Bản tin đặc biệt

Vì sao trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19?

Trẻ em thường có lợi thế sống sót cao hơn người lớn khi bị nhiễm bệnh do virus mới

Ông Bali Pulendran, giáo sư vi sinh, miễn dịch và bệnh học tại Đại học Stanford, đã dành hai năm để nghiên cứu một bí ẩn duy nhất về COVID-19.

“Đối với hầu hết mọi căn bệnh truyền nhiễm, những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đều ở hai cực của biểu đồ tuổi – những người rất trẻ và những người rất già,” ông đã có lần nói, “Nhưng với COVID-19, thì những người trẻ lại ít bị ảnh hưởng.”

Bức tranh xung quanh bí ẩn này vẫn chưa hoàn chỉnh nhưng câu trả lời sắp xuất hiện.

Trẻ em khác với người lớn

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Tùy thuộc vào độ tuổi, trẻ em có thể có phản ứng tương tự hoặc rất khác nhau đối với các bệnh truyền nhiễm.

Trong trường hợp COVID-19, trẻ em thường bị bệnh nhẹ hơn.

(Ảnh được sự cho phép của Tiến sĩ Cody Meissner)
(Ảnh được sự cho phép của Tiến sĩ Cody Meissner)

“Đó là một câu hỏi thú vị mà chưa ai có câu trả lời đầy đủ.” Tiến sĩ Cody Meissner, giáo sư nhi khoa tại Trường Y Geisel của Đại học Dartmouth, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. “Một số lý thuyết đã được đưa ra để thử nghiệm và giải thích điều này.”

Lý do chính là trẻ em có hệ thống miễn dịch bẩm sinh [có phản ứng miễn dịch] nhanh hơn so với người lớn. Hệ miễn dịch bẩm sinh thường được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Vì thế trẻ em có hệ thống phòng thủ mạnh mẽ chống lại nhiễm trùng đường hô hấp nhanh hơn.

Một cách giải thích khác là trẻ em dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn và một số bệnh nhiễm trùng trước đó có thể cung cấp cho các em sự bảo vệ miễn dịch chống lại COVID-19 ở một mức độ nào đó.

Về mặt giải phẫu học cơ thể người, trẻ em chưa trưởng thành hoàn toàn sẽ gặp bất lợi khi bị bệnh đường hô hấp.

Đường thở của trẻ em có đường kính nhỏ hơn, nghĩa là khi đường thở bị viêm hoặc ứ đàm thì triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn.

Dung tích phổi của trẻ em cũng nhỏ hơn người lớn, nên các em dễ bị thiếu oxy hơn khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, theo lời của giáo sư miễn dịch học Kenneth Rosenthal nói với The Epoch Times.

Tuy nhiên, so với người lớn, trẻ em được phát hiện có lượng tế bào miễn dịch bẩm sinh trong mũi cao hơn, có thể giúp loại bỏ virus sớm.

Những thuận lợi và bất lợi của trẻ em khi chiến đấu với các bệnh lý đường hô hấp. (Ảnh: Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
Những thuận lợi và bất lợi của trẻ em khi chiến đấu với các bệnh lý đường hô hấp. (Ảnh: Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)

“SARS-CoV-2 nhắm vào [hai thụ thể] ACE-2 và TMPRSS, và những triệu chứng này được biểu hiện nhiều hơn ở người lớn tuổi.” Tiến sĩ Lael Yonker, bác sĩ phổi nhi khoa và đồng giám đốc phòng khám di truyền phổi của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nói với The Epoch Times. Ngược lại, trẻ em có ít hơn cả hai thụ thể này, điều này có thể làm giảm số lần xâm nhập của virus.

Trẻ em có hệ miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ

Trẻ em có xu hướng có phản ứng miễn dịch bẩm sinh nhanh và mạnh mẽ, còn phần lớn người lớn bị nhiễm COVID-19 nghiêm trọng đều có xu hướng phản ứng miễn dịch bẩm sinh bị suy giảm, theo kết quả của nhiều nghiên cứu.

Phản ứng miễn dịch bẩm sinh là hệ thống miễn dịch chúng ta được thừa hưởng khi sinh ra.

[Phản ứng miễn dịch] luôn ở đó và sẵn sàng phản ứng nhanh chóng với vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh. Ngược lại, hệ thống miễn dịch thích ứng, phát triển hơn ở người lớn, có thể tạo ra khả năng miễn dịch có mục tiêu và được ghi nhớ nhiều hơn. Tuy nhiên, nó lại phản ứng chậm hơn và có thể mất vài ngày để kích hoạt.

Điều này không có nghĩa là trẻ em không có phản ứng miễn dịch thích ứng. Nhưng vì loại miễn dịch này được hình thành thông qua những lần nhiễm virus và các mầm bệnh khác, nên trẻ em có xu hướng tích lũy trí nhớ miễn dịch kém hơn người lớn.

Trong trường hợp nhiễm COVID-19, trẻ em thường bị bệnh nhẹ hơn. (Ảnh: Jon Cherry/Getty)
Trong trường hợp nhiễm COVID-19, trẻ em thường bị bệnh nhẹ hơn. (Ảnh: Jon Cherry/Getty)

Chích vaccine nhằm gia tăng khả năng miễn dịch thích ứng khi trẻ còn nhỏ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự suy giảm khả năng miễn dịch bẩm sinh phổ biến nhất ở người lớn bị bệnh COVID-19 nặng là do thiếu hụt interferon loại 1 và 3. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng trẻ em có phản ứng interferon loại 1 và 3 mạnh nhất với COVID-19 và phản ứng này giảm dần khi người ta lớn tuổi.

Ông Rosenthal cho biết: “Một tỷ lệ lớn nam giới trưởng thành dễ bị bệnh COVID nghiêm trọng hơn có kháng thể với interferon. Do đó, họ không thể tạo ra phản ứng [miễn dịch] bẩm sinh, mặc dù các nhà khoa học không biết tại sao một số người trưởng thành lại hình thành những kháng thể này.

Sự lây nhiễm tiến triển không bị cản trở trong khi hệ thống miễn dịch cố gắng hạn chế sự lây nhiễm lan rộng, từ đó có thể “dẫn đến các vấn đề về kết cục,” ông nói thêm.

Điều này có thể gây ra phản ứng viêm toàn diện.

Các tế bào tiêu diệt tự nhiên, các tế bào miễn dịch bẩm sinh chịu trách nhiệm tiêu diệt tế bào ung thư và tế bào bị nhiễm bệnh, cũng hoạt động tích cực hơn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trước tuổi dậy thì. Ông Rosenthal nói: Tế bào “tan biến trong những năm thiếu niên.”

Vì sao trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19?

Trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi cơn bão viêm

Một yếu tố nguy cơ quan trọng trong bệnh COVID-19 là cơn bão cytokine gây viêm, do nồng độ cytokine trong cơ thể quá cao.

Trong quá trình nhiễm trùng, các tế bào miễn dịch phóng thích ra cytokine để kích hoạt và phối hợp các tế bào miễn dịch khác. Cytokin luôn hiện diện trong cơ thể người.

Khi hệ thống miễn dịch không kiểm soát được sự lây nhiễm và sự nhân lên của virus, các tế bào miễn dịch sẽ gửi nhiều cytokine hơn như một lời cảnh báo. Những cytokine này sau đó kích hoạt nhiều tế bào miễn dịch hơn, gây ra phản ứng viêm dữ dội, có thể dẫn đến tổn thương mô, suy nội tạng và cuối cùng là tử vong.

So sánh các tế bào tiếp xúc với tình trạng viêm thông thường và cơn bão cytokine. (Ảnh: The Epoch Times)
So sánh các tế bào tiếp xúc với tình trạng viêm thông thường và cơn bão cytokine. (Ảnh: The Epoch Times)

Người lớn dễ bị bão cytokine hơn vì họ có xu hướng có nhiều cytokine trong máu hơn nhằm bảo vệ cơ thể trước các cuộc tấn công hàng ngày của khói, các hạt độc hại, thực phẩm độc hại và một số vi khuẩn nhất định sống trong ruột, trên da của chúng ta hoặc những nơi khác. Các phản ứng bảo vệ cần thiết tạo ra các cytokine gây viêm “mỗi ngày, thường lệ.”

Tuy nhiên, trẻ em có nồng độ cytokine cơ bản thấp hơn do ít tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và môi trường hơn. Thêm vào đó, trẻ em thường có thể trạng khỏe mạnh hơn, ít bị bệnh mạn tính và ít có thói quen không lành mạnh hơn.

Ngay cả trong trường hợp hiếm hoi trẻ em bị bệnh COVID-19 nghiêm trọng, thường biểu hiện dưới dạng hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), hầu hết trẻ đều nhanh chóng hồi phục mà không có bất kỳ triệu chứng dai dẳng nào.

“[Trẻ em] dễ điều trị hơn người lớn. Tôi đã không gặp trường hợp bệnh nhi tử vong nào, trong khi ở người lớn, chúng tôi gặp khá nhiều,” bác sĩ phổi chăm sóc tích cực, Tiến sĩ Joseph Varon, giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Houston, nói với The Epoch Times.

Bí ẩn về bệnh COVID nhẹ ở trẻ sơ sinh

Mặc dù COVID-19 nhẹ ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể được giải thích là do hệ thống miễn dịch bẩm sinh nhanh và thể trạng nói chung khỏe mạnh hơn, nhưng lời giải thích này không xác đáng đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Ông Pulendran nói với The Epoch Times, “Đó là một trong những bí ẩn lớn về hệ miễn dịch của con người.”

Trẻ sơ sinh thường được sinh ra với hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích ứng chưa trưởng thành, thể chất yếu hơn, khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn. Trẻ sinh non thậm chí còn dễ bị tổn thương hơn.

Trẻ em dưới 2 tuổi có nguy cơ tử vong do các bệnh về đường hô hấp như virus hợp bào hô hấp (RSV) và cúm cao hơn nhiều so với trẻ lớn hơn và người lớn dưới 50 tuổi.

Vì sao trẻ em ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19?

Ông Rosenthal cho biết, nhìn chung, trẻ sơ sinh “không có bất kỳ tiền sử miễn dịch nào trước đó và do đó, không có kháng thể hoặc bộ nhớ tế bào T để phản ứng nhanh với thử thách.” Trẻ cũng có rất ít tế bào miễn dịch bẩm sinh khi mới ra đời. Đến tháng thứ hai của cuộc đời, trẻ phải tích lũy đủ tế bào miễn dịch bẩm sinh để khắc phục lỗ hổng này.

Sự trưởng thành hoàn toàn của hệ thống miễn dịch xảy ra trong bảy đến tám năm đầu đời.

Mất nước cũng là một yếu tố gây tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh do tốc độ trao đổi chất cao hơn và lượng nước dự trữ giảm so với người lớn.

Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của các nhà nghiên cứu, trẻ sơ sinh hầu như không bị tổn hại gì trong đại dịch COVID.

Ông Pulendran nói: “Chúng tôi rất mong tìm được những đứa trẻ có triệu chứng nghiêm trọng [cho nghiên cứu của chúng tôi]”. “Chúng tôi đã yêu cầu các cộng tác viên của Cincinnati Children’s vui lòng gửi cho chúng tôi mẫu của những đứa trẻ bệnh nặng. Cố gắng hết sức có thể, họ không thể tìm thấy mẫu từ những đứa trẻ bị nhiễm trùng nặng trong suốt 4 năm họ thu thập.”

Nhóm nghiên cứu của ông Pulendran tại Đại học Stanford phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh thực sự có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại COVID-19.

Sau khi lây nhiễm tự nhiên, người trưởng thành có xu hướng tạo ra các kháng thể chống lại COVID-19 một cách nhanh nhưng tồn tại trong thời gian ngắn, với mức kháng thể giảm 10 lần trong sáu tháng. Ngược lại, trẻ sơ sinh có phản ứng kháng thể chậm hơn nhưng ổn định hơn. Mức kháng thể của trẻ không bao giờ giảm mà giữ nguyên hoặc tiếp tục tăng trong suốt 300 ngày nghiên cứu, cuối cùng sánh ngang với mức kháng thể của người trưởng thành ở thời kỳ đỉnh cao.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ duy trì mức kháng thể cao hơn và kéo dài lâu hơn người lớn sau khi nhiễm COVID. (Ảnh: The Epoch Times)
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ duy trì mức kháng thể cao hơn và kéo dài lâu hơn người lớn sau khi nhiễm COVID. (Ảnh: The Epoch Times)

Trong khi người lớn có xu hướng nhận thấy sự gia tăng các protein gây viêm trong máu ngay cả sau khi bị nhiễm COVID-19 nhẹ, thì sự gia tăng này lại không được thấy ở trẻ sơ sinh. Nhiễm trùng và các dấu hiệu viêm trong máu có thể nghiêm trọng vì có thể dẫn đến các phản ứng viêm toàn thân.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong mũi của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, “chúng tôi thấy rất nhiều protein thúc đẩy quá trình viêm này,” ông Pulendran cho biết. Không giống như máu, mũi là khu vực tương đối cục bộ hơn và việc có nhiều protein thúc đẩy tình trạng viêm hơn có thể giúp giảm tải lượng virus khi xâm nhập.

Ông Pulendran nói, “Virus có thể đã xâm nhập vào đường mũi từ trong trứng nước.”

Tiến sĩ Yonker cho biết, “Vì vậy, [trẻ em] đang kích hoạt hệ thống miễn dịch trong mũi để chứa virus đó, và sau đó cơ thể của trẻ không phản ứng nữa, đây là cách tốt để phản ứng với virus mà không gây ra nhiều bệnh toàn thân hơn.”

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa có câu trả lời chính xác tại sao điều này chỉ xảy ra khi trẻ phản ứng với COVID-19 mà không xảy ra với các bệnh về đường hô hấp khác như RSV và cúm.

Trẻ em có lợi thế hơn người lớn không?

Điều này phụ thuộc vào độ tuổi, nhưng trẻ em có xu hướng có lợi thế sống sót hơn so với người lớn trong các bệnh do virus mới.

“Điều này đúng với nhiều bệnh nhiễm trùng do virus như sởi và thủy đậu,” Tiến sĩ Meissner giải thích, “Đó là lý do tại sao trẻ em thường tổ chức các bữa tiệc thủy đậu trước khi có vaccine.” Cha mẹ trẻ sẽ tổ chức tiệc và mời những đứa trẻ chưa bị nhiễm bệnh, để bảo đảm con của họ sẽ mắc bệnh thủy đậu khi còn nhỏ, vì họ biết rằng bệnh sẽ nặng hơn nếu các con bị bệnh khi ở tuổi trưởng thành. Bây giờ chúng ta hiểu rằng những bữa tiệc này không phải là một quyết định sáng suốt vì vaccine đã là phương tiện an toàn hơn nhiều để tạo ra khả năng miễn dịch bảo vệ, ông nói.

Một ngoại lệ đối với xu hướng này là virus Epstein-Barr (EBV), có thể gây ra hội chứng suy nhược ở thanh thiếu niên và người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ em bị nhiễm, EBV chủ yếu gây viêm họng.

Trẻ em có xu hướng có lợi thế sống sót trước các bệnh do virus như thủy đậu, sởi và những bệnh do virus Epstein-Barr gây ra. (Từ trái qua phải) virus varicella (thủy đậu), virus sởi, virus Epstein-Barr. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ)
Trẻ em có xu hướng có lợi thế sống sót trước các bệnh do virus như thủy đậu, sởi và những bệnh do virus Epstein-Barr gây ra. (Từ trái qua phải) virus varicella (thủy đậu), virus sởi, virus Epstein-Barr. (Ảnh: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ)

Tuy nhiên, ông Rosenthal nhấn mạnh rằng hệ thống miễn dịch thích ứng phát triển hơn ở người lớn giúp kiểm soát các bệnh nhiễm trùng trốn tránh khả năng miễn dịch bẩm sinh.

“Khi bước vào tuổi trưởng thành, chúng ta phải đối mặt với bệnh lao, nấm, nhiễm virus và ung thư cần kiểm soát miễn dịch đặc hiệu với kháng nguyên… Nếu có trí nhớ miễn dịch sau lần tiếp xúc đầu tiên, [hệ miễn dịch] sẽ thúc đẩy quá trình bảo vệ nhanh chóng.”

Xu hướng thông thường là người trưởng thành ít có khả năng đáp ứng kịp thời với các bệnh nhiễm trùng mới sau tuổi dậy thì nhưng lại có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại các bệnh nhiễm trùng đã gặp trước đó.

“Chúng ta không ngừng phát triển phản ứng bảo vệ này để phục vụ cho chúng ta trong tương lai, vì vậy đó có thể là một phần của sự đánh đổi. Vấn đề lớn nhất là đột nhiên xuất hiện một loại virus hoàn toàn mới mà chúng ta chưa có cơ hội thực sự xây dựng được phản ứng đối với chúng,” Tiến sĩ Yonker nói.

Các nghiên cứu ước tính rằng hệ thống miễn dịch của một người hoạt động mạnh nhất trước hoặc xung quanh tuổi dậy thì. Sau đó, hệ thống miễn dịch thay đổi dần dần theo độ tuổi, và khả năng miễn dịch bị suy giảm.

Ông Pulendran nói, “Có một thời kỳ vàng son, hay thời kỳ hoàng kim của hệ thống miễn dịch, nằm ở đâu đó giữa hai thái cực của tuổi tác.”

“Tôi không chắc rằng chúng ta có thể nói chính xác đến mức độ nào rằng hệ thống miễn dịch đạt đỉnh cao ở tuổi dậy thì, nhưng đâu đó có một độ tuổi trung niên, và tôi có thể nói là vào khoảng, có thể là 12 hoặc 13 tuổi và phát triển đến khoảng 30 hoặc hơn, trong đó hệ thống miễn dịch thực sự có thể được mô tả như những gì quý vị có thể nói là đang ở đỉnh cao.”

Trong quá trình lão hóa của hệ miễn dịch, tuyến ức, nơi tạo ra các tế bào T thích ứng, trở nên kém hoạt động hơn và bắt đầu co lại.

Tình trạng này cũng liên quan đến sự gia tăng các tế bào miễn dịch bẩm sinh ức chế miễn dịch.

Các tế bào miễn dịch thích ứng cũng bị ảnh hưởng tương tự. Các tế bào trí nhớ miễn dịch tăng lên theo tuổi tác, mang lại sự bảo vệ lâu dài chống lại các mầm bệnh mà chúng ta đã gặp phải. Tuy nhiên, các tế bào T và B suy giảm, có nghĩa là có ít dự trữ hơn cho việc hình thành các tế bào ghi nhớ mới khi một người tiếp xúc với các mầm bệnh mới hơn.

Các bệnh mạn tính và thói quen sinh hoạt kém có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa của hệ thống miễn dịch và khả năng phục hồi được hình thành ở tuổi trẻ sẽ dần cạn kiệt cho đến khoảng 50 tuổi, khi nguy cơ nhiễm trùng và các hậu quả nghiêm trọng hơn ngày càng trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cách thói quen sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, ăn uống bổ dưỡng và tư duy lành mạnh đều có thể giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm và suy giảm miễn dịch.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times