Thiên nhiên: Một liệu pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề về hành vi

Thời gian ở ngoài trời có thể cổ vũ cho sự sáng tạo, tuổi thọ và một cuộc sống có chất lượng tốt hơn cả cho trẻ em và người lớn

Hai đứa con của cô Alexx Seipp thường xuyên tỏ ra buồn chán, tranh giành nhau đồ chơi và có các hành động hung hăng—cho đến khi cả gia đình chuyển sang chơi ở ngoài trời.

Cô Seipp đã nuôi 15 đứa trẻ trong 5 năm qua, vì vậy việc tìm ra cách giúp đỡ những đứa trẻ là rất quan trọng. Seipp đã tham gia thử thách “1,000 giờ bên ngoài” và kéo dài thời gian chơi ngoài trời lên ba đến bốn giờ liên tục với các con nuôi của cô. Cô quan sát bọn trẻ và phát hiện ra việc chơi ngoài trời đã làm mất hẳn nhu cầu đòi được chú ý và việc không có khả năng chơi độc lập của các con – cả hai hiện tượng này đều là hậu quả của sang chấn tâm lý phát sinh từ khi các con còn nhỏ.

“Ở ngoài tự nhiên sẽ có vô số những hòn đá và các cây gậy. Bạn không cần phải tranh giành với người khác,” cô Seipp nói. “Ở nhà, tôi phải làm nhiều việc để giữ cho các con luôn bận rộn, có cái để giải trí và không gặp rắc rối. Nhưng ở ngoài trời, chúng sẽ vui vẻ chơi trong một giờ hoặc có khi nhiều hơn chỉ với một con lạch, vài cây gậy và một số tảng đá.”

“Tôi cảm thấy mình cũng có cơ hội để hít thở và đọc sách. Như vậy, kể cả khi dịch vụ chăm sóc trẻ em bị hạn chế thì tôi vẫn có thể vừa tự chăm sóc bản thân vừa chăm sóc các con của mình.”

Các chuyên gia cho biết: trò chơi tưởng tượng không theo lập trình định sẵn, diễn ra ngoài trời một cách tự nhiên sẽ làm tăng sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và nhận thức, giúp trẻ em phát triển thành những thành viên trưởng thành, toàn diện trong xã hội.

Có xu hướng tò mò là một vấn đề lớn đối với sức khỏe của tất cả các bộ phận trên cơ thể và không chỉ đối với trẻ em. Những người lớn tuổi nếu vẫn còn tò mò sẽ sống lâu hơn, hạnh phúc hơn.

Ginny Yurich, người sáng lập phong trào ‘1,000 Giờ Bên Ngoài’ và là tác giả của cuốn sách cùng tên đã phát hiện ra cách đây 11 năm rằng cô cũng cần thiên nhiên nhiều như những đứa trẻ của cô vậy. Một người bạn đề nghị người mẹ ốm yếu này nên đưa ba đứa con nhỏ hơn 3 tuổi của mình ra ngoài trời trong vài giờ.

“Tôi đã nghĩ rằng đó sẽ là một thảm họa, nhưng hóa ra đó lại là một trong những ngày quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Đó là ngày tốt lành đầu tiên tôi có với tư cách là một người mẹ,” cô hồi tưởng.

“Mẹ Thiên nhiên luôn quan tâm đến các con tôi, và lần đầu tiên, tôi đã có một khoảng thời gian xứng đáng để thoát khỏi những nhu cầu luôn cấp bách của bọn trẻ. Cứ như là trong khoảnh khắc đó, Mẹ Thiên nhiên đã làm mẹ cho những đứa con của tôi và cho cả chính tôi nữa.”

Sau đó hai năm, Yurich bắt đầu viết blog, lấy cảm hứng từ các tác phẩm của nhà cải cách giáo dục người Anh Charlotte Mason, người ủng hộ việc dành 4 đến 6 giờ ở ngoài trời hàng ngày. Kể từ đó, nó đã trở thành một phong trào toàn cầu từ tất cả những gia đình có hoàn cảnh khác nhau có cùng cam kết ở bên ngoài càng nhiều càng tốt.

Thiên nhiên: Một liệu pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề về hành vi
Khi trẻ cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn, việc bồi dưỡng tâm tôn kính với thiên nhiên và chuyển hướng sự chú ý của trẻ, sẽ không chỉ giúp ngăn chặn cơn nóng nảy, mà còn giảm khả năng phát sinh trong tương lai. (Ảnh: Shutterstock)

Thiên nhiên so với tiếng ồn

Màn hình kỹ thuật số đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và chỉ cần bật màn hình lên là chúng ta sẽ có tất cả ngoại trừ việc trải nghiệm thời thơ ấu theo cách thông thường. Để cứu con cái khỏi sự lôi kéo gây nghiện của trò chơi điện tử và mạng xã hội, các bậc cha mẹ nên hướng các con nuôi dưỡng tình yêu đối với những hoạt động lành mạnh trong thế giới thực. Nếu đó là một khoảng trời đẹp, thì đó sẽ là phần thưởng cho bộ não của chúng ta.

Nhà tâm lý học Nicholas Kardaras – người chỉ trích về các kỹ thuật của cuốn sách Silicon Valley (Thung lũng Silicon) được thiết kế nhằm thu hút trẻ em tham gia và bị cuốn hút vào các ứng dụng và trò chơi. Trong cuốn sách “Glow Kids: How Screen Addiction is Hijacking Our Kids—and How to Break the Trance,” ông nhấn mạnh rằng: các nghiên cứu cho thấy các giác quan của chúng ta đang mất dần nhận thức với tốc độ 1% mỗi năm.

Yurich đã tận mắt chứng kiến sự mất mát đó.

“Sử dụng màn hình ảnh hưởng đến thời gian tập trung chú ý của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ còn bị bỏ qua những trải nghiệm phát triển quan trọng khi dành quá nhiều thời gian trong thế giới hai chiều. Các động tác vận động tinh và trải nghiệm giác quan xảy ra trong tự nhiên sẽ giúp nâng cao cách thức hoạt động của trí óc,” Yurich cho biết.

Giống như nhiều người, Jane Glover, một bà mẹ 4 con ở San Francisco nói rằng những kỷ niệm thời thơ ấu đẹp nhất của cô xoay quanh việc bắt nòng nọc ở một con lạch gần đó và trượt từ trên đỉnh đồi xuống bằng một tấm bìa cứng. Cho đến giờ, cô vẫn gần gũi với thiên nhiên và cố gắng hết sức để phá vỡ trạng thái mê muội mà giới truyền thông có thể tạo ra cho cô và các con.

Là một nhiếp ảnh gia và nhà văn, Glover có một blog kể về các chuyến đi bộ đường dài ở Hạt Marin có tên là Marinside Out, trong đó cô cung cấp các thông tin để khuyến khích trẻ em đi bộ đường dài, những đồ dùng cần cho vào túi đi bộ đường dài của mọi người và đường link liên kết đến các thiết bị cần thiết phục vụ cho chuyến đi bộ. Dưới đây là một số gợi ý của cô giúp trẻ em đi (và tận hưởng) những con đường mòn:

  • Mang một số đồ ăn nhẹ.
  • Nghỉ giải lao nhiều.
  • Chọn một lộ trình phù hợp với trình độ, kỹ năng của trẻ.
  • Dành thời gian để xem xét các chi tiết nhỏ trên đường đi.
  • Thưởng cho trẻ sau đó.
  • Để trẻ chụp hình hoặc viết nhật ký.
  • Cho phép trẻ trở thành người lãnh đạo.
  • Chơi trò chơi khi mọi người di chuyển.
  • Chọn những con đường mòn có đặc điểm thân thiện với trẻ em như thác nước hoặc đu dây.
  • Nên khuyến khích trẻ rủ thêm bạn bè cùng đi.

Một gia đình chiến thắng màn hình

Glover đã chứng kiến sự thay đổi của các con mình khi cả gia đình quyết tâm tận hưởng cuộc sống ngoài trời.

Cô con gái 15 tuổi của cô đã mang theo điện thoại và phàn nàn về việc đi bộ đường dài, nhưng sau đó lại thể hiện sự nhẹ nhõm khi không có tín hiệu điện thoại khiến cô phải tạm dừng xem phim truyền hình trực tuyến. Con gái cô cũng đã hoàn thành một số chuyến đi bộ đường dài phức tạp giúp nâng cao sự tự tin của cháu và việc đi bộ đã trở thành một chủ đề trong báo cáo của trường đồng thời tạo động lực giúp cháu tiếp tục đi bộ đường dài.

Cậu con trai 13 tuổi của Glover đã dùng tiền riêng của mình để mua một hệ thống chơi game mà sau này cậu nhận ra rằng nó đã làm cho cậu nghiện game. Cậu đã gặp ba má mình và thú nhận rằng cậu không thích những gì trò chơi đang gây ra cho mình, sau đó bán hệ thống trò chơi điện tử đó và mua một chiếc xe đạp leo núi.

Glover nói: “Bây giờ, thay vì chơi game thì cậu ấy lại thích đi xe đạp leo núi và từ đó trở đi không bao giờ quay lại game lần nào nữa. Kể từ khi bán chiếc Xbox, cậu bé đã quay lại với công việc vẽ của mình, sáng tạo và dành thời gian ra ngoài, đạp xe leo núi — những điều làm cho cậu bé cảm thấy hài lòng và có thể thực sự tự hào về bản thân”.

Nhưng sự thay đổi lớn nhất, cần phải kể đến, là với cậu con trai 9 tuổi của cô. Trước đây cậu bé thường nói dối về thời gian chơi trò chơi điện tử, phớt lờ các giới hạn về thời gian, thường xuyên cãi nhau về trò chơi điện tử, hay nổi cơn giận dữ và phá phách.

Cô nói: “Tôi lo lắng đến mức thậm chí đã liên hệ với bác sĩ nhi khoa để xin lời khuyên về những việc cần làm đối với những cơn giận dữ và rối loạn tâm lý của con. Tôi tin rằng cậu bé cần phải có sự trợ giúp về mặt tâm thần hoặc có thể là thuốc men”.

Nhưng sau khi các hệ thống trò chơi điện tử bị mang đi khỏi nhà thì cậu bé bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, ghé thăm một công viên trượt băng địa phương và thành thạo các kỹ thuật điều khiển chiếc xe tay ga của mình, đồng thời, sau một tuần thì cậu bé đã ngừng, không đòi chơi trò chơi điện tử nữa.

Glover nói: “Những cơn giận dữ của cậu bé đã chấm dứt và cậu trở thành một cậu bé vui vẻ hơn nhiều. Ở trường, cậu bé cũng tập trung học hành hơn. Tôi thực sự tin rằng việc loại bỏ màn hình để dành thời gian ở ngoài trời là cách chữa trị tốt nhất cho cậu con của tôi, và tôi cảm thấy rất may mắn khi cậu bé không cần phải dùng đến thuốc để kiểm soát tâm lý của mình.”

Thiên nhiên: Một liệu pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề về hành vi
Đọc sách giúp tăng thêm khả năng hiểu biết và năng lực giải quyết vấn đề. (Ảnh: Fotolia)

Thuốc điều trị sức khỏe tâm thần sẽ hạn chế sự tò mò

Gia đình Glovers là một trong số ngày càng nhiều gia đình có hoặc đang cân nhắc việc dùng thuốc để điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trẻ em dễ bị chấn thương hơn cũng như dễ gặp phải tác dụng phụ của thuốc, mà thuốc an thần lại thường có các tác dụng phụ đáng lo ngại.

Theo một nghiên cứu về dữ liệu Medicaid ở 13 tiểu bang thì có 12.4 % trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng theo cách thông thường phải dùng thuốc an thần, so với 1.4% trẻ em sử dụng chương trình bảo hiểm Medicaid. Theo Tiến sĩ Bessel van der Kolk trong cuốn sách “The Body Keeps the Score”: các loại thuốc được sử dụng để giúp trẻ bớt hung hăng và dễ kiểm soát hơn sẽ đi kèm với cái giá đắt là hạn chế động lực, sự vui chơi và sự tò mò.

Yurich, người đang tâm huyết với các nghiên cứu dành cho cuốn sách của riêng mình, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay, cho biết: việc nghiện công nghệ chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng cho các mối quan hệ gia đình, gia tăng sự cằn nhằn, rút ngắn thời gian tập trung chú ý và châm ngòi cho các cuộc tranh cãi.

Bà nói: “Trẻ em có ít khả năng đối phó với sự buồn chán hơn người lớn và ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong hướng nội để đối phó với thời gian nhàn rỗi cũng như các tình huống căng thẳng. Chúng tôi không phải là những người thực hiện phong trào chống sử dụng màn hình, chúng tôi đang cố gắng khôi phục lại sự cân bằng cho cuộc sống ngày càng chuyển sang hướng sử dụng công nghệ để thỏa mãn, giải trí và kết nối.”

Hai năm sau khi bắt đầu đưa những khoảng thời gian dài hoạt động bên ngoài tự nhiên vào thói quen hàng tuần của gia đình mình một cách có chiến lược, Yurich đã cộng lại lượng thời gian họ dành cho bên ngoài và con số này lên tới khoảng 1,200 giờ mỗi năm—phù hợp với lượng thời gian trung bình mà trẻ em Mỹ dành cho màn hình. Khoảnh khắc mở rộng tầm mắt đó là nguyên nhân khiến cô công khai phương thức sống của họ.

Bà nói rằng trẻ em cần được truyền động lực để tiếp tục vui chơi khi ở cùng bạn bè, học hỏi sự sáng tạo, phối hợp và cộng tác. Thiên nhiên cung cấp tất cả các nguồn lực cho việc này và nhiều cơ hội để học về nghệ thuật hòa hợp với những người khác.

Bà Yurich nói: “Có những nghiên cứu đã chứng minh rằng trạng thái tâm lý sẽ nhẹ nhõm khi [chúng ta] bước ra ngoài. Cảnh vật, âm thanh, mùi vị và kết cấu của thiên nhiên đều góp phần làm giảm huyết áp của chúng ta và giúp chúng ta trải qua những khoảng thời gian vô cùng bình yên và mãn nguyện.”

Người lớn cũng cần thiên nhiên

Đối với Glover, mọi khoảnh khắc ở ngoài trời đều đáng giá và sự căng thẳng của cô giảm hẳn xuống khi cô thoát được khỏi dòng email và tin nhắn thường trực trên màn hình. Theo dữ liệu năm 2016 của Neilsen, trung bình một người lớn dành hơn 10 giờ mỗi ngày bên màn hình.

“Các câu trả lời trở nên rõ ràng trong đầu tôi, điều vốn không thể xảy ra khi tôi bị phân tâm bởi mọi thứ đang diễn ra trên màn hình,” cô nói. “ Nhờ hòa mình vào thiên nhiên, tôi biết rằng tôi đã làm điều gì đó đáng giá trong ngày của mình, và tôi có thể đối mặt với những thử thách trong ngày với tâm trí nhẹ nhàng.”

Sức khỏe sinh thái và liệu pháp sinh thái đang là những chủ đề thịnh hành trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Các nhà trị liệu quy định thời gian ở ngoài trời như một liệu pháp cho việc điều trị các căn bệnh liên quan đến nhận thức và cảm xúc. Cần bao nhiêu thời gian? Một nghiên cứu được công bố vào tháng 06/2019 trên tạp chí Scientific Reports cho biết rằng chỉ cần hai giờ mỗi tuần, thậm chí với khoảng thời gian ít hơn hoặc chia thành từng quãng thời gian nhỏ ở ngoài trời cũng đều mang lại lợi ích đáng kể đối với sức khỏe tổng thể.

Bạn có thể không cần hoạt động ngoài trời để nuôi dưỡng trí tò mò khi trưởng thành, nhưng lợi ích của cả thiên nhiên và sự tò mò có thể đủ để thúc đẩy bạn khám phá một sở thích hoặc trải nghiệm ngoài trời.

Theo một nghiên cứu năm 1996 được công bố trên tạp chí Tâm lý học và Lão hóa thì sự tò mò ở người lớn tuổi có liên quan đến tuổi thọ. Trong một nghiên cứu kéo dài 5 năm trên những người tuổi tác cao, nghiện thuốc lá, bị ung thư và bệnh tim – một nhóm có tính tò mò nhiều hơn và một nhóm có tính tò mò ít hơn thì những người có tính tò mò nhiều hơn có nhiều khả năng sống hơn lâu hơn.

Tính tò mò cũng đóng vai trò trong sự tiến triển của bệnh. Bên cạnh tinh thần hy vọng, sự tò mò cũng là một đối tượng được nghiên cứu trong hơn hai năm ở hơn 1,000 bệnh nhân. Những người có mức độ tò mò và hy vọng cao hơn sẽ giảm khả năng bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và nhiễm trùng đường hô hấp. Đó là các kết quả đã được công bố trong số ra năm 2005 của tạp chí Tâm lý Sức khỏe.

Cả gia đình nên cùng nhau tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thong dong vui vẻ. (Ảnh: Shutterstock)
Cả gia đình nên cùng nhau tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thong dong vui vẻ. (Ảnh: Shutterstock)

Thể thao ngoài trời thì sao?

Chúng ta có thể tự thắc mắc về việc liệu các môn thể thao được tổ chức ngoài trời có phải là một lựa chọn thay thế tốt hay không, vì nó thu hút trẻ em, huấn luyện viên và khán giả là phụ huynh ra khỏi nhà. Theo Yurich, câu trả lời là: đúng như vậy. Sự khác biệt căn bản của thể thao ngoài trờ là cơ hội cho sự tò mò.

“Tôi nghĩ rằng bất kỳ thời gian nào ở ngoài trời cũng đều có ích cả. Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần lưu ý đó là những trải nghiệm phi lập trình có sẵn và bán lập trình có sẵn sẽ mang lại cơ hội phát triển độc đáo mà các em không thể tìm thấy trong môi trường do người lớn dẫn dắt,” cô nói.

“Các môn thể thao được tổ chức dành cho thanh thiếu niên sẽ mang lại một số lợi ích cho các em, nhưng không thể sánh được với các lợi ích do việc chơi các trò chơi ngoài trời mang lại cho các em được.”

Sau khi đọc cuốn sách “Không Có Loại Thời Tiết Nào Xấu Như Vậy” của Linda Akeson McGurk, Seipp đã bắt tay ngay vào hành trình thực hiện các hoạt động ngoài trời của mình, cô vẫn sẽ tiếp tục lên lịch chơi ngoài trời với các con của mình và cô cảm thấy điều đó giúp các con giảm bớt các hành vi xấu.

Seipp nói: “Khi những hành vi không tốt xuất hiện trong gia đình và tôi cảm thấy căng thẳng thì chúng tôi sẽ cùng nhau ra ngoài và sự căng thẳng sẽ tan biến.”

“Tôi có thể cảm thấy cơ thể mình đang được thư giãn khi trèo lên những khúc gỗ, tảng đá và cây cối. Thiên nhiên đủ lớn để hấp thụ sự hiếu động, tiếng ồn và năng lượng của con trẻ.”

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn