Đường gây hại cho đường ruột và làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng như thế nào

Hướng dẫn cơ bản về cai nghiện đường (Phần 10)

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.

Đây là một sự thật mà bạn có thể thấy khó tin hoặc có thể không muốn chấp nhận: Đường có thể gây hại cho ruột và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Đường làm tăng nguy cơ 2 bệnh đại tràng

Bệnh viêm ruột (IBD) được nhiều người coi là rối loạn đường ruột liên quan trực tiếp nhất với đường.

Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng là hai loại bệnh viêm ruột chính. Hai căn bệnh này có thể khiến cơ thể suy nhược nặng, thường dẫn đến các triệu chứng như tiêu chảy dai dẳng, đau bụng, chảy máu trực tràng, đi tiêu ra máu, sụt cân và mệt mỏi.

Bệnh viêm ruột (IBD) ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.

Một tổng quan y văn được công bố trên tập san Lâm sàng Tiêu hóa và Gan vào năm 2022 nhấn mạnh rằng nhiều dữ liệu dịch tễ học cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa việc tiêu thụ nhiều đường trong thực đơn ăn uống Tây phương và nguy cơ bị bệnh viêm ruột (IBD) gia tăng.

Tập san Bệnh viêm ruột đã công bố một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy, dựa trên khảo sát với hơn 366,000 người trưởng thành từ nhiều nước châu Âu, những người tiêu thụ nhiều đường và nước ngọt nhất có tỷ lệ bị bệnh viêm loét đại tràng cao hơn 1.68 lần so với những người tiêu thụ ít nhất. Hơn nữa, một đánh giá khác cho thấy cứ 10g đường bổ sung mỗi ngày thì làm tăng nguy cơ bị bệnh Crohn lên khoảng 1%.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu dựa trên dân số cho thấy khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh viêm ruột (IBD) tin rằng việc tiêu thụ thực phẩm có đường có thể gây ra các đợt phát bệnh và làm các triệu chứng trầm trọng hơn. Đánh giá tường thuật năm 2022 đã đề cập trước đó cũng cho thấy các bệnh nhân bị bệnh Crohn thường báo cáo mức tiêu thụ đường tăng lên trước khi bị bệnh.

Đường gây viêm ruột như thế nào?

Phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột

Bữa ăn nhiều đường có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể về thành phần vi sinh vật đường ruột trong một thời gian rất ngắn. Vi khuẩn phát triển mạnh nhờ đường đơn (simple sugars) sẽ nhân lên nhanh chóng, trong khi những vi khuẩn phụ thuộc vào chất xơ, như vi khuẩn Bacteroides, có thể giảm số lượng. Vi khuẩn Bacteroides rất có lợi cho cả cơ thể con người và sức khỏe đường ruột, một phần do khả năng phân hủy chất xơ thành các acid béo chuỗi ngắn.

Acid béo chuỗi ngắn rất cần thiết cho ruột, đóng vai trò là chất dinh dưỡng quan trọng cho các tế bào niêm mạc ruột. Chúng không chỉ hỗ trợ các chức năng miễn dịch và tạo một lớp màng bảo vệ ruột mà còn làm lành những thương tổn trong đường ruột, do đó làm giảm viêm ruột. Trong thực đơn ăn nhiều đường, các acid béo chuỗi ngắn trong đường ruột sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt.

Theo quan sát thấy trong ruột của bệnh nhân bị bệnh viêm ruột (IBD) có nồng độ acid béo chuỗi ngắn giảm.

Thực đơn ăn nhiều đường cũng có thể gây giảm số lượng vi khuẩn Akkermansia, vốn là vi khuẩn có lợi giúp điều chỉnh độ dày lớp chất nhầy và hỗ trợ chức năng rào cản đường ruột.

Đồng thời, đường đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Một thí nghiệm được công bố trên tập san Science Translational Medicine vào năm 2020 cho thấy những con chuột được cho ăn đường sucrose có vi khuẩn phân hủy chất nhầy trong ruột mức tăng đáng kể, dẫn đến lớp chất nhầy trong ruột mỏng đi, khiến bệnh viêm đại tràng trở nên trầm trọng hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, giáo sư Hasan Zaki tại khoa bệnh lý Trung tâm Y tế Tây Nam của Đại học Texas cho biết: “Đó là bằng chứng trực tiếp cho thấy việc ăn đường khiến cơ thể bạn rất nhạy cảm với bệnh viêm đại tràng.Tất cả điều này có thể xảy ra trong một vài ngày.”

Thực đơn ăn nhiều đường cũng dẫn đến sự gia tăng lượng vi khuẩn Proteobacteria tương đối dồi dào trong ruột. Những vi khuẩn này mang theo các lipopolysacarit độc hại, dẫn đến viêm và làm suy yếu tính toàn vẹn của biểu mô ruột.

Đường không chỉ phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột mà còn làm giảm sự đa dạng vi sinh vật nói chung. Việc sản xuất acid béo chuỗi ngắn cũng phụ thuộc vào môi trường vi khuẩn đường ruột đa dạng và sự hợp tác của các loài vi khuẩn khác nhau.

Góp phần gây rò rỉ ruột

Đường có thể làm tăng độ thấm của ruột, thường được gọi là “rò rỉ ruột.”

Đường cũng có thể làm thay đổi cấu trúc niêm mạc ruột, làm cho ruột mỏng đi và sản sinh ra các loại oxy phản ứng (reactive oxygen species – ROS) ở mức độ cao, cuối cùng gây ra tổn thương.

Những chất không nên xâm nhập vào cơ thể, như lipopolysacarit vi khuẩn, xâm nhập vào máu từ ruột có thể dẫn đến nhiễm độc nội độc tố, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mạn tính cục bộ và toàn thân.

Ngoài ra, sự tích tụ đường trong ruột làm tăng tải lượng thẩm thấu của ruột, giữ lại lượng nước dư thừa trong ruột. Điều này cũng làm tăng tốc độ lên men của hệ vi sinh vật đường ruột, dẫn đến đầy hơi, đau bụng và rối loạn chức năng đường ruột.

Ức chế tái tạo ruột

Tốc độ tái tạo của đại tràng rất nhanh, với các tế bào gốc ruột liên tục phân chia trong khi các tế bào cũ liên tục bị loại bỏ. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 cho thấy thực đơn ăn nhiều đường có thể làm gián đoạn cơ chế này. Nghiên cứu cũng cho thấy đường ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng sinh của các tế bào biểu mô đại tràng, ức chế sự phát triển của các tế bào này và khi nồng độ đường cao hơn thì tổn thương này càng gia tăng.

Hơn nữa, thực đơn nhiều đường có thể làm thay đổi chức năng miễn dịch bẩm sinh của đại tràng và làm giảm số lượng tế bào miễn dịch đường ruột, làm giảm khả năng phản ứng của các tế bào này đối với tổn thương mô.

Ông Zaki nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức được tác hại mà đường gây ra cho cơ thể người, nêu rõ: “Chúng ta tốn rất nhiều tiền để giải quyết những căn bệnh đó, nhưng đây không phải là giải pháp.”

“Tôi nghĩ chúng ta nên có một số chính sách từ chính phủ để bảo đảm rằng chúng ta hiểu rằng đường có hại, giống như hút thuốc lá là có hại.”

Mối liên hệ chặt chẽ giữa đường và ung thư đại trực tràng

Đường cũng liên quan đến tỷ lệ xuất hiện, tái phát và tử vong của ung thư đại trực tràng.

Trong một nghiên cứu đoàn hệ tương lai liên quan đến các bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn ba, người ta phát hiện rằng những người sử dụng hai phần đồ uống có đường trở lên mỗi ngày có nguy cơ tái phát hoặc tử vong do ung thư đại tràng tăng 67% so với những người sử dụng ít hơn hai phần mỗi tháng. Nguy cơ thậm chí còn tăng cao hơn nữa, lên tới 122% đối với những bệnh nhân vừa thừa cân vừa ít hoạt động thể chất.

Một nghiên cứu kiểm soát lâu đời hơn được các nhà nghiên cứu của Đại học Utah thực hiện cho thấy lượng đường cao và thực đơn ăn có chỉ số đường huyết cao đều làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng lên hơn 50%.

Trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, tiến sĩ Jeremy Kortmansky, giáo sư y học lâm sàng (y khoa ung thư) tại Trường Y Yale, viên chức mạng lưới tại Bệnh viện Ung thư Smilow và giám đốc lâm sàng của khoa ung thư nội khoa đường tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Yale., cho biết: “Việc tiêu thụ một lượng lớn đường dẫn đến tăng năng lượng dự trữ dưới dạng chất béo, gián tiếp làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.”

Mối liên hệ gián tiếp giữa việc tiêu thụ đường, béo phì và ung thư có thể được giải thích theo nhiều cách. Theo tiến sĩ Kortmansky, một giả thuyết đặc biệt thuyết phục liên quan đến mối quan hệ giữa béo phì và tình trạng kháng insulin. Những người béo phì thường có nồng độ insulin cao hơn, có thể kích thích các thụ thể yếu tố tăng trưởng giống insulin của ung thư, từ đó kích hoạt các con đường thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ung thư. Điều này cản trở sự phát triển và phân chia tế bào ruột, dẫn đến việc tái tạo tế bào bất thường trong đó các tế bào cũ không chết đi.

Về giả thuyết cho rằng tình trạng viêm do đường gây ra làm tăng nguy cơ ung thư, tiến sĩ Kortmansky giải thích rằng tình trạng viêm trong cơ thể thường dẫn đến tổn thương cục bộ và thay đổi DNA trong tế bào. Thông thường, tình trạng viêm có thể làm chết những tế bào có vấn đề này, nhưng nếu chúng sống sót thì có nguy cơ tiềm ẩn phát triển ung thư.

Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa đường và ung thư.

Một nghiên cứu trên động vật được công bố trên tập san Nature vào năm 2019 đã xác nhận rằng siro bắp có hàm lượng đường fructose cao trực tiếp thúc đẩy sự phát triển và tiến triển của các khối u ung thư đại trực tràng và tác dụng này không phụ thuộc vào bệnh béo phì. Ông Lewis Cantley, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm giáo sư tại Khoa Sinh học Tế bào của Trường Y Harvard, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng kết quả này cũng có thể áp dụng cho con người.

Ông cho biết: “Việc tiêu thụ siro bắp có hàm lượng đường fructose cao đã tăng đáng kể trong những năm 1960. Trong 20 năm tiếp theo, tỷ lệ bị bệnh ung thư đại trực tràng đã gia tăng đáng kể ở những người tương đối trẻ,” đồng thời lưu ý rằng những người như vậy thường có đột biến KRAS. Đột biến KRAS là gen gây ung thư có tỷ lệ đột biến cao nhất trong số các loại ung thư và có liên quan đến các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao.

“Chúng tôi đã chứng minh rằng việc cho chuột uống siro ngô có hàm lượng đường fructose cao có tác dụng tương tự trong việc tăng cường ung thư đại trực tràng trong bối cảnh đột biến KRAS.”

Chỉ cần 5g đến 25g fructose có thể làm bão hòa khả năng hấp thụ của ruột non, sau đó fructose đi vào và tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc của đại tràng.

Trong một nghiên cứu sơ bộ lâm sàng được công bố trên tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ năm 2022, một phân tích về vị trí tổn thương đã được tiến hành trên 2,733 trường hợp tử vong do ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường và tổng lượng đường fructose với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư đại tràng tăng lên.

Điều thú vị là mối quan hệ quan trọng này không tồn tại ở phần đại tràng xa (gồm đại tràng xuống và đại tràng sigma) hoặc trực tràng. Các nhà nghiên cứu tin rằng những phát hiện này cung cấp bằng chứng cho thấy đường từ ăn uống có thể trực tiếp góp phần vào sự phát triển của ung thư đại trực tràng.

Tiếp theo: Đào sâu hơn về cách đường có thể nuôi dưỡng bệnh ung thư.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Flora Zhao
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Flora Zhao là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Để tham khảo thêm các mẹo bổ ích, bạn có thể gửi email theo địa chỉ: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn