Hướng dẫn cơ bản về bệnh lao: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên

Khoảng 25% dân số thế giới đã từng nhiễm vi khuẩn lao

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Khoảng 25% dân số thế giới được cho là đã nhiễm vi khuẩn lao. Những người bị nhiễm lao, trong suốt vòng đời của họ, xác suất tiến triển thành bệnh lao hoạt động là 5-10%. Số còn lại sẽ sống chung với bệnh lao tiềm ẩn.

Trong những năm gần đây, bệnh lao là nguyên nhân lây nhiễm gây tử vong lớn thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau COVID-19. Vào năm 2022, ước tính có khoảng 10.6 triệu người trên toàn thế giới bị bệnh lao và 13 triệu người tử vong. Năm 2021, Hoa Kỳ ghi nhận gần 8,000 ca bệnh lao. Dữ liệu gần đây nhất về số ca tử vong liên quan đến bệnh lao ở Hoa Kỳ là từ năm 2020, với 600 người chết vì căn bệnh này, tương ứng với tỷ lệ tử vong là 0.2/100,000 người.

Các loại bệnh lao

Bệnh lao có thể được phân thành nhiều loại khác nhau dựa theo giai đoạn bệnh (hoạt động hay tiềm ẩn, sẽ được đề cập ở phần sau) và dựa theo cơ quan bị bệnh (phổi hoặc ngoài phổi).

Có 2 loại bệnh lao chính là lao phổi và lao ngoài phổi.

1. Lao phổi

Lao phổi là một bệnh nhiễm trùng liên quan đến phổi nhưng cũng có thể lây lan sang các cơ quan khác.

2. Lao ngoài phổi

Bệnh lao ngoài phổi là tên chung của các bệnh lao bắt nguồn từ các cơ quan bên ngoài phổi và không bao giờ liên quan đến phổi.

Lao ngoài phổi thường phát sinh từ sự lây lan của nhiễm trùng qua đường máu hoặc lây lan trực tiếp từ các cơ quan lân cận. May mắn thay, những người bị lao ngoài phổi thường không truyền bệnh cho người khác.

Các triệu chứng lao ngoài phổi khác nhau tùy theo vị trí. Dưới đây là các loại bệnh lao ngoài phổi:

  • Lao hạch: Lao hạch là dạng lao ngoài phổi phổ biến nhất, thường xuất hiện các hạch bạch huyết ở vùng cổ sau và xương đòn.
  • Xương: Bệnh lao xương khớp có thể chiếm tới 35% các trường hợp lao ngoài phổi. Cột sống là nơi thường bị tổn thương, với số lần xuất hiện viêm khớp do lao ở các khớp chịu trọng lực. Bệnh Pott, hay bệnh lao cột sống, thường tổn thương đến cột sống ngực. Bệnh khởi phát ở thân đốt sống và thường lan sang các đốt sống kế cận gây hẹp đĩa đệm.
  • Bệnh lao kê: Còn được gọi là lao toàn thể, bệnh lao kê là kết quả của sự lan truyền của vi khuẩn lao vào trong máu, phát tán hàng triệu trực khuẩn khắp cơ thể, trong đó phổi và tủy xương là những vị trí phổ biến [chịu ảnh hưởng].
  • Lao màng phổi: Tại Hoa Kỳ, bệnh lao màng phổi chiếm khoảng 5% tổng số ca bệnh lao và là một trong những loại lao ngoài phổi phổ biến nhất. Lao màng phổi gây tổn thương màng phổi, màng mỏng lót thành ngực và bao bọc nhu mô phổi.
  • Lao màng não: hay viêm màng não do lao là dạng bệnh lao nặng nhất, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường xảy ra đơn lẻ với các bệnh lý lao ngoài phổi khác.
  • Lao bụng: có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong ổ bụng như thận, gan, đường tiêu hóa và phúc mạc (màng bao bọc các cơ quan ổ bụng). Lao tiết niệu lây nhiễm vào thận và có thể lan đến bàng quang, ở nam giới, đến tuyến tiền liệt, túi tinh và mào tinh hoàn (ống cuộn lưu trữ và vận chuyển tinh trùng). Lao phúc mạc xảy ra khi nhiễm trùng lây lan trong khoang bụng từ các hạch bạch huyết ở bụng hoặc buồng trứng và ống dẫn trứng bị viêm. Bệnh lao đường tiêu hóa có thể xảy ra thông qua nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm, lây truyền qua đường máu hoặc từ các cơ quan lân cận. Tổn thương đường ruột có thể ở dạng loét (phổ biến nhất), quá sản hoặc kết hợp cả hai. Mặc dù tổn thương gan do bệnh lao thường âm thầm về mặt lâm sàng nhưng lại phổ biến ở những bệnh nhân lao phổi tiến triển hoặc bệnh lao kê. Tổn thương gan thường hồi phục mà không để lại di chứng nếu nhiễm trùng tiên phát được điều trị.
  • Lao ngoài da: Còn được gọi là bệnh lao da bìu, bệnh lao ở da xảy ra khi nhiễm trùng lao tiềm ẩn lây lan sang da, gây ra các vết loét và xoang.
  • Lao màng tim (viêm màng ngoài tim do lao): Lao màng tim bắt đầu như một bệnh nhiễm trùng ở màng tim (màng ngoài tim) và có thể phát sinh từ các hạch bạch huyết trung thất hoặc lao màng phổi.

Các giai đoạn của bệnh lao

Nhiễm trùng tiên phát hoặc phơi nhiễm là giai đoạn đầu của nhiễm trùng lao ở những người lần đầu tiên tiếp xúc với trực khuẩn lao. Nhiễm trùng lần đầu có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời, nguy cơ cao nhất là ở tuổi thiếu niên.

Sau đợt nhiễm trùng tiên phát, một số bệnh nhân bị lao hoạt động, trong khi hầu hết vẫn không có triệu chứng. Hầu hết các cá nhân đều tự loại bỏ nhiễm trùng thành công, với một phần bước vào giai đoạn tiềm ẩn. Các giai đoạn xảy ra như sau:

  • Giai đoạn hoạt động: Còn được gọi là bệnh lao tiến triển nguyên phát, khoảng 10% số người nhiễm lao sẽ có những biểu hiện triệu chứng hoạt động. Một số có thể bị lây lan đến các cơ quan ở xa.
  • Giai đoạn tiềm ẩn: Bệnh lao tiềm ẩn xảy ra khi một cá nhân bị nhiễm vi khuẩn lao nhưng không phát triển bệnh lao. Dạng tiềm ẩn sẽ không thể truyền vi khuẩn sang người khác. Tuy nhiên, họ có thể phát triển thành bệnh lao hoạt động trong tương lai. Điều trị thường được áp dụng để ngăn chặn sự tiến triển này.
  • Bệnh lao thứ phát: Còn được gọi là bệnh lao tái hoạt là dạng bệnh lao hoạt động thứ hai và phổ biến nhất, chiếm 90% các trường hợp. Ở những bệnh nhân lao sau giai đoạn đầu, bệnh thường phát triển do sự tái hoạt động của vi khuẩn lao tiềm ẩn hoặc sự tái nhiễm bên ngoài của cùng một loại vi khuẩn. Bệnh lao tái hoạt động có thể phát triển nhiều năm sau lần nhiễm trùng đầu tiên và đối với những người không có vấn đề sức khỏe đồng mắc, nguy cơ phát triển bệnh lao hoạt động trong đời là 5% đến 10%.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh lao

Bệnh lao tiềm ẩn không có triệu chứng và các triệu chứng của bệnh lao sau tiên phát có thể rất giống với bệnh lao hoạt động. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh lao hoạt động bao gồm:

  • Lạnh run.
  • Sốt.
  • Đổ nhiều mồ hôi về đêm.
  • Giảm cân.
  • Chán ăn.
  • Khó chịu.
  • Suy yếu.
  • Mệt mỏi.
  • Chậm tăng trưởng ở trẻ em.

Các triệu chứng tùy thuộc vào cơ quan bị tổn thương bao gồm:

  • Phổi: khó thở, đau ngực, ho kéo dài hơn ba tuần, ho đờm kèm máu hoặc không, vã nhiều mồ hôi về đêm, mệt mỏi, sốt, sụt cân, nổi hạch và đau họng.
  • Viêm hạch bạch huyết: nổi hạch bạch huyết. Trong những trường hợp bệnh tiến triển, các hạch có thể bị viêm, ấn mềm, hình thành đường rò (một đường thông bất thường giữa các bộ phận bên trong cơ thể). Quá phát hạch trung thất cũng thường gặp ở bệnh nhân biểu hiện bệnh nguyên phát tại phổi.
  • Xương: tổn thương xương gây đau dai dẳng cùng viêm khớp mạn tính hoặc bán cấp, các dấu hiệu thần kinh (như liệt hai chi dưới), áp xe cạnh cột sống và có thể xẹp đốt sống. Lao khớp là bệnh viêm khớp tiến triển chậm gây tổn thương khớp hông hoặc gối. Các triệu chứng bao gồm đau dai dẳng, sưng khớp, giảm phạm vi chuyển động và chảy dịch xoang và áp xe. Áp xe có thể hình thành, gây đau hoặc chèn ép tủy sống, gây liệt.
  • Lao kê: sốt rét run, khó chịu, khó thở tăng dần, sốt không rõ căn nguyên do sự phát tán trực khuẩn không liên tục, có thể thiếu máu và giảm tiểu cầu.
  • Màng phổi: bệnh cấp tính với các triệu chứng như ho, đau ngực, sốt và khó thở.
  • Màng não: sốt nhẹ, rối loạn hành vi và tâm thần, đau đầu dai dẳng, buồn nôn, buồn ngủ, sững sờ và hôn mê.
  • Tiết niệu sinh dục: Tiểu buốt, tiểu máu, đau hông lưng. Bệnh có thể biểu hiện dưới dạng viêm thận đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt, đau lưng và có mủ trong nước tiểu.
  • Da: loét da, đặc biệt là ở bàn tay, mông, khuỷu, bàn chân hoặc khoeo chân. Tổn thương có thể giống như mụn cóc, phẳng và không đau, có màu nâu đỏ hoặc tím hoặc giống như vết loét.
  • Phúc mạc: mệt mỏi, đau bụng, cổ chướng và sốt.
  • Màng ngoài tim: cọ xát màng ngoài tim, đau ngực, sốt.
  • Tiêu hóa: tiêu chảy, sụt cân, sốt, phân đen, chảy máu trực tràng và đau bụng.
  • Gan: gan to, sốt, các triệu chứng hô hấp, đau bụng, sụt cân, lách to, cổ chướng và vàng da.

Nguyên nhân bệnh lao

Bệnh lao thường lây nhiễm khi người bị bệnh lao phổi thể hoạt động ho hoặc hắt hơi và người khác hít phải những giọt bắn có chứa vi khuẩn lao. Mặc dù cách lây truyền tương tự như cảm lạnh hoặc cúm, nhưng bệnh lao ít lây hơn và thường cần tiếp xúc gần gũi kéo dài mới có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Do đó, lây nhiễm thường xảy ra trong gia đình hơn là gặp gỡ tình cờ trên phương tiện giao thông công cộng.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh lao: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
(Bệnh lao do vi khuẩn gây ra. Nhiễm lao không phải lúc nào cũng phát triển thành bệnh; thông thường, vi khuẩn lao sẽ sống tiềm ẩn trong cơ thể. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times, Shutterstock)

Những giọt bắn chứa vi khuẩn có thể tồn tại trong không khí hàng giờ, khiến vi trùng dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, một khi những giọt này rơi xuống các bề mặt sẽ rất khó để tẩy sạch đi bằng cách những cách như quét, lau hoặc phủi. Mặc dù những hành động này có thể khiến các hạt bụi chứa vi khuẩn phát tán nhưng [kích thước] vi khuẩn quá lớn để lọt vào phế nang gây nhiễm trùng khi hít phải. Tiếp xúc với bề mặt hoặc thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc bắt tay với ai đó thường không thể lây lan bệnh lao.

Bệnh lao phổi đang hoạt động không được điều trị có mức độ lây nhiễm khác nhau, vì một số chủng dễ lây lan hơn những chủng khác. Khi tổn thương phổi tạo ra các hang với thành dày chứa vi trùng thì trong đờm cũng có lượng lớn vi khuẩn làm tăng khả năng lây truyền bệnh. Ngoài ra, các yếu tố như phơi nhiễm thường xuyên hoặc kéo dài ở những không gian chật chội, thông gió kém sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm.

Ai có nhiều khả năng bị bệnh lao

Mặc dù bệnh lao có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng những nhóm người nhất định có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn, bao gồm:

  • Những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh: Vì cần phải tiếp xúc gần và kéo dài để lây truyền bệnh lao nên nguy cơ cao nhất là những người sống trong cùng một hộ gia đình với người bị bệnh lao.
  • Những người sống hoặc đến thăm một số quốc gia nhất định: Hầu hết các ca bệnh lao xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, với 1/2 số ca tập trung ở 8 quốc gia: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Nam Phi theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
  • Người lớn tuổi: Người lớn tuổi có thể dễ bị bệnh lao hơn do hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Suy giảm miễn dịch: Những người này phải điều trị bằng các phương pháp ức chế miễn dịch, như liệu pháp ức chế miễn dịch mạn tính (ví dụ: steroid), liệu pháp ức chế TNF-alpha hoặc ghép tạng hoặc bị các bệnh lý như HIV/AIDS, bệnh thấp khớp hoặc suy giảm miễn dịch nguyên phát. Bệnh lao là nguyên nhân chính gây tử vong ở những người nhiễm HIV.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Người suy dinh dưỡng.
  • Người vô gia cư.
  • Người sử dụng chất gây nghiện và những người dùng chung kim tiêm.
  • Những người sống trong môi trường nhóm: bao gồm viện dưỡng lão, cơ sở cải huấn và những nơi khác mà mọi người sống trong gần nhau.
  • Nhân viên chăm sóc sức khỏe: Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tiếp xúc với những người bị bệnh lao và/hoặc những người có nguy cơ cao sẽ làm tăng nguy cơ.
  • Những người có nghề nghiệp nguy cơ cao: Thợ mỏ và công nhân xây dựng tiếp xúc với bụi silic trong công việc có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh lao.
  • Người lạm dụng rượu và người hút thuốc: Những người lạm dụng rượu hoặc hút thuốc có thể bị tổn hại hệ thống miễn dịch.
  • Những người ăn chay hoặc ăn chay nghiêm ngặt: Trong một nghiên cứu cũ về bệnh lao ở phía nam London, trong số những người nhập cư châu Á từ tiểu lục địa Ấn Độ, những người châu Á theo đạo Hindu (những người ăn chay lacto tiêu thụ các sản phẩm từ sữa nhưng không ăn thịt hoặc trứng) cho thấy nguy cơ bị bệnh lao cao gấp 8.5 lần so với những người theo đạo Hồi (ăn thịt và cá). Nghiên cứu cho thấy nguy cơ gia tăng khi giảm tiêu thụ thịt hoặc cá, có thể do thiếu vitamin D, ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ cho thấy mối liên quan và chỉ kiểm tra một đoàn hệ nhất định.

Chẩn đoán bệnh lao

Cần phải có các xét nghiệm để xác định xem một người có bị nhiễm trùng tiềm ẩn hay bị bệnh lao đang hoạt động hay không. Ngoài ra, do bệnh lao có các triệu chứng tương tự với nhiều bệnh lý toàn thân nên cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh như viêm phổi, nhiễm mycobacterium không phải lao, nhiễm nấm và bệnh histoplasmosis.

Xét nghiệm nhiễm lao tiềm ẩn

Hai loại xét nghiệm hiện có để phát hiện bệnh lao ở Hoa Kỳ là xét nghiệm bệnh lao qua da và xét nghiệm bệnh lao trong máu. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ chọn một trong hai dựa trên lý do, tính khả dụng và chi phí của xét nghiệm. Thông thường, không nên thực hiện cả hai bài xét nghiệm.

1. Xét nghiệm Mantoux: Xét nghiệm Mantoux sử dụng các protein vi khuẩn lao làm kháng nguyên – protein tinh khiết chiết tách từ vi khuẩn lao (PPD), do đó xét nghiệm còn được gọi là xét nghiệm da PPD. Đây là xét nghiệm ưu tiên dành cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tiến hành chích một lượng nhỏ protein lao vào phần dưới của cánh tay. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ kiểm tra phản ứng sau 48 đến 72 tiếng và kết quả dựa trên kích thước của cục sần hoặc vùng sưng tấy.

Đôi khi, cần phải loại trừ trường hợp dương tính giả, đó là khi ai đó có phản ứng Mantoux ngay cả khi không bị nhiễm lao. Những người có thể có kết quả dương tính giả bao gồm những người trước đây đã được chích vaccine Bacille Calmette-Guerin (BCG) và những người bị nhiễm vi khuẩn mycobacteria không phải lao. Vaccine BCG được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia có gánh nặng bệnh lao, nhưng nhìn chung vaccine này không được khuyến khích ở Hoa Kỳ do nguy cơ nhiễm bệnh lao thấp, hiệu quả khác nhau giữa các loại vaccine và ảnh hưởng đến phản ứng Mantoux. Nhiều người Mỹ ngoại quốc có thể đã từng tiêm vaccine BCG trước đây.

Sau khi loại trừ kết quả dương tính giả, cần phải thực hiện các xét nghiệm tiếp theo để xác định xem một người có nhiễm bệnh lao tiềm ẩn hay đang hoạt động hay không.

Kết quả âm tính cho thấy người đó không phản ứng với xét nghiệm, khi đó khả năng nhiễm lao tiềm ẩn hoặc bệnh lao ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, âm tính giả cũng có thể xảy ra nghĩa là không phản ứng với Mantoux mặc dù bị nhiễm lao. Hiện tượng này có thể xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV và/hoặc bệnh lao đang hoạt động, trẻ em dưới 6 tháng tuổi và gần đây đã được chích một số loại vaccine virus sống. Những người mới bị nhiễm bệnh lao cũng có thể có phản ứng âm tính giả vì phải mất vài tuần sau khi tiếp xúc, xét nghiệm trên da mới cho kết quả dương tính.

2. Xét nghiệm máu tìm bệnh lao: Xét nghiệm máu tìm bệnh lao, còn gọi là xét nghiệm giải phóng interferon-gamma (interferon-gamma release assays- IGRA), bao gồm hai phương pháp đã được FDA chấp thuận tại Hoa Kỳ.

IGRA đo lường phản ứng miễn dịch của một người đối với vi khuẩn lao. Trong hầu hết các trường hợp nhiễm lao, các tế bào bạch cầu từ mẫu máu sẽ phóng thích interferon-gamma (IFN-g) khi tiếp xúc với các kháng nguyên từ vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Ưu điểm của xét nghiệm này so với xét nghiệm lao trên da bao gồm: kết quả có thể nhận được trong vòng 24 tiếng và không gây dương tính giả dù đã chích vaccine BCG. Tuy nhiên có dữ liệu cho thấy hạn chế của xét nghiệm trên một số nhóm người nhất định và chi phí đắt.

Xét nghiệm bệnh lao đang hoạt động

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lao của bệnh nhân, các yếu tố nhân khẩu học và các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như HIV hoặc tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ lao tiềm ẩn tiến triển thành bệnh. Sau đó, bác sĩ thăm khám tổng thể để có được thông tin về sức khỏe của bệnh nhân. Xét nghiệm Mantoux và xét nghiệm máu tìm lao có thể được áp dụng. Các xét nghiệm khác cũng thường được dùng như:

  • Chụp X quang ngực: Chụp X quang ngực thẳng phát hiện các bất thường ở phổi có thể gợi ý bệnh lao, nhưng không thể chẩn đoán xác định bệnh lao. Tuy nhiên, chụp X quang ngực vẫn hữu ích trong việc loại trừ bệnh lao phổi ở những người có xét nghiệm Mantoux hoặc xét nghiệm máu tìm lao dương tính mà không có triệu chứng.
  • Soi đờm: Lý tưởng nhất là lấy hai hoặc ba mẫu đờm vào các buổi sáng liên tiếp. Việc phát hiện trực khuẩn kháng acid (acid-fast bacilli AFB) trên phết đờm gợi ý bệnh lao, nhưng không phải chẩn đoán xác định, vì không phải tất cả AFB đều là vi khuẩn lao.
  • Nuôi cấy vi khuẩn lao: Để thực hiện xét nghiệm này, cần phải có mẫu mô hoặc dịch cơ thể, thường là từ phổi, tủy xương, gan và đờm. Nuôi cấy mẫu [bệnh phẩm] trong một đĩa đặc biệt và quan sát trong tối đa sáu tuần để phát hiện sự phát triển của vi khuẩn. Nếu không có bệnh thì vi khuẩn sẽ không phát triển được trong môi trường nuôi cấy. Kết quả cấy vi khuẩn dương tính xác định bệnh lao.
  • Xét nghiệm lao kháng thuốc (độ nhạy cảm với thuốc): Trong khi Hoa Kỳ đã kiểm soát bệnh lao đa kháng (kháng ít nhất với 2 thuốc isoniazid và rifampin) và bệnh lao kháng rifampin (MDR/RR-TB) qua các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả, các ca bệnh trên toàn cầu gây ra bởi các chủng kháng thuốc đang gia tăng gần đây. Vì vậy, vi khuẩn lao phân lập được cần được xác định sớm tình trạng xét nghiệm kháng thuốc giúp điều trị hiệu quả.

Biến chứng của bệnh lao

Ngoài tử vong, các biến chứng khác của bệnh lao bao gồm:

  • Tổn thương phổi không phục hồi.
  • Phá hủy phổi diện rộng, hoại tử và hoại thư phổi: Hoại thư phổi là một biến chứng hiếm gặp của nhiễm trùng phổi nặng, gây xẹp một phần hoặc một thùy phổi. Nếu không được điều trị, hoại thư phổi có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, suy đa cơ quan và tử vong.
  • Tràn khí màng phổi: Tràn khí màng phổi là tình trạng tích tụ khí trong khoang màng phổi gây xẹp phổi. Nguyên do là kết quả của sự suy yếu nhu mô phổi, tạo điều kiện cho không khí rò rỉ.
  • Ho ra máu: là tình trạng ho máu từ phổi do sự chảy máu từ các động mạch phế quản, động mạch phổi và động mạch liên sườn.
  • Giãn phế quản: là một bệnh lý tại phổi biểu hiện bởi tình trạng giãn mạn tính đường thở phế quản và suy yếu hoặc mất chức năng các nhung mao vận chuyển chất nhầy ra khỏi phổi. Đây có thể là kết quả do sự chèn ép của hạch viêm trên cây phế quản.
  • Tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
  • Bệnh aspergillosis phổi mạn tính: Aspergillosis phổi mạn tính là một bệnh nhiễm nấm phổi dai dẳng thường do Aspergillus fumigatus và 1 số loại khác.
  • Sốc nhiễm trùng: Sốc nhiễm trùng là một tình trạng bệnh lý trầm trọng gây tụt huyết áp đột ngột xuống mức nguy hiểm khi vi trùng di chuyển vào máu.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS): ARDS là một tổn thương phổi trầm trọng gây rò rỉ dịch lỏng vào nhu mô phổi, dẫn đến khó thở và giảm lượng oxy trao đổi.
  • Empyema: là hiện tượng tràn mủ màng phổi.
  • Bệnh amyloidosis hệ thống: là một tình trạng hiếm gặp khi các protein lệch tâm tích tụ trong các mô, gây hại và rối loạn chức năng cơ quan.
  • Rò phế quản màng phổi: là một thông thương bất thường giữa cây phế quản và khoang màng phổi. Bệnh có thể là biến chứng của lao màng phổi và gây tử vong cao.
  • Xơ hóa màng phổi: là tổn thương gây xơ màng phổi nặng nhất, làm dày màng phổi, hạn chế chuyển động của phổi. Xơ màng phổi là một biến chứng của bệnh lao màng phổi đã làm bào mòn nhu mô phổi.
  • Biến dạng cột sống nặng: là biến chứng của bệnh lao cột sống.
  • Dấu hiệu thần kinh khu trú: cho thấy chức năng bất thường của một khu vực nhất định trên cơ thể và là một biến chứng của bệnh lao cột sống. Đôi khi có thể dẫn đến liệt 2 chi dưới.
  • Não úng thủy: là một bệnh lý thần kinh do sự tích tụ dịch não tủy bất thường trong các não thất. Đây là một biến chứng của bệnh viêm màng não do lao.
  • Tắc ruột: là biến chứng của bệnh lao đường ruột.

Điều trị bệnh lao phổi

Mục tiêu chính của điều trị bệnh lao bao gồm kìm hãm sự phát triển của trực khuẩn, ngăn ngừa bệnh tái hoạt động và giảm thiểu tình trạng kháng thuốc. Bệnh nhân có thể phải ở nhà hoặc nhập viện từ hai đến bốn tuần để ngăn chặn bệnh lây lan.

Điều trị nhằm mục đích chữa khỏi bệnh lao phổi đang hoạt động bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc (thường là bốn loại) cho đến khi có các xét nghiệm xác định được loại thuốc hiệu quả nhất. Bệnh lao phổi và lao ngoài phổi thường được điều trị bằng các phác đồ giống nhau. Vì vi khuẩn lao chết rất chậm nên cần dùng thuốc từ sáu tháng đến một năm để loại bỏ chúng. Khoảng thời gian này có thể thay đổi tùy theo vị trí nhiễm lao và tình trạng kháng thuốc, có thể điều trị kéo dài hơn khi bệnh lao ở hệ thần kinh trung ương, lao xương hoặc đáp ứng chậm.

1. Điều trị bệnh lao tiềm ẩn

Theo hướng dẫn điều trị lao tiềm ẩn năm 2020, các phác đồ này chỉ được khuyến nghị cho những người bị nhiễm trực khuẩn lao nhạy cảm với isoniazid hoặc rifampin, với mục tiêu là bảo đảm người bị nhiễm lao sẽ không phát triển thành bệnh lao hoạt động trong tương lai. Các kế hoạch điều trị bao gồm:

  • 3 tháng điều trị isoniazid kết hợp với rifapentine 1 lần/tuần: Phác đồ này được ưu tiên hơn, đặc biệt đối với trẻ em trên 2 tuổi và người lớn.
  • 4 tháng điều trị rifampin hàng ngày: Dành cho những người âm tính với HIV ở mọi lứa tuổi.
  • 3 tháng điều trị isoniazid kết hợp với rifampin hàng ngày: phác đồ này được gợi ý cho người lớn và trẻ em, kể cả những người nhiễm HIV.
  • Hai phác đồ điều trị isoniazid hàng ngày trong sáu và chín tháng: Đây là những khuyến nghị thay thế.

2. Điều trị bệnh lao hoạt động

Để điều trị bệnh lao, liệu pháp phối hợp luôn cần thiết và nên tránh sử dụng đơn trị liệu. Sau đây là các phương pháp điều trị bệnh lao đang hoạt động:

  • Lựa chọn đầu tiên: Đây là những loại thuốc chính được khuyến nghị để điều trị bệnh lao, bao gồm isoniazid, rifampicin, rifabutin, rifapentine, pyrazinamide và ethambutol.
  • Lựa chọn thứ hai: Đây là những thuốc thay thế được sử dụng khi thuốc bậc một không hiệu quả, dung nạp kém hoặc trong trường hợp kháng thuốc, bao gồm aminoglycoside tiêm, polypeptide tiêm, fluoroquinolones, acid para-aminosalicylic, cycloserine, terizidone, ethionamide, prothionamide, thioacetazone và linezolid.
  • Lựa chọn thứ ba: Đây là những loại thuốc không chắc chắn về hiệu quả kháng lao , được coi là lựa chọn cuối cùng cho bệnh lao kháng thuốc hoàn toàn. Chúng bao gồm clofazimine, linezolid, amoxicillin/acid clavulanic, imipenem/cilastatin và clarithromycin.
  • Thuốc điều trị bệnh lao đa kháng thuốc: Kết hợp thuốc bậc một và bậc hai liều cao để điều trị bệnh lao đa kháng. Một loại thuốc đặc biệt để điều trị lao đa kháng được FDA chấp thuận là bedaquiline.
  • Corticosteroid: Corticosteroid đôi khi được sử dụng trong điều trị bệnh lao cho những bệnh nhân có tình trạng viêm nặng, đặc biệt trong trường hợp ARDS hoặc viêm màng não và viêm màng ngoài tim do lao.

Ảnh hưởng của tinh thần đến bệnh lao

Tiến sĩ Yaw Adusi-Poku, giám đốc Chương trình kiểm soát bệnh lao quốc gia của Ghana, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của lối suy nghĩ tích cực trong điều trị bệnh lao. Dưới đây là một số ảnh hưởng của cách suy nghĩ tích cực đến bệnh lao:

  • Kết quả điều trị tốt hơn: Trong hướng dẫn do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) biên soạn, mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và bệnh lao đã được nêu rõ ràng. Một trong những tổng quan hệ thống được đề cập cho thấy trầm cảm có liên quan đến kết quả điều trị xấu hơn. Mặc dù trầm cảm không phải chỉ đến từ một suy nghĩ, nhưng việc chỉ cần một suy nghĩ tích cực cũng giúp làm giảm tỷ lệ trầm cảm.
  • Phòng ngừa nhiễm lao tốt hơn: Một tổng quan hệ thống cho thấy những người bị các bệnh tâm thần như trầm cảm và tâm thần phân liệt, có tỷ lệ nhiễm lao cao hơn, khiến họ trở thành nhóm có nguy cơ cao cần được sàng lọc và điều trị.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị tốt hơn: Một thách thức to lớn trong điều trị bệnh lao là bệnh nhân không tuân thủ phác đồ do dùng kháng sinh kéo dài. Điều này dẫn đến sự lây nhiễm bệnh kéo dài và phát triển kháng thuốc. Việc suy nghĩ tích cực có thể cải thiện việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao theo quy định, đạt được kết quả tốt hơn.
  • Giảm căng thẳng: Kiểm soát căng thẳng là rất quan trọng trong quá trình phục hồi bệnh lao. Lối suy nghĩ tích cực có thể giúp các bệnh nhân xử lý căng thẳng hiệu quả hơn, vì căng thẳng kéo dài gây tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch.

Phương pháp tiếp cận tự nhiên với bệnh lao

Một số phương pháp thay thế có thể giúp điều trị bệnh lao, đặc biệt là lao đa kháng. Tuy nhiên, hiện tại, các phương pháp này chỉ được sử dụng như liệu pháp bổ sung. Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào, hãy tham khảo ý kiến ​​nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn.

1. Thảo dược

Thảo dược thường được tìm thấy ở dạng chiết xuất theo tiêu chuẩn như thuốc viên, viên nang, viên ngậm, viên nén, chiết xuất lỏng và trà. Dưới đây là những thảo dược có một số đặc tính chống bệnh lao:

  • Quả lý gai Ấn Độ: Quả lý gai Ấn Độ được công nhận rộng rãi là một cây thuốc quan trọng trong hệ thống y học Ayurveda truyền thống của Ấn Độ, với các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ tim mạch, chống chuyển hóa và bảo vệ thần kinh. Quả lý gai với các dẫn xuất và chất bổ sung rất dồi dào vitamin C, phenol, chất xơ và chất chống oxy hóa. Quả lý gai Ấn Độ thường được sử dụng dưới dạng một hỗn hợp gọi là Jawarish amla. Theo một nghiên cứu, sau khi một số người dùng Jawarish amla hàng ngày trong 60 ngày cùng với các loại thuốc điều trị bệnh lao tiêu chuẩn, nhiều triệu chứng bệnh lao, tác dụng phụ của thuốc đã giảm đi và các thông số xét nghiệm được cải thiện đáng kể. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng amla Jawarish đã được chứng minh là chất trợ giúp an toàn và hiệu quả trong việc kiểm soát tác dụng phụ của thuốc chống lao.
  • Tỏi: Trong các phương pháp y học cổ truyền, tỏi được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh lao vì chứa allicin, ajoene và các hợp chất lưu huỳnh khác, có khả năng kháng khuẩn, chống ung thư, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, chống viêm, và đặc tính tim mạch. Trong một nghiên cứu nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, người ta thấy chiết xuất tỏi chứa rất nhiều allicin có hiệu quả chống lại vi khuẩn mycobacteria hơn so với thuốc chống lao tiêu chuẩn isoniazid và ethambutol, trong khi một chiết xuất dồi dào ajoene có hoạt tính tương đương với các loại thuốc này. Trong một nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng allicin cho thấy tác dụng chống lao mạnh mẽ đối với các chủng lao nhạy cảm với thuốc, lao đa kháng, kết luận rằng allicin có thể trở thành thuốc bổ trợ cho các kháng sinh kinh điển được sử dụng trong điều trị bệnh lao.
  • Hoàng kỳ: một loại dược thảo cổ truyền của Trung Hoa với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, hạ huyết áp, bệnh tiểu đường và bảo vệ gan. Hai hoạt chất tự nhiên tác dụng chính của Hoàng kỳ là Astragalus polysaccharide, được chiết xuất từ thân cây hoặc rễ khô, là hoạt chất tự nhiên quan trọng nhất, và Astragaloside, một thành phần hoạt tính sinh học quan trọng khác có đặc tính dược lý. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy cả hai thành phần đều có khả năng gia tăng khả năng thực bào vi khuẩn lao của đại thực bào đồng thời kích thích đại thực bào tiết ra một số protein liên quan đến phản ứng miễn dịch.
  • Dzherelo (Immunoxel): là một hợp chất thực vật dùng đường uống đã được phê duyệt để điều chỉnh hệ thống miễn dịch, gia tăng khả năng chống lại các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả bệnh lao. Một tổng quan hệ thống cho thấy việc sử dụng hợp chất này như một phương pháp trợ giúp cho bệnh lao phổi giúp cải thiện hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của thảo dược đòi hỏi các thử nghiệm lâm sàng được thiết kế tốt hơn.
  • NiuBei XiaoHe (NBXH): là 1 bài thuốc cổ truyền của Trung Hoa, bao gồm Triết bối mẫu, củ Bạch cập, rễ Cát cánh, Ngưu bàng tử, Diếp cá và gạo nếp đã được chứng minh hiệu quả chống lại bệnh lao trong một nghiên cứu trên động vật.

Lời khuyên về cách ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ và triệu chứng bệnh lao bao gồm loại bỏ các chất gây dị ứng (ví dụ: sữa và gluten), kết hợp vitamin B và thực phẩm dồi dào chất sắt (ví dụ: rau lá sẫm màu), tiêu thụ trái cây và rau quả chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, tránh các loại thực phẩm tinh chế và thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, chọn các loại dầu tốt cho sức khỏe (ví dụ: dầu ô liu) và giảm chất kích thích (ví dụ: rượu và thuốc lá). Các chất bổ sung dưới đây cũng có thể hữu ích:

  • Vitamin D: giúp điều chỉnh chức năng đại thực bào, có thể gia tăng hoạt động chống vi khuẩn mycobacteria ở người. Thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm lao. Một nghiên cứu cho thấy các thụ thể toll-like đã kích hoạt hoạt động kháng khuẩn trực tiếp để tiêu diệt vi khuẩn lao nội bào. Một nghiên cứu khác cho thấy vitamin D có thể trợ giúp đẩy nhanh quá trình điều trị cho những người bị bệnh lao phổi đa kháng thuốc.
  • Bergenin: Được tìm thấy trong nhiều cây thuốc, hóa chất bergenin cho thấy các hoạt động dược lý đa dạng, bao gồm các đặc tính chống HIV, kháng nấm, bảo vệ thần kinh, chống viêm và điều hòa miễn dịch. Bergenin có tiềm năng là một chất bổ trợ có giá trị trong điều trị bệnh lao vì tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ và ức chế sự phát triển của vi khuẩn mycobacteria. Theo một nghiên cứu trên động vật, kết hợp bergenin với điều trị chống lao làm giảm suy giảm miễn dịch, rút ngắn thời gian điều trị và giảm đáng kể lượng vi khuẩn lao đa kháng.
  • Curcumin: Curcumin là một polyphenol được chiết xuất từ củ nghệ, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy chất curcumin có tác dụng diệt khuẩn, kiểm soát hiệu quả tình trạng nhiễm mycobacteria ở phổi và giảm viêm thần kinh do lao. Các tác giả nghiên cứu tin rằng chất curcumin có tiềm năng như một liệu pháp trợ giúp trong điều trị bệnh lao.

2. Thực hành Thân-Tâm trong điều trị bệnh lao

Trong một nghiên cứu, những người tham gia được phân ngẫu nhiên vào một nhóm yoga và một nhóm tập thở. Sau hai tháng, nhóm tập yoga đã chứng minh tỷ lệ chuyển đổi đờm và cấy đờm âm tính cao hơn cũng như thuyên giảm các triệu chứng nhiều hơn so với nhóm còn lại, cho thấy những lợi ích tiềm năng của yoga trong việc kiểm soát bệnh lao. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng yoga có thể đóng vai trò bổ sung trong điều trị bệnh lao.

Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy liệu pháp cười, bao gồm cười, giải trí, âm nhạc, tập thở và thiền định được thực hiện hai lần một tuần trong 8 tuần, có thể cải thiện các triệu chứng thể chất, chức năng phổi, trầm cảm và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân lao phổi. So với nhóm không trải qua liệu pháp cười, nhóm nhận liệu pháp cho thấy sự cải thiện đáng kể về sức khỏe tâm lý và sức khỏe toàn diện.

Ngăn ngừa bệnh lao

Bệnh lao có thể phòng ngừa được ngay cả đối với những người tiếp xúc với người bị bệnh. Vì bệnh lao rất khó điều trị nên việc phòng bệnh càng đóng vai trò quan trọng hơn. Các biện pháp sau đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh lao:

  • Tránh môi trường có nguy cơ cao và thông gió kém: Hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh lao đang hoạt động, đặc biệt là trong môi trường kín, đông đúc và/hoặc thông gió kém. Giảm thiểu các chuyến đi đến các vùng có tỷ lệ nhiễm lao cao. Trước khi đi du lịch, hãy đến phòng khám du lịch để được tư vấn. May thay, việc di chuyển bằng đường hàng không thường có nguy cơ bị lao tương đối thấp.
  • Xét nghiệm khả năng nhiễm lao: Xét nghiệm da/máu để phát hiện bệnh lao được áp dụng ở những nhóm người có nguy cơ cao hoặc có khả năng phơi nhiễm như nhân viên y tế. Những người tiếp xúc với bệnh lao, ban đầu nên nhanh chóng thực hiện xét nghiệm da/máu và theo dõi bằng xét nghiệm khác nếu xét nghiệm ban đầu âm tính.
  • Ngăn ngừa bệnh lao tiềm ẩn tiến triển thành bệnh hoạt động: Nếu một người bị nhiễm lao tiềm ẩn, người đó nên dùng thuốc theo khuyến nghị của bác sĩ để tiêu diệt vi khuẩn, từ đó ngăn ngừa nhiễm trùng tiềm ẩn phát triển thành bệnh lao hoạt động.
  • Bảo đảm nhà ở, nơi làm việc thông thoáng.
  • Trợ giúp hệ thống miễn dịch: Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh bằng cách tránh các thực phẩm chế biến sẵn và gây viêm, ngủ 7 hoặc 8 tiếng mỗi đêm và kiểm soát mức độ căng thẳng.

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Beverly Timeding.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn