Giấc ngủ chất lượng kém có thể là biểu hiện của bệnh lý cột sống

Chuyên gia sức khỏe đưa ra lời khuyên về cách chọn gối, nệm

Bạn đã bao giờ trằn trọc khó ngủ, dễ thức giấc, và khi thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng hay chưa? Chuyên gia thần kinh cột sống cảnh báo rằng các vấn đề về cột sống có thể là nguyên nhân.

Chúng ta thường nghe nói rằng, ‘Hãy đứng thẳng,” hoặc “Đừng khom lưng,” đây có thể được coi là vấn đề về cách cư xử. Nhưng bạn biết không? Tư thế cơ thể không đúng có thể gây ra các vấn đề về cột sống, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe.

Tiến sĩ Joyce Huang là bác sĩ Trị liệu Thần kinh Cột sống hành nghề tại Hoa Kỳ và Canada. Trong cuốn sách “Posture: A Determinant of Your Health (Tạm dịch: Tư thế: Yếu tố quyết định sức khỏe của bạn), bà đề cập rằng mẹ của bà thường xuyên phàn nàn về việc ngủ kém trong nhiều năm liền dù đã thử nhiều cách để cải thiện, bao gồm mua gối đắt tiền, thay đổi cách ăn uống, bỏ caffeine và tập thể dục, nhưng không có tác dụng gì. Bà phải dùng thuốc ngủ nhưng vẫn cảm thấy không khỏe suốt cả ngày. Bà cũng thường xuyên bị đau đầu, nặng đầu và đau nhói. Chất lượng cuộc sống của bà ngày càng kém hơn.

Bà Huang cho biết khi học Trị liệu Thần kinh Cột sống ở trường Y khoa, bà nhận ra rằng tư thế sai trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng lực tác động lên cột sống cổ và khiến khớp bị trật. Khi độ cong sinh lý của cột sống không còn được duy trì (cột sống quá thẳng) cột sống cổ và cơ cổ không được nghỉ ngơi đầy đủ. Trong trường hợp nghiêm trọng, các khớp sẽ đè lên dây thần kinh gần đó, gửi đi nhiều thông điệp sai lệch và cản trở giấc ngủ.

Bà Huang nghi ngờ chứng mất ngủ của mẹ mình có liên quan đến cột sống nên đã đưa bà đến khám bác sĩ Thần kinh Cột sống. Khi cột sống được nắn chỉnh, giấc ngủ của bà đã được cải thiện rõ rệt. Sau khoảng ba tháng điều trị, chứng mất ngủ của bà cuối cùng cũng biến mất. Bà không chỉ ngủ đủ giấc mà chất lượng giấc ngủ cũng được cải thiện.

Cột sống bảo vệ hệ thần kinh trung ương

Cơ thể giống như một tòa nhà cao tầng, và cột sống tương tự cột chống đỡ tòa nhà. Từ trên xuống dưới, cột sống được chia thành các đoạn cổ, ngực, thắt lưng, cùng và cụt. Ở đỉnh tòa nhà, cột sống cổ đóng vai trò quan trọng, giúp nâng đỡ đầu và cho phép chúng ta xoay trở thoải mái.

Cột sống gồm 33 đốt sống, với lỗ gian đốt sống được tạo thành ở giữa các đốt sống liền kề, cho phép dây thần kinh sống truyền tín hiệu đến các bộ phận khác nhau. Tủy sống có 31 đôi dây thần kinh sống, trong đó có 8 đôi cổ, 12 đôi ngực, 5 đôi thắt lưng, 5 đôi cùng và một đôi cụt. Tủy sống và não tạo thành hệ thần kinh trung ương và kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể. Dù là dây thần kinh giao cảm hay đối giao cảm trong hệ thần kinh tự chủ, kiểm soát chuyển động của bàn tay và chân, cảm nhận và duy trì sự cân bằng, v.v… các dây thần kinh sống đều có khả năng truyền tải thông tin.

Tuy nhiên, khi áp lực lên cột sống quá lớn, các dây thần kinh sống liền kề có thể bị chèn ép, ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin thần kinh. Nếu đường truyền bị cản trở, các chức năng của cơ thể cũng bị ảnh hưởng.

Giấc ngủ và sức khỏe cột sống có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Vào tháng 04/2023, nghiên cứu được công bố trên Tập san Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng lưu ý rằng, dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Phỏng vấn Sức khỏe Quốc gia từ năm 2016 – 2018, các vấn đề về giấc ngủ làm tăng tỷ lệ đau cột sống lên khoảng 1.8 lần so với những trường hợp không bị đau.

Cách chọn nệm phù hợp

Giường ngủ có ý nghĩa quan trọng với cột sống của con người, vì loại giường phù hợp có thể bảo vệ cột sống.

Bà Huang đề cập trong cuốn sách của mình rằng, từ quan điểm Thần kinh Cột sống, bà đưa ra lời khuyên về việc dùng loại nệm lò xo có các xi lanh độc lập. Cơ chế trợ lực của xi lanh độc lập là giúp trải đều lực lên nhiều điểm. Xương chậu, lưng, vai và các bộ phận khác cần nhiều điểm hơn để có đủ trợ lực. Do mỗi lò xo hoạt động độc lập nên các bộ phận hơi lõm, như cột sống thắt lưng và đầu gối, có thể vừa vặn hoàn hảo với đệm.

Bà Huang nhấn mạnh rằng mọi người nên nằm thử lên nệm trước khi mua nệm. Trọng lượng của bạn sẽ giúp xác định độ cứng cần thiết. Nệm không được cứng đến mức gây ra hiện tượng bật lại, cũng không được mềm đến mức bị đổ ập xuống.

Cách chọn nệm phù hợp

Độ cong của cột sống cổ giống như một bộ đệm áp lực. Nếu bạn ở trong tư thế xấu, cột sống sẽ thường xuyên chịu lực, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của cơ và chèn ép các dây thần kinh lân cận, dẫn đến tình trạng mất ngủ và các biến chứng khác.

Chức năng của gối là lấp đầy khoảng trống giữa cột sống cổ và giường khi nằm thẳng, giúp duy trì độ cong thích hợp và không làm thay đổi cột sống do trọng lực.

Khi chọn gối cần cân nhắc hai điểm chính: chất liệu và chiều cao. Bà Huang khuyên bạn nên dùng gối cao su có độ mềm dẻo tốt.

Bà cho biết, chiều cao phù hợp nhất của gối là khi bạn nằm thẳng, cằm song song với mặt đất, không ngửa lên hoặc nghiêng xuống. Khi nằm nghiêng, khoảng trống giữa vai, tai và đầu được nâng đỡ tốt, cằm nằm giữa hai xương đòn.

Giấc ngủ chất lượng kém có thể là biểu hiện của bệnh lý cột sống
Giấc ngủ ngon là nền tảng cho sức khỏe. Khi không ngủ đủ giấc, bạn không chỉ trông xấu đi, sức khỏe ở mức cảnh báo mà còn dễ lo lắng, về lâu dài còn có khả năng ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn. (Ảnh: Shutterstock)

Duy trì tư thế tốt giúp bảo đảm chức năng cơ thể

Ngoài việc lưu ý về cách ngủ vào ban đêm, mọi người nên duy trì tư thế tốt trong suốt cả ngày. Bác sĩ Trung Y người Đài Loan Hồ Nãi Văn nhắc nhở mọi người nên tránh nằm trên sofa hoặc giường và lướt điện thoại thường xuyên, vì điều này có thể phá hủy cột sống. Ngoài ra, các tư thế nằm, ngồi, đứng đều có thể gây cong vẹo cột sống và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cột sống là khung xương chính của cơ thể, và hệ kinh trung ương mà cột sống bảo vệ là kênh truyền tin duy nhất giúp kiểm soát hoạt động của các bộ phận cơ thể. Cho dù đó là hành động tự chủ, như đi, nhảy, cầm nắm đồ vật hay các chức năng khác như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn máu, v.v… tất cả đều dựa vào dây thần kinh để truyền thông tin đến não, cho phép não thực hiện điều chỉnh phù hợp theo tình huống thực tế.

Ví dụ, nếu chúng ta ăn thứ gì đó bất thường, dây thần kinh sẽ gửi thông báo đến não thông qua cột sống. Sau đó, bộ não sẽ phản ứng lại, có thể khiến cơ thể trục xuất các chất độc hại thông qua tiêu chảy hoặc nôn mửa, từ đó làm giảm tác hại đến cơ thể.

Bà Huang cũng đề cập trong cuốn sách khác có nhan đề “Super Anti-Aging! The Deep Anti-Aging Magic of the Spinal Nerves: Effectively Bid Farewell to Early Aging and Reproduce the Miracle of Youth,” (Tạm dịch: Siêu chống lão hóa! Khả năng chống lão hóa to lớn của dây thần kinh sống: Tạm biệt lão hóa sớm và tái tạo điều kỳ diệu của tuổi trẻ) rằng cơ thể sẽ làm mới tế bào bảy năm một lần để liên tục loại bỏ lão hóa hoặc các mô hoạt động kém.

Cơ thể sau đó tạo ra mô mới để duy trì sức khỏe, hay còn gọi là khả năng tự phục hồi. Để nâng cao khả năng tự phục hồi, chúng ta cần bảo đảm cột sống, xương, khớp, cơ và hệ thần kinh hoạt động lành mạnh, đồng thời giúp các bộ phận nhận đủ dinh dưỡng và thông tin. Điều này giúp cơ thể tăng khả năng tự sửa chữa và đào thải cũng như giữ dáng tốt hơn.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn