tiện truyền thông xã hội và việc lướt internet làm gián đoạn khoảng chú ý của một người, vì sự chú ý được chuyển hướng từ việc này sang việc khác. Nhà nghiên cứu Gloria Mark, người có bằng tiến sĩ tâm lý học, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên podcast “Nói về Tâm lý học”: “Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi tìm thấy mối tương quan giữa tần suất chuyển đổi sự chú ý và căng thẳng. Việc chuyển đổi sự chú ý xảy ra càng nhanh thì mức độ căng thẳng càng cao. Mức độ căng thẳng được đo bằng máy đo nhịp tim và tự báo cáo.

Kích thích từ màn hình cũng kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy và bài tiết adrenaline. Cơn tăng adrenaline này có thể gây ra cảm giác lo lắng hoặc phấn khích tột độ. Nhà trị liệu nghề nghiệp nhi khoa Cris Rowan, nhà phê bình về tác động của công nghệ đối với sự phát triển, hành vi và năng suất của con người, cho biết nếu trạng thái này kéo dài, có thể dẫn đến cạn kiệt adrenaline. Sự suy giảm adrenaline có thể khiến cơ thể tăng tiết cortisol. Cortisol là một loại hormone gây căng thẳng có liên quan đến chứng lo âu và rối loạn trầm cảm nặng.

Chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)

Một rối loạn chính liên quan đến việc lạm dụng màn hình là ADHD.

Tiến sĩ Andrew Doan, bác sĩ nhãn khoa chuyên về sức khỏe cộng đồng, chơi game không lành mạnh và dùng công nghệ cá nhân quá mức, cho biết bộ não giống như một cơ bắp có thể rèn luyện được.

Vì giải trí bằng xem màn hình rất dễ gây mất tập trung nên cần ít thời gian hơn để rèn luyện khả năng duy trì sự chú ý, vốn cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn về mặt tinh thần như hoàn thành bài tập về nhà dài.

Thời gian xem màn hình kéo dài cũng liên quan đến việc vỏ não trước trán mỏng đi. Vùng vỏ não trước trán rất quan trọng đối với việc kiểm soát hành vi cưỡng bức và tư duy logic. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người bị chứng ADHD gặp khó khăn trong việc hoàn thành những nhiệm vụ mà họ cho là không thú vị.

Dịch bệnh đang âm thầm ăn mòn tâm trí của người Mỹ

Chứng tự kỷ

Thời gian xem màn hình đang cô lập chúng ta.

Khi một người tham gia vào trò chơi, mạng xã hội và Internet, “câu hỏi đặt ra là, họ đang bỏ qua những việc gì?” Ông Kersting hỏi.

Đối với cha mẹ, đây có thể là cách nuôi dạy con cái và xây dựng mối liên hệ với con cái. Đối với trẻ em, đó có thể là cơ hội để vui chơi và giao lưu, làm cản trở sự phát triển xã hội và có thể dẫn đến những hành vi thu mình, chống đối xã hội, và lo lắng giống như các triệu chứng của bệnh tự kỷ.

Tiến sĩ. Dunckley và Sussman đã thảo luận rằng việc hình thành thói quen xem màn hình gây hại và các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể là hai chiều. Nói cách khác, những người bị chứng tự kỷ hoặc các triệu chứng giống tự kỷ có thể dùng các thiết bị điện tử để tránh những tình huống lo lắng về mặt xã hội, nhưng khi càng ít rèn luyện bản thân để hòa nhập với xã hội thì họ càng trở nên thu mình hơn.

Tránh màn hình cũng giống như việc ‘uống nước trong quán rượu’

Việc xem màn hình gây ra nhiều tác hại không chỉ giới hạn ở trẻ em. Bà Rowan, người đã thực hiện hơn 400 hội thảo về các chủ đề như năng suất [làm việc], chứng nghiện, lạm dụng công nghệ, chương trình kiến thức truyền thông, và thiết kế môi trường trường học, cho biết đôi khi cha mẹ cho phép trẻ tìm kiếm màn hình.

“Hãy giơ tay nếu bạn đang kiểm soát việc xem màn hình của bạn một cách hợp lý,” bà Rowan hỏi những người lớn trong một buổi hội thảo. Trong khi có khoảng 500 người đăng ký thì chỉ có chưa đến 10 người giơ tay.

Công trình của nhà giáo dục và nhà tâm lý học lâm sàng Catherine Steiner-Adair cũng cho thấy rằng các bậc cha mẹ ngày càng thiếu quan tâm đến trẻ do xem màn hình. Một số trẻ cho biết cảm thấy bị bỏ rơi vì cha mẹ liên tục kiểm tra điện thoại của họ.

Những bậc cha mẹ không biết hoặc không kiểm soát được việc xem màn hình của mình cũng có thể gặp khó khăn trong việc đặt giới hạn thời gian dùng thiết bị điện tử cho con mình.

Một số bậc cha mẹ hiện đang nuôi dạy con cái bằng cách để trẻ tự chơi với màn hình. Ông Rosenfeld cho biết, điều này có thể khiến trẻ cũng như cha mẹ ưu tiên các thiết bị điện tử hơn gia đình.

Hiện tượng này được thể hiện ở thế hệ Gen Alpha. Một vấn đề phổ biến với những đứa trẻ này là thiếu kỷ luật, khiến cha mẹ căng thẳng, và chỉ có thiết bị điện tử mới có thể xoa dịu các em trong cơn giận dữ.

Trường học và nơi làm việc chuyển sang kỹ thuật số cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dùng thiết bị điện tử.

Vì giải trí thường chỉ cần một cú nhấp chuột, Tiến sĩ Sussman đã mô tả khó khăn của việc ngừng xem màn hình trong môi trường hiện tại: “Việc này cũng giống như việc uống nước trong quán rượu.”

Khi được hỏi liệu người ta có thể thoát khỏi chứng nghiện này hay không, ông Rosenfeld cho rằng yếu tố quan trọng nhất là họ hãy có một gia đình yêu thương, quan tâm và sẵn sàng làm mọi thứ để giúp đỡ người đó tốt hơn.

Nhưng còn động lực cho một gia đình trẻ thì sao, gia đình mà các bậc cha mẹ cũng nghiện màn hình và do đó không xem việc con mình nghiện màn hình là một vấn đề?

“Đó không phải là tình huống mà một nhà phân tích tâm thần học có thể giúp được,” ông Rosenfeld buồn bã nói.

Khánh Nam và Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times