Tập thể dục giúp phục hồi sức khỏe sau cắt bỏ hạch bạch huyết

Nếu bạn đã từng phẫu thuật, đặc biệt là cắt bỏ hạch bạch huyết, thì tập thể dục chính là chìa khóa giúp phục hồi sức khỏe. Khi bạn am tường về cách hoạt động của hệ bạch huyết, bạn sẽ thấy vì sao chúng ta cần kích thích cơ quan này bằng mọi cách có thể.

Hệ bạch huyết là một phần quan trọng trong hệ miễn dịch. Cơ thể người trưởng thành có khoảng 800 hạch bạch huyết nằm ở cổ, nách, bẹn, và bên trong trung tâm của ngực và bụng (Thư viện Y khoa Quốc gia). Hạch bạch huyết thường nhỏ, mềm, có hình tròn hoặc hình bầu dục. Trừ khi bị sưng tấy lên và nhiễm trùng, hạch bạch huyết khó có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy.

Các hạch bạch huyết chịu trách nhiệm tạo ra các tế bào bạch cầu hay còn gọi là tế bào tiêu diệt nhằm tấn công những kẻ xâm lược ngoại lai. Ngoài ra, cơ quan này có chức năng lọc dịch bạch huyết để loại bỏ những kẻ xâm nhập từ bên ngoài như vi khuẩn, virus, và các chất độc khác. Tuy nhiên, khi dịch bạch huyết không lưu thông, toàn bộ hệ bạch huyết sẽ bị tắc nghẽn.

Nếu phẫu thuật cắt bỏ các hạch bạch huyết, dịch bạch huyết sẽ không lưu thông đúng cách. Kết quả, dịch bạch huyết bắt đầu tích tụ và các cơ quan như amidan, vòm họng, lá lách, và tuyến ức đều có thể bị ảnh hưởng.

Hệ tuần hoàn thứ hai của cơ thể cần một chút trợ giúp

Hệ bạch huyết thực sự là một hệ tuần hoàn với cấu trúc tinh xảo, nhưng không giống như trái tim, hệ bạch huyết không có máy bơm để duy trì sự lưu thông. Bạch huyết chỉ lưu thông khi cơ thể vận động. Nếu không lưu thông, dịch bạch huyết sẽ tụ lại, dẫn đến sưng tấy và nhiễm trùng ở những nơi bị ứ đọng.

Sự ứ trệ này có thể gây trở ngại cho toàn bộ các chức năng và cản trở khả năng tự nhiên của cơ thể trong việc chống lại độc tố và duy trì sự khỏe mạnh. Nếu bị tổn hại, hệ bạch huyết có thể không tiêu diệt được các tế bào ung thư chết người. Các bệnh ung thư phổ biến nhất của hệ bạch huyết bao gồm Ung thư Lympho Hodgkin và Không Hodgkin.

Bạn có nguy cơ bị phù bạch huyết không?

Tin xấu là bệnh nhân ung thư đặc biệt dễ bị phù bạch huyết. Ngoài ra, bất cứ ai đã từng phẫu thuật hoặc xạ trị để cắt bỏ các hạch bạch huyết trong cơ thể đều có nguy cơ gặp phải tình trạng này, trong đó dịch dư thừa tích tụ trong các mô gây sưng tấy (phù nề). Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị phù bạch huyết bao gồm thừa cân, cao tuổi, sức khỏe kém, dinh dưỡng kém, hoặc nhiễm trùng.

Tôi nhớ mình đã thức dậy sau một ca phẫu thuật, mà không biết trước rằng các bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ một số lượng lớn các tuyến bạch huyết ở vùng bẹn. Tôi đã nhanh chóng biết được tầm quan trọng của việc giữ cho bạch huyết lưu thông… bằng bất cứ giá nào.

Tập thể dục giúp phục hồi sức khỏe sau cắt bỏ hạch bạch huyết
(Ảnh: mybox/Shutterstock)

Cách duy trì lưu thông dịch bạch huyết

Sau cuộc phẫu thuật không may đó, tôi đã phải dùng máy bơm bạch huyết trong vài giờ mỗi ngày để giúp dịch bạch huyết lưu thông ở chân. Tôi thậm chí đi ngủ với chiếc máy đang chạy và gác chân lên gối để không bị ứ dịch. Theo thời gian, tôi đã sống lành mạnh hơn, ăn những thực phẩm làm sạch bạch huyết, và hiểu được tầm quan trọng của việc tập thể dục. Kết quả là tôi ngày càng ít cần đến máy bơm hơn và cuối cùng bỏ hẳn dùng máy. Kể từ đó, tôi đã đặt một mục tiêu dài hạn là tập thể dục ít nhất 5 ngày một tuần để không bị tụ dịch và sưng tấy trở lại.

Dưới đây là một số cách đơn giản để giảm phù nề và kích thích lưu thông bạch huyết:

  • Tập thể dục. Đối với tôi, đi bộ là một lựa chọn lý tưởng. Tôi bắt đầu bằng cách đi bộ một giờ mỗi ngày và dành ít nhất 10 phút trong thời gian đó để hít thở sâu và lấy oxy vào. Tôi muốn cung cấp oxy đến tất cả các mô để ung thư không có chỗ ẩn nấp vì [tế bào] ung thư không phát triển ở nơi có oxy. Tôi luôn dành một số đoạn đường cho việc leo đồi, và đi bộ trong mọi loại thời tiết.
  • Bật nhảy. Bật nhảy trên tấm bạt lò xo mini là một cách tuyệt vời khác để lưu thông bạch huyết. Các hạch bạch huyết đóng mở theo chiều dọc. Chuyển động lên xuống khi nhảy trên tấm bạt lò xo sẽ giúp làm sạch và lưu thông dịch bạch huyết theo đúng hướng.
  • Giữ tư thế đúng. Bất cứ khi nào có thể, hãy duy trì tư thế đúng cách để lưu thông dịch bạch huyết. Ví dụ: theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc (Cancer Research UK), một số cách nên thử bao gồm:
  • Nếu phù bạch huyết ở cánh tay: khi ngồi, hãy chống tay lên gối hoặc đệm, ngay dưới chiều cao của vai.
  • Nếu phù bạch huyết ở chân: tránh ngồi co chân xuống. Thay vào đó, hãy nâng cao chân bằng đệm hoặc gối dưới đầu gối.
  • Nếu phù bạch huyết ở cổ hoặc đầu: hãy kê thêm một hoặc hai chiếc gối khi ngủ để giúp lưu thông bạch huyết. Nâng cao đầu giường cũng có thể có hiệu quả tương tự.
  • Giữ cho cơ thể đủ nước. Nếu cơ thể bị mất nước, bạch huyết không thể lưu thông như bình thường, dẫn đến giữ nước và phù nề. Ngoài việc uống đủ lượng nước mỗi ngày, công thức nước Cran-Water nổi tiếng của cô Ann Louise Gittleman là một phương thuốc tốt để loại bỏ độc tố. Trên thực tế, việc cải thiện sức khỏe của hệ bạch huyết là nền tảng trong Kế hoạch Tập thể dục Giảm cân của cô, đã được hàng triệu người áp dụng và được giải thích trong bài viết của cô, Stimulate the Lymphatic System (Kích thích hệ bạch huyết).
  • Tắm xen kẽ nước nóng và nước lạnh. Nước nóng làm giãn các mạch trong khi nước lạnh làm co mạch. Kỹ thuật này giúp rèn luyện các mạch máu để thích ứng với phản xạ co giãn giống như hoạt động ‘bơm’ của hệ tuần hoàn.
  • Chải khô. Chải khô là một phương pháp giải độc hiệu quả. Cô Ann Louise Gittleman phác thảo cách một chiếc bàn chải rau củ đơn giản với độ cứng vừa phải có thể giúp dịch bạch huyết lưu thông tự nhiên. Để biết hướng dẫn chi tiết, hãy xem bài viết của cô ấy, Brush Your Way to Summer Beauty (Chải khô để làm đẹp trong mùa hè).
  • Cân nhắc xoa bóp hệ bạch huyết. Loại xoa bóp chuyên biệt này nhằm mục đích cải thiện dòng chảy của dịch bạch huyết khắp cơ thể. Hãy tìm một bác sĩ ở địa phương hiểu được tầm quan trọng của việc làm thông các mạch bạch huyết.
  • Ăn thực phẩm kích thích lưu thông bạch huyết. Thực phẩm tốt cho lưu thông bạch huyết bao gồm rau lá xanh đậm, tỏi, ngò, bơ và hạt lanh.
  • Tránh thực phẩm gây tắc nghẽn bạch huyết. Tránh thực phẩm chế biến, đường, sữa, đậu nành, bất cứ thứ gì chứa bột ngọt, chất làm ngọt nhân tạo hoặc màu nhân tạo.

Tôi biết thật khó khăn để thực hiện các bước cần thiết giúp lấy lại một sức khỏe tốt. Nhưng tôi ở đây để chứng minh rằng điều đó CÓ THỂ. Và nếu tôi có thể làm được thì bạn cũng vậy!

Ông James Templeton là nhà sáng lập của hệ thống y tế Uni Key Health Systems vào năm 1992 và quỹ sức khỏe Templeton Wellness Foundation, với nỗ lực cống hiến và giúp đỡ mọi người đạt được những lợi ích sức khỏe.

Tân Dân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

James Templeton
BTV Epoch Times Tiếng Anh
James Templeton là nhà sáng lập của hệ thống y tế Uni Key Health Systems vào năm 1992 và quỹ sức khỏe Templeton Wellness Foundation, với nỗ lực cống hiến và giúp đỡ mọi người đạt được những lợi ích sức khỏe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn