Hướng dẫn cơ bản về rối loạn ăn uống: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên

Rối loạn ăn uống, thường gặp ở tuổi vị thành niên, ảnh hưởng đến khoảng 28.8 triệu người Hoa Kỳ.

Rối loạn ăn uống là bệnh tâm thần trầm trọng nhưng có thể điều trị được, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính, sắc tộc và hoàn cảnh. Khoảng 28.8 triệu người Mỹ sẽ bị chứng rối loạn ăn uống trong cuộc đời.

Những người bị bệnh thường có thay đổi nhận thức về thức ăn và hình ảnh cơ thể, đồng thời phải dùng đến các hành vi ăn uống không điều độ như một cách ứng phó với những trạng thái hoặc cảm xúc khó khăn.

Các loại rối loạn ăn uống

Một người mắc rối loạn ăn uống có thể chuyển từ thể bệnh này sang thể bệnh khác nếu các triệu chứng của họ tiến triển, vì thường có sự chồng chéo đáng kể giữa các loại rối loạn ăn uống khác nhau. Các rối loạn ăn uống phổ biến nhất là:

1. Chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần, thường được gọi là chán ăn, là một bệnh tâm thần trầm trọng đặc trưng bởi triệu chứng hạn chế ăn uống, thường đặt ra các quy định nghiêm ngặt về ăn gì, khi nào và ở đâu. Những bệnh nhân chán ăn sụt cân nhiều hơn mức khỏe mạnh (cho phép) so với độ tuổi và chiều cao, thường là do tránh hoặc hạn chế ăn uống một cách nghiêm ngặt. Chứng rối loạn này biểu hiện bằng nỗi sợ hãi tăng cân cực đoan, khiến người bệnh kiêng khem quá mức, tập thể dục hoặc dùng các phương pháp giảm cân khác, ngay cả khi đã thiếu cân.

Trong những người bị chứng chán ăn có 5 đến 15% là nam giới. Bệnh phổ biến nhất ở trẻ nữ vị thành niên, thường bắt đầu ở độ tuổi thanh niên.

Có hai loại chán ăn:

  • Chán ăn kiểu hạn chế: Bệnh nhân hạn chế chặt chẽ lượng thực phẩm ăn vào.
  • Chán ăn kiểu cuồng ăn: Ngoài việc hạn chế thực phẩm, bệnh nhân có sự xen kẽ các giai đoạn cuồng ăn cùng với việc gây nôn hoặc dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu.

2. Chứng cuồng ăn Bulimia

Những người mắc chứng cuồng ăn bị mắc kẹt trong lối ăn uống vô độ. Họ tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm và cố gắng chống lại việc ăn quá nhiều bằng cách gây nôn, dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, nhịn ăn hoặc tập thể dục quá mức. Trung bình, những đợt như vậy diễn ra tối thiểu một lần mỗi tuần trong thời gian ba tháng.

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc chứng cuồng ăn ước tính là 0.9% ở thanh thiếu niên, 1.5% ở nữ giới và 0.5% ở nam giới. Bệnh phổ biến nhất ở các cô gái vị thành niên và phụ nữ trẻ. Những người bị chứng cuồng ăn sẽ mất kiểm soát khi say, thường cảm thấy mất kết nối với hành động của mình.

Những người bị chứng cuồng ăn rất chú ý đến cân nặng và hình dáng, cảm thấy mình nặng hơn thực tế. Chứng cuồng ăn ít được chú ý hơn chứng biếng ăn, vì bệnh nhân có thể có cân nặng bình thường hoặc thừa cân và họ thường ăn uống vô độ sau đó tự thanh lọc bản thân. Tuy nhiên, mặc dù không có sự thay đổi đáng kể về cân nặng, chứng cuồng ăn vẫn có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng về sức khỏe.

3. Rối loạn ăn uống vô độ (BED)

Chứng rối loạn ăn uống vô độ là chứng rối loạn ăn uống phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Bệnh biểu hiện bằng sự lặp đi lặp lại các giai đoạn ăn lượng lớn thực phẩm trong một khoảng thời gian ngắn. Khoảng 2.7% phụ nữ, 1.7% nam giới và 1.3% thanh thiếu niên trải qua BED, bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi 23. Chứng rối loạn này phổ biến ở mọi nhóm tuổi, chủng tộc, sắc tộc và trình độ kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những người bị chứng BED thường lớn tuổi hơn và nguy cơ ở nam giới cao hơn so với những người bị chứng biếng ăn hoặc chứng cuồng ăn Bulimia.

BED được chẩn đoán khi có triệu chứng ăn uống vô độ, ít nhất một lần một tuần trong ba tháng. Những lần ăn uống vô độ này có thể khiến họ vô cùng đau khổ, một số người mô tả cảm giác mất kiểm soát suốt bữa ăn và khó nhớ lại họ đã ăn những gì. Không giống như chứng cuồng ăn Bulimia, những người bị chứng BED không cố gắng đẩy thức ăn đã nạp vào ra ngoài.

Việc thèm ăn vô độ có thể được kích hoạt bởi nhiều cảm xúc khác nhau như buồn bã, chán nản, tức giận, lo lắng, hạnh phúc và phấn khích. Trong một số trường hợp, các đợt ăn uống vô độ có thể là thói quen hoặc có kế hoạch, liên quan đến những thực phẩm vô độ “đặc biệt”. Ngoài ra, một số người có thể áp dụng các hạn chế về ăn uống hoặc thiết lập các quy tắc về thực phẩm và ăn uống vô độ.

Các rối loạn ăn uống khác bao gồm:

  • Rối loạn né tránh/hạn chế tiếp nhận thực phẩm, bệnh nhân tránh các loại thực phẩm nhất định, hạn chế lượng thức ăn tổng thể hoặc biểu hiện cả hai hành vi.
  • Pica, được đặc trưng bởi việc tiêu thụ các chất không phải thực phẩm và không có giá trị dinh dưỡng, chẳng hạn như giấy, xà phòng hoặc phấn.
  • Rối loạn nhai lại, liên quan đến việc nôn ra thức ăn nhiều lần sau khi ăn mà không cảm thấy buồn nôn hoặc không biết mình nôn.

Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của các rối loạn ăn uống

Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn ăn uống bao gồm các vấn đề về thể trạng và tinh thần, khác nhau tùy theo loại rối loạn ăn uống và mức độ nặng của bệnh.

Chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần có thể có cả các dấu hiệu và triệu chứng ngắn hạn và dài hạn.

Các dấu hiệu chán ăn ngắn hạn bao gồm:

  • Hạn chế lượng lớn thực phẩm ăn vào.
  • Thân hình gầy còm mức độ nặng.
  • Liên tục truy cầu thân hình thon gọn nhưng từ chối duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Nỗi sợ hãi tăng cân cực đoan thường được thể hiện qua việc kiểm tra cân nặng thường xuyên.
  • Nhận thức méo mó về hình ảnh cơ thể.

Về lâu dài, những người mắc chứng chán ăn có thể gặp phải các vấn đề:

  • Giảm mật độ xương.
  • Da khô vàng.
  • Mọc lông tơ khắp cơ thể.
  • Táo bón nặng.
  • Giảm nhịp tim và huyết áp
  • Thở chậm.
  • Nhạy cảm với lạnh.
  • Thiếu máu nhẹ.
  • Teo cơ và yếu cơ.
  • Tóc và móng dễ gãy.
  • Kinh nguyệt không đều.
  • Suy đa tạng.

Chứng cuồng ăn tâm thần

Những người bị chứng cuồng ăn sẽ trải qua những giai đoạn ăn uống vô độ, sau đó là tìm cách đẩy thức ăn ra ngoài. Tự gây nôn cùng các phương pháp tẩy ruột khác có thể dẫn đến các triệu chứng và dấu hiệu như:

  • Viêm họng mạn tính.
  • Sưng tuyến nước bọt.
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, như trào ngược dạ dày.
  • Xói mòn men răng do nôn nhiều lần dịch acid dạ dày.
  • Kích ứng đường ruột do lạm dụng thuốc nhuận tràng.
  • Mất nước nghiêm trọng do tẩy ruột.
  • Mất cân bằng điện giải hoặc khoáng chất.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm kinh nguyệt không đều, nhức đầu, mệt mỏi, đau bụng và đầy hơi.

So với những bệnh nhân chán ăn, những người bị chứng cuồng ăn ít biểu hiện cô lập với xã hội hơn và có nguy cơ hành vi sốc nổi, lạm dụng ma túy và rượu, trầm cảm cao hơn. Một số có thể hạ thấp tự trọng và có ý nghĩ làm tổn thương bản thân.

Rối loạn ăn uống vô độ

Những người bị BED thường tiêu thụ quá nhiều calorie trong một lần ăn. Họ ăn nhanh, ngay cả khi không đói, thường xuyên ăn vặt bên cạnh các bữa ăn thông thường và cảm thấy khó chịu về hành vi ăn uống của mình. BED có thể dẫn đến tăng cân, hạ thấp tự trọng, trầm cảm và lo lắng.

Khoảng 79% những người bị bệnh BED có ít nhất một chứng rối loạn tâm thần và 49% có tiền sử bị hai chứng rối loạn bệnh lý đi kèm trở lên, chẳng hạn như rối loạn lo âu hoặc rối loạn cảm xúc.

Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống

Nguyên nhân chính xác của rối loạn ăn uống vẫn chưa được biết. Các nhà khoa học tin rằng bệnh là kết quả của sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố di truyền, hành vi, tâm lý và xã hội.

1. Di truyền: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chứng rối loạn ăn uống thường biểu hiện theo mô hình gia đình. Họ đang tập trung xác định các đột biến DNA liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống. Yếu tố di truyền cũng có thể liên quan đến sự thay đổi nồng độ hormone, cũng như tiền sử gia đình bị chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

2. Biến đổi cấu trúc và chức năng não: Những người bị chứng chán ăn có sự thay đổi trong hoạt động não bộ như thiếu hụt các chất điều chỉnh tâm trạng dopamine và serotonin.

Chức năng tiếp nhận cũng như cách bộ não phản hồi, ví dụ như đói và khát, cũng có thể đóng một vai trò trong hành vi ăn uống vô độ. Các nghiên cứu đã tìm thấy những bất thường trong cấu trúc và khả năng kết nối của não, đặc biệt là ở các khu vực liên quan đến cảm giác thèm ăn và con đường tiếp nhận vị giác, ở những người bị chứng chán ăn và chứng cuồng ăn.

BED giống với chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện trong các phản ứng của bộ não, liên quan đến những vấn đề như cơ chế tự thưởng và kiểm soát ức chế.

3. Đặc điểm tâm lý: Dễ bị trầm cảm và lo âu, khó kiểm soát căng thẳng, lo lắng quá mức về tương lai, sợ bị đánh giá là béo hoặc thừa cân có thể góp phần gây ra rối loạn ăn uống. Một cuộc khảo sát trong đại dịch COVID-19 cho thấy càng lo lắng thì các triệu chứng càng trở nên trầm trọng hơn ở những người bị chứng chán ăn, chứng cuồng ăn bulimia và chứng rối loạn ăn uống vô độ.

4. Các yếu tố môi trường và xã hội: Các yếu tố môi trường bao gồm các yếu tố gây căng thẳng trong học tập như từng bị bắt nạt hoặc lạm dụng, những lời chỉ trích liên quan đến vóc dáng cơ thể hoặc thói quen ăn uống và áp lực từ gia đình. Thực hiện một công việc hoặc theo đuổi một sở thích xem thân hình mảnh mai là lý tưởng, cũng có thể góp phần gây nên rối loạn ăn uống.

Ngoài ra còn có một số tiêu chuẩn về văn hóa liên quan đến thực phẩm và ngoại hình. Ví dụ, sự kỳ thị về béo phì đã có từ lâu ở Nhật Bản, do đó phụ nữ Nhật Bản dễ có nguy cơ bị rối loạn ăn uống.

Hướng dẫn cơ bản về rối loạn ăn uống: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân đơn nhất nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố góp phần gây ra chứng rối loạn ăn uống. (Ảnh: The Epoch Times, Shutterstock)

Những người nào dễ bị rối loạn ăn uống?

Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn ăn uống bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị chứng rối loạn ăn uống: Yếu tố di truyền chiếm 28 – 74% nguy cơ bị chứng rối loạn ăn uống.
  • Béo phì ở trẻ em: BED có liên quan đến tình trạng thừa cân khởi phát sớm, với khoảng 30% số người bị BED từng béo phì hồi nhỏ. Một yếu tố nguy cơ khác là mất kiểm soát việc ăn uống khi còn nhỏ.
  • Giới nữ: Hơn 50% bé gái ở Hoa Kỳ chưa đến tuổi dậy thì đã ăn kiêng hoặc áp dụng các phương pháp khác để kiểm soát cân nặng. Những hành vi này có thể bao gồm ăn kiêng khẩn cấp, nhịn ăn, tự gây nôn và sử dụng thuốc giảm cân hoặc thuốc nhuận tràng.
  • Trẻ tuổi: Chứng rối loạn ăn uống thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành nhưng cũng có thể biểu hiện trong thời thơ ấu hoặc giai đoạn sau của cuộc đời. Theo báo cáo, 77% thanh niên không hài lòng với hình ảnh cơ thể của mình.
  • LBGT: Nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 50% thanh thiếu niên LBGT được chẩn đoán bị chứng rối loạn ăn uống trong đời. Báo cáo cho thấy đàn ông đồng tính thường áp dụng các [phương pháp] tẩy ruột hơn đàn ông dị tính. Mối liên hệ giữa chứng muộn phiền giới tính, sự không hài lòng về cơ thể và rối loạn ăn uống thường thấy rõ ở người chuyển giới.
  • Rối loạn cảm xúc: Một trong những rối loạn cảm xúc phổ biến nhất, trầm cảm nặng, đôi khi có thể dẫn đến rối loạn ăn uống.
  • Những tính cách nhất định: bao gồm tính bốc đồng và cầu toàn.
  • Nạn nhân của lạm dụng tình dục: 30% số người bị rối loạn ăn uống đã từng bị lạm dụng tình dục.
  • Chủng tộc/sắc tộc: Thanh thiếu niên da đen có nguy cơ ăn uống vô độ, tẩy ruột và các hành vi tương tự cao hơn 50% so với những người da trắng cùng độ tuổi. Ngoài ra, người gốc Tây Ban Nha có nguy cơ bị chứng cuồng ăn cao hơn đáng kể so với các dân tộc khác. Sinh viên đại học người Mỹ gốc Á có tỷ lệ chán ăn cao hơn.
  • Kích thước cơ thể lớn hơn: Kích thước cơ thể lớn hơn được xác định là yếu tố nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống, bao gồm chứng cuồng ăn và BED.
  • Vận động viên: Tỷ lệ bị rối loạn ăn uống dao động từ 0 – 19% ở các vận động viên nam và 6 – 45% ở các vận động viên nữ. Ngoài ra, các vận động viên có tỷ lệ tập luyện quá mức cao hơn những người không phải vận động viên.
  • Biến cố căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý: Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị BED. Xung đột gia đình cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn ăn uống.

Chẩn đoán rối loạn ăn uống

Các bác sĩ sử dụng các đánh giá về thể chất và tâm lý, bao gồm các tiêu chuẩn chẩn đoán từ Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), cũng như một số xét nghiệm để chẩn đoán rối loạn ăn uống. Quá trình thăm khám toàn diện bao gồm [khai thác] đầy đủ bệnh sử, tiền sử gia đình và xã hội, tiền sử dùng thuốc, tiền sử tâm thần và tình trạng lạm dụng trước đó cũng như khám sức khỏe tổng thể để tìm hiểu xem liệu có liên quan đến tình trạng bệnh lý nào khác hay không.

Các xét nghiệm cơ bản được thực hiện để loại trừ các bệnh lý khác bao gồm:

  • Công thức máu toàn phần: xét nghiệm này đo lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu trong máu.
  • Bảng chuyển hóa toàn diện (CMP): CMP đo 14 chất trong máu, bao gồm glucose, calcium (canxi), sodium (natri) và protein toàn phần, từ đó cung cấp cái nhìn sâu sắc về sự cân bằng hóa học và chuyển hóa của cơ thể.
  • Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Nồng độ TSH bất thường (rất cao hoặc rất thấp) có thể chỉ ra vấn đề về tuyến giáp.
  • Tổng phân tích nước tiểu: Còn được gọi là xét nghiệm nước tiểu, giúp xác định các vấn đề như nhiễm trùng hoặc các vấn đề về thận. Ketone hiện diện trong nước tiểu có thể cho thấy thiếu năng lượng nạp vào.
  • Xét nghiệm testosterone: Xét nghiệm testosterone được thực hiện cho nam giới. Những cậu bé vị thành niên bị chứng chán ăn thường có chỉ số khối cơ thể (BMI), khối lượng mỡ và nồng độ testosterone thấp hơn.
  • Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ là xét nghiệm nhanh nhất và đơn giản nhất được dùng để đánh giá rối loạn nhịp tim gây đe dọa tính mạng, một biến chứng của chứng chán ăn.
  • Siêu âm tim: Siêu âm tim sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm có thể được sử dụng khi bệnh nhân có rối loạn huyết động như ngất xỉu hoặc khó thở và chỉ số BMI thấp hơn 14.

Chán ăn tâm thần

Chán ăn được chẩn đoán dựa trên ba tiêu chí:

  • Cân nặng thấp hơn mức tối thiểu so với độ tuổi, giới tính, giai đoạn tăng trưởng và sức khỏe thể chất.
  • Có nỗi sợ hãi mãnh liệt về việc tăng cân, ngay cả khi bị thiếu cân hoặc có cân nặng thấp đáng kể.
  • Rối loạn trong nhận thức về trọng lượng hoặc hình dáng cơ thể.

Chứng cuồng ăn Bulimia

Chứng cuồng ăn được chẩn đoán sau khi loại trừ các tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng, đặc biệt nếu bệnh nhân mô tả hành vi ăn nhiều hoặc tẩy ruột ngoài ý muốn. Những bệnh này bao gồm bệnh đường mật, hội chứng ruột kích thích và một số bệnh lý thần kinh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng chứng cuồng ăn Bulimia bao gồm:

  • Các đợt ăn uống vô độ lặp đi lặp lại đi kèm với cảm giác mất kiểm soát đối với việc ăn uống và xảy ra ít nhất 1 lần/tuần trong 3 tháng
  • Hành vi bù đắp không phù hợp tái diễn gây ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể ít nhất 1 lần/tuần trong 3 tháng.
  • Những quan tâm về hình dáng cơ thể và cân nặng ảnh hưởng tới việc tự đánh giá bản thân quá mức.

Rối loạn ăn uống vô độ

Tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán BED là:

  • Ăn uống vô độ xảy ra ít nhất một lần một tuần trong ba tháng.
  • Cảm giác thiếu kiểm soát việc ăn uống.
  • Có ≥ 3 hành vi ăn uống như sau: ăn nhanh hơn bình thường, ăn cho đến khi cảm thấy quá no một cách không thoải mái, ăn nhiều khi cơ thể không đói, ăn một mình vì xấu hổ và cảm thấy chán ghét hoặc tội lỗi sau khi ăn quá nhiều.

Các biến chứng của rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống có thể có những biến chứng trầm trọng.

Chán ăn tâm thần

Các biến chứng của chứng chán ăn bao gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố, bao gồm mất kinh, vô sinh và dậy thì muộn.
  • Biến chứng tim mạch như bệnh cơ tim, nhịp tim chậm bất thường hoặc nhịp tim không đều.
  • Các vấn đề về thần kinh, như co giật và khó khăn trong về khả năng tập trung và trí nhớ.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu.

Trong số các rối loạn tâm thần, chán ăn là bệnh nguy hiểm thứ hai, chỉ sau dùng thuốc quá liều opioid. Tỷ lệ tử vong đặc biệt cao là do các biến chứng y tế liên quan đến nạn đói và tự tử.

Chứng cuồng ăn Bulimia

Các biến chứng của chứng cuồng ăn bao gồm:

  • Các vấn đề về thực quản, bao gồm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), thực quản Barrett, trào ngược thanh quản, co thắt và rách thực quản do nôn mạnh.
  • Táo bón do lạm dụng thuốc nhuận tràng kéo dài.
  • Viêm loét dạ dày.

Rối loạn ăn uống vô độ

Các biến chứng của BED trùng lặp với các biến chứng của béo phì, bao gồm:

  • Đau cơ, cổ, vai và thắt lưng.
  • Tăng huyết áp.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Hen suyễn.
  • Bệnh động mạch vành và suy tim.
  • Ngưng thở khi ngủ, liên quan đến việc ngừng thở thường xuyên trong khi ngủ.

Điều trị rối loạn ăn uống

Việc phát hiện và can thiệp sớm có thể điều trị thành công rối loạn ăn uống. Hành động kịp thời là cần thiết để giúp [cơ thể] phục hồi hoàn toàn. Các giải pháp điều trị rối loạn ăn uống bao gồm:

1. Giáo dục tâm lý: Dành cho bệnh nhân và gia đình để giúp đỡ bệnh nhân.

2. Tư vấn dinh dưỡng và phục hồi chức năng: Tư vấn dinh dưỡng là một phần quan trọng trong điều trị chứng rối loạn ăn uống, chỉnh sửa lại những kiến thức không đúng về dinh dưỡng, hiểu về cảm giác đói và no cũng như loại bỏ những cấm đoán và cảm giác tội lỗi. Mối quan hệ giữa bệnh nhân và chuyên gia dinh dưỡng là một khía cạnh quan trọng của quá trình điều trị này.

Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bị chứng rối loạn ăn uống hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, nhằm ngăn ngừa cơn đói và cảm giác thèm ăn đồng thời bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Đặc biệt, việc ăn uống đều đặn đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị chứng cuồng ăn.

3. Liệu pháp tâm lý: Còn được gọi là liệu pháp trò chuyện, liệu pháp tâm lý bao gồm một loạt các phương pháp điều trị được thiết kế để trợ giúp mọi người nhận biết và sửa đổi những cảm xúc, suy nghĩ và hành vi đau khổ. Một số loại trị liệu tâm lý có thể điều trị chứng rối loạn ăn uống, bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào việc kiểm soát các vấn đề bằng cách thay đổi cách nghĩ và hành vi. Liệu pháp dựa trên những kết nối giữa suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác thể chất và hành động nhằm loại bỏ những vòng luẩn quẩn trong suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và giải quyết các vấn đề quá sức theo cách tích cực và dễ quản lý hơn. CBT là phương pháp điều trị được áp dụng cho BED vì tính khả thi cao và có tỷ lệ thuyên giảm trên 60%. Tuy nhiên, những bệnh nhân BED kèm theo chán ăn hoặc chứng cuồng ăn thường không đáp ứng tốt với CBT.
  • Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân: Liệu pháp nhận ra các triệu chứng tâm lý là phản ứng trước những khó khăn trong các mối quan hệ hàng ngày, bao gồm mẫu thuẫn, biến động trong cuộc sống, đau buồn, mất mát và khó khăn trong việc bắt đầu hoặc duy trì các mối quan hệ.
  • Liệu pháp gia đình: Trong liệu pháp này, cha mẹ của thanh thiếu niên bị chứng chán ăn sẽ chịu trách nhiệm về việc cho con ăn uống. Điều này dường như có hiệu quả trong việc tăng cân và cải thiện thói quen ăn uống cũng như tâm trạng của trẻ.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng: Liệu pháp này liên quan đến việc giáo dục bệnh nhân về các kỹ năng cần thiết để quản lý các hành vi có liên quan đến vấn đề cảm xúc. Liệu pháp này có thể dạy bệnh nhân về việc ăn uống có chánh niệm, điều tiết cảm xúc, chịu đựng những tình huống bất lợi và ngăn ngừa tái phát.

4. Thuốc: Thuốc được dùng để điều trị rối loạn ăn uống cũng như các tình trạng tâm thần khác mà bệnh nhân gặp phải. Đây thường không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên,

Đối với những người chán ăn, có thể cân nhắc sử dụng thuốc chống loạn thần olanzapine nếu điều trị ban đầu không hiệu quả.

Fluoxetine, một chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI), là loại thuốc duy nhất được FDA chấp thuận để điều trị chứng cuồng ăn. Thuốc có thể làm giảm tình trạng ăn uống vô độ và nôn mửa, mặc dù kết quả lâu dài vẫn chưa được biết rõ. Thuốc cũng có tác dụng điều trị lo âu và trầm cảm.

SSRIs được xem là thuốc hàng đầu điều trị BED. Hiệu quả ngắn hạn của thuốc đã được chứng minh, song chưa rõ tác dụng lâu dài. Lisdexamfetamine, một giải pháp thay thế cho SSRI, được FDA chấp thuận để điều trị BED mức độ vừa đến nặng ở người lớn từ 18 đến 55 tuổi.

Ảnh hưởng của tâm trí đến các rối loạn ăn uống

Tâm trí đề cập đến thái độ, niềm tin và quá trình nhận thức đã được thiết lập của một người, tạo nên góc nhìn của họ về bản thân và thế giới. Cách một người nhìn nhận về trọng lượng cơ thể và thói quen ăn uống có thể có tác động sâu sắc đến sức khỏe và tinh thần của họ. Do đó, tâm trí đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, phát triển, quản lý và điều trị chứng rối loạn ăn uống theo nhiều cách khác nhau.

1. Nhận thức hình ảnh cơ thể

Suy nghĩ tiêu cực về hình ảnh cơ thể có thể góp phần vào sự phát triển của chứng rối loạn ăn uống. Ví dụ, sự không hài lòng về cơ thể là yếu tố dự đoán đáng tin cậy về sự khởi phát những rối loạn ăn uống ở các bé gái vị thành niên.

Các nhà cung cấp dịch vụ điều trị rối loạn ăn uống được khuyến nghị khám phá tính hài hòa của cơ thể để ngăn ngừa và can thiệp rối loạn ăn uống, vì tính hài hòa có thể đóng vai trò là yếu tố bảo vệ chống lại sự không hài lòng, bao gồm ba yếu tố chính:

  • Thực tế hơn, chánh niệm và chấp nhận hơn về cơ thể.
  • Tự tin, tôn trọng và chăm sóc cơ thể.
  • Không xác định giá trị bản thân dựa trên ngoại hình.

Chuyển biến suy nghĩ của bệnh nhân từ sự không hài lòng về cơ thể và nỗi ám ảnh về cân nặng và ngoại hình sang tính hài hòa của cơ thể và đặt giá trị bản thân dựa trên các yếu tố không phải ngoại hình có thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

2. Chủ nghĩa cầu toàn

Chủ nghĩa cầu toàn và truy cầu thành công hoặc kiểm soát quá mức có thể góp phần làm phát triển chứng rối loạn ăn uống.

Những người cầu toàn có xu hướng có tư duy cố định, tin rằng những đặc điểm cá nhân là cố định và không thể thay đổi. Những người có tư duy cố định có thể nản lòng và từ bỏ việc điều trị vì sợ thất bại. Thay vào đó, việc rèn luyện tư duy phát triển trong quá trình điều trị có thể đóng vai trò như một bước đệm chống lại những thất bại tạm thời.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng so với tư duy cố định, tư duy phát triển có thể gián tiếp làm giảm nguy cơ hình thành chứng rối loạn ăn uống, thực hiện các hành vi kiểm soát cân nặng không lành mạnh và dày vò cảm xúc.

3. Sợ thành công

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa các triệu chứng rối loạn ăn uống và các yếu tố như sợ thành công, tự ti, bất an và lo lắng. Những phát hiện này gợi ý một mô hình phát triển của chứng rối loạn ăn uống với ảnh hưởng từ những trải nghiệm ấu thơ về sự tự tin và khả năng chấp nhận bản thân.

Ở giữa giai đoạn sớm và giai đoạn biểu hiện đầy đủ triệu chứng của chán ăn, phụ nữ trẻ có thể có biểu hiện nỗi sợ thành công. Điều đó cho thấy nỗi sợ hãi này có thể đóng vai trò là dấu hiệu tiềm ẩn cho nguy cơ phát triển chứng chán ăn.

4. Tư duy khan hiếm

Mất an ninh lương thực có thể khiến các bà mẹ có hành vi ăn uống không lành mạnh như tâm lý hạn chế thực phẩm hoặc tư duy khan hiếm, xem ăn uống nhiều là quá giới hạn cuối cùng dẫn đến cảm giác tội lỗi. Đổi lại, điều này có thể ảnh hưởng đến những hành vi của con cái họ, chẳng hạn như ăn uống vô độ. Những giai đoạn ăn uống vô độ của những đứa trẻ này sau đó có thể dẫn đến việc cha mẹ có những thói quen ăn uống hạn chế hơn.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với chứng rối loạn ăn uống

Có một số phương pháp tự nhiên để điều trị chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, vì hiệu quả và liều lượng của các phương pháp chưa được xác nhận qua nghiên cứu sâu rộng nên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

1. Thảo dược

Trong một mô hình thí nghiệm trên chuột, chiết xuất khô của cây Ban Âu (Hypericum perforatum) đã được chứng minh là có khả năng có đặc tính điều trị chứng rối loạn ăn uống liên quan đến chứng ăn uống vô độ như chứng cuồng ăn và BED.

Cây Ban Âu chứa nhiều hoạt chất sinh học khác nhau, bao gồm hypericin, pseudohypericin, hyperforin, adhyperforin và flavonoid. Tác động tiềm ẩn của loại thảo mộc này đối với việc ăn uống vô độ đang được quan tâm do đặc tính chống căng thẳng. Thảo mộc này cũng có thể góp phần ức chế việc ăn uống vô độ bằng cách ngăn chặn các hành vi nghiện thực phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn ăn mất kiểm soát.

2. Liệu pháp ánh sáng mạnh

Liệu pháp ánh sáng mạnh là sự tiếp xúc với ánh sáng giống ánh nắng tự nhiên.

Trong một nghiên cứu trên 34 bệnh nhân cuồng ăn và BED, những người tham gia đã nhận được ánh nắng buổi sáng và ánh sáng bình thường trong 10 ngày liên tiếp và giảm được tình trạng ăn uống vô độ cũng như mối bận tâm về thực phẩm. Ngoài ra, sự gián đoạn nhịp sinh học liên quan đến việc ăn uống vô độ có thể góp phần gây ra tâm trạng tiêu cực và có thể giảm bớt khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Những kết quả này ngụ ý rằng ánh nắng buổi sáng có thể là sự bổ sung hữu ích cho các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng cho các chứng rối loạn liên quan đến ăn uống vô độ.

3. Yoga

Yoga, tạo thuận lợi cho những trải nghiệm trực tiếp về cơ thể, giúp nâng cao nhận thức về cơ thể một cách hiệu quả, từ đó ngăn ngừa sự không hài lòng về cơ thể và rối loạn ăn uống.

4. Thiền

Một phân tích gộp gồm 74 mẫu đã phát hiện ra rằng thực hành chánh niệm giúp giảm nguy cơ rối loạn ăn uống, cả hiện tại và trong tương lai. Mối liên hệ này thể hiện ý nghĩa quan trọng nhất đối với việc ăn uống vô độ, ăn uống theo cảm xúc và sự không hài lòng về cơ thể, cũng như các khía cạnh của chánh niệm như nhận thức và ngừng phán xét.

Một tổng quan khác của 8 nghiên cứu cho thấy các liệu pháp dựa trên chánh niệm đa phương thức dường như có hiệu quả. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc kết hợp chánh niệm như một khía cạnh không thể thiếu của liệu pháp hoặc thực hành chánh niệm thường xuyên có thể hữu ích hơn về mặt lâm sàng so với các giải pháp từng giai đoạn.

5. Nhật ký ăn uống

Nhật ký ăn uống, thường là một phần thiết yếu của chương trình CBT, được theo dõi bởi chuyên gia dinh dưỡng. Nhật ký ăn uống hàng ngày cung cấp hồ sơ toàn diện về thói quen ăn uống và chiến lược kiểm soát cân nặng. Việc phân tích những cuốn nhật ký này giúp xác định các yếu tố kích hoạt tình trạng ăn uống vô độ và tẩy ruột, nâng cao nhận thức toàn diện về lượng thực phẩm ăn vào.

Cách phòng ngừa rối loạn ăn uống

Các cố gắng phòng ngừa rối loạn ăn uống nhằm mục đích giảm các yếu tố nguy cơ tiêu cực như sự không hài lòng về cơ thể, sự tự ti và trầm cảm, đồng thời gia tăng các yếu tố bảo vệ như tư duy tích cực và ăn uống lành mạnh. Những phương pháp này tập trung vào việc khuyến khích các mối liên kết lành mạnh hơn với cơ thể và giảm các hành vi góp phần phát triển chứng rối loạn ăn uống.

Mặc dù không chắc chắn rằng các chương trình phòng ngừa có thể làm giảm tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống hay không, nhưng đã chứng minh khả năng giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến những tình trạng này thành công.

Các chương trình đó bao gồm:

  • Phòng ngừa rộng rãi: Điều này liên quan đến việc giáo dục tất cả mọi người trong một cộng đồng, chẳng hạn như học sinh tiểu học trong một trường học, những người có mức độ nguy cơ khác nhau.
  • Phòng ngừa có chọn lọc: Phương pháp phòng ngừa này tập trung vào các nhóm cụ thể, chẳng hạn như các bé gái sắp dậy thì, những người không bị chứng rối loạn ăn uống nhưng có nguy cơ.
  • Phòng ngừa có mục tiêu: Loại chương trình này tập trung vào những người có nguy cơ cao với các triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo nhẹ, chẳng hạn như mức độ không hài lòng cao về cơ thể.

Một nghiên cứu cho thấy các chương trình phòng ngừa ở trường tiểu học đã chứng minh tính hiệu quả khi thay đổi thành công thái độ ở khoảng 50% học sinh và duy trì thay đổi hành vi ở khoảng 20%. Các chương trình tương tác, đặc biệt là những chương trình can thiệp vào môi trường xã hội của học sinh với sự tham gia của bạn bè và giáo viên, đồng thời trang bị cho học sinh các kỹ năng phục hồi, dường như hiệu quả hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy các chương trình phòng ngừa thứ phát cũng có hiệu quả.

Bạn cũng có thể thực hiện các hoạt động sau ở nhà, trường học và nơi làm việc để giúp ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống:

  • Giáo dục bản thân và con bạn về chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như các yếu tố nguy cơ và hậu quả sức khỏe.
  • Phản đối những tiêu chuẩn sắc đẹp và hình ảnh cơ thể không lành mạnh được truyền thông đưa ra.
  • Gia tăng sự hiểu biết về tăng cân tự nhiên ở tuổi dậy thì.
  • Hãy là một hình mẫu tích cực về lối sống lành mạnh và thói quen ăn uống tốt.
  • Nuôi dưỡng thói quen ăn uống lành mạnh trong gia đình.
  • Tránh dán nhãn thực phẩm là “tốt” hoặc “xấu.”
  • Tạo thời gian và không gian cho bữa ăn ở trường hoặc nơi làm việc.
  • Khuyến khích lòng tự tôn dựa trên những phẩm chất khác không phải vẻ bề ngoài.

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Beverly Timeding.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn