Trí tuệ phòng dịch của người xưa: 6 loại hương liệu tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch (1)

Trong 10 năm trở lại đây, mọi người ngày càng chú ý đến cách sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để cải thiện thể chất và tăng cường khả năng miễn dịch. Khi đại dịch virus Trung Cộng (COVID-19, viêm phổi Vũ Hán) [1] lưu hành, rất nhiều người cũng đã chú ý đến cách ăn uống sao cho dinh dưỡng và lành mạnh để giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

Khi mô tả cách chống lại “ngũ dịch”, “Hoàng đế nội kinh” viết rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, ý tứ là chỉ cần cơ thể con người có đủ chính khí, tà khí của bệnh tật sẽ không dễ dàng xâm nhập.

Tất nhiên, để có một cơ thể khỏe mạnh và cường tráng, trước tiên cần phải ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn uống điều độ, và giữ cho tâm thái bình hòa.

Ngoài ra, còn có một số loại gia vị và thảo mộc có thể giúp cải thiện sức đề kháng, là sự đúc kết từ trí tuệ dưỡng sinh của người xưa trong hàng nghìn năm. Để đối mặt với dịch bệnh, ngoài việc rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang, chúng ta cũng nên chuẩn bị nhiều hơn những nguyên liệu tự nhiên này trong nhà bếp và sử dụng với lượng thích hợp trong các bữa ăn hàng ngày.

6 loại hương liệu thực phẩm tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch

Gừng

Gừng là một loại gia vị truyền thống được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia, có thể dùng để khử mùi tanh của các loại thịt cá. Đồng thời, vì nó có công dụng trừ gió, xua lạnh, làm ấm, hóa đờm, giảm nôn mửa, cho nên nhiều người thường đun một nồi chè gừng đường đen để uống khi thời tiết lạnh hoặc bị cảm cúm. 

Trí tuệ phòng dịch của người xưa: 6 loại hương liệu tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch (1)
Rất nhiều nền văn hóa truyền thống đều coi gừng là một thực phẩm bổ dưỡng và có khả năng chữa bệnh. (Ảnh: Fotolia)

Gừng được trồng sớm nhất ở Trung Quốc và Ấn Độ. Vào khoảng 2,000 năm trước, gừng đã được chuyển đến Đế chế La Mã và đặc biệt được đánh giá cao vì các đặc tính chữa bệnh của nó. Vào thời Trung cổ, gừng là một chất bảo quản tự nhiên quan trọng. Ngày nay, hàng trăm nghiên cứu về gừng cũng đã chứng minh rất nhiều lợi ích sức khỏe của nó.

Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng tại Đại học Oslo ở Na Uy phát hiện rằng, gừng có hàm lượng chất chống oxy hóa khá cao, có thể ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa một cách hiệu quả. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các hoạt chất trong gừng có thể làm giảm viêm và đau, giảm buồn nôn và nôn, đồng thời có tiềm năng chống ung thư. Một nghiên cứu từ Đại học Y Cao Hùng ở Đài Loan cũng cho thấy gừng tươi có thể ức chế sự phát triển của virus trong đường hô hấp của con người, uống trà gừng và nước gừng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Chè khoai lang gừng đường đen

Ngoài cách thái và băm nhỏ gừng cho vào món canh cá, nước dùng hay món thịt lợn xào, bạn cũng có thể thử món chè khoai lang gừng đường đen, dùng vào mùa đông cũng khá thích hợp.

Nguyên liệu: 600g khoai lang gọt vỏ, khoảng 100g củ gừng, 100g đường đen, 1 thìa cà phê muối, khoảng 1000ml nước.

Cách làm:

  1. Rửa và gọt vỏ khoai lang, cắt thành kích cỡ phù hợp, đem gừng cắt lát.
  2. Cho nước vào nồi, đun sôi rồi cho gừng cắt lát vào đun khoảng 5 phút cho ra hết mùi thơm.
  3. Cho khoai lang vào, sau khi sôi thì cho đường đen, nấu trên lửa nhỏ khoảng 15 phút cho đến khi khoai mềm.
  4. Thêm một thìa cà phê muối trước khi dùng, như thế chè sẽ ngon hơn và không quá ngọt.

Quế

Quế và gừng trong lịch sử đều được sử dụng làm gia vị. Vào thời Tiên Tần, gừng và quế là những hương liệu quan trọng để điều vị. Trong số những vật được khai quật từ lăng mộ Mã Vương Đôi thời Hán có 7 loại thảo dược, trong đó có quế đã được cạo bỏ lớp vỏ thô ráp. Công dụng của quế cũng được đề cập nhiều lần trong các thẻ tre thời Hán khai quật ở lăng mộ Mã Vương Đôi và Vũ Uy.

Trí tuệ phòng dịch của người xưa: 6 loại hương liệu tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch (1)
Vào thời Ai Cập cổ đại, quế được coi là một loại gia vị quý, có thể dùng để kháng khuẩn và khử trùng. (Ảnh: shutterstock)

Thời Ai Cập cổ đại, quế được coi là một loại gia vị quý và có thể dùng để kháng khuẩn, khử trùng. Trong đền thờ Delphi ở Miletus vào thời Hy Lạp cổ đại, quế cũng được dùng để dâng lên Thần Mặt Trời.

Theo phân tích của khoa học hiện đại, quế có chứa các chất như cinnamaldehyde, cinnamate, acid cinnamic, procyanidin và catechin, có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, diệt côn trùng, kháng nấm, tăng cường độ nhạy với insulin, có tiềm năng điều trị bệnh Alzheimer và ung thư.

Trà quế Hàn Quốc

Ngày nay bột quế rất rẻ, có thể mua trong siêu thị. Có thể thêm một muỗng cà phê bột quế vào trong bột yến mạch, cà phê latte, hoặc trộn một ít vào trong sữa chua, thậm chí khi làm bánh mì hoặc bánh mì nướng, cũng có thể thêm một chút để tạo mùi thơm.

Nếu muốn thử một hương vị đặc biệt hơn, quý vị có thể tham khảo “trà quế Hàn Quốc” dưới đây. Đây là một loại trà dưỡng sinh truyền thống ở Hàn Quốc, được sử dụng để uống như một món ngọt sau bữa ăn. Nó có vị thanh, có tác dụng làm ấm người, giải rượu, v.v.

Nguyên liệu: 5 trái hồng khô, 7 miếng vỏ quế (khoảng 45g, cũng có thể thay thế bằng 20g bột quế), 50g gừng cắt lát, 150g đường đen và khoảng 2,000ml nước.

Cách làm:

  1. Rửa gừng và gọt vỏ cắt lát, rửa vỏ quế cho sạch rồi bỏ vào nồi cùng với gừng, thêm 2,000ml nước và nấu trên lửa to trong 15 phút.
  2. Chuyển sang lửa nhỏ, đậy nắp nồi rồi nấu thêm 30 phút nữa. Sau đó thêm đường và khuấy cho đến khi đường tan hoàn toàn.
  3. Bỏ phần đầu trái hồng đi và rửa cẩn thận.
  4. Lọc bỏ vỏ quế và lát gừng, đổ trà vào chai thủy tinh và thêm hồng đã rửa sạch.
  5. Đậy nắp và đặt vào tủ lạnh trong ít nhất 12 giờ. Trà đã đun có thể bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 1 tuần.
  6. Khi uống, đổ trà vào bát và rắc một ít hạt thông là có thể thưởng thức.

Lưu ý nhỏ: Những trái hồng ngâm cũng có thể ăn được. Nếu không thích đường đen, bạn cũng có thể thay thế đường bằng mật ong. Một số người không thích hương vị của hồng, không thêm hồng vào cũng rất ngon, nhưng nếu cảm thấy vị ngọt không đủ, bạn có thể tăng thêm 20g đường. Ngoài ra, chất Coumarin trong quế có tác dụng chống đông máu, nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu thì nên tránh uống hằng ngày.

Hoa cúc

Hoa cúc đã được Trung y sử dụng như một loại cây thuốc trong suốt lịch sử lâu dài. Nó có vị ngọt, tính hàn, thuộc kinh phế (phổi) và gan, có tác dụng tán phong nhiệt, làm dịu gan sáng mắt, thanh nhiệt giải độc, thường được sử dụng để điều trị các bệnh viêm, tăng huyết áp và hô hấp. Trong các bài thuốc dân gian Trung Quốc như “Tang cúc ẩm” (điều trị cảm phong nhiệt, ho sốt, v.v.), “Cúc kỷ trà” (giảm cảm phong nhiệt, mắt đỏ sưng đau), đều có thể thấy bóng dáng của hoa cúc.

Trí tuệ phòng dịch của người xưa: 6 loại hương liệu tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch (1)
Hoa cúc đã được Trung y sử dụng như một loại cây thuốc trong suốt lịch sử lâu dài. (Ảnh: Fotolia)

Ở Trung Quốc, việc trồng hoa cúc đã có lịch sử ba nghìn năm. Cuốn “Lễ ký – Nguyệt lệnh” ghi rằng: “Quý thu chi nguyệt, cúc hữu hoàng hoa” (Mùa thu có nguyệt, có hoa cúc vàng). Trong “Thần Nông bản thảo kinh”, cúc được liệt vào hàng thượng phẩm, cho rằng “dùng lâu lợi cho huyết khí, thân nhẹ mà tuổi thọ tăng lên”.

Y học hiện đại cũng đã phát hiện ra rằng hoa cúc có khả năng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, đồng thời có tác dụng điều hòa chức năng miễn dịch. Một bài báo được công bố trên tạp chí J.Ethnopharmacol chỉ ra rằng, trong các nghiên cứu trên chuột, người ta phát hiện flavonoid trong hoa cúc có thể kích hoạt các tế bào thực bào và làm tăng các globulin miễn dịch trong tuyến tụy. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng polysaccharide trong hoa cúc có thể thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột, điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.

Trà trái cây hoa cúc

Trong các cách dùng hoa cúc, ngoài trà hoa cúc ra, tương truyền còn có một món gọi là “lẩu hoa cúc” do Từ Hi Thái Hậu sáng chế dựa trên món canh gà, rất thơm và ngon. Ngoài ra, cúc còn có thể kết hợp với táo để tạo thành một loại trà giải khát. Tuy nhiên, vì hoa cúc có tính hơi hàn nên những người bị lạnh tay chân không nên uống hàng ngày.

Trí tuệ phòng dịch của người xưa: 6 loại hương liệu tự nhiên giúp tăng cường miễn dịch (1)
Có thể dùng hoa cúc để pha trà, ngoài trà hoa cúc ra, còn có thể cho thêm táo để tạo thành một loại trà giải khát ngon miệng. (Ảnh: Tô Ngọc Phân / Epoch Times)

Nguyên liệu: 10g hoa cúc khô, 1,000ml nước, 1/2 trái táo, 1/2 trái lê, mật ong lượng thích hợp.

Cách làm:

  1. Cho hoa cúc khô vào túi lọc rồi tráng qua nước nóng để tránh dư lượng thuốc trừ sâu. Rửa sạch táo và lê rồi cắt thành từng miếng nhỏ.
  2. Cho 1,000ml nước vào nồi, đun sôi trên lửa lớn, chuyển sang lửa nhỏ rồi cho túi trà hoa cúc vào đun trong 10 phút.
  3. Tắt bếp và lấy túi trà ra.
  4. Cho các miếng trái cây vào nồi, đậy nắp và đun nhỏ lửa trong 30 phút.
  5. Khi uống có thể thêm mật ong để tăng thêm hương vị.

Lưu ý nhỏ: Trái cây nấu qua có thể ăn được, trà này có thể để trong tủ lạnh 3 ngày. Hoa cúc ở đây không phải là hoa cúc la mã, hai loài hoa này đều là thảo dược có từ lâu đời nhưng tác dụng lại không giống nhau. Nếu không có hoa cúc khô, có thể thay thế bằng hoa cúc la mã, hương vị cũng rất hoàn hảo.

Ghi chú [1]: Đây là loại virus corona mới, còn được gọi là virus viêm phổi Vũ Hán, Epoch Times cho rằng gọi là “virus Trung Cộng” thì chính xác hơn, bởi vì con virus này đến từ Trung Quốc dưới sự thống trị của Trung Cộng, do Trung Cộng che đậy dịch bệnh nên virus đã lây lan ra thế giới và gây ra đại dịch toàn cầu.

(Còn tiếp)

Tác giả: Trần Đình
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn