Vô số triệu chứng về da hậu vaccine COVID được báo cáo, đã có giải pháp

Các biến cố bất lợi của vaccine COVID đã bị bỏ qua (Phần 7)

Mặc dù cục máu đông có khả năng gây tử vong và viêm cơ tim đã được thừa nhận là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine COVID-19, nhưng thực tế vaccine COVID-19 vẫn còn có nhiều biến cố bất lợi tiềm ẩn trên nhiều cơ quan khác nhau.

Trong loạt bài này, chúng tôi đánh giá một số biến cố bất lợi ít được biết đến nhưng được liệt kê trong nhiều tài liệu nghiên cứu cũng như xuất hiện trong nhiều phòng khám và quan trọng hơn là cách điều trị và giảm thiểu nguy cơ.

Bài trước: Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Emaline Delapaix đã tham khảo ý kiến ​​​​của ít nhất 16 chuyên gia y tế, tất cả đều tin rằng tình trạng của cô có liên quan đến vaccine. Cô được chẩn đoán hội chứng tế bào mast, một tình trạng có khả năng gây tử vong trong đó “mọi thứ xâm nhập đều có thể là kẻ thù,” cô nói.

Anh Jeff Jackson, một người đàn ông ở độ tuổi cuối 40, là một người cha, một người con và từng là công nhân xây dựng, người từng rất tự chủ [trong cuộc sống].

Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau khi gặp phải tổn thương liên quan đến da do vaccine, anh Jackson đã bị cắt đứt mọi mối quan hệ với bạn bè và gia đình và sống nhờ vào trợ cấp xã hội và sự quyên góp từ những người lạ.

Sau khi chích liều vaccine mRNA COVID-19 thứ hai tại cửa hàng Walmart ở địa phương, khi anh đang đi bộ trở về căn hộ của mình thì mẹ anh đi phía sau nhận thấy những cục màu đỏ sẫm đang động đậy sau gáy anh.

Anh Jackson cho biết điều này xảy ra khoảng 15 phút sau khi chích ngừa.

Anh nói, những cục màu đỏ động đậy giống như sáp parafin trong đèn dung nham, mặc dù chuyển động chậm hơn nhiều.

Khi anh tháo băng ra khỏi chỗ chích, anh Jackson mô tả một lượng lớn dịch lỏng trong suốt bắn ra như một đài phun nước. Anh đã nghe nói về cánh tay Moderna, vị trí bị chích trở nên đỏ, sưng, ngứa và có thể hình thành phát ban. Tuy nhiên, điều này không giống bất cứ điều gì anh từng thấy.

Trong nhiều ngày đến nhiều tuần tiếp theo, anh Jackson ra vào phòng cấp cứu khi các mảng bám xuất hiện khắp nơi trên cơ thể anh.

Anh nói: “Không có bộ phận nào trên cơ thể tôi mà da không bong ra, có mảng bám hoặc chuyển sang màu đỏ. Từ đỉnh đầu đến chân, tôi trông giống như một nạn nhân bị bỏng.”

Những vùng da có nếp gấp, như phía sau mắt cá chân cũng tự động chảy máu.

Anh Jackson bị viêm da lichenoid, là một bệnh về da thường liên quan đến dị ứng thuốc.

Bệnh xảy ra do tình trạng viêm giữa lớp ngoài và lớp trong của da, lần lượt là lớp biểu bì và lớp hạ bì. Lớp hạ bì tấn công vào mặt dưới của biểu bì làm cho lớp da bên ngoài bong ra, để lộ lớp da thô bên trong.

Tệ nhất là cơn đau khiến anh Jackson bất tỉnh hai lần trong lúc tắm.

Anh cũng gặp phải nhiều căn bệnh khác, trong đó tệ nhất là viêm khớp vẩy nến, một bệnh da mạn tính khác chủ yếu gây phát ban, đau khớp và vết lõm trên móng tay. Trong trường hợp của anh Jackson, các khớp và xương của anh đã dần bị bào mòn. Kết quả là móng tay và răng của anh trở nên giòn, thậm chí có một số bị rụng.

Phản ứng da sau chích ngừa

Anh Jackson có thể là một trong những trường hợp gặp phản ứng xấu nhất của da với vaccine. Nhưng thật không may, không ai có câu trả lời cho việc tại sao anh lại gặp phải những triệu chứng này.

Tuy nhiên, trong y văn đều báo cáo rằng hầu hết các phản ứng trên da tương đối nhẹ và tự khỏi.

Tiến sĩ Jonathan Kantor, giáo sư da liễu từ Đại học Pennsylvania, viết cho The Epoch Times rằng: “Chúng ta có thể khái niệm hóa các phản ứng vaccine bao gồm cả dị ứng và tự miễn dịch.”

Các phản ứng dị ứng với vaccine có lẽ hiếm hơn, trong khi các phản ứng tự miễn dịch phổ biến hơn nhưng có xu hướng thuyên giảm theo thời gian.

Các phản ứng trên da thường gặp

Cánh tay COVID, xuất hiện vài ngày dưới dạng phát ban sau khi chích vaccine, là một tác dụng phụ thường gặp của vaccine COVID-19. Phát ban có thể trở nên đỏ và sưng tấy, xuất hiện ở hầu hết các vùng cẳng tay. Hầu hết sẽ khỏi sau vài ngày dù có bôi hay không thuốc kháng viêm steroid và tình trạng có thể không tái phát nếu người đó bị chích lần thứ hai.

Trong khi nghiên cứu đã ghi nhận những tổn thương phát ban này là một phản ứng dị ứng tiềm ẩn do vaccine, tiến sĩ Kimberly Blumenthal, giáo sư lâm sàng và là bác sĩ dị ứng chuyên về dị ứng thuốc tại Đại học Harvard, cho biết phát ban thực sự có thể là những phản ứng miễn dịch không giải thích được.

Một phản ứng da phổ biến khác là hội chứng ngón chân COVID. Những phản ứng này lần đầu tiên được báo cáo trong trường hợp COVID cấp tính, khi ngón chân của bệnh nhân xuất hiện vết loét hoặc vết sưng tấy trên da thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Các biểu hiện tương tự cũng đã được báo cáo sau khi chích ngừa ngừa COVID-19.

Phản ứng dị ứng

Vaccine COVID-19 có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Mề đay, là một loại phát ban đỏ ngứa, có thể biểu hiện cấp tính hoặc mạn tính sau khi chích ngừa. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cảm giác ngứa ngáy và khó chịu có thể làm cho [mọi người] không muốn tiếp tục chích ngừa.

Trong một nghiên cứu của Harvard quan sát 271 bệnh nhân bị nổi mề đay sau khi chích vaccine ngừa COVID-19, khoảng 70% cho biết họ sẽ không tiếp tục chích ngừa ngay cả khi được khuyến nghị.

Các báo cáo về bệnh chàm sau khi chích ngừa cũng tăng lên.

Phản ứng da tự miễn

Nhiều phản ứng da tự miễn đã được báo cáo sau khi chích ngừa, bao gồm:

  • Bệnh vẩy nến, phát ban trên da cũng có thể gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng.
  • Rối loạn lichenoid như viêm da lichenoid của anh Jackson, đặc trưng bởi các mảng da và sưng tấy.
  • Lupus, với các triệu chứng điển hình bao gồm phát ban hình con bướm trên mặt và phát ban trên cơ thể.
  • Bệnh bạch biến, một tình trạng nan y trong đó cơ thể tấn công các sắc tố trong cơ thể, gây ra các mảng trắng trên da.

Các nghiên cứu gợi ý rằng vaccine COVID-19 có thể gây ra hiện tượng tự miễn dịch, vốn xảy ra khi cơ thể tấn công các mô khỏe mạnh. Nhiều đoạn trên protein gai của COVID-19 tương tự như các mô và protein của con người, do đó các mô tương tự của con người cũng có thể bị tổn hại khi cơ thể tấn công các protein gai này.

Nhà miễn dịch học nổi tiếng, tiến sĩ Aristo Vojdani, phát hiện rằng [cơ thể] tạo ra các kháng thể để chống lại protein gai của COVID-19 có thể phản ứng với ít nhất 28 dấu hiệu chỉ điểm mô (marker tissue) của con người. Một số dấu chỉ điểm mô bị ảnh hưởng bao gồm collagen, một thành phần quan trọng của da và phospholipid hiện diện trên tất cả các tế bào.

Quá trình đông máu trong mạch máu vốn liên quan đến các tình trạng tự miễn dịch, cũng có thể được kích hoạt bởi protein gai COVID-19 được tạo ra sau khi chích ngừa.

Bác sĩ da liễu Angela Bowers, người sáng lập Southlake Dermatology cho biết: “Ngoài ra còn có một kiểu tổn thương nhăn nheo ở ngón tay đã được mô tả cũng thú vị. Khi các đầu ngón tay của chúng ta không được cung cấp đủ máu, làn da sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Móng tay sẽ mỏng và dễ gãy hơn.”

Tiến sĩ Jordan Vaughn, một bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận, người đã nghiên cứu quá trình đông máu vi mô ở những bệnh nhân đã chích ngừa và nhiễm COVID, cho biết tại hội nghị của Front Line COVID-19 Critical Care Alliance (Liên minh chăm sóc đặc biệt COVID-19 trực tiếp – FLCCC) vào ngày 28/04 rằng tất cả các bệnh nhân hậu COVID và hậu vaccine đều bị đông máu bất thường ở một mức độ nào đó.

Kích hoạt lại virus

Các báo cáo cho thấy sau khi chích vaccine COVID-19, các virus tiềm ẩn đã bị kích hoạt lại. Phổ biến nhất là bệnh zona và bùng phát mụn rộp.

Trợ lý bác sĩ da liễu Claire Rogers cho biết bà thấy sự gia tăng các đợt bùng phát bệnh zona và mụn nước kể từ khi khai triển vaccine vào năm 2021. Tuy nhiên, bà không chắc liệu tất cả các bệnh nhân báo cáo các triệu chứng này đã được chích ngừa hay chưa.

Trong những năm gần đây, bà Rogers nhận thấy sự kích hoạt của mụn nước và bệnh zona đã trở nên nghiêm trọng hơn ở mức độ phân bố phát ban.

Bà Rogers cho biết: “Thông thường [các đợt bùng phát mụn nước] tập trung hơn một chút, nhưng hiện nay, trong nhiều trường hợp hơn, vết phát ban bao bọc ở một bên của nó. Bà đã không thấy tình trạng này trước khi khai triển vaccine.

Bệnh thần kinh

Ngứa ran, tê, nóng rát và đau là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh lý thần kinh. Bà Bowers và bà Rogers cho biết nhiều bệnh nhân bị bệnh lý thần kinh sau khi chích ngừa sẽ nghĩ rằng họ đang có vấn đề về da. Tuy nhiên, thực chất đây là một bệnh của hệ thần kinh.

Một triệu chứng liên quan mà bà Bowers nhận thấy là các khu vực bị ảnh hưởng bởi bệnh lý thần kinh cũng có thể bị rụng tóc, cả ở da đầu và các vùng ngoại biên. Ví dụ, giáo sư Josef Finsterer từ Đại học Vienna đã viết trong một nghiên cứu rằng một bệnh nhân đã chích ngừa bị bệnh thần kinh sợi nhỏ cũng bị rụng tóc ở chân.

Phương pháp điều trị thông thường có thể giúp ích

Các bác sĩ da liễu vẫn chủ yếu dùng cách trị liệu thông thường để điều trị các phản ứng da này.

Bất chấp sự thay đổi trong biểu hiện lâm sàng, bà Rogers cho biết các đợt bùng phát bệnh vẩy nến và bệnh chàm đều đáp ứng tốt với các cách điều trị thông thường bằng kháng viêm steroid và thuốc sinh học [sinh phẩm] dùng ngoài da nhằm ức chế hoạt động miễn dịch.

Naltrexone liều thấp, corticosteroid và truyền kháng thể vào tĩnh mạch cũng có thể giúp làm giảm các đợt bùng phát bệnh thần kinh và phản ứng tự miễn trên da.

Thuốc kháng histamine có thể làm giảm phản ứng nhạy cảm, như nổi mề đay và phản ứng dị ứng da.

Bà Bowers tin rằng các tổn thương do vaccine sẽ mất nhiều thời gian để giải quyết hơn so với các tình trạng COVID kéo dài và [các tình trạng] không liên quan đến vaccine.

Một nghiên cứu của Ấn Độ về phản ứng ở da cũng báo cáo những phát hiện tương tự. Các tác giả nhận thấy trong khi các phản ứng trên da liên quan đến vaccine ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng đáp ứng với cách điều trị thông thường, thì những bệnh nhân bị bệnh lichenoid sau khi chích ngừa lại có thời gian hồi phục chậm hơn.

Một số tình trạng da có thể cần sự can thiệp chuyên sâu hơn phác đồ điều trị thông thường.

Bà Bowers phát hiện rằng tất cả các bệnh nhân đều báo cáo một số tiến triển tốt hơn khi bà cho họ dùng thuốc cải thiện lưu lượng máu.

Bà Bowers viết: “Pentoxifylline là một loại thuốc mà tôi thấy rất hữu ích cho những bệnh nhân bị chứng đông máu. Pentoxifylline đã tồn tại hàng thập niên trong danh mục dược phẩm của chuyên khoa da liễu.”

Các thuốc chống đông máu khác bao gồm nattokinase và aspirin. Tuy nhiên, bà Bowers lưu ý rằng một số bệnh nhân, đặc biệt là những người bị chứng dễ đông máu di truyền, thì không đáp ứng với điều trị chống đông máu.

Những sự thật về tổn thương do vaccine gây ra

Anh Jackson có thể không phải là người duy nhất gặp phải tình trạng da suy nhược nghiêm trọng sau khi chích ngừa. Nhiều người chọn cách im lặng về các tổn thương của mình.

Anh cảm thấy bị cô lập với bằng hữu và phải dựa vào sự quyên góp của xã hội để chi trả cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày và cho điều trị y tế. Anh biết rằng những người bị tổn thương do vaccine đang trong tình trạng tài chính và thể chất khó khăn hơn anh nhưng họ không sẵn lòng công khai [vấn đề] vì sợ hậu quả.

Anh Jackson đã dành phần lớn thời gian trong ngày nghiên cứu để tìm ra câu trả lời về tổn thương trên da của mình. Anh cho biết anh đã tìm ra công thức điều trị. Đó là hỗn hợp của bạc keo, dầu neem, dầu cây trà với lô hội và khoáng chất zeolit.

Anh kết hợp tất cả bốn thành phần làm thành thuốc mỡ bôi lên cơ thể trong 15 đến 20 phút rồi đi tắm. Anh đã thực hiện theo cách này trong năm ngày và có lại “làn da em bé.”

Mục tiêu cuối cùng của anh Jackson là hồi phục thể chất để có thể sống tự chủ. Anh vẫn còn suy nhược nghiêm trọng vì đau đớn và mất ngủ.

Anh Jackson xúc động nói: “Cha mẹ tôi năm nay đã 70 tuổi. Lẽ ra tôi phải chăm sóc họ. Tôi không muốn mẹ tôi đến đây và chăm sóc tôi. Tôi muốn trở thành cha của những đứa con của mình, những đứa trẻ mà tôi đã không gặp trong nhiều năm.”

Bài tiếp theo: Các bác sĩ cho biết, đối với những người chưa gặp phải bất kỳ triệu chứng nào nhưng lo lắng [về các tác dụng phụ của vaccine], thì vẫn có thể cách ngăn ngừa các tác động này.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn