Tình trạng thiếu iodine làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh về tuyến giáp

Mặc dù iodine được biết đến là nguyên liệu cần thiết để sản xuất hormone tuyến giáp, lợi ích trị liệu của vi chất này thực thế còn vượt xa hơn thế.

Iodine tồn tại trong tế bào người và có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus, kháng ký sinh trùng và chống ung thư. Iodine cũng cần thiết cho sự toàn vẹn của chức năng miễn dịch. Iodine còn là chất quan trọng cho cấu trúc bình thường của các mô tuyến thiết yếu như tuyến vú, buồng trứng, tử cung, tuyến tụy và tuyến tiền liệt.

Theo Tiến sĩ David Brownstein, bác sĩ gia đình và giám đốc y tế của Trung tâm Y học Toàn diện ở West Bloomfield, Michigan, việc kiểm tra và điều trị tình trạng thiếu iodine nên được ưu tiên hàng đầu nhằm tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Tại sao cơ thể cần có đủ iodine để tuyến giáp khỏe mạnh

Tiến sĩ Brownstein phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh Discovering True Health (Khám phá Sức khỏe Đích thực), kênh YouTube và podcast dành riêng cho sức khỏe thể chất và tinh thần, rằng, “Nếu thiếu iodine, tuyến giáp không thể sản sinh các hormone quan trọng cần thiết cho cơ thể, do vậy, thiếu iodine có thể dẫn đến tình trạng suy giáp.”

Iodine là chất thiết yếu cho quá trình sản xuất hormone tuyến giáp triiodothyronine và thyroxine, đặc biệt quan trọng cho sự phát triển bình thường của bộ não và xương của thai nhi và trẻ sơ sinh.

Hai hormone này còn giúp cơ thể kiểm soát nhiệt độ, nhịp tim, quá trình tiêu hoá, đồng thời duy trì làn da, lông tóc và móng khỏe mạnh.

Theo thời gian, tình trạng suy giáp sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, cholesterol cao và tiểu đường.

Tuyến giáp cần được cung cấp iodine hằng ngày để sản xuất đủ hormone. Theo một bài báo đăng trên Tập san Sultan Qaboos University Medical Journal (Y khoa Đại học Sultan Qaboos), tuyến giáp cần hấp thụ khoảng 60mg iodine từ máu mỗi ngày. Nếu nồng độ iodine thấp, tuyến giáp sẽ phát triển để hấp thụ nhiều iodine hơn. Tình trạng phì đại tuyến giáp này được gọi là bướu cổ.

Thiếu iodine có thể dẫn đến ung thư

Theo Tiến sĩ Brownstein, các nghiên cứu trên chuột từ hàng thập niên trước đã cho thấy thiếu iodine gây ra tình trạng tiền ung thư. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên tế bào ung thư người cũng phát hiện iodine có tác dụng chống ung thư.

Trong một bài tổng quan đăng trên Tập san Nutrients (Dinh dưỡng) năm 2021, iodine được xem là chất chống oxy hóa lâu đời trong cơ thể sống. Một trong những vai trò của iodine là loại bỏ các gốc oxy hóa hoạt động. Iodine tương tác và vô hiệu hóa các phân tử gây hại tiềm năng, giảm tác động có hại lên tế bào và mô, từ đó giảm nguy cơ ung thư.

Ngoài ra, một bài tổng quan năm 2017 được công bố trên Tập san Journals of Nutritional Health & Food Sciences (Khoa học Thực phẩm và Sức khỏe Dinh dưỡng) cho thấy, “thiếu iodine có liên quan đến u nang buồng trứng, một tình trạng cản trở sinh sản và tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Hơn nữa, thiếu iodine còn làm phát triển các hạch và hình thành xơ hoá, từ đó tiến triển thành ung thư tuyến giáp, tử cung và ung thư vú.”

Tiến sĩ Brownstein cho biết, “Lý do khiến tỷ lệ ung thư tuyến như ung thư vú, tuyến giáp và tuyến tiền liệt gia tăng, … một phần là do tình trạng thiếu iodine đang ảnh hưởng đến toàn đất nước chúng ta.”

1. Ung thư vú

Theo ước tính gần đây, ung thư vú, hiện ảnh hưởng đến 1/8 phụ nữ, sẽ trở thành dạng ung thư phổ biến nhất vào năm 2040.

Iodine là chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của mô vú và được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn tế bào ung thư và sự phát triển khối u.

Tiến sĩ Brownstein đã viết trong cuốn sách với tựa đề “Iodine: Why You Need It, Why You Can’t Live Without It” (Tạm dịch: Iodine: Tại Sao Bạn Cần và Không Thể Sống Thiếu Nó): “Các nghiên cứu cách đây gần 40 năm cho thấy thiếu iodine ở chuột gây ra những thay đổi tiền ung thư hệt như ở người – loạn sản và tăng sản.”

Một nghiên cứu được công bố vào năm 1975 cho thấy thiếu iodine trong thời gian dài dẫn đến những thay đổi không điển hình ở mô vú của chuột. Tiến sĩ Brownstein cho biết, “Đây là dấu hiệu báo trước của bệnh ung thư vú.”

Một nghiên cứu năm 1996 được công bố trên Tập san Journal of Surgical Oncology (Ung bướu Phẫu thuật) cũng cho thấy, iodine được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự phát triển khối u trong mô vú ở chuột bị gây ung thư.

Theo cuốn sách của Tiến sĩ Brownstein, mô vú tập trung và lưu trữ iodine ở mức cao, điều này ủng hộ mối liên quan được đề cập đến giữa iodine và nguy cơ ung thư.

Tiến sĩ Brownstein viết, có hai yếu tố góp phần tạo ra mối liên quan giữa ung thư vú và tình trạng thiếu iodine. Thứ nhất, thiếu iodine làm tăng sản xuất estrogen. Thứ hai, thiếu iodine làm tăng độ nhạy của mô vú với estrogen. Cả hai đều dẫn đến “tăng nguy cơ phát triển bệnh ở vú, bao gồm ung thư vú.”

Một bài tổng quan năm 2011 được công bố trên Tập san Journal of Evidence-Based Integrative Medicine (Y học Tích hợp Dựa trên Bằng chứng) cũng ghi nhận mối liên quan đáng kể giữa ung thư vú và bệnh tuyến giáp, từ đó cho thấy một yếu tố tiềm ẩn chung, có thể là tình trạng thiếu iodine.

2. Ung thư tuyến tiền liệt

Có rất ít nghiên cứu về vai trò của iodine với ung thư tuyến tiền liệt, một nguyên nhân ung thư gây tử vong đứng thứ hai ở nam giới tại Hoa Kỳ.

Một nghiên cứu năm 2007 đã tìm hiểu mối liên quan khả thi giữa thiếu iodine và nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả cho thấy những người có tỷ lệ iodine/creatinine cao nhất có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 29% so với người có nồng độ iodine thấp nhất.

Ngoài ra, những người có tiền sử bệnh tuyến giáp và mắc bệnh trong hơn 10 năm có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt lần lượt cao gấp đôi và gấp ba so với bình thường.

Các tác giả của nghiên cứu viết, “Mặc dù vai trò của iodine trong ăn uống còn mang tính suy đoán, chúng ta vẫn cần thực hiện các nghiên cứu bổ sung để khẳng định vai trò của iodine với bệnh tuyến giáp và/hoặc là yếu tố góp phần gây ra bệnh tuyến giáp cũng như yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt.”

3. Các bệnh ung thư phổ biến khác

Tuyến giáp phụ thuộc rất nhiều vào iodine. Tình trạng thiếu iodine từ lâu đã được công nhận là yếu tố làm tăng nguy phát triển ung thư tuyến giáp, căn bệnh ác tính phổ biến nhất của hệ nội tiết.

Do iodine ảnh hưởng đến hệ nội tiết, tình trạng thiếu iodine liên quan đến sự thay đổi của hormone. Một bài báo được công bố trên Tập san The Lancet nhấn mạnh mối liên quan khả thi giữa việc tiêu thụ ít iodine và nguy cơ cao bị ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng. Nghiên cứu cho thấy tăng tiêu thụ iodine làm giảm nguy cơ bị các loại ung thư kể trên.

Tỷ lệ ung thư tử cung và ung thư buồng trứng hiện đang gia tăng, trong đó ung thư tử cung ngày càng phổ biến ở phụ nữ dưới 49 tuổi.

Tại sao tình trạng thiếu iodine lại gia tăng nhanh chóng?

Theo thông báo chính thức, tình trạng thiếu iodine ảnh hưởng đến khoảng 35-45% dân số toàn cầu. Nhưng Tiến sĩ Brownstein, với hơn 25 năm kinh nghiệm thực hiện xét nghiệm cho hàng nghìn người, cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Ông nói, hầu hết mọi người không kiểm tra iodine thường xuyên.

Một số yếu tố gây ra tình trạng thiếu iodine.

1. Trồng trọt quá mức

Theo Tiến sĩ Brownstein, một yếu tố quan trọng góp phần gây ra tình trạng thiếu iodine là sự cạn kiệt iodine trong đất. Ông nói, “Chúng ta từng lấy iodine từ một số thực phẩm được trồng trên đất chứa iodine.” Tuy nhiên, việc trồng trọt quá mức và dùng thuốc trừ sâu và diệt côn trùng chứa chất độc như fluorine và bromine đã làm giảm lượng iodine.

2. Ô nhiễm đại dương

Tiến sĩ Brownstein cho biết, biển là nguồn cung cấp iodine quan trọng nhưng lại bị ô nhiễm, từ đó góp phần gây ra tình trạng thiếu iodine. Các chất ô nhiễm hoá học do con người tạo ra như nhựa và kim loại nặng không chỉ gây hại cho sinh vật biển mà còn làm ô nhiễm hải sản, loại thực phẩm được biết đến là nguồn cung cấp iodine.

Điều đó có nghĩa là, iodine mà cơ thể nhận được từ các nguồn tự nhiên này đã đi kèm với các chất không mong muốn khác.

Chẳng hạn, rong biển và hải sản là nguồn cung iodine tuyệt vời. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy, cả hai nguồn này đều chứa hàm lượng cao các kim loại nặng như chì, cadmium và thạch tín.

3. Tiếp xúc quá nhiều với halide

Sự cân bằng giữa các halide (hợp chất chứa halogen) thiết yếu và không thiết yếu góp phần gây ra tình trạng thiếu iodine. Theo Tiến sĩ Brownstein, bromine hoặc fluoride dư thừa có thể chiếm chỗ của iodine trong cơ thể.

Một nghiên cứu năm 2020 trên Tập san Nutrients (Dinh dưỡng) đã trình bày cách mà bromine, fluoride và các hợp chất cản trở quá trình hấp thụ iodine của cơ thể.

Bromine được dùng như một chất diệt côn trùng, khử trùng, lọc nước, chất nhũ hóa trong nước giải khát, chất làm mềm bột. Bromine cũng có trong bình chữa cháy, dược phẩm và dầu thực vật bromine hoá. Đây cũng là chất chống cháy chứa trong nệm, rèm, thảm, đồ nội thất và quần áo.

Fluoride không chỉ được thêm vào nguồn nước ở Hoa Kỳ mà còn có trong không khí, đất, thực phẩm, đồ uống, thuốc men và các sản phẩm nha khoa.

Đánh giá trình trạng iodine của cơ thể

Thiếu iodine có thể dẫn đến suy giáp và các vấn đề về tuyến giáp do tình trạng này khiến tuyến giáp không sản xuất đủ hormone. Thiếu iodine ảnh hưởng đến con người theo nhiều cách mà không phải lúc nào cũng biểu hiện rõ ràng.

1. Các triệu chứng thiếu iodine bao gồm:

  • Mệt mỏi: Cảm thấy mệt mỏi và uể oải ngay cả khi ngủ đủ giấc.
  • Kinh nguyệt không đều: Bị rong kinh hoặc kinh nguyệt không đều, trường hợp nghiêm trọng có thể bị vô sinh.
  • Tăng cân: Tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc khó giảm cân mặc dù đã ăn kiêng và tập thể dục hợp lý.
  • Sợ lạnh: Quá nhạy cảm với thời tiết lạnh.
  • Da và tóc khô, móng giòn: Da trở nên khô, thô và bong tróc, tóc trở nên mỏng và dễ gãy.
  • Các vấn đề về cơ: Yếu cơ, chuột rút hoặc đau nhức.
  • Táo bón: Do quá trình tiêu hóa diễn ra chậm hơn.
  • Thay đổi tâm trạng: Sự thay đổi nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và dẫn đến trầm cảm, dễ bị kích thích hoặc cảm xúc thất thường.
  • Vấn đề về trí nhớ: Hay quên, khó tập trung và sương mù não.
  • Bướu cổ: Cảm thấy đau họng, khó nuốt hoặc khàn giọng.

2. Xét nghiệm

Theo Tiến sĩ Brownstein, một trong những xét nghiệm chức năng tốt nhất để đánh giá tình trạng iodine trong cơ thể là xét nghiệm tải lượng iodine do Tiến sĩ Guy Abraham phát triển. Xét nghiệm này đo lường lượng iodine trong nước tiểu trước và sau khi bổ sung iodine.

Ông nói, “Bằng cách trừ đi con số đo được, chúng ta có thể xác định lượng iodine mà cơ thể giữ lại. Do iodine được bài tiết chủ yếu qua thận, lượng iodine giữ lại phản ánh mức độ thiếu hụt của cơ thể.”

Nếu cơ thể chỉ giữ lại một phần nhỏ và bài tiết lượng lớn, điều đó cho thấy cơ thể có đủ lượng iodine dự trữ. Giữ lại nhiều và bài tiết ít báo hiệu tình trạng thiếu iodine, vì cơ thể giữ lại nhiều để bổ sung cho lượng iodine cạn kiệt.

Tiến sĩ Brownstein cho biết hầu hết mọi người đều dung nạp tốt với chất bổ sung iodine, nhưng một số người có thể có phản ứng, như đau đầu và đau bụng.

Ông nói, “Mọi người nên tìm kiếm sự hướng dẫn của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có hiểu biết, người đã quen với chất bổ sung và xét nghiệm iodine.”

Thực phẩm bổ sung

Lượng iodine khuyến nghị nạp vào cơ thể mỗi ngày là 150mg. Theo Tiến sĩ Brownstein, đây là lượng iodine tối thiểu hàng ngày ước tính để ngăn ngừa tình trạng bướu cổ. Ông nói, “Nhưng đây không phải là liều tối ưu.”

Nghiên cứu được công bố trên tập san Sultan Qaboos University Medical Journal (Y khoa Đại học Sultan Qaboos) cho thấy cơ thể của một người trưởng thành khỏe mạnh chứa khoảng 15-20mg iodine, với 70-80% được dùng cho tuyến giáp.

Do sự khác biệt trong nhiều yếu tố, chẳng hạn như tiếp xúc với chất thay thế iodine, lượng iodine tiêu thụ tối ưu hàng ngày của từng cá nhân có thể khác nhau đáng kể. Tiến sĩ Brownstein cho biết, để xác định chính xác liều lượng tối ưu, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và được hướng dẫn bởi một bác sĩ am hiểu về iodine.

Cơ thể chúng ta dự trữ một số dưỡng chất nhưng thiếu tích trữ iodine. Ông nói, “Nếu bạn không bổ sung iodine trong một hoặc hai ngày, bạn sẽ bắt đầu bị thiếu iodine.”

Cách tốt nhất để bổ sung dưỡng chất là tiêu thụ các loại thực phẩm, đặc biệt là thức ăn hữu cơ, vì thường có chứa hàm lượng thấp thuốc trừ sâu và diệt côn trùng, vốn làm giảm sự hấp thu iodine.

Các cách ăn uống cụ thể sau có thể gây thiếu iodine:

  • Không ăn cá hoặc rau biển
  • Dùng muối chứa ít iodine
  • Ăn chay
  • Ăn nhiều loại bánh có chứa bromide

Tuy nhiên, Tiến sĩ Brownstein cho biết, “Trong thế giới độc hại ngày nay, bạn không thể có đủ iodine từ thực phẩm. Tôi tin rằng hầu hết mọi người sẽ cần bổ sung chất này.”

Dung dịch Lugol

Các mô khác nhau trong cơ thể cần các dạng iodine khác nhau. Theo Tiến sĩ Brownstein, một số mô ưu tiên hấp thụ iodide ở dạng khử, là dạng có thêm một electron, và một số mô ưa thích iodine dạng oxy hóa.

Ông nói, “Sự kết hợp giữa iodine và iodide, chẳng hạn như dung dịch iodine Lugol [5% iodine (I2) và 10% potassium iodide (KI)], có thể nhắm mục tiêu một cách hiệu quả vào các thụ thể cần iodine trong cơ thể.”

Tiến sĩ Brownstein nói rằng ông có thể giảm đáng kể lượng hormone tuyến giáp cho bệnh nhân khi họ dùng dung dịch Lugol trước khi điều trị bằng hormone tuyến giáp.

Ông nói, “Tỷ lệ bệnh nhân cần hormone tuyến giáp giảm từ 75 xuống còn 25% và liều trung bình giảm từ hai hạt (120mg) xuống còn 30mg hormone tuyến giáp tự nhiên. Ngoài ra, khoảng 50% bệnh nhân có thể ngừng hoàn toàn hormone tuyến giáp vì tôi đã giải quyết nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh suy giáp của họ, đó là tình trạng thiếu iodine.”

Khi dùng iodine, đừng quên muối

Tiến sĩ Brownstein cho biết, khi bệnh nhân của ông bắt đầu dùng chất bổ sung iodine, những người ăn ít muối đã gặp phản ứng bất lợi. Trong tình huống này, bệnh nhân vô tình kích hoạt phản ứng phóng thích bromide và trong một số trường hợp là fluoride từ các mô.

Ông cho biết quá trình thải độc của cơ thể có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi hoặc đau đầu. “Tôi thấy rằng dùng muối với iodine thực sự giúp giảm tác dụng phụ. Việc cơ thể có đủ muối sẽ ức chế bromide và giúp bài tiết chất này.”

Nhưng không phải tất cả muối đều được sản xuất như nhau. Tiến sĩ Brownstein nói, “Có loại muối tốt và có loại xấu.” Ông viết trong cuốn sách “Salt Your Way to Health” (Tạm dịch: Nêm Muối Theo Cách Của Bạn để Khỏe Mạnh) rằng cần tránh dùng muối tinh, loại hạt nhỏ mịn màu trắng thường thấy các trong nhà hàng.

Muối tinh chế đã bị loại bỏ khoáng chất và thường chứa các chất phụ gia như chất chống đóng bánh, ferricyanide và nhôm. Các loại muối chưa tinh chế như muối biển Celtic, Real Redmond và Himalayan cung cấp chloride và nhiều khoáng chất vi lượng hơn.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Christy Prais
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Christy A. Prais nhận bằng kinh doanh tại Đại học Quốc tế Florida. Cô là người sáng lập và là người dẫn chương trình Discovering True Health (Khám phá Sức khỏe Đích thực), là kênh YouTube và podcast dành riêng cho sức khỏe và tinh thần, đồng thời là ký giả của The Epoch Times. Cô Christy cũng thuộc ban cố vấn tại Fostering Care Healing School (Trường chữa bệnh bằng cách chăm sóc nuôi dưỡng).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn