Hướng dẫn cơ bản về đau nửa đầu: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên

Đau nửa đầu là một loại đau đầu hay tái phát có thể gây suy nhược cơ thể.

Đau nửa đầu là một loại đau đầu hay tái phát có thể gây suy nhược. Với mức độ đau từ trung bình đến nặng, các triệu chứng có thể khác nhau tùy theo mức độ đau. Đau nửa đầu có những điểm tương đồng với các loại đau đầu khác, [tuy nhiên] các chuyên gia chăm sóc sức khỏe vẫn có thể phân biệt đau nửa đầu với các loại khác.

Theo một tuyên bố đồng thuận được công bố trên Tập san Nature Reviews Neurology (Đánh giá Thần kinh học Tự nhiên), rối loạn thần kinh đôi khi gây tàn tật này ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, khoảng 15% người dân bị đau nửa đầu. Những cơn đau đầu dữ dội có thể làm gián đoạn hoạt động hàng ngày của một người và gây ra các biến chứng.

Các loại đau nửa đầu phổ biến

Theo Bệnh viện Cleveland, có hơn 150 loại đau đầu được chia thành hai nhóm: nguyên phát và thứ phát.

Đau nửa đầu thuộc nhóm nguyên phát, nghĩa là không có nguyên nhân do một căn bệnh khác. Ngược lại, đau đầu thứ phát là kết quả của một bệnh lý khác. Có ba loại đau nửa đầu chính: đau nửa đầu không có tiền triệu (triệu chứng báo trước), đau nửa đầu có tiền triệu, và đau nửa đầu kinh niên. Tiền triệu là một hoặc nhiều rối loạn cảm giác xảy ra trước khi khởi phát đau nửa đầu.

1. Đau nửa đầu không có tiền triệu (thông thường)

Khi không xuất hiện giai đoạn tiền triệu thì được gọi là đau nửa đầu không có tiền triệu. Một số đặc điểm của loại đau nửa đầu này:

  • Đau một bên đầu
  • Đau nhói
  • Cường độ từ vừa đến nặng
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Buồn nôn
  • Nôn

2. Đau nửa đầu có tiền triệu (phức tạp)

Đau nửa đầu có giai đoạn tiền triệu là đau nửa đầu có tiền triệu. Khoảng 15-20% những người bị đau nửa đầu sẽ có hiện tượng báo trước. Các tiền triệu có thể xảy ra trước hoặc trong cơn đau nửa đầu.

Bên cạnh những đặc điểm thông thường của giai đoạn tiền triệu, một số đặc điểm cụ thể hơn [trong đau nửa đầu] bao gồm:

  • Rối loạn thị giác, như hình dạng hoặc màu sắc, có thể kéo dài hàng phút hoặc hàng tiếng
  • Tê tay và chân, có thể diễn ra từ từ
  • Chóng mặt

3. Đau nửa đầu kinh niên

Kinh niên có nghĩa là kéo dài. Trong trường hợp này, đau nửa đầu kinh niên là kéo dài hơn 15 ngày mỗi tháng trong hơn ba tháng.

Những người bị đau nửa đầu kinh niên có thể thay đổi giữa đau nửa đầu kinh niên và từng đợt, và những người bị đau nửa đầu theo đợt có thể chuyển sang đau nửa đầu kinh niên.

Những người bị rối loạn đau đầu, như đau nửa đầu, có thể phát triển thành đau nửa đầu kinh niên do lạm dụng thuốc giảm đau.

4. Các loại khác

Các loại đau nửa đầu ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Đau nửa đầu “thầm lặng”: là loại đau đầu có tiền triệu nhưng không đau.
  • Đau nửa đầu liệt nửa người: có biểu hiện tê liệt tạm thời hoặc thay đổi cảm giác ở một bên cơ thể. Loại này có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng đột quỵ.
  • Đau nửa đầu ở mắt: đau nửa đầu ở mắt gây mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn ở một mắt và đau phía sau nhãn cầu bị ảnh hưởng.
  • Đau nửa đầu có tiền triệu ở thân não: dẫn đến các triệu chứng mất thăng bằng đột ngột, giảm khả năng nói và nhìn đôi.
  • Đau nửa đầu thể bụng: là cơn đau bụng xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em, kéo dài từ 1 đến 72 tiếng, gây đau bụng dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn và chán ăn, có thể kèm theo đau đầu hoặc không. Trẻ nhỏ có xu hướng bị loại này nhiều hơn và có nhiều khả năng sẽ bị đau nửa đầu khi lớn.
  • Đau nửa đầu kiểu cơ bản: xảy ra thường xuyên nhất ở các cô gái tuổi vị thành niên và đôi khi liên quan đến kinh nguyệt. Các triệu chứng liên quan đến thị lực, lời nói, rối loạn thăng bằng và giảm khả năng phối hợp cơ.
  • Đau nửa đầu do kinh nguyệt: ảnh hưởng đến phụ nữ và xảy ra quanh kỳ kinh nguyệt.
  • Tình trạng đau nửa đầu: hiếm gặp, đau đầu kéo dài hơn 72 tiếng với cảm giác vô cùng đau đớn và buồn nôn.

Các triệu chứng của đau nửa đầu

Các triệu chứng có thể khác nhau giữa các loại đau nửa đầu. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Đau đầu nhức nhối
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Nhạy cảm ánh sáng
  • Rối loạn thị giác
  • Đau đầu nặng hơn khi hoạt động
  • Mất khứu giác, vị giác và xúc giác tạm thời

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Nếu đang bị đau đầu, tốt nhất bạn nên đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế để được chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý đi kèm. Theo Bệnh viện Mayo, nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số dưới đây, hãy sớm đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế vì có thể tồn tại một bệnh lý trầm trọng hơn:

  • Đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Thay đổi về thể chất bao gồm sốt, cứng cổ, tê bì, yếu liệt
  • Lú lẫn, co giật, hoặc thay đổi thị lực
  • Đau đầu xảy ra sau chấn thương vùng đầu như chấn động [não]
  • Đau đầu kinh niên nặng hơn sau căng thẳng, ho hoặc gắng sức
  • Những thay đổi về chứng đau đầu sau tuổi 50

Danh sách trên không bao gồm tất cả [mọi tình huống]. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng mới hoặc thay đổi, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn thêm và bảo đảm không có tình trạng trầm trọng nào khác tồn tại.

Đau nửa đầu ảnh hưởng khác nhau đến mỗi người

Đau nửa đầu có ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính và sinh lý.

1. Người lớn tuổi

Người lớn tuổi thường bị đau nửa đầu có tiền triệu nhưng không [có cảm giác] đau đầu và đau đầu thứ phát nhiều hơn do các bệnh đi kèm và tác dụng phụ [của thuốc]. Các triệu chứng đau nửa đầu cũng thay đổi theo độ tuổi. Người lớn tuổi ít bị buồn nôn và nôn nhưng lại dễ bị đau cổ hơn. Khi những người trên 55 tuổi bị đau nửa đầu, việc xem xét các bệnh đi kèm và thuốc điều trị là cần thiết để chẩn đoán.

2. Trẻ nhỏ

Đối với trẻ bị đau nửa đầu, nghỉ ngơi tại giường có thể là đủ để kiểm soát. Các cơn tấn công thường ngắn hơn, ít đều đặn hơn và gây rối loạn tiêu hóa rõ rệt. Trẻ em bị chứng đau nửa đầu có thể gia tăng tỷ lệ bị bệnh khi đến tuổi thiếu niên.

Như đã đề cập ở trên, trẻ em có thể gặp hai loại chứng đau nửa đầu mà những người khác không gặp phải: chứng đau nửa đầu kiểu cơ bản và chứng đau nửa đầu thể bụng.

Mặc dù thuốc có thể giúp kiểm soát chứng đau nửa đầu ở trẻ em nhưng hãy tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc y tế trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

3. Phụ nữ

Do những thay đổi nội tiết tố khác nhau, phụ nữ có thể bị đau nửa đầu trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, mãn kinh và khi dùng thuốc tránh thai.

Trong thời gian mang thai và cho con bú, phụ nữ nên tránh điều trị dự phòng. Thuốc phòng ngừa có nguy cơ gây hại cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Mặc dù NSAID được xem là an toàn trong quý hai của thai kỳ, một số cơ quan y tế cũng cho rằng an toàn trong cả quý đầu, [nhưng nên] tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc khi mang thai. Theo tuyên bố đồng thuận của Nature Reviews Neurology, các loại thuốc trị đau nửa đầu chống chỉ định khi mang thai:

  • Topiramate
  • Candesartan
  • Natri valproat

Phụ nữ bị đau nửa đầu do kinh nguyệt có thể được hưởng lợi từ NSAID hoặc thuốc triptans tác dụng kéo dài khi các liệu pháp điều trị cấp tính không thành công. Dùng những thuốc này mỗi ngày trong 5 ngày, bắt đầu 2 ngày trước ngày kinh dự kiến, có thể ngăn ngừa sự xuất hiện đau nửa đầu do kinh nguyệt.

Theo tuyên bố của Nature Reviews Neurology, những phụ nữ bị chứng đau nửa đầu có tiền triệu không nên dùng thuốc tránh thai nội tiết kết hợp. Vì có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Nguyên nhân gây ra đau nửa đầu

Theo Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association – AMA), nguyên nhân chính xác gây ra chứng đau nửa đầu vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, các vấn đề thần kinh nhất định được cho là góp phần gây ra chứng đau nửa đầu.

Các vấn đề về hệ thần kinh có thể là nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Theo Nature Reviews Neurology, chứng đau nửa đầu liên quan đến sự kích thích ngoại vi và trung tâm của hệ thống mạch máu thần kinh tam thoa. Những thay đổi trong hoạt động của não có thể dẫn đến viêm mạch máu quanh não. Những thay đổi đột ngột trong cơ thể hoặc môi trường cũng có thể gây ra chứng đau nửa đầu.

Hướng dẫn cơ bản về đau nửa đầu: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
Chứng đau nửa đầu được cho là do kích hoạt dây thần kinh sinh ba chịu trách nhiệm dẫn truyền cảm giác đau từ mặt, răng, xoang và mạch máu màng não. Những mạch máu [của thần kinh] này giãn ra và não phóng thích các hóa chất gây viêm. Tăng lưu lượng máu não và co thắt mạch gây ra cảm giác đau nhói. (Ảnh: The Epoch Times)
Ngược lại với chứng đau nửa đầu, đau đầu thứ phát xảy ra do một tình trạng khác. Các tình trạng sau đây đôi khi có thể bị nhầm lẫn với chứng đau nửa đầu:
  • Xuất huyết dưới nhện: có khả năng đe dọa tính mạng, gây ra cơn đau đầu như sét đánh.
  • Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA): dẫn đến tiền triệu bất thường.
  • Viêm màng não: có khả năng đe dọa tính mạng, viêm màng não có thể xuất hiện khi sốt không rõ nguyên nhân kèm theo chứng đau nửa đầu.
  • Tổn thương nội sọ: tổn thương này có thể biểu hiện bằng chứng đau nửa đầu tiến triển.
  • Lạm dụng thuốc cấp tính dùng để giảm đau nửa đầu.

Các yếu tố kích hoạt đau nửa đầu phổ biến

Các yếu tố kích hoạt không gây ra đau nửa đầu mà kích hoạt các quá trình gây đau nửa đầu. Khi tiếp xúc với các yếu tố này, những người dễ bị đau nửa đầu có thể xuất hiện triệu chứng ngay sau khi tiếp xúc. Không phải mọi tác nhân kích hoạt đau nửa đầu đều ảnh hưởng đến tất cả những người dễ bị đau nửa đầu, hay tất cả những người dễ bị đau nửa đầu đều có tác nhân giống nhau. Các yếu tố kích hoạt bao gồm:

  • Thay đổi áp suất khí quyển
  • Thay đổi độ cao
  • Mệt mỏi
  • Những thay đổi về giấc ngủ
  • Nước hoa
  • Khói
  • Nhịn ăn
  • Thay đổi nồng độ estrogen
  • Cách ăn uống
  • Mất nước
  • Âm thanh ồn ào
  • Một số loại thuốc

Các giai đoạn đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu có bốn giai đoạn:

  • Triệu chứng mơ hồ
  • Tiền triệu
  • Tấn công
  • Sau cơn đau

1. Giai đoạn triệu chứng mơ hồ

Trước khi cơn đau nửa đầu xảy ra, thậm chí vài ngày trước đó, bạn có thể gặp phải những thay đổi về cơ thể và tính cách. Đây có thể là những cảnh báo về cơn đau nửa đầu sắp xảy ra, bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa
  • Rối loạn cảm xúc
  • Thèm ăn
  • Cứng cổ
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Giữ nước
  • Ngáp

2. Giai đoạn tiền triệu

Tiền triệu có thể bao gồm:

  • Rối loạn thị giác
  • Ù tai
  • Cảm giác như kim châm ở cánh tay và chân
  • Tê một bên mặt
  • Rối loạn lời nói

3. Giai đoạn tấn công

Giai đoạn tấn công là một cơn đau nửa đầu đang hoạt động. Trong giai đoạn này, bạn có thể gặp bất kỳ triệu chứng nào đã kể trên, có thể kéo dài hàng tiếng cho đến vài ngày.

4. Giai đoạn sau cơn đau

Các triệu chứng xảy ra sau cơn đau nửa đầu có thể bao gồm:

  • Cảm thấy kiệt sức
  • Lú lẫn
  • Mệt
  • Khoan khoái

Ai có nhiều khả năng bị đau nửa đầu

Đau nửa đầu thường xảy ra ở những người từ 15-55 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ bị đau nửa đầu cao gấp ba lần so với nam giới và 70-80% số người bệnh có thể có tiền sử gia đình bị đau nửa đầu.

Ngoài ra, những người căng thẳng cao độ có nhiều nguy cơ bị chứng đau nửa đầu hơn.

Chẩn đoán

Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có thể chẩn đoán chứng đau nửa đầu, nhưng tốt nhất bạn nên chuẩn bị cuộc hẹn trước để quá trình chẩn đoán dễ dàng hơn. Chuẩn bị bằng cách ghi nhật ký về cơn đau đầu, ghi lại diễn biến đau nửa đầu bao gồm cường độ, số lần, thời gian cùng bất kỳ tiền sử đau nửa đầu nào của gia đình.

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế dựa vào tiền sử đau đầu của bệnh nhân và tiền sử gia đình để chẩn đoán tình trạng đau đầu. Độ tuổi bắt đầu xuất hiện đau đầu và có hay không có tiền triệu có thể giúp xác định xem cơn đau có phải là đau nửa đầu hay không.

Trước tiên cần loại trừ khả năng đau đầu thứ phát. Để làm điều này, bác sĩ sẽ cần có bệnh sử đầy đủ và đôi khi có thể yêu cầu chẩn đoán hình ảnh thần kinh.

Các xét nghiệm

Công cụ chính để chẩn đoán chứng đau nửa đầu là tiền sử đau đầu của bệnh nhân. Chứng đau nửa đầu là một chẩn đoán lâm sàng, vì vậy không cần chỉ định xét nghiệm nào để chẩn đoán.

Để loại trừ các nguyên nhân gây đau đầu thứ phát, có thể sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh thần kinh như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định đo điện não đồ (EEG) để loại trừ các cơn động kinh.

Biến chứng của đau nửa đầu

Một số tiền triệu nhất định cũng có thể cho thấy các biến chứng đau nửa đầu. Tiền triệu tồn tại hơn một tuần nhưng không có dấu hiệu nhồi máu là tiền triệu dai dẳng nhưng không có nhồi máu. Mặt khác, đau nửa đầu trong nhồi máu não kéo dài hơn một tiếng, đi kèm với các vùng nhồi máu tương ứng trên ảnh chụp CT hoặc MRI và có thể liên quan đến các triệu chứng đột quỵ. Điều này trái ngược với tình trạng yếu một bên tạm thời, mặc dù thường kéo dài, trong chứng đau nửa đầu liệt nửa người mà cuối cùng không dẫn đến đột quỵ. Cần phải đánh giá y tế cấp cứu để chẩn đoán phân biệt.

Mặc dù không có mối liên hệ nhân quả nào giữa cơn động kinh và chứng đau nửa đầu, nhưng một số nghiên cứu cho thấy có mối liên quan. Những người bị chứng đau nửa đầu cũng có nhiều khả năng bị động kinh hơn.

Các triệu chứng đau nửa đầu cũng có thể gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Ví dụ như mất nhiều thời gian làm việc hoặc không thể hoạt động một cách bình thường. Các biến chứng sau đây có thể phát sinh do chứng đau nửa đầu mạn tính:

  • Trầm cảm và lo lắng: Những người bị chứng đau nửa đầu có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 5 lần so với những người không bị bệnh.
  • Chóng mặt: Chứng đau nửa đầu có thể gây chóng mặt, như thể mọi thứ xung quanh đang quay cuồng hoặc mất thăng bằng.
  • Mất ngủ: Cơn đau nửa đầu dai dẳng và dữ dội có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
  • Hội chứng serotonin: Thuốc trị đau nửa đầu Triptans, có thể tương tác với một số thuốc chống trầm cảm gây tích tụ serotonin, có thể đe dọa tính mạng.
  • Các vấn đề về dạ dày: Việc sử dụng NSAIDS không kê toa (OTC) liên tục để giảm các triệu chứng đau nửa đầu có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như loét hoặc chảy máu.
  • Đau đầu hồi ứng: Còn được gọi là đau đầu do lạm dụng thuốc điều trị chứng đau nửa đầu.

Điều trị

Không có cách chữa trị đau nửa đầu. Phương pháp điều trị giúp giảm bớt các triệu chứng, rút ngắn thời gian hoặc ngăn ngừa các đợt tấn công thường xuyên. Các phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Các loại thuốc khác nhau có thể ngăn chặn cơn đau nửa đầu hoặc các triệu chứng. Một số loại thuốc giúp xoa dịu các dây thần kinh nhạy cảm và giảm viêm.

Điều trị đau nửa đầu là cá thể hóa. Không phải mọi loại thuốc đều mang lại kết quả như nhau cho mọi người. Tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và bệnh nhân để tìm ra loại thuốc tốt nhất cho các triệu chứng.

Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu có thể là thuốc không kê toa (OTC) hoặc theo toa.

Điều trị đau nửa đầu hiếm khi cần đến sự chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa. Đối với chứng đau nửa đầu mạn tính, việc giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa có thể cần thiết vì việc kiểm soát chứng đau nửa đầu như vậy có thể khá khó khăn.

Các loại thuốc thông thường

Có ba lựa chọn thuốc để điều trị.

Thuốc đầu tay: Thuốc đầu tay để điều trị chứng đau nửa đầu thường là thuốc OTC. Thuốc này có thể dùng từ 2-3 ngày trước khi cơn đau nửa đầu được dự báo trước, như đau nửa đầu do kinh nguyệt hoặc [dùng] khi mới khởi phát. Các loại thuốc đầu tay bao gồm acetaminophen và NSAID như ibuprofen. Dùng những thuốc này khi bắt đầu cơn đau nửa đầu có thể làm giảm cường độ và thời gian đau.

Thuốc lựa chọn hàng 2: Thường được kê toa nhất là triptans. Triptans có hiệu quả nhất khi được dùng sớm trong giai đoạn tấn công. Bao gồm:

  • Sumatriptan
  • Zolmitriptan
  • Naratriptan

Ngoài ra, cũng có thể kết hợp của NSAID và triptans. Nếu việc sử dụng một trong hai loại thuốc này không hiệu quả thì có thể kết hợp.

Thuốc lựa chọn hàng 3: Dùng khi thuốc hàng 1 và hàng 2 không hiệu quả hoặc bị chống chỉ định, bao gồm ditans và gepant. Lasmiditan là loại ditan duy nhất hiện được chấp thuận để sử dụng cho chứng đau nửa đầu cấp tính. Tương tự, Ubrogepant và rimegepant là hai loại gepant duy nhất được chấp thuận sử dụng.

Các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc chống nôn, điều trị buồn nôn và nôn mà một số người có thể gặp phải khi bị đau nửa đầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc chống nôn như metoclopramide cũng hiệu quả làm giảm cơn đau cấp tính.

Ảnh hưởng của tinh thần đến đau nửa đầu

Căng thẳng được biết đến là tác nhân gây ra chứng đau nửa đầu. Những người bị căng thẳng quá mức hoặc không thể kiểm soát được căng thẳng có thể bị chứng đau nửa đầu. Bản thân việc chịu đựng cơn đau nửa đầu có thể gây ra đau khổ về mặt cảm xúc.

Một người thường xuyên bị chứng đau nửa đầu có thể trở nên thất vọng, buồn bã, tức giận, hoặc trầm cảm. Tốt nhất bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia chăm sóc y tế khi trải qua những cảm giác này.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với chứng đau nửa đầu

Mặc dù có những khẳng định rằng một số giải pháp tự nhiên có thể giúp kiểm soát chứng đau nửa đầu nhưng vẫn thiếu bằng chứng. Cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng có một vài lựa chọn đầy hứa hẹn.

1. Riboflavin

Riboflavin, hay vitamin B2, đã được nghiên cứu như một giải pháp làm giảm tần suất đau nửa đầu. Dữ liệu đủ để Viện Thần kinh học Hoa Kỳ và Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ tin rằng riboflavin ngăn ngừa đau nửa đầu một cách hiệu quả.

Liều riboflavin thường được khuyên dùng là 400mg/ngày cho người lớn để ngăn ngừa đau nửa đầu. Tham khảo ý kiến ​​nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trước khi bổ sung vitamin này để bảo đảm bạn nhận được đúng loại thuốc và liều lượng.

2. Cây cúc thơm

Cây cúc thơm là một phương thuốc tự nhiên khác có thể ngăn ngừa đau nửa đầu. Mặc dù còn thiếu dữ liệu nhưng các nghiên cứu sơ bộ rất đáng khích lệ. Cần nghiên cứu thêm để ủng hộ những phát hiện ban đầu.

Khi sử dụng cây cúc thơm để ngăn ngừa đau nửa đầu, hãy dùng mỗi ngày một lần trong một tháng. Nếu các cơn đau nửa đầu giảm đi, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có thể giảm liều từ từ. Một lần nữa, hãy tham khảo ý kiến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu trước khi dùng các giải pháp tự nhiên.

Cây cúc thơm không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai hoặc những người dùng NSAID.

3. Magnesium

Hiệp hội Đau đầu Hoa Kỳ và Viện Thần kinh học Hoa Kỳ cho rằng magnesium có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

Viên nén Magnesium có sẵn dưới dạng không kê toa. Thuốc có thể là giải pháp phòng ngừa tốt cho những người bị đau nửa đầu có tiền triệu, đau nửa đầu liên quan đến mang thai hay kinh nguyệt. Liều lượng thường là 400-600mg/ngày. Tham khảo ý kiến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trước khi dùng.

4. Bơ gai

Bơ gai có thể làm giảm số lần xuất hiện chứng đau nửa đầu ở người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, độ an toàn của bơ gai là không chắc chắn.

Một số sản phẩm bơ gai có chứa alkaloid pyrrolizidine (PA), có thể gây hại cho gan, phổi, tuần hoàn máu và gây ung thư. Mặc dù một số sản phẩm bơ gai tuyên bố là không chứa PA nhưng một số người vẫn lo ngại về điều này.

Tốt nhất là bạn nên thảo luận về việc dùng bơ gai với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế để bảo đảm an toàn.

5. Coenzym Q10

Dữ liệu sơ bộ cho thấy coenzyme Q10 đầy hứa hẹn làm giảm số cơn đau nửa đầu trong một tháng. Mặc dù dường như có rủi ro tối thiểu nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

Coenzyme Q10 có thể tương tác với các loại thuốc như insulin, thuốc chống đông và thuốc hóa chất. Giống như tất cả các giải pháp tự nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng coenzyme Q10.

6. Gừng

Dùng gừng không ngăn được chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, gừng có thể giảm thiểu cơn đau và giảm buồn nôn.

7. Cách đối phó và tìm kiếm sự trợ giúp

Mặc dù có thể phòng ngừa đau nửa đầu nhưng vẫn chưa có cách chữa trị. Những người bị chứng đau nửa đầu có thể học cách đối phó với tình trạng này và tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia chăm sóc y tế, gia đình và bạn bè.

Những cách phổ biến để đối phó với chứng đau nửa đầu bao gồm:

  • Nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh.
  • Hoàn toàn tránh tiếp xúc với màn hình, bao gồm cả điện thoại di động.
  • Chườm lạnh.
  • Massage da đầu.
  • Tập thái cực quyền và yoga.
  • Thực hành thiền định.
  • Châm cứu.
  • Điều trị chỉnh hình.
  • Liệu pháp phản hồi sinh học.

Giải pháp ngăn ngừa đau nửa đầu

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được chứng đau nửa đầu nhưng thuốc và thay đổi lối sống có thể làm giảm sự xuất hiện của bệnh.

Bài báo trên tập san Nature Reviews Neurology nêu rõ rằng thuốc phòng ngừa dựa trên cách tiếp cận với ba thế hệ thuốc khi điều trị chứng đau nửa đầu.

1. Thuốc lựa chọn đầu tay

Thuốc chẹn beta, thuốc chống co giật và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) là những loại thuốc hàng đầu để phòng ngừa đau nửa đầu. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Topiramate
  • Candesartan
  • Atenolol
  • Metoprolol
  • Bisoprolol
  • Propranolol

Dùng những loại thuốc này hàng ngày để giảm số lượng cơn đau nửa đầu mà bạn gặp phải. Không phải tất cả mọi người sử dụng những thuốc này đều có tác dụng như nhau.

2. Thuốc lựa chọn hàng 2

Thuốc chống co giật cũng là loại thuốc được lựa chọn hàng 2 để phòng ngừa chứng đau nửa đầu, song loại thuốc cụ thể được sử dụng không giống với thuốc phòng ngừa đầu tay. Cùng với thuốc chống co giật là thuốc chống trầm cảm và nhóm thuốc đối kháng calcium. Các loại thuốc phòng ngừa này cũng được dùng hàng ngày, bao gồm:

  • Sodium valproat
  • Amitriptylin
  • Flunarizin

3. Thuốc lựa chọn hàng 3

Thuốc phòng ngừa hàng 3 là giải pháp cuối cùng để giảm sự xuất hiện của chứng đau nửa đầu. Nhóm này có hai nhóm thuốc: độc tố botulinum và kháng thể đơn dòng liên quan đến gene calcitonin (CGRP), bao gồm:

  • OnabotulinumtoxinA
  • Erenumab
  • Fremanezumab
  • Galcanezumab
  • Eptinezumab

Những loại thuốc này đều là thuốc chích với số lần sử dụng khác nhau, theo tháng hoặc theo quý, và thường không thấy kết quả ngay lập tức.

Việc đánh giá hiệu quả của các loại thuốc này sẽ diễn ra từ 3 đến 9 tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc. Do đó, sự nhất quán về liều lượng là điều cần thiết, nếu không có thể tác động xấu đến hiệu quả của thuốc.

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế đôi khi sẽ tạm thời [chỉ định] dừng thuốc sau 6 hoặc 12 tháng để tránh lạm dụng.

4. Yếu tố lối sống

Một cách quản lý để sống chung với chứng đau nửa đầu là thay đổi lối sống. Điều chỉnh lối sống không đảm bảo làm giảm số lần xuất hiện chứng đau nửa đầu. Một số điều chỉnh có thể hữu ích, trong khi những điều chỉnh khác thì không.

Thay đổi lối sống bao gồm:

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Beverly Timeding.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dawn Sheldon
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Dawn Sheldon là y tá được cấp chứng chỉ hành nghề có bằng thạc sĩ điều dưỡng. Cô đã dành hơn một thập niên làm việc trong khoa lọc thận và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Cô cũng có bằng cử nhân sinh học và khoa học máy điện toán.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn