EMF từ các thiết bị gia dụng thông thường và cách giảm thiểu

EMF: Hiểm họa vô hình (Phần 6)

Trong loại bài này, chúng ta sẽ khám phá các ảnh hưởng và tác động của trường điện từ lên bộ não và toàn bộ cơ thể con người như thế nào.

Phần 1: Tại sao các nhà khoa học lo lắng về mạng 5G?

Phần 2: Hội chứng vi sóng đang gia tăng một cách đáng lo ngại

Phần 3: Vì sao Wi-Fi, Bluetooth, điện thoại di động lại gây hại cho tế bào?

Phần 4: EMF có thể là tác nhân gây ung thư cho con người

Phần 5: Wi-Fi và các trường điện từ khác có thể liên quan đến vô sinh và sảy thai

TV trong phòng khách, đồng hồ thông minh trên cổ tay và thậm chí cả đèn LED trên bàn làm việc của bạn — có rất nhiều nguồn trường điện từ nhân tạo (EMF) bị bỏ qua trong nhà có thể góp phần gây ra các triệu chứng bí ẩn mà một số người gặp phải.

Tin tốt là có nhiều cách để giảm thiểu những rủi ro này.

Các nguồn EMF trong nhà

Mặc dù cơ thể người phát ra EMF của bản thân nhưng cũng dễ bị tổn thương và nhạy cảm với một số EMF bên ngoài.

Có hai nguồn EMF phổ biến trong nhà:

1. Bức xạ tần số vô tuyến (RF) được tạo ra từ tín hiệu truyền thông không dây.

2. Bức xạ tần số cực thấp (ELF) do điện tạo ra.

EMF từ các thiết bị gia dụng thông thường và cách giảm thiểu
Các nguồn EMF trong nhà. (Ảnh: The Epoch Times)

1. EMF từ thiết bị điện tử không dây

Được phát ra từ: điện thoại di động, modem Wi-Fi, thiết bị Bluetooth, TV (sử dụng sóng vô tuyến), đồng hồ thông minh, trợ lý ảo thông minh như Alexa, hệ thống chiếu sáng thông minh và tất cả các thiết bị điện tử “thông minh” khác.

Bây giờ mọi thứ đều “thông minh,” thậm chí nhiều chiếc đồng hồ đeo tay cũng vậy.

Các thiết bị không dây và thông minh kết nối với mạng di động thông qua bức xạ tần số vô tuyến. Hầu hết các tần số vô tuyến có tần số từ 3kHz (kilohertz) đến 300GHz (gigahertz).

Mặc dù tần số vô tuyến mang lại sự tiện lợi cho cuộc sống, các nghiên cứu cho thấy điều này có thể gây hại. Tần số vô tuyến có liên quan đến ung thư não, ung thư vú và suy giảm sức khỏe tinh trùng trong các nghiên cứu ở người.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tần số vô tuyến đều có tác động đến sức khỏe như nhau.

Trước đây, radio analog và mạng di động thế hệ đầu tiên 1G gửi tín hiệu liên tục. Nhưng hầu hết tần số vô tuyến ngày nay đều là tần số kỹ thuật số, được coi là có hại hơn.

Ông James Finn, chủ tịch kiêm cố vấn kỹ thuật nhiễu điện từ chính và cố vấn cấp cao cho EMF tại Elexana, nói với The Epoch Times, “Thông thường, tần số tín hiệu càng cao thì khả năng xâm nhập của nó càng giảm. Tín hiệu ở tần số 28GHz trở lên sẽ gặp khó khăn khi truyền qua tường bằng gạch.”

Trong khi 5G, mạng di động mới nhất, được quảng cáo là kém xâm nhập hơn vì có tần số cao hơn 3G và 4G, ông Finn cho rằng có thể không hoàn toàn như vậy.

Lá cây và mưa có thể chặn một số tần số 5G nhất định nhưng mạng này bao phủ dải tần rộng từ 600MHz đến 39GHz, có sự trùng hợp với tần số 3G và 4G. Tần số 5G băng tần thấp hơn (ở mức 600MHz đến 1GHz) vẫn có thể xâm nhập qua tường gạch và bê tông.

Những cách giảm tiếp xúc với tần số vô tuyến

  • Lựa chọn kết nối có dây: Tiến sĩ David Carpenter, giáo sư về sức khỏe môi trường tại Đại học University of Albany, đề xuất sử dụng cáp ethernet và dây cáp điện thoại để kết nối Internet và điện thoại, giảm thiểu sự phụ thuộc vào tín hiệu không dây trong nhà và giảm tiếp xúc với tần số vô tuyến.
  • Thay tai nghe Bluetooth: Thay tai nghe Bluetooth bằng cách mở loa ngoài hoặc sử dụng tai nghe có dây để giữ bức xạ tần số vô tuyến cách xa đầu bạn.
  • Trở nên ‘không thông minh’: Giảm thiểu việc sử dụng các thiết bị thông minh như máy điều nhiệt thông minh, máy xay sinh tố thông minh và đồng hồ thông minh.
  • Hãy thực hiện các phương pháp phòng ngừa trước khi đi ngủ: Giáo sư Emerita Magda Havas từ Đại học Trent nói với The Epoch Times rằng thời gian đi ngủ là lúc cơ thể nghỉ ngơi và tự phục hồi sau mọi căng thẳng mà cơ thể đã trải qua trong ngày. Hãy cân nhắc việc tắt modem Wi-Fi và đặt điện thoại di động cũng như các thiết bị không dây ở chế độ máy bay trước khi ngủ.
  • Kiểm tra các ăng-ten không dây gần đó: Bảo đảm rằng không có trạm phát sóng nhỏ (trạm gốc) hoặc tháp điện thoại di động nào được lắp đặt gần nhà bạn vì tín hiệu của chúng có thể góp phần làm tăng mức phơi nhiễm bức xạ RF cao hơn. Với việc triển khai mạng 5G, ngày càng nhiều người tìm thấy các trạm nhỏ 5G được lắp đặt gần nhà ở. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ thảo luận về các cách để cảnh giác khi cài đặt mạng di động nhỏ 5G.
  • Sử dụng máy đo RF: Máy đo RF hoặc máy đo tần số vô tuyến có thể phát hiện cường độ tổng thể của tần số vô tuyến trong nhà và giúp xác định các nguồn bức xạ tần số vô tuyến cường độ cao, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu phù hợp.

2. EMF từ điện

Phát ra từ: đường dây điện trên cao, hệ thống dây điện trong nhà, dòng điện rò và tất cả các thiết bị điện tử.

Ngoài các thiết bị không dây, tất cả các thiết bị điện tử gia dụng — khi sử dụng — có thể phát ra EMF tần số cực thấp hoặc ELF EMF. Hầu hết các thiết bị điện trong nhà đều có tần số dao động từ 60Hz đến 300Hz.

Cả tần số vô tuyến và ELF đều có các thành phần điện và từ nhưng chỉ ELF được chia thành các thành phần từ trường và điện trường trong các tiêu chuẩn kỹ thuật điện. Từ trường ELF và điện trường ELF cũng liên quan đến những tác động sức khỏe khác nhau.

  • Từ trường ELF

Dòng điện chạy qua dây giống như nước chảy qua đường ống. Khi chạy, dòng điện tạo ra từ trường.

Hãy nhìn vào một thiết bị như máy sấy tóc. Phích cắm phải có hai ngạnh kim loại đại diện cho hai dây được ghép nối trong một dây nguồn — dây “trung tính” và “nóng”. Hai dây ở gần nhau và mang dòng điện ngược chiều nhau, triệt tiêu sự phát xạ từ trường.

Nếu dây nguồn bị hỏng, khiến hai dây tách ra hoặc nếu nối sai dây trung tính và dây nóng, từ trường sẽ không triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến phát xạ từ trường tăng cường.

Các thiết bị điện có động cơ cũng có xu hướng tạo ra từ trường mạnh, có thể bao gồm các thiết bị như tủ lạnh, máy rửa chén, máy sấy tóc và bất cứ thiết bị nào tạo ra nhiệt hoặc có bộ phận chuyển động sử dụng động cơ điện.

Điều đáng chú ý là từ trường ELF đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm “các chất có thể gây ung thư” cho con người vào năm 2002.

Từ trường được tạo ra từ đường dây điện có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư máu ở trẻ em. Trong các nghiên cứu dịch tễ học, việc phơi nhiễm nghề nghiệp với từ trường cũng có liên quan đến ung thư vú.

  • Điện trường ELF

Khi đèn được cắm vào ổ điện, một điện trường sẽ phát ra từ ổ cắm trên tường xuống dây nguồn của đèn và truyền lên đến bóng đèn. Tuy nhiên, từ trường chỉ được tạo ra khi đèn được bật.

Các thiết bị được nối đất đúng cách và các thiết bị có dây ba chân (chân thứ ba là dây dẫn nối đất) sẽ phát ra điện trường nhỏ hơn so với những thiết bị có dây hai chân.

Tại Hoa Kỳ, các thiết bị có điện áp 120 volt trở xuống không bắt buộc phải có chân nối đất, vì vậy một số nhà sản xuất lựa chọn phích cắm nhỏ gọn, nhẹ và không nối đất. Những sản phẩm này thường được cách điện để bảo vệ người dùng khỏi các bộ phận dẫn điện. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nước có thể gây ra điện giật nguy hiểm.

Ông Finn, người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc về nhiễu điện từ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra nối đất và kết nối phù hợp đồng thời xác minh thanh nối đất có điện trở dưới 25 ohm.

Thanh nối đất nối hệ thống dây điện trong nhà trở lại trái đất, cho phép mọi dòng điện có vấn đề sẽ phát tán trong lòng đất. Thanh này, vốn được cắm sâu trong đất, được kết nối thông qua một sợi dây đồng dày với bảng điện trong nhà, đây là nơi điện đi vào nhà từ lưới điện.

Điện trở của thanh nối đất càng nhỏ thì dòng điện càng dễ truyền qua.

Ông Finn cho biết, “Nếu dây dẫn nối đất từ bảng điều khiển chính không được kết nối đúng cách với cọc nối đất và cọc nối đất bị oxy hóa, tức là rỉ sét thì hệ thống nối đất có thể không đủ khả năng để cắt điện trường”.

Có rất ít nghiên cứu liên kết điện trường ELF với các tác động sinh học tiềm ẩn. Tuy nhiên, một số người nhạy cảm với EMF cũng báo cáo các triệu chứng liên quan đến điện trường.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc tiếp xúc với điện trường ELF có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Các cách để giảm tiếp xúc với từ trường và điện trường ELF

  • Kiểm tra hệ thống dây điện: Thuê thợ điện để kiểm tra hệ thống dây điện trong nhà để xem liệu hệ thống điện có được nối đất đúng cách hay không và đảm bảo không có lỗi hoặc vấn đề an toàn.
  • Tránh đường dây điện: Sống và ngủ xa đường dây điện vì chúng có thể tạo ra từ trường và dòng điện chạm đất mạnh.
  • Sử dụng máy đo gauss: Máy đo gauss là thiết bị đo từ trường để xác định các khu vực có cường độ trường cao hơn.
  • Duy trì khoảng cách: Ông Finn cho biết: Duy trì khoảng cách từ 6 đến 8 bàn chân với các thiết bị điện tử lớn hơn và thiết bị điện khi sử dụng để giảm phơi nhiễm.
  • Thay thế các thiết bị bị hư hỏng và sử dụng các thiết bị có dây ba chân: Thay thế các thiết bị điện có dây hai chân bằng phiên bản có dây ba chân, nếu có thể. Thợ điện có thể thêm chân nối đất vào dây nguồn nếu cần. Hãy cân nhắc việc thay thế các thiết bị điện tử có hệ thống dây điện bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu trục trặc để ngăn ngừa nguy cơ điện giật.
  • Tắt điện trong phòng ngủ: Trong hầu hết các trường hợp, tắt điện trong phòng có thể làm giảm EMF và có thể hữu ích cho những người nhạy cảm với điện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, điều này thực sự có thể tăng cường điện trường do cách bố trí hệ thống dây điện trong nhà. Nếu căn phòng có các dây dẫn chạy liền kề và đối diện nhau, việc tắt điện ở một dây có thể làm tăng cường điện trường ở dây kia.
  • Sử dụng volt kế: Volt kế có thể dùng để đo điện trường.

3. Nhiễu điện từ

Phát ra từ: thiết bị không dây, đèn huỳnh quang và đèn LED, công tắc điều chỉnh độ sáng đèn, tấm pin mặt trời, máy bơm bể bơi và máy điều hòa không khí.

Nhiễu điện từ (EMI), còn được gọi là nhiễu tín hiệu, nhiễu đường dây hoặc điện bẩn, có thể được ví như một sản phẩm thải không mong muốn. Đó là âm thanh rít lên của radio, âm thanh ù ù trong các cuộc trò chuyện trên điện thoại và tiếng nhấp nháy của máy thu truyền hình.

Điện được truyền từ nhà máy điện qua đường dây điện đến nhà của chúng ta. Trong nhà, dòng điện chạy qua hệ thống dây điện trên tường, sau đó cung cấp năng lượng cho các thiết bị.

Vấn đề phát sinh do đường dây điện mang dòng điện xoay chiều (AC), trong khi nhiều thiết bị điện tử sử dụng dòng điện một chiều (DC). Khi các thiết bị chuyển đổi điện xoay chiều thành điện một chiều sẽ tạo ra nhiễu tín hiệu như một sản phẩm phụ.

Nhiễu tín hiệu này không chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể mà lan truyền khắp nhà thông qua hệ thống dây điện.

Ngoài ra, tín hiệu nhiễu còn có thể phát tán vào không khí. Bất kỳ thiết bị nào sử dụng đi-ốt chắc chắn sẽ tạo ra EMI. Đi-ốt thường được sử dụng trong thiết bị điện tử để chuyển đổi điện xoay chiều thành điện một chiều.

Bóng đèn sợi đốt (trái), bóng đèn huỳnh quang (giữa) và bóng đèn LED. (Ảnh: sumire8/Shutterstock)
Bóng đèn sợi đốt (trái), bóng đèn huỳnh quang (giữa) và bóng đèn LED. (Ảnh: sumire8/Shutterstock)

Đèn LED là một trong những nguồn sáng phổ biến nhất sử dụng đi-ốt để tạo ra ánh sáng. Từ viết tắt “LED” là viết tắt của light-emitting diode (đi-ốt phát quang).

Wi-Fi, đồng hồ thông minh và các thiết bị giải phóng tần số vô tuyến cũng có thể tạo ra EMI do sự tương tác giữa các tín hiệu tần số vô tuyến.

Đèn huỳnh quang và động cơ có tốc độ thay đổi được sử dụng trong máy bơm bể bơi và máy điều hòa không khí trước tiên chuyển đổi điện xoay chiều thành điện một chiều, sau đó trở lại thành điện xoay chiều. Tương tự, điện do các tấm pin mặt trời tạo ra cũng trải qua một loạt chuyển đổi, tạo ra EMI. Công tắc điều chỉnh độ sáng đèn không tạo ra nhiễu tín hiệu thông qua chuyển đổi. Thay vào đó, chúng tách các sóng điện xoay chiều nhất định đi vào đèn, tạo ra tín hiệu nhiễu ở đầu ra.

Việc tiếp xúc lâu dài với tín hiệu nhiễu này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nghiên cứu của bà Havas cho cho thấy những bệnh nhân tiểu đường tiếp xúc với tín hiệu nhiễu có lượng đường trong máu và lượng insulin cao hơn so với khi họ ở trong môi trường không có tín hiệu nhiễu như vậy. Một nghiên cứu khác từ Iran cho thấy nhiễu tín hiệu có thể làm tăng khả năng bị các bệnh thoái hóa thần kinh.

Một số nguồn nhiễu tín hiệu nhất định có thể gây khó chịu về mặt sinh học hơn những nguồn khác. Ví dụ, một nghiên cứu của Úc cho thấy sau khi đồng hồ thông minh được áp dụng bắt buộc ở Victoria từ năm 2006 đến năm 2013, hơn 140 người đã phàn nàn về các triệu chứng mà họ cho là do đồng hồ thông minh gây ra.

Đèn LED cũng đã được báo cáo là làm giảm giấc ngủ bằng cách ảnh hưởng đến nhịp sinh học và ức chế sản xuất melatonin.

Những cách để giảm tiếp xúc với nhiễu điện từ

  • Đảm bảo nối đất đúng cách: Nối đất không đúng cách có thể làm trầm trọng thêm EMI.
  • Giảm thiểu một số thiết bị điện tử nhất định: Giảm việc sử dụng hoặc thay thế các thiết bị điện tử tạo ra nhiễu tín hiệu, chẳng hạn như đèn LED và đèn huỳnh quang, bằng đèn sợi đốt. Đèn sợi đốt gần giống với ánh sáng tự nhiên nhất vì ánh sáng được tạo ra từ việc đốt nóng dây tóc bằng điện.
  • Tắt nguồn các thiết bị: Tắt các thiết bị, đồ dùng điện tử khi không sử dụng hoặc khi đang ngủ.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia về bức xạ điện từ của Viện Sinh học Xây dựng (EMRS) đã được chứng nhận: Tiếp thu kiến thức chuyên môn về EMRS để xác định các nguồn chính của EMF và EMI có thể áp dụng được trong môi trường sống hoặc làm việc của bạn.

Tiếp theo: Với việc khai triển 5G, các trạm phát sóng nhỏ (small cells) đang xuất hiện ở các khu vực lân cận — và có thể liên quan đến các triệu chứng không giải thích được ở cư dân.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn