Sức mạnh của bộ xếp hình LEGO với bệnh nhân sa sút trí tuệ

Các nhà tiên phong trong việc dùng các mảnh ghép của bộ xếp hình LEGO dành cho người cao niên và người chăm sóc lưu ý đến tiềm năng mở khóa ký ức, thu hút tâm trí và duy trì sự bình tĩnh.

Bà DorisD, mẹ của cô Loretta Woodward Veney, đã mua cho cô một hộp LEGO lần đầu tiên khi cô lên 5 tuổi và việc lắp ghép món đồ chơi trẻ em phổ biến này đã nhanh chóng trở thành một hoạt động mà họ cùng chia sẻ.

Tuy nhiên, sức sáng tạo của bộ xếp hình LEGO trở nên sâu sắc nhất khi bà Doris Woodward bắt đầu quên mọi thứ.

Cô Veney đã gắn một tấm đế LEGO vào bảng điều khiển xe hơi để làm mẹ cô bận rộn với bộ xếp hình LEGO trong lúc họ bị kẹt xe trên đường đến gặp bác sĩ. Việc này đã giúp ngăn bà Woodward lặp lại câu “Tôi muốn về nhà” hàng nghìn lần.

Tấm bảng bao gồm một nhân vật nhỏ dùng để đại diện cho bà Woodward – hình tượng mà cô Veney nghĩ rằng mẹ cô có thể dùng để truyền đạt cảm xúc khi bản thân không thể diễn đạt bằng lời. Năm 2016, bác sĩ cho biết trí nhớ của bà Woodward bị suy giảm là do bệnh Alzheimer. Cô Veney đã yêu cầu mẹ diễn tả cảm xúc bằng cách lắp ghép bộ xếp hình lego khi bà Woodward trở nên đặc biệt kích động.

Cô Veney nhớ lại, “Mẹ tôi nhìn vào các viên gạch lego một lúc lâu. Bà lấy nhân vật LEGO với mái tóc màu xám để tượng trưng cho bản thân. Bà giật cái đầu ra khỏi nhân vật, giơ lên và nói, Mẹ có cảm giác rằng trong vài năm nữa mẹ sẽ mất trí.”

“Mẹ tôi luôn có thể lắp ghép cảm xúc của bà, luôn luôn… có những lúc đó là cách duy nhất để tôi giao tiếp với mẹ.”

Suy nghĩ bằng đôi tay

Mặc dù cô Veney được chứng nhận phương pháp LEGO® SERIOUS PLAY® — được thiết kế để nâng cao kỹ năng giao tiếp và lắng nghe dành cho gia đình, các nhóm và các tổ chức — nhưng hiện không có khuôn mẫu thực sự nào cho việc dùng bộ xếp hình LEGO với người có vấn đề về nhận thức. Một số trung tâm dùng các viên gạch LEGO lớn hơn để dễ thao tác hơn.

Cô tóm tắt kỹ thuật cơ bản của phương pháp này là suy nghĩ bằng tay và để bộ não không vướng bận vào các vấn đề hiện tại. Cô Veney trở thành người tiên phong trong việc dùng bộ xếp hình LEGO cho chứng sa sút trí tuệ. Cô được truyền cảm hứng từ những lợi ích mà cô đã thấy ở mẹ mình và những người khác trong các viện chăm sóc người cao tuổi và người có vấn đề về trí nhớ.

Kỹ thuật này nhanh chóng trở thành một chiến lược khi cô tổ chức các buổi hội thảo nơi các bệnh nhân đang phải vật lộn với chứng suy giảm nhận thức cũng như những người chăm sóc đang phải khổ não để chăm sóc các bệnh nhân này, giúp họ có thể khám phá những điều kỳ diệu của việc diễn đạt mà không cần từ ngữ.

Cuối cùng, cô Veney đã từ bỏ công việc viên chức trong chính phủ liên bang và hiện dành toàn thời gian đi khắp thế giới với tư cách là diễn giả và huấn luyện viên, dùng bộ xếp hình LEGO với mục đích kép là nâng cao nhận thức và củng cố mối quan hệ.

Cô Loretta Veney (Ảnh được sự cho phép của nhân vật)
Cô Loretta Veney (Ảnh được sự cho phép của nhân vật)

Một gợi ý mà cô thường dùng là yêu cầu những người tham gia — một số người không nói — lắp ghép một kỷ niệm yêu thích. Đôi khi, một “công trình” khơi dậy điều gì đó vui vẻ đến mức một người bị chứng sa sút trí tuệ đã làm cho mọi người kinh ngạc khi nói về quá khứ mà dường như họ đã quên hoặc tìm ra những từ ngữ mà không ai nghĩ rằng họ sẽ nói ra lần nữa.

Cô cho biết, “Điều này không phải là ý định ban đầu của tôi. Nhưng bây giờ chúng tôi ở đây, thật tuyệt vời. Quý vị chỉ cần nhìn vào vẻ mặt của mọi người khi họ nói chuyện trở lại.”

Cô sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc một cụ bà 93 tuổi tại viện chăm sóc trí nhớ bắt đầu trở nên kích động khi đang ngồi trên ghế chơi bộ xếp hình LEGO với cháu gái. Cô Veney đã nghĩ rằng bà cụ cần đi vệ sinh. Nhưng hóa ra bà cụ, người đã không nói chuyện trong một thời gian, đang tái hiện lại một điệu nhảy từ chuyến du lịch mà bà đi cùng cháu gái của mình cách đây 15 năm.

Cô Veney nói, “Bà cụ nhớ đến màn múa dây trên tàu du lịch và bắt đầu nói về điều này. Mọi thứ trở nên hỗn loạn. Có người chạy đi tìm giám đốc điều hành và người này đi ra với một chiếc máy ảnh. Thật không thể tin được. Đôi khi chúng ta đã chẩn đoán những bệnh nhân này quá vội vàng.”

Sức mạnh của trò chơi lắp ghép

Mặc dù không có nhiều tài liệu khoa học giải thích hiện tượng này nhưng một nghiên cứu điển hình liên quan đến một cậu bé 11 tuổi bị chứng rối loạn phổ tự kỷ đã minh họa tính linh hoạt thần kinh của bộ não khi dùng bộ xếp hình LEGO.

Cậu bé đã dành 12 tháng để tham gia các buổi học hàng tuần kéo dài 90 phút với một chuyên gia lắp ghép LEGO. Kết quả được công bố vào năm 2023 trên Tập san AIMS Neuroscience (Khoa học thần kinh) cho thấy, khả năng hiểu ngôn ngữ nói, chỉ số không gian thị giác, chỉ số trí nhớ dài hạn và chỉ số tốc độ xử lý của cậu bé đều cho thấy sự tiến bộ đáng kể.

Các nghiên cứu về chứng sa sút trí tuệ gợi ý điều gì đó tương tự có thể xảy ra khi người cao niên chơi bộ xếp hình LEGO.

Sức mạnh của bộ xếp hình LEGO với bệnh nhân sa sút trí tuệ
(Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Dữ liệu từ một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên Tập san Frontiers in Aging Neuroscience (Lĩnh vực Khoa học thần kinh Lão hóa) đã so sánh 14 buổi trị liệu kích thích nhận thức trên máy tính với một nhóm đối chứng. Các biện pháp can thiệp được thực hiện trên một nửa số người tham gia (tất cả là 30 người) trong 7 tuần, đã cho thấy sự cải thiện về nhận thức và hành vi ngắn hạn — sử dụng các phương pháp đo lường từ các thang đo chuyên nghiệp và các điểm số triệu chứng, cho đến quét bộ não.

Chương trình phần mềm lập trình các tính năng nhận thức cùng với trí nhớ, tính năng thực thi và các tính năng khác.

Nghiên cứu liệu pháp kích thích nhận thức cho thấy, “Những kết quả hội tụ này chứng minh rằng ngay cả trong các trường hợp sa sút trí tuệ từ nhẹ cho đến trung bình [bệnh Alzheimer], có thể khai thác khả năng linh hoạt thần kinh để làm giảm nhẹ sự suy giảm nhận thức”

Các chương trình cần thực hiện liên tục

Báo cáo Bệnh Alzheimer Thế giới năm 2011 lưu ý rằng, sự kích thích nhận thức, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sau khi được chẩn đoán, có thể tăng cường chức năng nhận thức ở bệnh nhân sa sút trí tuệ và việc này nên được thực hiện đều đặn.

Một đánh giá gộp 3 nghiên cứu cho thấy việc kích thích nhận thức có thể mang lại lợi ích kéo dài lên đến 3 tháng cho những người bị chứng sa sút trí tuệ, giúp cải thiện khả năng giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Một bài viết được xuất bản vào năm 2013 trên Tập san Ageing Research Reviews (Đánh giá Nghiên cứu Lão hóa) cho biết, một chương trình phối hợp và liên tục sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực lâu dài hơn cho bệnh nhân sa sút trí tuệ.

Báo cáo về Bệnh Alzheimer và Chứng sa sút trí tuệ năm 2023 cho thấy, có hơn 6.5 triệu người dân Hoa Kỳ từ 65 tuổi trở lên bị chứng mất trí nhớ Alzheimer. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 13.8 triệu vào năm 2060.

Đối với người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 và là mối lo ngại về tỷ lệ tử vong ngày càng tăng. Trong khi số ca tử vong do đột quỵ, bệnh tim và HIV từ năm 2000 đến năm 2019 giảm xuống, thì số ca tử vong do bệnh Alzheimer lại tăng hơn 145%.

Lan tỏa ý tưởng một cách tự nhiên

Trong khi những con số này đang gia tăng, thì sự quan tâm đến loại công việc mà cô Veney và những người khác đang làm cũng đang tăng lên.

Một chương trình tại Singapore dùng bộ xếp hình LEGO với những người bị chứng sa sút trí tuệ đang được thử nghiệm trong một nghiên cứu thí điểm kéo dài một năm. Chương trình dựa trên ý tưởng rằng nhận thức có thể được cải thiện qua giải quyết vấn đề, sáng tạo, ghi nhớ, sự khéo léo và kích thích giác quan và thính giác.

Chương trình Đào tạo Nhận thức dành cho Người bị Chứng sa sút trí tuệ, bao gồm 500 thẻ hoạt động tiến bộ cho phép người tham gia đo lường tiến độ khi họ lắp ghép theo mô hình sẵn có. Các chiến lược đòi hỏi các kỹ năng như: tập trung, hiểu, nhận thức, lý luận, ghi nhớ và tốc độ xử lý.

Trong số các hoạt động có các mô hình có 1 đến 6 viên gạch LEGO mà người tham gia phải sao chép. Cuối cùng, họ cố gắng lắp ghép các mô hình theo trí nhớ, có thể làm cá nhân hoặc theo nhóm. Tổ chức Ardent English Learners, cung cấp các buổi học trực tiếp và trực tuyến cũng như chương trình có cấp chứng chỉ.

Nhu cầu học cách tích hợp bộ xếp hình LEGO vào các cơ sở chăm sóc sa sút trí tuệ không phụ thuộc vào nhu cầu khoa học.

Bà Patty Sherin, nhà tư vấn chăm sóc được chứng nhận ABC Dementia Course & Community (Tạm dịch: Khóa học ABC về Chứng mất trí nhớ & Cộng đồng) cho biết, nghiên cứu rất có giá trị nhưng bằng chứng hữu hình đến từ việc chứng kiến các bộ xếp hình LEGO có thể thúc đẩy kết nối xã hội, trao quyền cho mọi người có ý thức kiểm soát, thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra cuộc sống vui vẻ trong việc chăm sóc bệnh nhân bị chứng sa sút trí tuệ. Bà cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Brick by Brick Bonding: Tools for Family Care” (Tạm dịch: Kết Nối từng Viên Gạch: Các Công Cụ Chăm Sóc Gia Đình.)

Bà Sherin nói với The Epoch Times trong một email rằng, “Quan điểm này phù hợp với nhiều nghiên cứu nhấn mạnh những lợi ích của liệu pháp nghệ thuật đối với người bị chứng sa sút trí tuệ. Việc dùng những bộ xếp hình LEGO như một phương tiện nghệ thuật vượt qua các bằng chứng lý thuyết, chạm đến những trải nghiệm có ý nghĩa, góp phần mang lại hạnh phúc cho những người đang đối mặt với những thách thức về nhận thức.”

Với số lượng đủ nhiều các giám đốc và quản lý trung tâm chăm sóc yêu cầu trợ giúp, nên gần đây cô Veney đã tổ chức lớp chứng nhận LEGO SERIOUS PLAY đầu tiên, dành cho những người chăm sóc muốn được hướng dẫn cách làm việc tốt nhất với bệnh nhân.

Công việc này đã giúp cô và chồng, ông Tim, hoàn thành giấc mơ của họ. Hai người đã lên kế hoạch du lịch khắp thế giới cùng nhau chia sẻ món quà từ việc lắp ghép LEGO trong các chương trình và buổi thuyết trình. Khi cặp đôi đang ở giữa chuyến đi thử nghiệm kéo dài 30 ngày trên chiếc xe RV của họ vào năm 2016 thì ông Tim bị đột quỵ vào ngày thứ 10.

Sức khỏe của ông suy giảm một cách nhanh chóng – ông được chẩn đoán ung thư tuyến tụy và qua đời sau 6 ngày. Cô Veney nói, “Anh ấy biết rằng mình sắp qua đời. Tôi thì không. Anh ấy cứ nói, ‘Hãy tiếp tục làm LEGOS.’ Tôi đã hứa với anh ấy là tôi sẽ tiếp bước. Đây là công việc mà tôi nên làm.”

Không chỉ bệnh nhân nhận được lợi ích

Với sự gia tăng số bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ, có một mối lo ngại song song là thiếu người chăm sóc, cũng như việc người chăm sóc bị dàn trải quá mỏng. Các công cụ, trò chơi và bộ xếp hình LEGO có thể giúp bệnh nhân luôn bận rộn, bình tĩnh và phấn chấn. Việc người chăm sóc tham gia chương trình cũng cho thấy chương trình tác động hấp dẫn đối với họ.

Cô Veney đã biết về hiện tượng này từ kinh nghiệm chăm sóc người thân trong gia đình. Cô đã không bỏ qua những người chăm sóc và thậm chí còn có những dịch vụ dành riêng cho họ, cũng như các buổi hội thảo để những người chăm sóc có thể làm việc cùng với người thân bị chứng sa sút trí tuệ.

Cô Gail Titus đã tham gia một vài buổi học với mẹ cô, bà Dolores Davidson, người đã qua đời sau đó. Lúc đó, bà Davidson không nói được và không có khả năng lắp ghép được gì nhiều. Cô Titus chưa bao giờ chơi bộ xếp hình LEGO trước đây. Cô đã rất hứng thú.

Cô Titus nói, “Khi bạn làm việc với bộ xếp hình LEGO, không có đúng hay sai. Tôi đã có thể thiết lập một mối liên kết với mẹ tôi. Đó là điều chúng tôi có thể chia sẻ và làm cùng nhau,”

Ngôn ngữ cơ thể của mẹ cô Titus cho biết rằng bà ấy đang bình yên và tận hưởng. Bà cảm giác như thể mình đã có một “buổi tư vấn tuyệt vời” sau mỗi buổi học.

Cô cho biết, những bệnh nhân khác có thể hồi tưởng về quá khứ trong buổi học và họ đã rơi nước mắt – nhưng luôn là những giọt nước mắt của niềm vui.

Cô Titus nói, “Tôi mong muốn bà Loretta tiếp tục làm những gì bà ấy đang làm vì bà ấy thực sự đang tác động đến rất nhiều người,”

Nhiều người trong số họ chính là cô Veney. Việc lắp ghép và tạo ra những món đồ chơi từ bộ xếp hình LEGO đã trở thành một loại trị liệu đối với cô — ứng phó với những mất mát của bản thân, gắn kết với những người khác và đấu tranh với những cảm xúc khó khăn.

Trong thời gian phong tỏa vì đại dịch COVID-19, cô Veney và mẹ cô, người đã qua đời vào năm 2022, đã chơi với các viên gạch LEGO qua cửa sổ. Việc đáp ứng các yêu cầu chăm sóc thường khiến cô Veney quay về nhà để xây dựng những viên gạch của chính mình.

Cô nói, “Đó là cách mà chứng sương mù não của tôi phần nào đã được đảo ngược. Khi tôi cảm thấy thực sự không khỏe, tôi sẽ đặt một số [viên gạch LEGO] lên bàn và lắp ghép một vài thứ. Bộ xếp hìnhLEGO đã giúp tôi vượt qua rất nhiều trắc trở — và đó là một phần quan trọng giúp tôi tỉnh táo.”

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn