Hướng dẫn cơ bản về bệnh Lupus: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Khoảng 1.5 triệu người Mỹ và 5 triệu người trên toàn cầu bị các dạng khác nhau của bệnh Lupus.
Lupus, viết tắt của lupus ban đỏ, là một bệnh tự miễn mạn tính không thể chữa khỏi, có khả năng gây tổn thương mọi bộ phận cơ thể và biểu hiện bằng một loạt các triệu chứng ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan. Thuật ngữ “lupus” trong tiếng Latin có nghĩa là “sói” và được một bác sĩ sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 13 để mô tả các tổn thương trên khuôn mặt của căn bệnh mà ông tin rằng giống như vết sói cắn.
Tổ chức Lupus của Hoa Kỳ ước tính có khoảng 1.5 triệu người Mỹ và 5 triệu người trên toàn cầu bị một số loại bệnh lupus. Lupus thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Các loại bệnh Lupus
Có bốn loại bệnh lupus chính.
1. Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
Khi nói về bệnh lupus, mọi người thường đề cập đến bệnh lupus ban đỏ hệ thống, dạng lupus phổ biến nhất, chiếm 70% các trường hợp. SLE liên quan đến việc hệ miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể, dẫn đến tình trạng viêm lan rộng và tổn thương mô ở nhiều cơ quan khác nhau, bao gồm da, khớp, não, thận, phổi và mạch máu. Mức độ trầm trọng của bệnh có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng.
SLE ở trẻ em, còn được gọi là lupus vị thành niên hoặc SLE khởi phát ở trẻ em (cSLE), là khi bệnh lupus khởi phát lâm sàng ở những người dưới 18 tuổi. Bệnh này rất hiếm, với tỷ lệ bị bệnh từ 3.3 – 24 trên 100,000 trẻ em. Khoảng 10% – 20% tất cả các trường hợp SLE được chẩn đoán ở thời thơ ấu và SLE ở trẻ em thường biểu hiện các triệu chứng trầm trọng hơn ở người lớn.
2. Lupus ban đỏ ở da (Lupus da)
Trong bệnh lupus da, hệ miễn dịch tấn công các tế bào da gây viêm và tạo ra các vết mẩn đỏ, dày, thường có vảy và vết loét có thể nóng rát hoặc ngứa. Các phát ban và vết loét có thể có màu tím sẫm hoặc nâu sẫm trên nền da tối màu.
Có ba loại bệnh lupus da:
- Cấp tính: Các trường hợp cấp tính thường phát triển nhanh chóng, diễn ra trong thời gian ngắn và thường không để lại sẹo trên da. Hầu như tất cả những bệnh nhân lupus da cấp tính đều bị bệnh SLE. Lupus da cấp tính có thể khu trú và toàn thân (tức là phân bố rải rác trên da). Triệu chứng cục bộ là phát ban hình cánh bướm, màu đỏ dạng phẳng hoặc gồ lên và che phủ sống mũi – má. Lupus da cấp tính toàn thân biểu hiện bằng các ban đỏ nổi khắp cơ thể.
- Bán cấp: Lupus da bán cấp bao gồm phát ban màu đỏ, vết loét hình vòng hoặc các mảng có vảy với đường viền rõ nét. Bệnh có thể liên quan đến SLE nhưng cũng có thể xảy ra độc lập. Thông thường, những tổn thương này không ngứa cũng không đau và hiếm khi để lại sẹo sau khi lành.
- Mạn tính: Có nhiều loại bệnh lupus da mạn tính. Bệnh lupus ban đỏ da mạn tính tồn tại trong một thời gian dài có thể để lại sẹo vĩnh viễn và gây rụng tóc. Trong phần lớn lupus da mạn tính, bệnh lupus phát ban dạng đĩa là phổ biến nhất. Những ban này thường xuất hiện trên da đầu và mặt, thường có màu đỏ, có vảy, gồ lên, có thể dẫn đến sẹo, rụng tóc hoặc đổi màu da theo thời gian.
Khi phát ban trong lupus giống như những phát ban gặp trong các bệnh khác, chúng được phân loại là phát ban không điển hình có liên quan đến lupus. Có rất nhiều tình trạng da như vậy, bao gồm nổi mề đay, vết bầm tím và bệnh bạch biến.
3. Lupus sơ sinh
Không giống như tên gọi, chứng rối loạn tự miễn dịch mắc phải hiếm gặp này thực ra không phải là dạng lupus sơ sinh, cũng không phải là bệnh lupus thực sự. Trẻ bị lupus sơ sinh có thể phát ban tạm thời trên da, các vấn đề về gan hoặc số lượng tế bào máu thấp. Các triệu chứng thường hết trong vòng 6 tháng mà không để lại hậu quả lâu dài.
4. Lupus do thuốc
Đây là một bệnh giống lupus do thuốc kê toa gây ra, bao gồm hydralazine (điều trị cao huyết áp), Procainamide (điều trị rối loạn nhịp tim), valproate (thuốc chống động kinh), Infliximab (điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh Crohn) và isoniazid (điều trị bệnh lao).
Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của bệnh Lupus
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm nhất của bệnh lupus có thể bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Đau khớp và cứng khớp.
- Nhạy cảm với ánh sáng: Đây là tình trạng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc ánh sáng, gây phát ban, sốt, mệt mỏi hoặc đau khớp khi tiếp xúc với ánh sáng (bức xạ tia cực tím).
- Đau cơ.
- Khó chịu về đường tiêu hóa.
- Sốt.
- Phát ban hình cánh bướm trên mặt (trong 30% trường hợp).
- Tổn thương da.
- Đau ngực.
- Nhức đầu.
- Thở nông.
Do khả năng tác động lên các bộ phận khác nhau của cơ thể, bệnh lupus biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau. Không phải ai cũng gặp tất cả triệu chứng, các triệu chứng này có thể dao động và tiến triển.
Các triệu chứng của bệnh lupus thường diễn ra theo từng đợt bùng phát và thuyên giảm, nghĩa là bệnh nhân không phải trải qua triệu chứng liên tục. Lupus được đặc trưng bởi các giai đoạn triệu chứng trầm trọng hơn (bùng phát) sau đó là các khoảng thời gian cải thiện hoặc thuyên giảm triệu chứng.
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
Các dấu hiệu và triệu chứng SLE phổ biến bao gồm:
- Sốt: Sốt thường cao hơn 1000F (37,80C), thường do viêm hoặc nhiễm trùng. Một số người có thể bị sốt nhẹ dưới 1010F (38,30C), điều này có thể báo hiệu đợt bùng phát bệnh lupus sắp xảy ra.
- Phát ban.
- Đau cơ và đau/sưng/cứng khớp thường xuất hiện ở cổ, đùi, vai và đầu trên cánh tay.
- Nhạy cảm ánh sáng.
- Loét miệng có thể xuất hiện trên môi hoặc trong khoang miệng.
- Mệt mỏi dai dẳng: Bệnh nhân vẫn có thể cảm thấy vô cùng mệt mỏi ngay cả khi ngủ đủ giấc.
- Thay đổi cân nặng: Do mức độ hoạt động của bệnh tăng cao hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh lupus.
- Đau ngực: Do viêm màng phổi, dẫn đến khó chịu khi hít thở sâu.
- Đau bụng.
- Thiếu máu: có liên quan đến tình trạng mệt mỏi do thiếu tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể.
- Trầm cảm và lo lắng: Gần 1/3 số bệnh nhân lupus trải qua những điều này.
- Đông máu: Nguy cơ đông máu tăng cao, có khả năng dẫn đến các vấn đề như huyết khối ở chân hoặc phổi, đột quỵ, đau tim hoặc sẩy thai liên tiếp.
- Rụng tóc: Thường xuất hiện dưới dạng các đốm loang lổ hoặc hói, có thể do thuốc hoặc nhiễm trùng gây ra.
- Các vấn đề về đường tiêu hóa: bao gồm chứng ợ chua do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và loét dạ dày liên quan đến các loại thuốc dùng trong điều trị bệnh lupus như NSAID và steroid.
- Vấn đề về trí nhớ: Một số người có thể bị quên hoặc lú lẫn.
- Các vấn đề về mắt: Các triệu chứng có thể bao gồm khô mắt, viêm mắt và phát ban ở mí mắt.
- Hội chứng Sjogren: Có tới 10% bệnh nhân lupus có thể bị chứng rối loạn tự miễn dịch này, hệ miễn dịch tấn công và ảnh hưởng đến chức năng của tuyến lệ và nước bọt, dẫn đến khô mắt, miệng và âm đạo, thường gây ra cảm giác cộm ở mắt.
- Bệnh tuyến giáp tự miễn.
- Viêm khớp.
- Sự đổi màu đầu ngón tay và ngón chân.
- Phù chân hoặc quanh mắt.
Trẻ em bị SLE có các triệu chứng đặc trưng, thường nặng hơn và tiên lượng xấu hơn so với người lớn bị SLE. Nhiều trường hợp viêm thận, các vấn đề về máu, nhạy cảm với ánh sáng, các vấn đề liên quan đến não cũng như các vấn đề về da và miệng được quan sát thấy ở những bệnh nhân SLE trẻ em. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị rối loạn tâm thần và/hoặc co giật. SLE ở trẻ em cũng có liên quan đến nhiều tổn thương hơn SLE ở người lớn.
Lupus sơ sinh
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus sơ sinh bao gồm:
- Các triệu chứng về da như phát ban.
- Các triệu chứng về tim, bao gồm cả tim bẩm sinh.
- Bệnh gan.
- Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị bệnh đầu to.
- Giảm tiểu cầu
- Giảm bạch cầu
- Thiếu máu.
Lupus do thuốc
Lupus do thuốc có một số đặc điểm giống với SLE, bao gồm viêm thanh dịch như viêm màng phổi hoặc màng tim. May mắn thay, bệnh lupus do thuốc hiếm khi ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng.
Nguyên nhân của Lupus
Nguyên nhân của bệnh lupus vẫn chưa được biết rõ, nhưng được cho là do sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền, môi trường và nội tiết tố. Bởi vì hầu hết những người bị bệnh lupus là phụ nữ nên các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng estrogen có thể có vai trò trong việc phát triển bệnh, ít nhất là về mức độ nặng. Những người có khuynh hướng di truyền bị bệnh lupus, như những người có họ gene MHC loại 1 và 2 (mã hóa các protein liên quan đến phản ứng miễn dịch), có thể phát triển bệnh khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích từ môi trường. Các tác nhân khởi phát điển hình bao gồm:
- Tiếp xúc với tia UV.
- Khói thuốc lá.
- Nhiễm trùng.
- Một số loại thuốc.
- Căng thẳng.
- Mệt mỏi trầm trọng.
- Thiếu vitamin D, mặc dù mối quan hệ giữa vitamin D với bệnh lupus có thể là hai chiều.
- Phơi nhiễm độc tố.
- Phẫu thuật lớn hoặc chấn thương nặng.
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
Các biến thể gene thông thường liên quan đến hệ miễn dịch có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh SLE. Trong một số ít trường hợp, đột biến gene đặc trưng có thể trực tiếp gây bệnh.
Trong bệnh SLE, cơ thể không thể loại bỏ các tế bào tự hủy do hư hỏng hoặc mất chức năng một cách hiệu quả. Mối liên hệ chính xác giữa vấn đề này với nguồn gốc hoặc đặc điểm của SLE vẫn chưa chắc chắn. Một số nhà nghiên cứu đề xuất rằng những tế bào chết này có thể phóng thích các chất kích hoạt phản ứng miễn dịch bất thường, từ đó tấn công cơ thể và gây ra các biểu hiện của SLE.
Lupus sơ sinh
Lupus sơ sinh không thực sự là lupus, tuy nhiên đặt tên như vậy vì em bé có phát ban giống với bệnh lupus nhưng không [thực sự] bị bệnh lupus. Thông thường, người mẹ cũng không bị bệnh lupus. Bệnh phát sinh ở trẻ sơ sinh do kháng thể nhận được từ mẹ chứ không phải do gene di truyền. Những kháng thể này do hệ miễn dịch của người mẹ tạo ra, thường bảo vệ trẻ khỏi các chất có hại. Người mẹ truyền kháng thể cho con một cách tự nhiên trong quá trình mang thai vì trẻ sơ sinh không thể tự tạo ra kháng thể. Ngay cả khi bản thân người mẹ bị bệnh lupus, việc người mẹ truyền kháng thể có thể gây bệnh lupus sơ sinh sang con là rất ít gặp, đó là lý do tại sao bệnh này rất hiếm.
Ai có nguy cơ bị bệnh Lupus
Những người có nguy cơ cao bị bệnh lupus bao gồm:
- Phụ nữ: Mặc dù bệnh lupus có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng chủ yếu tác động đến phụ nữ, với khoảng 90% bệnh nhân trưởng thành là nữ. Các yếu tố nội tiết tố nữ đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển bệnh SLE. Ví dụ, estrogen khởi phát hoạt động của các tế bào miễn dịch khác nhau, như tế bào B, đại thực bào và tế bào tuyến ức, đồng thời phóng thích một số cytokine nhất định. Ngoài ra, việc sử dụng các phương pháp tránh thai có chứa estrogen và liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh có liên quan đến việc gia tăng bệnh SLE.
- Những người trẻ tuổi: Mặc dù bệnh lupus có thể phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng thường được chẩn đoán ở độ tuổi 15 đến 44. Những bệnh nhân Lupus trên 50 tuổi chiếm khoảng 20%.
- Không thuộc chủng tộc da trắng: Ở Hoa Kỳ, người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Á Châu và người da đỏ bản địa có nhiều nguy cơ bị bệnh lupus hơn người da trắng.
- Người dân ở các nước công nghiệp hóa Tây phương: Tỷ lệ mắc bệnh SLE đã tăng 10% một cách không thể giải thích được ở các quốc gia Tây phương trong 5 thập niên qua, trong khi Phi Châu và Á Châu có tỷ lệ mắc SLE thấp hơn đáng kể. Các nhà nghiên cứu đề xuất các yếu tố như đa dạng sắc tộc, hút thuốc lá ở các nước công nghiệp phát triển và sự khác nhau về bệnh truyền nhiễm theo khu vực có thể góp phần tạo ra những khác biệt này.
- Những người có bộ gene nhất định: Các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 100 biến thể gene có liên quan đến bệnh lupus; những biến thể này có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Khi một người trong cặp song sinh bị bệnh lupus, khả năng cao là người còn lại cũng sẽ bị bệnh (khoảng 30% đối với cặp song sinh cùng trứng và 5% – 10% đối với cặp song sinh khác trứng).
- Một số loại thuốc: Hơn 100 loại thuốc có liên quan đến bệnh lupus do khả năng khử methyl hóa DNA và sửa đổi các kháng nguyên tự thân. Trong đó, Procainamide và hydralazine là những loại thuốc có tỷ lệ gây bệnh lupus do thuốc cao nhất.
- Nhiễm trùng đặc biệt: Virus Epstein-Barr (EBV) đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ bị bệnh lupus.
- Áp lực căng thẳng cao: Những người trải qua ly hôn, bệnh tật hoặc mất người thân có nguy cơ bị bệnh lupus cao hơn.
- Thiếu vitamin D: Có bằng chứng cho thấy rằng vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến triển của bệnh SLE.
- Tiếp xúc với chất độc: Các nhà nghiên cứu đã xác định được mối liên quan giữa bệnh lupus với nhiều loại chất độc khác nhau, bao gồm silica, thủy ngân và khói thuốc lá.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh lupus có thể gặp khó khăn vì các triệu chứng của bệnh có thể giống với nhiều bệnh lý khác.
Bác sĩ cơ xương khớp trước tiên sẽ hỏi bệnh sử và tiến hành thăm khám thực thể. Sau đó, bạn có thể cần phải làm thêm nhiều xét nghiệm, vì bệnh lupus không thể chẩn đoán chính xác chỉ bằng một xét nghiệm duy nhất và có thể cần vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để xác định chẩn đoán.
Xét nghiệm máu
Mặc dù xét nghiệm máu không thể chẩn đoán bệnh lupus, nhưng các protein đặc trưng trong máu cung cấp thông tin có ích giúp cho bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện:
- Tổng phân tích tế bào máu (CBC): Xét nghiệm này đo số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong máu. Các kết quả sẽ được so sánh với khoảng tham chiếu.
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): Xét nghiệm ANA thường được sử dụng để phát hiện các tự kháng thể có thể gây ra rối loạn tự miễn dịch bằng cách tấn công các thành phần trong nhân tế bào. Trong khi khoảng 95% những bệnh nhân lupus có kết quả xét nghiệm dương tính với ANA, thì lupus do thuốc liên quan đến quinidine thường cho kết quả âm tính với ANA. Tuy nhiên, xét nghiệm ANA dương tính không khẳng định bệnh Lupus một cách chắc chắn. Nhưng xét nghiệm ANA âm tính giúp làm giảm đáng kể sự nghi ngờ bệnh. Do đó đối với những người có ANA dương tính thường cần làm thêm các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán. Ngoài ra, xét nghiệm ANA còn có thể đánh giá nhiều loại kháng thể khác nhau. Các kháng thể được xét nghiệm có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm.
- Xét nghiệm bổ thể: Xét nghiệm đo nồng độ bổ thể, một nhóm protein trong máu chịu trách nhiệm loại bỏ các chất lạ. Nồng độ bổ thể trong máu giảm thường có liên quan đến bệnh lupus.
- Tốc độ máu lắng (ESR hoặc tốc độ lắng): Xét nghiệm này đo tốc độ lắng các tế bào hồng cầu xuống đáy ống nghiệm. Khi bị sưng và viêm, các protein trong máu sẽ tụ lại và trở nên đặc hơn, khiến chúng lắng xuống nhanh hơn. Thông thường, tốc độ lắng máu càng nhanh thì tình trạng viêm càng rõ rệt.
- Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP): Xét nghiệm này xác định tình trạng viêm trong cơ thể. Mặc dù cả ESR và CRP đều cho thấy mức độ viêm tương đương nhau, nhưng trong nhiều trường hợp chỉ 1 trong 2 xét nghiệm tăng cao.
Sinh thiết mô
- Da: Một mẫu mô da nhỏ được lấy ra để kiểm tra dưới kính hiển vi. Sinh thiết da có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra các bất thường ở da, trong đó có bệnh lupus, đánh giá mức độ tổn thương da, và định hướng các quyết định điều trị.
- Thận: Một mẫu mô nhỏ được lấy ra khỏi thận để kiểm tra.
Các xét nghiệm khác
- Tổng phân tích nước tiểu: Mẫu nước tiểu có thể cho kết quả hồng cầu hoặc protein niệu tăng cao, có khả năng liên quan đến bệnh thận trong lupus.
- Chụp X-quang và chụp CT: Bác sĩ sử dụng xét nghiệm này khi nghi ngờ một số cơ quan có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh lupus.
- Siêu âm tim: Thủ thuật không xâm lấn này đánh giá chức năng và cấu trúc của tim, trợ giúp chẩn đoán các vấn đề tim mạch khác nhau trên bệnh nhân Lupus trưởng thành, và cả bệnh tim bẩm sinh do lupus sơ sinh.
Biến chứng của bệnh Lupus
Lupus có nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm những biến chứng chính sau đây, được sắp xếp theo mỗi loại bệnh:
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
Các biến chứng ở bệnh nhân SLE có thể phát sinh do tổn thương cơ quan hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Cụ thể, các biến chứng liên quan đến bệnh bao gồm:
- Viêm thận lupus: Đây là một biến chứng nặng của SLE. Trong bệnh viêm thận lupus, hệ miễn dịch tấn công vào thận, dẫn đến viêm và tổn thương nhu mô thận, có thể gây rối loạn chức năng thận thậm chí là suy thận.
- Xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
- Suy giảm chức năng thần kinh.
- Viêm mạch máu Lupus (LV): Viêm mạch máu phát triển ở khoảng 50% bệnh nhân SLE, chủ yếu ảnh hưởng trên các vi mạch, đôi khi tổn thương mạch kích thước trung bình và hiếm khi tổn thương mạch máu lớn. Bệnh có thể xuất hiện trên nhiều hệ cơ quan khác nhau, biểu hiện triệu chứng dựa trên kích thước và vị trí của các mạch máu bị tổn thương. Thật không may, viêm mạch thường liên quan đến tiên lượng bất lợi.
- Rối loạn đông máu: Đây là một biến chứng thường gặp, dẫn đến đông máu quá mức hoặc thiếu hụt đông máu do cơ thể sản xuất quá nhiều kháng thể. Tình trạng này có thể tồn tại ngay cả khi bệnh lupus đã được kiểm soát tốt.
- Lo lắng và trầm cảm.
- Các vấn đề về phổi: Khoảng một nửa số bệnh nhân SLE sau cùng sẽ gặp phải các biến chứng về phổi khi bệnh tiến triển. Có 5 vấn đề chính về phổi liên quan đến bệnh lupus: viêm màng phổi, viêm phổi lupus cấp tính, viêm phổi lupus mạn tính (xơ), tăng áp phổi và hội chứng “co phổi” (khi bệnh nhân cảm thấy khó thở, đau ngực và giảm dần dung tích phổi).
- Các biến chứng liên quan đến thai kỳ: Thai kỳ nguy cơ cao không phải là biến chứng trực tiếp của bệnh lupus, nhưng bệnh lupus hoạt động khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng như sảy thai, thai chết lưu hoặc các vấn đề sức khỏe trầm trọng cho cả mẹ và bé. Trên thực tế, tất cả các trường hợp sản phụ mang thai bị bệnh lupus đều được phân loại là nguy cơ cao. Để an toàn tối đa, người mẹ phải kiểm soát tốt bệnh hoặc bệnh thuyên giảm trong thời gian ít nhất 6 tháng trước khi mang thai.
- Nhiễm trùng: Bệnh nhân SLE thường bị suy giảm miễn dịch do bản thân bệnh cũng như do các phương pháp điều trị ức chế miễn dịch. Nhiễm trùng thứ phát là nguyên nhân phổ biến và quan trọng đưa tới các vấn đề sức khỏe, trong đó nhiễm vi khuẩn chiếm từ 60% đến 80% các trường hợp. Cytomegalovirus là mầm bệnh cơ hội có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân SLE. Nhiễm trùng tiết niệu cũng rất phổ biến, ảnh hưởng đến gần 40% bệnh nhân lupus.
- Hội chứng kích hoạt đại thực bào (Macrophage activation syndrome – MAS): Mặc dù chưa rõ nguyên nhân, nhưng trong hội chứng này, hệ miễn dịch hoạt động quá mức dẫn đến sự tập trung các tế bào miễn dịch chuyên biệt trong các cơ quan. Điều này có thể gây ra các triệu chứng tương tự như đợt cấp tính, bao gồm sốt và mệt mỏi, với một số thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu và các triệu chứng thực thể. Hội chứng kích hoạt đại thực bào có khả năng gây tử vong và ít gặp ở bệnh nhân SLE trưởng thành.
- Đau cơ xơ hóa.
Các biến chứng do sử dụng corticosteroid kéo dài ở bệnh nhân SLE bao gồm:
- Loãng xương.
- Hoại tử vô mạch.
- Bệnh tăng nhãn áp.
- Đục thủy tinh thể.
- Tăng cân.
- Tình trạng bệnh tiểu đường nặng thêm.
- Loạn thần cấp tính.
Việc sử dụng cyclophosphamide có nguy cơ cao bị bệnh viêm bàng quang kẽ (hội chứng đau bàng quang) và ung thư bàng quang.
Lupus ban đỏ ở da (Cutaneous Lupus Erythematosus – CLE)
Các biến chứng thường gặp của CLE bao gồm:
- Tiến triển thành SLE.
- Thay đổi sắc tố da.
- Để lại sẹo, rụng tóc vĩnh viễn, phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy ở da trong các trường hợp lupus ban đỏ dạng đĩa (discoid lupus erythematosus – DLE).
Lupus sơ sinh
Các biến chứng của bệnh lupus sơ sinh bao gồm:
- Tim bẩm sinh, dẫn đến nhịp tim chậm có khả năng đe dọa tính mạng.
- Bệnh xơ hóa nội tâm mạc: Bệnh tim hiếm gặp này liên quan đến sự dày lên của lớp cơ buồng tim do sự gia tăng số lượng mô liên kết. Điều này gây ảnh hưởng khả năng bơm máu hiệu quả của tim, dẫn đến nhiều vấn đề khác.
- Bệnh cơ tim giãn: Đặc trưng bởi sự giãn cơ tim bắt đầu từ tâm thất trái, buồng tim chịu trách nhiệm chính bơm máu đi khắp cơ thể. Trong trạng thái này, cơ tim yếu đi và không thể co bóp hiệu quả, làm giảm khả năng bơm máu.
- Suy tim sung huyết, thường do các bệnh lý trên.
Lupus do thuốc
Hầu hết những người bị lupus do thuốc không gặp phải các biến chứng trầm trọng. Có một số tình huống hiếm gặp như viêm màng ngoài tim, rối loạn tâm thần kinh và viêm cầu thận (viêm và tổn thương màng lọc của thận). Sự xuất hiện tổn thương viêm cầu thận kéo dài là không phổ biến.
Điều trị Lupus
Mặc dù hiện tại không có cách chữa trị bệnh lupus nhưng các phương pháp điều trị có thể làm giảm triệu chứng và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Kế hoạch điều trị sẽ được thiết lập để giải quyết các vấn đề và triệu chứng đặc biệt, từ đó ngăn ngừa các đợt bùng phát và giảm thiểu biến cố bất lợi.
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
Các loại thuốc điều trị lupus thông thường bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID không kê toa, như ibuprofen và naproxen, có thể làm giảm đau khớp và cơ mức độ nhẹ và giảm sưng.
- Corticosteroid: Còn được gọi tắt là steroid, giúp làm giảm sưng nề và đau, với liều cao hơn có thể kiểm soát hệ miễn dịch. Nhóm thuốc này nhanh chóng làm giảm nhẹ các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ luôn hướng đến liều thấp nhất có hiệu quả do tác dụng phụ của chúng.
- Thuốc chống sốt rét: Thuốc dùng để điều trị bệnh sốt rét, bao gồm hydroxychloroquine và chloroquine phosphate, có hiệu quả điều trị đau khớp, mẩn ngứa trên da, mệt mỏi và viêm phổi trong bệnh lupus. Hydroxychloroquine là phương pháp điều trị đầu tay cho bệnh SLE khởi phát ở trẻ em. Nghiên cứu đã cho thấy rằng những loại thuốc này có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát và kéo dài tuổi thọ của những bệnh nhân lupus.
- Các chất ức chế đặc hiệu BLyS: Những chất ức chế này như belimumab, làm giảm số lượng tế bào B bất thường, vốn là những tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường gây ra bệnh lupus.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Trong trường hợp bệnh lupus nặng ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng và kháng thuốc, thuốc ức chế miễn dịch có thể được kê toa. Tuy nhiên, chúng cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ trầm trọng vì làm suy yếu miễn dịch. Glucocorticoid toàn thân là một phương pháp điều trị quan trọng đối với bệnh SLE ở trẻ em.
- Anifrolumab-fnia: Đây là thuốc đối kháng thụ thể interferon loại 1 đầu tiên được sử dụng cho người lớn bị bệnh SLE mức độ vừa đến nặng.
- Voclosporin: Đây là loại thuốc uống duy nhất được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị viêm thận lupus.
- Tác nhân sinh học: Kháng thể đơn dòng Rituximab có thể có ích cho một số bệnh nhân lupus, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định tác dụng và hiệu quả lâu dài.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Thuốc này làm giảm đau, sưng tấy và tổn thương khớp lâu dài bằng cách làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch.
Lupus ban đỏ ở da
Các bác sĩ da liễu điều trị CLE với mục đích loại bỏ các phát ban trên da, vết loét và các vấn đề khác, giảm ngứa và đau, ngăn ngừa sẹo và giải quyết tình trạng rụng tóc ở bệnh lupus dạng đĩa. Thông thường, bệnh nhân đến khám bác sĩ da liễu 3 – 6 tháng một lần. Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Chống nắng: giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát và không làm bệnh lupus trở nên trầm trọng hơn.
- Thuốc dùng để điều trị SLE.
- Thuốc mỡ Tacrolimus: Sử dụng khi corticosteroid không phù hợp với vùng da bị ảnh hưởng. Nó cũng có thể thúc đẩy mọc lại tóc.
- Liệu pháp laser: Liệu pháp laser có thể điều trị các mảng lupus dạng đĩa dày dai dẳng, bớt sắc tố và sẹo.
Ảnh hưởng của tâm trí đến bệnh Lupus
Một thái độ lạc quan và trạng thái tinh thần tốt có thể tác động tích cực đến một bệnh nhân lupus. Mặc dù thái độ tích cực có thể không trực tiếp cải thiện tình trạng bệnh nhưng có thể giúp bệnh nhân ứng phó với những thách thức và căng thẳng liên quan đến bệnh lupus. Theo một nghiên cứu, gần 23% người tham gia dùng thái độ tích cực làm chiến lược ứng phó với bệnh lupus.
Trong một nghiên cứu nhỏ khác, 56 người bị SLE đã tham gia 6 buổi chương trình tâm lý xã hội hàng tuần để nâng cao sự tự tin và phát triển thái độ tích cực đối với tình trạng bệnh. Nghiên cứu tiết lộ rằng ngoài việc nâng cao lòng tự trọng, những người tham gia chương trình còn có những thay đổi tích cực về tình trạng lo lắng, trầm cảm, khả năng ứng phó, hoạt động xã hội, và rối loạn giấc ngủ.
Các cách tiếp cận tự nhiên với bệnh Lupus
Các phương pháp điều trị tự nhiên có thể giúp kiểm soát triệu chứng.
Cách ăn uống
Mặc dù không có “phương pháp ăn uống đặc biệt cho lupus” nhưng việc duy trì ăn uống lành mạnh, chưa qua chế biến là rất quan trọng để kiểm soát bệnh lupus vì nó điều chỉnh tình trạng viêm và cải thiện sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Theo Tổ chức Lupus của Hoa Kỳ, những bệnh nhân lupus nên tiêu thụ:
- Trái cây và rau quả, bao gồm cả rau lá xanh.
- Ngũ cốc nguyên hạt, đậu và các loại hạt.
- Sự kết hợp giữa các loại thịt nạc, thịt gia cầm, đậu phụ, hải sản và trứng.
- Thực phẩm có chất béo lành mạnh, bao gồm dầu ô liu, bơ, các loại hạt và dầu cá.
Thực phẩm bổ sung
- Vitamin D: Bổ sung vitamin D là điều cần thiết, vì những bệnh nhân lupus nên tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời (cơ chế cần thiết để cơ thể sản xuất vitamin D). Trong một nghiên cứu với 177 bệnh nhân SLE, khoảng 82% người tham gia có hàm lượng vitamin D thấp liên quan đến mức độ hoạt động bệnh nặng hơn và kết quả xét nghiệm máu không thuận lợi. Trong một nghiên cứu khác, việc bổ sung vitamin D trong 5 năm, đơn độc hoặc kết hợp với acid` béo omega-3, đã giúp giảm 22% các bệnh tự miễn như bệnh lupus. Việc bổ sung vitamin D dường như có ảnh hưởng tích cực đến các dấu hiệu viêm và đông cầm máu giúp cải thiện các kết cục lâm sàng.
- Acid béo omega-3: Acid béo không bão hòa đa omega-3 có đặc tính chống viêm. Trong một nghiên cứu, những người tham gia dùng dầu cá omega-3 đã giảm đáng kể mức độ trầm trọng của bệnh lupus so với giả dược.
- N-acetylcysteine (NAC): NAC, một chất bổ sung có chứa dạng biến đổi của acid amin cysteine, có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Những bệnh nhân SLE có rối loạn chức năng tế bào T. Một nghiên cứu thí điểm cho thấy rằng NAC có thể làm giảm hoạt động của bệnh lupus một cách an toàn thông qua ức chế một loại protein trong tế bào T giữ vai trò chính yếu trong việc điều hòa các quá trình tế bào khác nhau.
Các loại thảo mộc
Một số loại thảo mộc có thể làm giảm mức độ trầm trọng của triệu chứng lupus, bao gồm:
- Curcumin: một polyphenol có trong nghệ, có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư và chống viêm, có thể là một chất điều hòa miễn dịch hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy bệnh lupus liên quan đến hoạt động bổ thể quá mức và chất curcumin có thể làm chậm phản ứng miễn dịch này. Ngoài ra, chất curcumin ngăn chặn các tế bào B hoạt động quá mức bằng cách giảm sản xuất kháng thể ở mô hình chuột.
- Trà xanh: Trà xanh chứa chất chống oxy hóa mạnh gọi là catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCG), có đặc tính chống viêm và chống ung thư mạnh. Trong một nghiên cứu, uống chiết xuất trà xanh hàng ngày trong 12 tuần làm giảm hoạt động của bệnh SLE và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Gừng: nổi tiếng với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có chứa một hợp chất quan trọng gọi là 6-gingerol. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy 6-gingerol có thể làm giảm phóng thích bẫy bạch cầu trung tính ở ngoại bào (neutrophil extracellular traps – NET), có liên quan đến bệnh lupus. Nghiên cứu này nhấn mạnh tiềm năng bảo vệ của các hợp chất có nguồn gốc từ gừng trong bệnh lupus.
Một số loại thảo mộc và chất bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc khác, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp mới nào.
Thực hành Thân-Tâm
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh lupus nhờ làm giảm viêm bằng cách điều chỉnh các hóa chất trung gian viêm. Tập thể dục cũng làm giảm tăng cân do tác dụng phụ của thuốc điều trị lupus, tăng cường độ linh hoạt của cơ và cải thiện tinh thần.
- Thiền: Căng thẳng là một trong những tác nhân gây bùng phát bệnh lupus, vì vậy các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền và yoga có thể giúp cải thiện sức khỏe toàn diện của bệnh nhân lupus. Điều trị giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tâm lý cứng nhắc liên quan đến cơn đau và cảm giác tiêu cực liên quan đến bệnh lupus của bệnh nhân.
- Châm cứu: Châm cứu là một phương pháp truyền thống có niên đại hơn 2,500 năm, dùng những chiếc kim nhỏ châm vào da để điều trị sức khỏe. Châm cứu kết hợp với điều trị bằng thuốc thông thường, đã cải thiện tỷ lệ đáp ứng tổng thể, điều chỉnh các chỉ số miễn dịch, giảm mức độ hoạt động bệnh và giảm tỷ lệ gặp tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
Phòng ngừa Lupus
Vì nguyên nhân của bệnh lupus chưa được biết rõ nên không có cách nào để ngăn ngừa bệnh. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu việc tiếp xúc với các tác nhân kích thích từ môi trường để giảm nguy cơ bùng phát bệnh lupus bằng cách thực hiện các cách sau:
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.