Hãy bỏ qua các quảng cáo cường điệu, chúng ta có 4 lý do chính để sử dụng thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng có vô vàn lựa chọn, mỗi loại đều hứa hẹn một lợi ích sức khỏe độc đáo. Do đó, chúng ta cần có khả năng xác định và lựa chọn thực phẩm chức năng chất lượng từ vô số quảng cáo cường điệu.

CÁC LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG THỊNH HÀNH VỚI TIỀM NĂNG BẤT NGỜ – PHẦN 1

Đây là phần 1 trong loạt bài “Các loại thực phẩm chức năng thịnh hành với tiềm năng bất ngờ

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá cơ sở khoa học đằng sau một số chất bổ sung phổ biến và đầy hứa hẹn để giúp quý vị quyết định xem chúng có phù hợp với mình không.

Thị trường thực phẩm chức năng đang bùng nổ và có lẽ sẽ không đi xuống trong một sớm một chiều. Cho dù đó là để bổ sung phần dưỡng chất bị thiếu hụt trong thực đơn ăn uống hàng ngày hay để kiểm soát một vấn đề sức khỏe cụ thể, thì người Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng thực phẩm chức năng dưới dạng viên nén, bột, chất lỏng, kẹo dẻo và thanh [dinh dưỡng] với hy vọng có một sức khỏe tốt hơn.

Sự quan tâm ngày càng tăng [đối với thực phẩm chức năng] đã dẫn đến sự tăng trưởng theo cấp số nhân của ngành công nghiệp này, lên tới hơn 90,000 sản phẩm vào năm 2019 từ con số ước tính 4,000 sản phẩm vào năm 1994. Dữ liệu năm 2022 của Council for Responsible Nutrition (Hội đồng Dinh dưỡng Có trách nhiệm) cho thấy gần 75% người Mỹ thường xuyên sử dụng thực phẩm chức năng.

Một phân tích thị trường từ Grand View Research, ước tính thị trường thực phẩm chức năng dinh dưỡng toàn cầu trị giá 177,5 tỷ USD vào năm 2023 sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9% cho đến năm 2030.

Hãy bỏ qua các quảng cáo cường điệu, chúng ta có 4 lý do chính để sử dụng thực phẩm chức năng
(Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Cùng với sự chuyển hướng sang chăm sóc sức khỏe tự định hướng (self-directed care), người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe dự phòng và đang lựa chọn các thực phẩm có tính chữa bệnh (nutraceuticals) thay cho thuốc theo toa. Trong khi phần lớn sự tăng trưởng này đến từ các danh mục [sản phẩm] sẵn có, một tỷ lệ lớn các dòng sản phẩm hoàn toàn mới được kỳ vọng sẽ xuất hiện.

Với vô vàn các lựa chọn, mỗi sản phẩm đều hứa hẹn một lợi ích sức khỏe độc đáo. Do đó, người dùng khó có thể phân biệt được đâu là chiến lược tiếp thị tài tình, đâu là các lợi ích sức khỏe đã được [khoa học] chứng minh. Mục tiêu của loạt bài này là cung cấp các hướng dẫn thông thường giúp quý vị điều hướng các lựa chọn và tự tin quyết định sản phẩm phù hợp với mình.

4 nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm chức năng

Một khảo sát người tiêu dùng về thực phẩm chức năng của Council for Responsible Nutrition (Hội đồng Dinh dưỡng Có trách nhiệm) năm 2023 cho thấy hầu hết mọi người sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung lượng lượng dinh dưỡng bị thiếu, trợ giúp lối sống lành mạnh và tối ưu hóa sức khỏe tổng thể.

Ông Steve Mister, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CRN (Hội đồng Dinh dưỡng Có trách nhiệm) cho biết, “thực phẩm chức năng đã trở thành một phần thiết yếu trong thói quen chăm sóc sức khỏe của rất nhiều người Mỹ — và dữ liệu khảo sát năm nay minh họa [hình ảnh] một người tiêu dùng nhận ra rằng thực phẩm chức năng rất quan trọng để có cuộc sống mà họ mong muốn.”

Nghiên cứu của Viện Rodale, một tổ chức bất vụ lợi nhằm khuyến khích các phương pháp canh tác tự nhiên và có trách nhiệm hơn trong nông nghiệp hiện đại cho thấy, tỷ lệ [dân số] bị các bệnh mạn tính gia tăng một phần là do thiếu dinh dưỡng, hệ quả của các thay đổi trong phương pháp canh tác và sản xuất thực phẩm trong vài thập kỷ qua.

1. Dinh dưỡng kém

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo rằng cứ 10 người Mỹ thì có 6 người bị bệnh mạn tính và 4 trong 10 người bị hai bệnh trở lên. Bệnh mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Hoa Kỳ, với chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm lên tới 4,1 nghìn tỷ USD. Dinh dưỡng kém được xem là nguy cơ lối sống nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém ở quốc gia này là thực đơn ăn uống tiêu chuẩn của Mỹ, bao gồm thực phẩm chế biến sẵn nhiều calorie, tiêu thụ không đủ các loại rau và trái cây dồi dào dưỡng chất, cũng như nạp vào quá nhiều chất phụ gia hóa học.

2. Thiếu vi chất dinh dưỡng

Mặc dù [cơ thể] đã nạp đủ lượng calorie hoặc thậm chí là quá mức, một vấn đề quan trọng trong thực đơn ăn uống thời nay là thiếu vi chất dinh dưỡng. Một số người gọi đó là “nạn đói ẩn giấu” bởi vì thực phẩm được trồng thời nay bằng các kỹ thuật canh tác hiện tại không chứa đủ các vitamin, khoáng chất và protein cần thiết để ngăn ngừa bệnh mạn tính.

Bác sĩ chỉnh hình và tư vấn dinh dưỡng Nathalie Matte nói với The Epoch Times, “Hầu hết các mặt hàng bày bán trong cửa hàng tạp hóa đều không thể tự chế biến trong nhà bếp của gia đình. Tôi gọi chúng là ‘thực phẩm giả’ vì thực phẩm thật không có chất bảo quản để bảo quản lâu hơn.”

Những thay đổi lịch sử trong ngành nông nghiệp đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể về mặt dinh dưỡng, điều này giải thích lý do rất nhiều người đang cố gắng bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng chất vào thực đơn ăn uống của mình.

3. Sản xuất thực phẩm đại trà

Vào cuối thế kỷ 19, văn hóa và kỹ thuật nông nghiệp của Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi mạnh mẽ. Người Mỹ chuyển sang sử dụng thực phẩm tiện lợi thay cho các bữa ăn nấu tại nhà, hoạt động nông nghiệp cũng chuyển từ quy mô nhỏ nhằm cung cấp thực phẩm cho gia đình và cộng đồng sang việc hợp nhất và tối đa hóa năng suất một số loại cây trồng để dự trữ và xuất khẩu.

Trước Đệ nhị Thế chiến, quy trình Haber-Bosch, phương pháp tạo ra phân đạm nitơ bằng cách tổng hợp amoniac (NH3) và nitơ (N2), đã được dùng để sản xuất đạn dược. Sản lượng lớn dôi ra từ việc sản xuất đạn dược được chuyển sang dùng cho nông nghiệp. Điều này đã đẩy mạnh sản xuất lương thực một cách đáng kể, cũng như sử dụng hóa chất trong nông nghiệp trên quy mô lớn.

Đến những năm 1960, Cách mạng Xanh bắt đầu, cho ra đời các giống cây trồng mới có năng suất cao, sinh trưởng tốt nhất với hóa chất nông nghiệp. Sản xuất lương thực tăng vọt, máy móc mới đẩy mạnh sự hiện đại hóa và cơ giới hóa nông nghiệp.

4. Mất đa dạng canh tác

Việc hiện đại hóa và cơ giới hóa nông nghiệp cũng đẩy nhanh quá trình mất đi sự đa dạng của các trang trại ở Mỹ. Việc không còn chăn nuôi gia súc trên cùng một trang trại nơi trồng trọt đã trở nên phổ biến. Không có phân động vật để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thì cần phải có phân bón tổng hợp.

Thời nay, hầu hết các trang trại chỉ trồng trọt hoặc chăn nuôi, không làm cả hai; chỉ một tỷ lệ nhỏ [các trang trại] sản xuất nhiều hơn 4 loại cây trồng. Khi người nông dân chỉ trồng một loại cây trồng duy nhất từ năm này qua năm khác thì cần nhiều hóa chất hơn để duy trì độ phì nhiêu của đất. Điều này dẫn đến sự chuyên môn hóa trong một số mặt hàng dành cho sản xuất thực phẩm chế biến, thức ăn chăn nuôi và ethanol. Tất cả đều phụ thuộc vào phân bón tổng hợp, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu vốn ngấm vào đất, chuyển hóa thành thực phẩm chúng ta ăn.

Bác sĩ Matte khuyến khích bệnh nhân phát triển mối quan hệ với nông dân địa phương. “Hãy hỏi người nông dân những câu hỏi về các triết lý canh tác. Bởi vì phương pháp canh tác khá đa dạng, một số cần ít thuốc trừ sâu và phân bón hơn những cách khác.”

4 lý do chính để sử dụng thực phẩm chức năng

Nhiều người đang quay về với thiên nhiên để tìm cách trị bệnh mà không cần phụ thuộc vào dược phẩm — ngành công nghiệp đã đạt được mục đích là trói buộc sức khỏe của chúng ta vào đế chế trị giá hàng tỷ đô la của họ. Tuy nhiên, thuốc thường không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh mà chỉ đơn giản là ức chế các triệu chứng.

Bác sĩ Matte nói, “Quý vị cần tìm nguyên nhân gốc rễ của các triệu chứng và lắng nghe cơ thể mình.

Ông Steve Chaney, Giáo sư danh dự từ Trường Y thuộc Đại học Bắc Carolina cho biết, thực phẩm chức năng có uy tín là không thể thiếu trong phương pháp tiếp cận sức khỏe toàn diện. Với tư cách là tác giả của cuốn sách “Slaying the Supplement Myths: The Truth Behind the Hype,” (tạm dịch: “Phá vỡ những Đồn đoán về Thực phẩm Chức năng: Sự thật đằng sau sự cường điệu,” Tiến sĩ Chaney nói với The Epoch Times rằng bốn nhóm người sau đây sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thực phẩm chức năng.

1. Người có thực đơn ăn uống kém

Thực đơn ăn uống tiêu chuẩn của người Mỹ thời nay thiếu calcium, magnesium và các loại vitamin A, D, E và C. Uống vitamin tổng hợp có thể giúp bổ sung các dưỡng chất bị thiếu này. Mặc dù vậy, chúng ta cần bổ sung thêm calcium, magnesium và vitamin D. Ngoài ra, các thực đơn ăn kiêng đặc biệt như thuần chay, Paleo và keto cũng dẫn đến sự thiếu hụt các dưỡng chất nhất định, nên cần phải sử dụng thực phẩm chức năng.

2. Người có nhu cầu dinh dưỡng gia tăng

Các giai đoạn khác nhau trong đời, một số loại thuốc và thói quen sinh hoạt có thể ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Ví dụ, các bác sĩ sản khoa thường khuyên phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú bổ sung acid folic (vitamin B9), sắt, vitamin D cũng như các vitamin và khoáng chất quan trọng khác vào thực đơn ăn uống. Người có tuổi thường cần nhiều protein, calcium, vitamin D và vitamin B12.

Thuốc lợi tiểu quai dùng để điều trị tình trạng quá tải dịch cơ thể, làm tăng lượng nước tiểu sẽ dẫn đến cạn kiệt potassium và magnesium. Đây là hai chất điện giải cần thiết cho chức năng tim khỏe mạnh.

Uống rượu bia quá mức và thường xuyên sẽ làm cạn kiệt nguồn cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể như thiamine (vitamin B1), axit folic (vitamin B9) và vitamin B6.

3. Yếu tố di truyền

Trong cuốn sách của mình, Tiến sĩ Chaney giải thích cơ chế yếu tố di truyền ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng, một khái niệm được gọi là nutrigenomics (di truyền học dinh dưỡng). Mặc dù đây là một lĩnh vực khoa học mới nổi cần có thêm thông tin và nghiên cứu, các nghiên cứu hiện có cho thấy một số người có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng cao hơn những người khác do đặc điểm di truyền của họ.

4. Bệnh tật

Người bị bệnh mạn tính, phẫu thuật hoặc chấn thương cần tối ưu hóa tình trạng dinh dưỡng. Ngoài ra, nhóm người có nguy cơ bị bệnh có thể hưởng lợi từ thực phẩm chức năng. Tiến sĩ Chaney nói trong cuốn sách của mình, “Thực phẩm chức năng có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh ở người có nguy cơ cao, đặc biệt nếu thực đơn ăn uống của họ không đầy đủ.”

Để xác định nhu cầu sử dụng chất bổ sung, Tiến sĩ Chaney đã tạo ra biểu đồ Venn cho thấy những điểm giống và khác nhau giữa các nhóm đối tượng. Ông nói: “Quý vị càng có nhiều vòng tròn chồng chéo thì khả năng quý vị hưởng lợi từ chất bổ sung càng cao.”

Hãy bỏ qua các quảng cáo cường điệu, chúng ta có 4 lý do chính để sử dụng thực phẩm chức năng
Tại vùng giao nhau của các vòng tròn, nhu cầu thực phẩm chức năng là lớn nhất. Ví dụ, sử dụng thực phẩm chức năng đem lại nhiều lợi ích hơn khi thực đơn ăn uống kém đi kèm với bệnh tật hoặc yếu tố di truyền. (Ảnh minh họa: The Epoch Times)

Lựa chọn thực phẩm chức năng chất lượng

Việc lựa chọn thực phẩm chức năng có thể khó khăn đối với người tiêu dùng, vì vậy nghiên cứu kỹ lưỡng sản phẩm là cần thiết để bảo đảm chất lượng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng là thực phẩm chức năng cho thực đơn ăn uống, không phải thuốc. Các quy định trong Current Good Manufacturing Practice (Thực hành Sản xuất Tốt Hiện hành) của FDA cho thấy, không giống như các loại thuốc cần phải được chứng minh sự an toàn và hiệu quả trước khi quảng bá đến người tiêu dùng; thực phẩm chức năng chỉ cần được nhà sản xuất xác minh về nguồn gốc, độ tinh khiết, hàm lượng và thành phần.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ không yêu cầu một quy trình chuẩn hóa để bảo đảm sự đồng nhất giữa các lô sản phẩm. Cơ quan này cũng không đưa ra các tiêu chuẩn về các hóa chất hay các thông số để bảo đảm sự đồng nhất hoặc để kiểm soát [chất lượng] sản phẩm.

Tiến sĩ Chaney cho biết các hoạt động kiểm soát chất lượng rất tốn kém, nhiều công ty sản xuất thực phẩm chức năng không bận tâm thực hiện mà vẫn tung sản phẩm ra thị trường. Mặc dù các vấn đề về chất lượng đã dẫn đến các vướng mắc [pháp lý] và các vụ kiện tụng với FDA. Tuy nhiên, bỏ qua hoạt động kiểm soát chất lượng vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong ngành này.

Tiến sĩ Chaney cho biết, để xác định thực phẩm chức năng đạt chất lượng cần đặt ra các câu hỏi khó, bao gồm việc tìm hiểu xem nhà sản xuất đã thực hiện bao nhiêu bài kiểm soát chất lượng, cũng như phương pháp kiểm tra.

Biết được số lượng phương pháp kiểm tra là điều cần thiết vì tiêu chuẩn trong ngành này là kiểm tra khoảng 105 loại thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, những công ty hàng đầu dùng phương pháp sàng lọc theo Sổ tay Phân tích Thuốc trừ sâu (PAM), vốn tốn kém hơn nhưng có thể sàng lọc tới 325 loại thuốc trừ sâu.

Khi hỏi một công ty về tần suất kiểm soát chất lượng, Tiến sĩ Chaney cho biết con số này có thể lên tới hàng chục nghìn lần mỗi năm. Ông gợi ý đặt những câu hỏi về các phương pháp phân tích như sau:

  • Công ty có thực hiện xét nghiệm DNA để xác thực nguồn gốc nguyên liệu thô và các tuyên bố không biến đổi gene không?
  • Công ty có dùng phương pháp sắc ký lỏng/khối phổ hiệu năng cao (HPLC/MS) không? Đây là phương pháp phân tích để xác định và định lượng thành phần hóa học của sản phẩm cuối cùng, bảo đảm sản phẩm chứa đúng lượng thành phần hoạt tính mà không có chất gây ô nhiễm. Nhiều công ty không dùng phương pháp này vì chi phí.
  • Công ty có dùng phương pháp phổ khối plasma kết hợp cảm ứng (ICP/MS), một kỹ thuật kiểm tra nguyên tố có độ nhạy cao để phát hiện nhiễm kim loại nặng không? Phương pháp này thậm chí còn tốn kém hơn phương pháp sắc ký lỏng/khối phổ hiệu năng cao (HPLC/MS) và cũng hiếm khi được sử dụng.
  • Công ty có kiểm tra nhiễm vi sinh vật không?
  • Nếu sản phẩm không đạt thông số kỹ thuật thì công ty sẽ giải quyết như thế nào?

Lưu ý về tương tác thuốc khi sử dụng thực phẩm chức năng

Nếu quý vị đang dùng thuốc theo toa, quý vị cần trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng thực phẩm chức năng để tránh tương tác thuốc. Ví dụ, vitamin K làm tăng quá trình đông máu, có thể gây ra phản ứng không mong muốn nếu quý vị đang dùng thuốc làm loãng máu.

Một chất bổ sung khác, St. John’s wort (Cây Ban Âu), đẩy nhanh quá trình phân hủy và làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc.

Đôi khi, chỉ cần điều chỉnh thời điểm sử dụng thực phẩm chức năng là có thể tránh được các tương tác thuốc.

Các vấn đề cốt lõi

Tiến sĩ Chaney đưa ra những khuyến nghị “cốt lõi” như sau:

  • Bỏ qua sự cường điệu. Hãy cảnh giác với những lời hứa hẹn như giảm cân dễ dàng. Đừng tin vào những lời chứng ngôn hấp dẫn nhưng thiếu bằng chứng khoa học; hiệu ứng giả dược có thể lên tới 50%.
  • Bỏ qua những lời đồn đại tiêu cực. “Không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy thực phẩm chức năng không hiệu quả hoặc có thể gây hại cho quý vị.”
  • Bác sĩ của quý vị không được đào tạo như các nhà khoa học [dinh dưỡng]; họ không có thời gian để phân tích toàn diện các tài liệu khoa học. Khi đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng, họ thường chỉ lặp lại những lời đồn đại về dinh dưỡng lưu truyền trong dân gian mà họ thường nghe.
  • Vì hầu hết chúng ta không có thực đơn ăn kiêng hoàn hảo nên thực phẩm chức năng có thể giúp bổ sung các dưỡng chất bị thiếu. Hầu hết các chuyên gia sẽ đồng ý với tiền đề chung này.
  • Lựa chọn tốt nhất luôn là phương pháp bổ sung toàn diện. Hãy tìm các loại thực phẩm chức năng mô phỏng sự cân bằng có trong thực phẩm toàn phần.
  • Bằng chứng về lợi ích của thực phẩm chức năng thể hiện đáng kể ở những người bị thiếu hụt dưỡng chất, nhu cầu [bổ sung] gia tăng, yếu tố di truyền và người có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
  • Nhiều người không ý thức được khi nào họ có nguy cơ bị bệnh cao. Ví dụ, triệu chứng đầu tiên của bệnh tim có thể là đột tử.
  • Một ngày nào đó, chúng ta có thể dự đoán nhu cầu dinh dưỡng của một người dựa trên di truyền học (dinh dưỡng di truyền). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm được điều đó. “Nếu ai đó cố nói với quý vị điều ngược lại, họ có thể cũng sẽ nói dối về những điều khác.”
  • “Cuối cùng, những tuyên bố rằng thực phẩm chức năng là vô ích hoặc có hại cũng không thể đứng vững hơn những tuyên bố rằng thực phẩm chức năng mang lại những phương pháp chữa bệnh kỳ diệu. Cả hai đều là huyền thoại và cần được bỏ qua.”

Vì chúng ta đang bị tấn công bởi những quảng cáo cường điệu chưa từng có, việc duy trì thái độ hoài nghi lành mạnh là điều cần thiết, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm chức năng hứa hẹn như một viên thuốc tiên. Không ai muốn lãng phí tiền bạc vào một sản phẩm bổ sung không có tác dụng — hoặc đáng lo ngại hơn, một sản phẩm có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Allison DeMajistre
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Allison DeMajistre, BSN, RN, CCRN, là một nhà văn y tế tự do của The Epoch Times. Cô là một y tá đã được chứng nhận và từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc tích cực. Cô chuyên viết về các chủ đề liên quan đến bệnh tim mạch.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn