Tã dùng một lần không tốt đối với trẻ sơ sinh và hành tinh chúng ta

Nhược điểm của tã dùng một lần đối với trẻ sơ sinh và hành tinh chúng ta.

May mắn thay, chúng ta có nhiều lựa chọn khác.

Một vật dụng phổ biến ở trẻ hiện nay là tã dùng một lần. Jennifer đã viết trên blog The Craft Patch của cô rằng, “… bất cứ ai khi mới bắt đầu làm mẹ đều có thể sử dụng. “

Những chiếc bánh 3 tầng làm từ tã dùng một lần đã trở nên phổ biến như một món đồ trang trí với trẻ sơ sinh khi tắm. Cô Jennifer, chủ sở hữu trang The Craft Patch, đã viết trong blog how-to của mình về những chiếc bánh làm từ tã: “Chúng là một trong những món quà yêu thích mà tôi mang theo khi tắm cho một đứa trẻ bởi vì chúng giống như một vật để trang trí”, “… Chúng là một món đồ tiện lợi mà bất cứ ai khi mới làm mẹ đều có thể sử dụng”

Ngành công nghiệp tã bỉm toàn cầu được định giá gần 53 tỷ USD vào năm 2019 và theo Khảo sát Allied Market, sẽ đạt 68 tỷ USD trong sáu năm tới. Báo cáo của Khảo sát Allied Market cho rằng một phần lý do khiến thị trường này, bao gồm cả tã dùng một lần và tái sử dụng, phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới là vì “tã dùng một lần rất tiện lợi, an toàn và tiết kiệm thời gian” và “là một trợ thủ cho phụ nữ đi làm”.

Thật vậy, ngành công nghiệp tã bỉm đã tiến hành quảng cáo trực tiếp đến khách hàng trong nhiều năm nhằm thuyết phục các bậc huynh tin rằng tã dán, dùng một lần, có thể vứt đi là lựa chọn tốt nhất và đơn giản hơn.

Nhưng chúng có thực sự như vậy không?

Jamie Syken và vợ ông Melissa sở hữu một cửa hàng chuyên bán sản phẩm thân thiện với môi trường dành cho trẻ em có tên là Growing Green Baby ở Ashland, Oregon trong nhiều năm. Họ có ba đứa con: Jonathan, 12 tuổi, Theo, 9 tuổi và bé Evelyn, mới 5 tháng tuổi. Họ không nghĩ rằng tã dùng một lần giúp tiết kiệm thời gian, an toàn hoặc tiện lợi. Họ không thích tã dùng một lần vì hai lý do chính: ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự bất tiện của chúng. Thay vào đó, họ sử dụng tã vải cho tất cả các con của họ.

Ông Jamie nói: “Tôi thực lòng nghĩ rằng chúng dễ chịu hơn”. “Bạn sẽ không phải chứa 20 cái tã bẩn trong thùng rác ở nhà của mình.”

Nhà Sykens cho rằng, tã vải chỉ cần giặt khi dùng sắp hết. Nhưng sẽ là vấn đề khẩn cấp khi chúng ta hết tã dán và đang ở một mình với đứa con nhỏ.

Không có gì “thuận tiện” khi phải tự mình làm một loạt các việc: đặt chúng vào trong xe, đảm bảo có đủ xăng, lái xe đến cửa hàng, bế chúng ra khỏi ghế, mua tã rồi mặc cho chúng và lại lái xe trở về nhà.

Có bao nhiêu loại tã?

Hầu hết trẻ sơ sinh đi tiểu từ 6 đến 10 lần và đi tiêu ít nhất 3 lần một ngày. Vì tã dán dùng một lần có thể chứa lượng lớn dịch, nên hầu hết các bậc cha mẹ không thay tã mỗi khi con tè. Ngay cả khi như vậy, thì một đứa trẻ vẫn cần 6-8 miếng tã mỗi ngày. Nghĩa là, một em bé có thể tiêu thụ 6.000 miếng tã trong suốt hai năm đầu đời.

Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) năm 1991, ước tính có khoảng 20 tỷ tã dán bỏ đi ở Mỹ mỗi năm, tạo ra khoảng 3,5 triệu tấn chất thải hàng năm.

Báo cáo tương tự của EPA chỉ ra mối lo ngại của Hiệp hội y tế công cộng Hoa Kỳ rằng tã dùng một lần có nguy cơ giải phóng mầm bệnh vào môi trường thông qua phân người, gây ô nhiễm cả đất và nước ngầm.

Bà Melissa Syken nói: “Việc bỏ vật dụng chứa phân vào thùng rác là một nguy cơ sinh học. Chất thải rắn cần phải đổ hết vào toilet, nhưng hầu hết mọi người thậm chí còn không biết điều này”

Tã dán không thực sự bị phân hủy

Năm 1959 khi anh cả của tôi ra đời, tã vải là sự lựa chọn duy nhất. Không đầy hai năm sau, lúc mẹ tôi có em bé thứ hai, lần đầu tiên tã dán có mặt trên thị trường.

Loại tã này do Victor Mills phát minh vào năm 1961 ở Illinois, lúc đó nó là một sản phẩm cồng kềnh và không thoải mái. Khi anh trai thứ ba và tôi được sinh ra vào cuối những năm 1960, nhiều gia đình người Mỹ đã chuyển sang sử dụng tã dán do sự quảng cáo rộng rãi của nó. Tuy nhiên, bố mẹ tôi vẫn sử dụng tã vải cho cả bốn chúng tôi.

Mẹ tôi là một nhà vi sinh vật học và môi trường học nổi tiếng, bà đã phản đối các sản phẩm có thành phần từ nhựa rằng: “Mọi người nói “hãy đổ rác đi” nhưng bạn có biết chúng đổ ra đâu không? ”

Mẹ tôi nhấn mạnh: Các chuyên gia ước tính một chiếc tã dán mất từ 100 đến 500 năm để phân hủy. Nhưng không ai thực sự biết về điều này. Nghĩa là mọi chiếc tã dán bẩn được vứt vào bãi rác từ năm 1961 vẫn chưa thể phân hủy.

Mùi của tã dùng một lần

Jamie Syken cũng phản đối mùi nhựa khó chịu của tã dán. Ông nói rằng “mùi nhựa cách mặt con trẻ 10 inch” là không tốt cho sức khỏe.

Thật vậy, một số nghiên cứu cho thấy rằng tã dán sử dụng một lần có thể gây ra và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, một căn bệnh có tần suất ngày càng tăng ở trẻ nhỏ. Theo Hiệp hội hô hấp Hoa Kỳ, bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến hơn 6 triệu trẻ em ở Mỹ và là nguyên nhân thứ ba khiến trẻ em dưới 15 tuổi phải nhập viện.

Trong nghiên cứu có tiêu đề “Ảnh hưởng cấp tính đến đường hô hấp từ chất thải của tã”, được xuất bản trên tạp chí Lưu giữ sức khỏe môi trường, cho thấy loài gặm nhấm khi tiếp xúc với các loại tã dán đã bị kích ứng mắt, mũi, cổ họng, và co thắt phế quản giống như một cơn hen suyễn.

Nghiên cứu này chỉ ra một lượng các hóa chất khác nhau bao gồm ethylbenzene, isopropylbenzene, styrene, tolune và xylene từ tã dán, khiến họ đưa ra giả thuyết đây là nguyên nhân gây ra chứng suy hô hấp ở chuột.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Tã dùng một lần nên được coi là một trong những yếu tố có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hen suyễn”.

tã dùng một lần có tốt không
Evelyn Marie Syken, 5 tháng tuổi, đã mặc tã vải từ khi mới sinh. (Ảnh: Melissa Syken)

Tã dùng một lần có hại cho bé trai vì quá nóng

Ngoài những lo ngại về bệnh hen suyễn, tã dùng một lần có hại cho bé trai hơn bé gái. Để giữ tinh trùng khỏe mạnh, cơ quan sinh dục của nam phải dưới 98,6 độ F. Đây là lý do tại sao cơ quan sinh sản của nam giới nằm ngoài cơ thể. Tuy nhiên, tã dùng một lần khiến nhiệt độ vùng sinh dục cao hơn và không tốt cho việc sản xuất và di chuyển của tinh trùng, đặc biệt khi không được thay thường xuyên.

Theo một nghiên cứu của Đức trên 48 trẻ em khỏe mạnh công bố trên tạp chí Lưu trữ bệnh án thuở nhỏ, ở bé trai mặc tã dùng một lần, nhiệt độ tại bìu liên tục cao hơn so với những bé mặc tã vải.

Theo một phân tích sâu rộng được công bố trên Tạp chí cập nhật sinh sản con người năm 2017, tỷ lệ sinh của nam giới ở các nước phương Tây đang giảm nhanh chóng.

Nhóm các nhà khoa học Đức kết luận, việc lạm dụng tã dùng một lần có thể là nguyên nhân khiến sức khỏe sinh sản của nam giới ngày càng suy giảm.

Các nhà khoa học viết: “Cơ chế sinh lý làm mát của tinh hoàn không được đảm bảo khi sử dụng tã dán.”

Một đánh giá khoa học được công bố vào năm 2012 tiếp tục chỉ ra rằng tã dùng một lần gây vô sinh ở nam giới, cũng như hen suyễn và các vấn đề hô hấp khác, ung thư và tổn thương gan.

Ô nhiễm vùng Thái Bình Dương

J. Maarten Troost, tác giả cuốn sách “Cuộc sống thông tục của những kẻ ăn thịt người: Kẻ trộm vùng Xích đạo Thái Bình Dương,” nêu rõ rác thải từ tã dán dùng một lần thậm chí đã đến được một hòn đảo xa xôi trong quần đảo san hô ở Cộng hòa Kiribati, cách đây cả năm nghìn dặm.

Ông Troost chỉ ra cách tã dán dùng một lần bị vứt bừa bãi quanh nhà, dính vào các rạn san hô và bốc mùi dưới nắng nóng. Tình trạng ô nhiễm ở Tarawa tồi tệ đến mức hầu hết san hô quanh đảo đã chết. Nhưng một ngày nọ, khi đi lặn, ông ấy bất ngờ tìm thấy một số san hô còn sống: “có một vài đốm màu trên rạn san hô ấy.”

Thật không may, ông Troost đã than thở trong cuốn sách của mình rằng, “Ở những nơi khác trên đảo này, mọi thứ đều được tô vẽ bởi những người có bằng cấp cao về tiếp thị và đóng gói. Rác rưởi ở khắp mọi nơi, vỏ đồ hộp, giẻ lau và tã dán trôi theo dòng nước… thật thất vọng khi chứng kiến những gì đang xảy ra đối với môi trường sống của chúng ta ”.

Tã vải bền hơn tã dùng một lần

Đã qua rồi thời của tã quấn và tã chéo (mặc dù một số bậc phụ huynh vẫn sử dụng) Giờ đây, có hàng chục loại tã có thể tái sử dụng, bao gồm tã vải — thường được làm từ sợi bông, sợi gai dầu hoặc len có sử dụng băng dính hoặc kẹp để cố định, tã bỏ túi hoặc tã tất cả trong một. Tã tất cả trong một hiện rất phổ biến, dễ sử dụng và có thể tái sử dụng. Chúng được bọc một lớp bên ngoài và bên trong chứa những sợi bông thấm hút liên kết với nhau.

Mặt ngoài tã có in các hình trang trí đẹp mắt như: lá cờ Mỹ, những con khỉ với trái tim, thuyền buồm, và bất kỳ mẫu nào mà bạn có thể nghĩ đến.

Khi nói về môi trường, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng rất khó để thực hiện một phân tích chính xác từ đầu đến cuối. Liên đoàn Động vật hoang dã Quốc gia cho rằng cây bông thường được phun nhiều thuốc trừ sâu. Và các nghiên cứu do ngành tài trợ đã chỉ ra rằng làm sạch tã vải cần nhiều nước hơn so với việc sản xuất tã dán, đây là một thách thức ở những khu vực hạn hán.

Tuy nhiên, những loại tã có thể tái sử dụng giúp cắt giảm hàng nghìn tấn rác thải, người tiêu dùng ít tốn kém và thích hợp với làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh. Theo Hiệp hội tã bỉm, tã có thể tái sử dụng thân thiện với môi trường hơn, giá cả phải chăng hơn và tốt cho sức khỏe hơn so với tã sử dụng một lần. Nó cũng dễ thương hơn rất nhiều.

Thay đổi quan niệm về tã bỉm

Các bậc phụ huynh từng trải thường rất vui và sẵn sàng chia sẻ lời khuyên và các mẹo nhỏ với những người mới. Có rất nhiều nhóm trò chuyện trực tuyến, video giới thiệu và các chuyên gia về tã bỉm.

Kaila Dawson, một bà mẹ ba con sống ở Pierson, Florida, đã chuyển từ tã dán sang tã vải khi đứa con lớn nhất của cô, Micah, được bốn tháng vì tã dán dùng một lần làm con cô bị hăm tã.

Cô Dawson nhấn mạnh: “Việc quấn tã rất dễ. Khi cô sinh em bé thứ ba, Dawson đã sử dụng cả tã vải và tã dùng một lần loại đắt tiền hơn, tự nhiên hơn.

Cô nói: “Tôi chỉ tạm dừng sử dụng tã vải khi chuyển nhà vì phải mất thời gian để tìm chúng,” và giải thích thêm rằng, cô có một chiếc máy giặt chất lượng kém khiến việc giặt tã rất khó khăn.

Cari Shagena, một bà mẹ ở nam California, cũng sử dụng tã vải cho con gái của mình, Farrah, hiện 6 tuổi rưỡi. Loại yêu thích của Shagena là tã dạng túi, bao gồm một miếng vải có thể giặt lại được bao bên ngoài bởi một lớp chống thấm.

Cô Shagena nói: “Bạn đặt miếng lót vào trong, mặc cho bé và có thể đi ra ngoài”. “Chúng giống như tã dùng một lần nhưng có lợi là trẻ không thể tháo ra được.”

Cô Shagena rất hài lòng khi sử dụng tã vải cho Farrah. Cô nói: “Tôi rất thích vì bọn trẻ thoải mái”. “Tôi đã giữ cho môi trường trong lành và không góp phần vào các bãi chôn lấp. Con tôi chỉ tiếp xúc với các sợi tự nhiên không có hóa chất độc hại nào… Các loại vải và hoa văn trên đó cũng đáng yêu. Con bé trông rất dễ thương ngay cả khi không chịu mặc quần áo vào mùa hè”.

Vì vậy, tã tái sử dụng có rất nhiều ưu điểm. Shagena nói thêm: “Tôi hầu như chưa gặp hiện tượng “tràn tã” ở tã vải. Đó là một phần trong yếu tố quyết định để chuyển sang tã vải”.

Phương pháp không dùng tã

Một yếu tố khác là tã ảnh hưởng đến việc ngồi bô ở trẻ, tã dùng một lần thấm hút quá tốt làm trẻ không cảm thấy ướt khi tè. Độ tuổi trung bình của việc tập ngồi bô tiếp tục tăng lên ở Hoa Kỳ, khi một đứa trẻ bốn hoặc năm tuổi vẫn còn mặc tã. Mặc dù một phần là do sự gia tăng các nhu cầu đặc biệt ở trẻ em, nhưng khi không cảm nhận được các dấu hiệu kích thích thì việc ngồi bô sẽ khó hơn nhiều. Trẻ em mặc tã vải dễ dàng học ngồi bô hơn.

Một số phụ huynh giúp con họ tập ngồi bô ngay từ khi còn nhỏ bằng cách nhận biết các dấu hiệu ở trẻ và dạy chúng nghe theo âm thanh (như tiếng xì nhẹ nhàng). Từ cuốn sách Em bé không cần tã của Christine Gross-Loh, vợ chồng tôi đã làm điều này với đứa con út của mình. Khi con bé cần phải đi tiêu, chúng tôi chỉ cần cởi tã và đặt con bé lên bồn cầu hoặc một cái bô nhỏ. Khi con bé đi tiểu, chúng tôi tạo ra âm thanh sh-sh-sh. Cô ấy học cách đi tiểu khi có âm thanh đó và chỉ bắt đầu tiểu khi tã được cởi ra. Em bé thứ tư của chúng tôi chưa bao giờ bị hăm tã và hiếm khi làm bẩn tã. Mặc dù việc không mặc tã có vẻ xa lạ với các bậc cha mẹ người Mỹ, nhưng nó lại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Quần bô

Sean Wang và vợ sử dụng phương pháp không dùng tã để giúp con học cách đi vệ sinh từ khi mới biết đi. Anh Wang nói với tôi rằng ban đầu anh ấy và vợ đã thử mọi cách để tập cho con, nhưng đứa bé vẫn không chịu trừ khi nó được mặc tã.

Anh Wang nhớ lại, “Ngay khi chúng tôi sắp bỏ cuộc, tôi hỏi xin lời khuyên từ bố mẹ và họ nhắc về việc dạy tôi ngồi bô lúc 15 tháng tuổi khi ở Trung Quốc và nói với tôi về những chiếc quần ống rộng của Trung Quốc này.” Từ đó, vì bản thân là kỹ sư, anh ấy ngay lập tức tạo ra sản phẩm thử nghiệm.

Trước sự ngạc nhiên của anh, trong vòng vài phút sau khi mặc chúng, con trai anh đã ngồi bô và tự đi tiểu được lần đầu tiên.

Anh Wang nói: “Đó là lúc chúng tôi biết rằng sản phẩm này có thể giúp con mình và những đứa trẻ khác tập ngồi bô. Vì vậy, ông bắt đầu kinh doanh hãng PottyPants, chuyên sản xuất quần không đáy cho trẻ em Mỹ. “Tôi muốn nói với các bậc cha mẹ đang gặp khó khăn trong việc tập cho con ngồi bô là hãy suy nghĩ cởi mở và chuyển sang các phương pháp ‘khác dòng chính non-mainstream’ như PottyPants”.

Dù sao, những đứa trẻ sơ sinh rồi sẽ không cần tã nữa. Thay vì để lại một bãi rác bốc mùi khó chịu, tại sao bạn không thử dùng tã vải hoặc không mặc tã cho con, đây là những lựa chọn tốt hơn hơn cho hành tinh này và cho con của bạn.

Thu Ngân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jennifer Margulis
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Jennifer Margulis là một ký giả từng đạt giải thưởng và là tác giả của cuốn sách “Con của bạn, theo cách của bạn: Chịu trách nhiệm về các quyết định mang thai, sinh con, và nuôi dạy con của bạn để có một gia đình hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn.” Bà từng đạt giải thưởng Fulbright và là mẹ của bốn đứa con, bà đã làm việc trong một chiến dịch nhằm giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ em ở Tây Phi, ủng hộ việc chấm dứt tình trạng nô lệ trẻ em ở Pakistan trên chương trình truyền hình vào khung giờ vàng ở Pháp, và dạy văn học hậu thuộc địa cho các sinh viên phi truyền thống ở nội thành Atlanta. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về bà tại trang JenniferMargulis.net
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn