Các loại thực phẩm gây hại cho đường tiêu hóa

Nhiều căn bệnh mạn tính có liên quan đến sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Để tối ưu chức năng hệ tiêu hóa, chúng ta cần tránh các loại thực phẩm gây hại cho hệ vi sinh đường ruột và ưu tiên các loại thực phẩm trợ giúp cho sự cân bằng của hệ này.

Thực phẩm gây hại cho sức khỏe đường ruột

Những thực phẩm sau có ảnh hưởng xấu đến vi khuẩn đường ruột và gây hại cho sức khỏe đường tiêu hóa

1. Thực phẩm siêu chế biến

Thực phẩm siêu chế biến thường chứa nhiều hóa chất phụ gia, chất bảo quản, màu thực phẩm, v.v… Những thành phần này gây ảnh hưởng xấu đến sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra thực phẩm siêu chế biến không cung cấp các dưỡng chất cần thiết, như chất xơ, cho vi khuẩn có lợi trong ruột của chúng ta.

Một tổng quan nghiên cứu được đăng trên Tập san Food Research International (Nghiên cứu Thực phẩm Quốc tế) vào tháng Năm cho thấy thực phẩm siêu chế biến chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo trans, đường bổ sung, muối và phụ gia thực phẩm, do đó trực tiếp thay đổi cấu trúc vi khuẩn ruột và chất chuyển hóa vi sinh vật, gây ra các bệnh chuyển hóa và chứng viêm.

Theo nghiên cứu, những thành phần không lành mạnh này cũng ảnh hưởng đến mạng lưới thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe bộ não qua trục vi khuẩn-ruột-não; đồng thời có thể ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi.

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tập san Nutrients (Dinh dưỡng) cho thấy rằng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột và gây viêm. Những ảnh hưởng này có thể được truyền lại cho các thế hệ sau qua di truyền.

2. Đường và chất làm ngọt nhân tạo

Ăn quá nhiều snack có đường làm tăng nhanh lượng đường huyết và ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ăn quá nhiều đường tạo thuận lợi cho hại khuẩn phát triển và cản trở lợi khuẩn phát triển, dẫn đến sự giảm sút tương đối số lượng lợi khuẩn. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như viêm ruột kinh niên, bệnh chuyển hóa, cao huyết áp, đường huyết cao, và cholesterol máu cao.

Một nghiên cứu được công bố trong Tập san Cell (Tế bào) năm 2022 cũng phát hiện thấy hệ vi sinh vật đường ruột có tác dụng ngăn ngừa béo phì và bệnh chuyển hóa do ăn uống.

Ngoài ra, cơ thể con người không thể tiêu hóa và hấp thụ các chất làm ngọt nhân tạo như aspartame và sucralose, khiến cho các chất này sẽ ở lại trong ruột lâu hơn, gây bất lợi cho đa dạng vi sinh vật đường ruột.

3. Thực phẩm chứa nhiều chất béo

Cả chất béo bão hòa và không bão hòa đều là dưỡng chất thiết yếu, nhưng chất béo trans lại có hại cho cơ thể con người.

Niêm mạc ruột có khả năng hấp thụ các chất có lợi và ngăn chặn các chất có hại xâm nhập vào cơ thể. Nếu hàng rào này bị thủng, hại khuẩn, độc tố và dị nguyên đi vào cơ thể qua ruột, gây ra “hội chứng rò rỉ ruột” và dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.

Nhiều thực phẩm chế biến và chiên rán chứa chất béo trans làm ảnh hưởng đến cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây viêm và làm rối loạn tính toàn vẹn của niêm mạc ruột.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra khi ăn quá nhiều acid béo bão hòa.

Do đó việc kiểm soát lượng acid béo bão hòa và tránh chất béo trans trong thực đơn ăn uống hàng ngày là rất quan trọng.

Ngoài ra, acid béo không bão hòa có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, giúp duy trì sức khỏe đường ruột. Bạn có thể tìm thấy những chất béo lành mạnh này trong cá đánh bắt tự nhiên, olives, trái bơ, và các loại hạt.

4. Rượu

Rượu không chỉ ảnh hưởng đến não và gan mà còn tác động đáng kể đến chức năng tiêu hóa. Rượu phá hủy hàng rào niêm mạc ruột, làm suy giảm chức năng ruột và dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Frontiers in Microbiology (Lĩnh vực Vi sinh học) năm 2022 cho thấy rượu thay đổi thành phần vi khuẩn ruột, giảm lợi khuẩn và tăng hại khuẩn, từ đó gây rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, khiến con người dễ bị bệnh tiêu hóa, bệnh miễn dịch, và rối loạn chuyển hóa.

Cách tối ưu chức năng đường tiêu hóa

Trung y đã nhận ra rằng đường tiêu hóa là “gốc hậu thiên” của cơ thể con người, nền tảng cho phát triển và sức khỏe của mỗi người.

Lách và dạ dày có vấn đề thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng xấu và thậm chí bác sĩ cũng sẽ khó giúp bạn vì cách tốt nhất để có chức năng tiêu hóa tốt là thiết lập thói quen ăn uống tốt.

Có câu ngạn ngữ nói rằng, “Chúng ta là những gì ta ăn.” Những gì chúng ta ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của vi sinh đường ruột, do vậy có liên quan đến sức khỏe.

Trước hết, chúng ta nên ăn những thực phẩm dồi dào chất xơ như trái cây, rau củ, ngũ cốc và đậu. Chất xơ cung cấp năng lượng và thúc đẩy phát triển lợi khuẩn đường tiêu hóa, có lợi cho sức khỏe đường ruột.

Ngoài ra còn cần đa dạng hóa thực đơn ăn uống, vì các loại thức ăn khác nhau cung cấp các chất dinh dưỡng và môi trường cần thiết cho các loại vi khuẩn khác nhau.

Một nghiên cứu được công bố trong Tập san Molecular Metabolism (Chuyển hóa Phân tử) cho thấy rằng cách ăn loại trừ hoàn toàn thực phẩm động vật hoặc thực vật làm giảm sự phong phú các loài vi khuẩn ruột. Nghiên cứu cho rằng “ăn uống càng đa dạng, thì vi khuẩn đường ruột càng đa dạng và càng có khả năng thích nghi với các thay đổi.”

Như vậy, các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, protein, các loại hạt có thể cung cấp tương đối nhiều dưỡng chất cho vi sinh vật đường ruột và thúc đẩy sự đa dạng cũng như sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, điều này rất quan trọng cho sức khỏe của đường tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng quát.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn