Thiền định có thật sự làm chậm quá trình lão hóa?

Liệu khoa học thực chứng có tồn tại trong lý thuyết tâm linh của thiền định không? Bà Elizabeth Blackburn – người từng đoạt giải Nobel – tin rằng có.

Bây giờ là bảy giờ sáng trên bãi biển ở Santa Monica, California. Mặt trời vừa mọc lấp ló trên những ngọn sóng và những đám mây còn vàng ươm từ buổi bình minh. Quang cảnh trải dài trên hàng ngàn dặm Thái Bình Dương. Xa xa, những biệt thự màu trắng của những cư dân Los Angeles giàu có nằm rải rác trên những ngọn đồi ở Hollywood. Bên bờ biển, những con chim mõ nhát và chim họ dẽ tụ tập trên bãi cát ẩm ướt. Cách mép nước vài mét, một nhóm người ngồi xếp bằng: các thành viên của một trung tâm Phật giáo địa phương sắp bắt đầu một giờ thiền định.

Những bài tập tâm linh này có vẻ là một thế giới khác so với các nghiên cứu y sinh, mà trọng tâm là sinh học phân tử và các kết quả nghiên cứu lặp lại. Tuy nhiên, ngay gần đó, tại Đại học California, San Francisco (UCSF), một nhóm dẫn đầu bởi một nhà nghiên cứu hóa sinh đoạt giải Nobel đang tiến vào lĩnh vực mà rất ít nhà khoa học chính thống dám bước vào. Trong khi y sinh học phương Tây có truyền thống tránh nghiên cứu về mối liên hệ giữa trải nghiệm, cảm xúc cá nhân và sức khỏe thể chất, các nhà khoa học này đang tập trung nghiên cứu trạng thái tinh thần của con người. Họ tham gia vào các nghiên cứu nghiêm túc cho rằng thiền có thể – như truyền thống phương Đông đã tuyên bố từ lâu – làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ.

Bà Elizabeth Blackburn luôn bị cuốn hút vào cách mà cuộc sống vận động. Sinh năm 1948, bà lớn lên bên bờ biển tại một thị trấn hẻo lánh ở Tasmania, Australia, thu lượm kiến từ khu vườn của mình và sứa từ bãi biển. Khi bắt đầu sự nghiệp khoa học, bà chuyển sang nghiên cứu phân tử của các hệ thống sống. Bà bị cuốn hút vào hóa sinh, bởi vì nó mang lại sự hiểu biết thấu đáo và chính xác “dưới dạng kiến thức chuyên

Chiếc mũ DNA bí ẩn

Hợp tác với nhà sinh vật học Joe Gall tại Yale vào những năm 1970, bà Blackburn đã giải mã trình tự các đầu nhiễm sắc thể của một sinh vật nước ngọt đơn bào tên là Tetrahymena (“cặn bã trong ao”, như bà ấy mô tả) và phát hiện ra một mô-típ DNA lặp lại hoạt động như một chiếc “mũ” bảo vệ. Các “mũ” này, được gọi là telomere, sau đó cũng được tìm thấy trên nhiễm sắc thể của con người. Chúng che chắn các đầu của nhiễm sắc thể mỗi khi tế bào được phân chia và DNA được sao chép, nhưng chúng sẽ hao mòn theo mỗi lần phân chia. Vào những năm 1980, khi làm việc với nghiên cứu sinh Carol Greider tại Đại học California, Berkeley, bà Blackburn đã phát hiện ra một loại enzyme gọi là telomerase có thể bảo vệ và xây dựng lại các telomere. Mặc dù vậy, các telomere vẫn bị suy giảm theo thời gian. Và khi chúng quá ngắn, các tế bào của chúng ta bắt đầu hoạt động sai và mất khả năng phân chia – một hiện tượng được coi là nhân tố then chốt của quá trình lão hóa. Công trình này cuối cùng đã mang đến cho bà Blackburn giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 2009.

Năm 2000, một cuộc gặp gỡ đã thay đổi định hướng nghiên cứu của bà Blackburn. Đó là cuộc gặp với cô Elissa Epel, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ từ khoa tâm thần của UCSF. Bác sĩ tâm thần và nhà hóa sinh thường không có nhiều điểm chung để trao đổi, nhưng cô Epel quan tâm đến những tổn hại gây ra cho cơ thể do căng thẳng mãn tính, và đã có một đề xuất cấp tiến.

Cô Epel, hiện là giám đốc của Trung tâm Lão hóa, Trao đổi chất và Cảm xúc tại UCSF, luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa tinh thần và thể chất. Cô được cho là có ảnh hưởng đến chuyên gia sức khỏe toàn diện Deepak Chopra và nhà sinh vật học tiên phong Hans Selye, những người lần đầu tiên giải thích – vào những năm 1930 – làm thế nào căng thẳng trong thời gian dài của những con chuột trở thành bệnh mãn tính. Bà Selye nói: “Mọi căng thẳng đều để lại một “vết sẹo” không thể lành và sinh vật đó sẽ già đi một chút sau mỗi lần căng thẳng.”

Các bà mẹ càng căng thẳng thì telomere của họ càng ngắn và nồng độ telomerase càng thấp

Trở lại năm 2000, cô Epel muốn tìm ra “vết sẹo của sự căng thẳng” đó. Cô nói: “Tôi thích thú với ý tưởng rằng nếu nhìn sâu vào bên trong tế bào, chúng ta có thể đo lường sự hao mòn của căng thẳng và cuộc sống hàng ngày. Sau khi đọc nghiên cứu của bà Blackburn về vấn đề lão hóa, cô Epel tự hỏi liệu telomere có thể giải quyết sự lão hóa này không.

Một chút lo lắng khi tiếp cận nhà khoa học cấp cao, cô Epel đã hỏi bà Blackburn một nghiên cứu về những bà mẹ trong tình huống căng thẳng nhất: chăm sóc một đứa trẻ bị bệnh mãn tính. Kế hoạch của cô Epel là hỏi những người phụ nữ họ cảm thấy căng thẳng thế nào, sau đó tìm kiếm mối quan hệ giữa trạng thái tinh thần và tình trạng các telomere của họ. Các cộng tác viên tại Đại học Utah sẽ đo độ dài của telomere, trong khi nhóm của bà Blackburn sẽ đo nồng độ telomerase.

Kết quả nghiên cứu của bà Blackburn có được bằng các thí nghiệm kiểm soát tính chính xác và chặt chẽ trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, công việc của cô Epel liên quan đến những con người thực tế và phức tạp mà sống một cuộc sống phức tạp và thực tế. Bà Blackburn nói: “Đó là một thế giới khác xa những gì tôi quan tâm. Lúc đầu, bà Blackburn nghi ngờ rằng liệu có thể tìm thấy một mối liên hệ nào giữa căng thẳng và telomere hay không. Cho đến nay, gen được coi là yếu tố quan trọng nhất quyết định độ dài của telomere. Ý kiến về việc có thể đo lường ảnh hưởng của môi trường – chưa kể ảnh hưởng tâm lý – cũng đã còn nhiều tranh cãi. Nhưng bản thân là một người mẹ, bà Blackburn đã bị cuốn hút vào ý tưởng nghiên cứu hoàn cảnh của những người phụ nữ bị căng thẳng này. “Tôi chỉ nghĩ, thật thú vị,” bà nói. “Bạn có thể không giúp được gì họ nhưng cũng có thể cảm thông với họ.”

Phải mất 4 năm trước khi họ sẵn sàng thu thập mẫu máu từ 58 phụ nữ. Đây là một nghiên cứu thí điểm nhỏ. Để có cơ hội cao nhất cho một kết quả thí nghiệm, những người phụ nữ trong hai nhóm – những bà mẹ bị căng thẳng và những bà mẹ kiểm soát được căng thẳng – phải có độ tuổi, lối sống và hoàn cảnh giống nhau. Cô Epel đã tuyển chọn các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu của mình một cách tỉ mỉ. Tuy nhiên, bà Blackburn coi thử nghiệm này không hơn gì một bài tập nhỏ có tính khả thi. Cho đến khi cô Epel gọi cho bà và nói, “Bà sẽ không tin nổi kết quả này đâu!”

Kết quả rất rõ ràng. Các bà mẹ càng căng thẳng thì telomere của họ càng ngắn và nồng độ telomerase càng thấp.

Trong nghiên cứu này, Những phụ nữ bị nhiều căng thẳng nhất có telomere lão hóa hơn một thập kỷ so với những người ít căng thẳng nhất, trong khi mức telomerase của họ giảm một nửa. Bà nói: “Tôi rất vui”. Bà Blackburn và cô Epel đã kết nối cuộc sống và trải nghiệm thực tế với cơ học phân tử bên trong tế bào. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy rằng cảm giác căng thẳng không chỉ gây hại cho sức khỏe của chúng ta – nó làm chúng ta già đi theo đúng nghĩa đen.

Những khám phá bất ngờ đương nhiên gặp phải sự hoài nghi. Ban đầu bà Blackburn và cô Epel đã đấu tranh để quyết định xuất bản một bài báo vượt qua ranh giới của họ. Bà Blackburn cười khúc khích: “Science [một trong những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới] đã không thể gửi phản hồi về kết quả này nhanh chóng!”

Cuối cùng thì bài báo cũng được xuất bản, trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia vào tháng 12 năm 2004, nó đã được đưa tin rộng rãi bởi báo chí và nhận được nhiều lời khen ngợi. Ông Robert Sapolsky, một nhà nghiên cứu tiên phong về tình trạng căng thẳng tại Đại học Stanford và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “Tại sao ngựa vằn không có các vết loét”, đã mô tả sự hợp tác này là “một bước nhảy vọt qua một hẻm núi liên ngành rộng lớn”. Ông Mike Irwin, giám đốc Trung tâm Cousins về Psychoneuroimmunology tại Đại học California, Los Angeles, cho biết cô Epel đã phải rất can đảm để quyết định liên lạc với bà Blackburn. “Và rất nhiều can đảm để Liz [Blackburn] nói đồng ý.”

Nhiều nhà nghiên cứu về telomere lúc đầu đã tỏ ra ngờ vực. Họ chỉ ra rằng nghiên cứu mới được thực hiện trên một nhóm nhỏ và đặt câu hỏi về độ chính xác của bài kiểm tra độ dài telomere được sử dụng. Cô Epel giải thích: “Đây là một ý tưởng mạo hiểm vào thời điểm đó, và trong mắt một số người thì kết quả là chưa đủ tin cậy. “Mọi người sinh ra đều có độ dài telomere rất khác nhau và để nghĩ rằng chúng ta có thể đo lường về mặt tâm lý hoặc hành vi, chứ không phải di truyền, và từ đó dự đoán được độ dài của telomere của chúng ta? Đây thực sự không phải là điều có thể tin được dễ dàng vào mười năm trước ”.

Môi trường có ảnh hưởng đến độ dài của telomere

Bài báo đã kích hoạt một loạt các nghiên cứu về lĩnh vực này. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu đã có thể liên kết giữa căng thẳng được nhận thức với telomere ngắn hơn ở phụ nữ khỏe mạnh cũng như ở những người chăm sóc bệnh Alzheimer, nạn nhân của những lạm dụng gia đình và chấn thương đầu đời, và những người bị trầm cảm nặng và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Cô Mary Armanios, bác sĩ lâm sàng và nhà di truyền học tại Trường Y Johns Hopkins, người nghiên cứu về rối loạn telomere, cho biết: “Mười năm trôi qua, tôi không còn nghi ngờ gì về việc môi trường có một số ảnh hưởng đến độ dài của telomere.

Cũng có những bước tiến liên quan đến cơ chế tác động đến telomerase. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hormone căng thẳng cortisol làm giảm hoạt động của telomerase, trong khi căng thẳng oxy hóa và chứng viêm – hậu quả sinh lý của căng thẳng tâm lý – dường như ăn mòn trực tiếp telomere.

Điều này dường như có hậu quả tàn khốc đối với sức khỏe của chúng ta. Các tình trạng liên quan đến tuổi tác từ bệnh viêm xương khớp, tiểu đường và béo phì cho đến bệnh tim, Alzheimer và đột quỵ đều có liên quan đến các telomere ngắn.

Câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà nghiên cứu hiện nay là liệu telomere chỉ đơn giản là một dấu hiệu vô hại của tổn thương do tuổi tác (chẳng hạn như tóc bạc) hay chính chúng đóng một vai trò trong việc gây ra các vấn đề sức khỏe khi chúng ta già đi. Những người bị đột biến gen ảnh hưởng đến enzyme telomerase có telomere ngắn hơn nhiều so với bình thường và thường mắc phải hội chứng lão hóa nhanh và các cơ quan của họ dần dần bị hỏng. Nhưng cô Armanios đặt câu hỏi rằng liệu sự suy giảm chiều dài telomere do căng thẳng gây ra có liên quan đến sức khỏe hay không, đặc biệt là khi độ dài telomere của mỗi người đã rất khác nhau ngay từ đầu.

Tuy nhiên, bà Blackburn cho biết cô ngày càng tin rằng ảnh hưởng của căng thẳng là rất to lớn. Mặc dù các đột biến di truyền có ảnh hưởng ít hơn đến việc duy trì các telomere so với các nghiên cứu về hội chứng cực đoan của Armanios, bà Blackburn chỉ ra rằng chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này trong cuộc sống. Và một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các telomere có thể dự đoán sức khỏe của chúng ta trong tương lai. Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông cao tuổi có telomere ngắn lại trong hai năm rưỡi có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch trong 9 năm tiếp theo cao gấp 3 lần so với những người có chiều dài telomere không đổi hoặc dài hơn. Trong một nghiên cứu khác với hơn 2.000 người Mỹ bản địa khỏe mạnh, những người có telomere ngắn nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn gấp đôi trong 5 năm rưỡi tới, thậm chí có tính đến các yếu tố nguy cơ thông thường như chỉ số khối cơ thể và glucose lúc đói.

Bà Blackburn hiện đang chuyển sang các nghiên cứu lớn hơn, bao gồm cả sự hợp tác với công ty chăm sóc sức khỏe khổng lồ Kaiser Permanente ở Bắc California liên quan đến việc đo đạc telomere của 100.000 người. Hy vọng rằng việc kết hợp độ dài telomere với dữ liệu từ bộ gen của các tình nguyện viên và hồ sơ y tế điện tử sẽ cho thấy các mối liên hệ bổ sung giữa độ dài telomere và bệnh tật, cũng như nhiều đột biến di truyền ảnh hưởng đến độ dài của telomere. Kết quả vẫn chưa được công bố, nhưng bà Blackburn rất vui mừng về những dữ liệu liên quan đến tuổi thọ. Bà vạch đường cong bằng ngón tay: khi dân số già đi, chiều dài trung bình của telomere giảm xuống. Chúng ta biết rằng các telomere có xu hướng ngắn lại theo thời gian. Nhưng ở độ tuổi 75–80, đường cong này sẽ hướng ngược lên khi những người có telomere ngắn hơn chết đi – bằng chứng rằng những người có telomere dài hơn thực sự sống lâu hơn. “Kết quả này thật tuyệt,” bà nói. “Chưa ai biết về điều đó.”

Đã một thập kỷ kể từ nghiên cứu ban đầu của bà Blackburn và cô Epel, ý tưởng rằng căng thẳng khiến chúng ta già đi bằng cách làm xói mòn các telomere cũng đã lan tràn trong cộng đồng. Ngoài nhiều giải thưởng khoa học, bà Blackburn được vinh danh là một trong “100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới” của tạp chí Time vào năm 2007 và nhận được giải thưởng thành tích Good Housekeeping năm 2011. Một nhân vật hết lòng vì công việc do Cameron Diaz thủ vai thậm chí còn mô tả khái niệm này năm 2006 trong bộ phim Hollywood “The Holiday”. “Nó đã gây được tiếng vang” – bà Blackburn nói.

Nhưng quá nhiều bằng chứng về những thiệt hại chồng chất do các telomere suy giảm gây nên đã khiến bà bắt tay vào trả lời một câu hỏi mới: làm thế nào để bảo vệ chúng.

Những nghiên cứu về thiền định và telomere

Lúc đầu, khung cảnh bãi biển có vẻ khá xô bồ. Những cơn sóng vỗ liên tục vào bờ. Bánh xe Sanderlings chạy dọc theo bờ biển. Những người chạy bộ và những người dắt chó thông thả đi ngang qua, trong khi những đàn bồ nông lượn vòng trên mặt nước trước khi cất cánh bay khuất tầm nhìn. Một vận động viên lướt sóng, in bóng đen trên nền trời, lướt trên những ngọn sóng khoảng 20 phút hoặc lâu hơn trước khi khuất khỏi tầm mắt. Một khung cảnh tưởng như không đổi nhưng mang đến một cảm giác tò mò về sự lãnh đạm. Bạn có thể tưởng tượng những con chim, những người chạy bộ và những vận động viên lướt sóng giống như những dòng suy nghĩ: chúng tồn tại ở những hình dạng và khoảng thời gian khác nhau nhưng cuối cùng, chúng đều biến mất.

Có hàng trăm phương pháp thiền định khác nhau nhưng sáng nay tôi đang thử một hình thức thiền chánh niệm của Phật giáo được gọi là thiền buông thư (hay thiền theo dõi và mở rộng) – là việc chú ý đến trải nghiệm của bạn trong thời điểm hiện tại. Ngồi thẳng lưng và tĩnh lặng, cảm nhận các dòng suy nghĩ nảy sinh – mà không phán xét hay phản ứng lại chúng – trước khi để chúng trôi đi. Đối với các Phật tử đây là một cuộc tìm kiếm tâm linh; bằng cách để những suy nghĩ tầm thường và những ảnh hưởng bên ngoài biến mất, họ hy vọng sẽ đến gần hơn với bản chất thật của hiện thực.

Bà Blackburn cũng quan tâm đến bản chất của hiện thực, nhưng sau khi dành cả sự nghiệp để nghiên cứu những thứ có thể đo lường và định lượng được, việc ngồi yên và nhìn chằm chằm một chỗ khi thực hành thiền buông thư như vậy không thu hút bà và hoàn toàn không khơi gợi hứng thú về mặt chuyên môn. “Mười năm trước, nếu bạn nói với tôi rằng tôi nên suy nghĩ nghiêm túc về thiền định, tôi sẽ nói rằng một trong hai ta thật là gàn dở,” bà nói với New York Times vào năm 2007. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về telomere đã mang bà đến với thiền định. Kể từ sau lần hợp tác nghiên cứu đầu tiên với cô Epel, cặp đôi này đã tham gia hợp tác với các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới – có thể lên tới 50 hoặc 60 nhóm, theo bà Blackburn ước tính, và nó tiến triển theo “hướng tuyệt vời”. Nhiều nghiên cứu trong số này tập trung vào các cách bảo vệ các telomere khỏi tác động của căng thẳng. Các thử nghiệm cho thấy rằng tập thể dục, ăn uống lành mạnh và hỗ trợ xã hội đều có ích. Nhưng một trong những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất, dường như có khả năng làm chậm sự bào mòn của các telomere – và thậm chí có thể kéo dài chúng trở lại – là thiền.

Cho đến nay các nghiên cứu còn rời rạc, nhưng tất cả đều hướng về cùng một mục tiêu. Trong một dự án đầy tham vọng, bà Blackburn và các đồng nghiệp của cô đã cử người tham gia thiền định tại khóa tu trên núi Shambhala ở phía bắc Colorado. Những người hoàn thành khóa học ba tháng có nồng độ telomerase cao hơn 30% so với nhóm tương tự trong danh sách chờ. Một nghiên cứu thí điểm trên những người chăm sóc bệnh nhân mất trí nhớ, được thực hiện với Irwin của UCLA và được xuất bản vào năm 2013, cho thấy rằng nhóm những người thực hành một hình thức thiền cổ xưa (có tên Kirtan Kriya) 12 phút mỗi ngày, liên tục trong tám tuần, có hoạt động telomerase cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng chỉ nghe âm nhạc thư giãn. Trong một nghiên cứu hợp tác giữa bác sĩ của UCSF và chuyên gia Dean Ornish, cũng được xuất bản vào năm 2013, đã phát hiện ra rằng những người đàn ông có nguy cơ (thấp) mắc chứng ung thư tuyến tiền liệt, sau khi thay đổi toàn diện lối sống, bao gồm cả thiền định, đã giữ hoạt động telomerase của họ cao hơn những người đàn ông tương tự trong nhóm đối chứng và có các telomere dài hơn một chút sau năm năm.

Trong nghiên cứu mới nhất của mình, cô Epel và bà Blackburn tiến hành theo dõi 180 bà mẹ, một nửa trong số họ có con mắc chứng tự kỷ. Thử nghiệm bao gồm việc đo lường mức độ căng thẳng của các bà mẹ và độ dài của telomere trong hai năm, sau đó đánh giá tác dụng của một khóa đào tạo chánh niệm ngắn hạn, được cung cấp với sự trợ giúp của một ứng dụng di động.

Các lý thuyết khác nhau có thể có những bất đồng về việc làm sao thiền định có thể giúp tăng cường telomere và telomerase, nhưng tất cả đều thống nhất rằng thiền giúp giảm căng thẳng. Việc luyện tập – bao gồm thở chậm và đều đặn – có thể giúp chúng ta thư giãn về thể chất bằng cách làm dịu phản ứng căng thẳng cấp tính. Nó cũng có thể có tác dụng giảm căng thẳng tâm lý. Việc lùi lại khỏi những suy nghĩ tiêu cực hoặc căng thẳng có thể cho phép chúng ta nhận ra rằng những suy nghĩ này không nhất thiết phản ánh chính xác thực tế mà chỉ là những sự việc đã trôi qua, phù du. Nó cũng giúp chúng ta đánh giá cao hiện tại thay vì liên tục lo lắng về quá khứ hoặc lập kế hoạch cho tương lai.

Cô Epel nói: “Hiện diện thật sự trong các hoạt động của bạn và trong các tương tác của bạn là điều quý giá và hiếm khi xảy ra khi mà chúng ta thực hiện quá nhiều công việc đa nhiệm cùng lúc”. “Tôi nghĩ rằng nhìn chung, chúng ta có một xã hội với những chú ý bị phân tán, đặc biệt là khi chúng ta bị căng thẳng cao độ và không có đủ sức để hiện diện mọi lúc mọi nơi.”

Thiên Minh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn