Xét nghiệm máu nào dành cho người ăn chay?

Nếu ít tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, bạn nên thường xuyên theo dõi các chỉ số dinh dưỡng của mình

Khi nói đến quản lý sức khỏe, hệ thống cảnh báo sớm là một công cụ đặc biệt hữu hiệu. Đó là lúc chúng ta cần đến các xét nghiệm máu: công cụ quan trọng giúp đánh giá sức khỏe tổng thể và cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về bất kỳ vấn đề tiềm ẩn đang tiến triển nào.

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể yêu cầu bạn hoàn thành một bảng sàng lọc tiêu chuẩn tại các cuộc khám sức khỏe hàng năm. Vấn đề là, những xét nghiệm này có thể không phát hiện một số thiếu hụt dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài các xét nghiệm tiêu chuẩn do bác sĩ đề xuất, tôi khuyến nghị những người tuân theo cách ăn uống giàu dinh dưỡng và giàu thực vật nên thực hiện một số xét nghiệm dưới đây. Những xét nghiệm này sẽ cung cấp bức tranh rõ ràng về tình trạng dinh dưỡng tổng thể của bạn—điều mà tôi gọi là “IQ dinh dưỡng.”

Tại sao cần làm những xét nghiệm đặc hiệu này?

Khi tuân theo cách ăn uống giàu dinh dưỡng và thực vật, bạn nên bảo đảm nhận được đầy đủ vitamin, khoáng chất và acid béo cần thiết vốn chứa nhiều trong các sản phẩm động vật.

Ngoài ra, với một số người, đặc biệt là người từ 70 tuổi trở lên, họ cần bổ sung thêm protein để duy trì nồng độ IGF-1 cần thiết. Đồng thời, việc kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ với bệnh tiểu đường và tim mạch cũng là một điều quan trọng.

Tôi cần làm xét nghiệm này bao lâu một lần?

Thời gian đềnghị là 5 năm một lần với những người trưởng thành dưới 65 tuổi và 3 năm một lần với những người từ 65 tuổi trở lên.

Vitamin B12 và Acid Methylmalonic

Thực vật không chứa vitamin B12 và tình trạng thiếu B12 là điều khá phổ biến, đặc biệt với những người trên 60 tuổi, vì sự hấp thụ trở nên kém hiệu quả khi chúng ta già đi.

Vitamin B12 là thành phần quan trọng cho chức năng miễn dịch, chức năng não, quá trình sản xuất hồng cầu và tổng hợp DNA.

Trong ty thể— loại bào quan có chức năng tương tự như nhà máy điện tạo ra năng lượng cho tế bào—vitamin B12 là yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển hóa methylmalonyl-CoA thành succinyl-CoA; khi nồng độ B12 thấp, methylmalonyl-CoA bắt đầu tích tụ và đi vào máu dưới dạng acid methylmalonic (MMA). MMA tăng cao trong máu cho thấy cơ thể đang thiếu B12.

Bạn nên làm xét nghiệm cho cả B12 và MMA, vì MMA tăng cao biểu thị tình trạng thiếu hụt B12 ở mức độ nhẹ hoặc đang tiến triển nếu kết quả B12 ở mức thấp hơn bình thường.

Khoảng tham chiếu

B12: 160–950 pg/mL hoặc 118–701 pmol/L

MMA: Khoảng tham chiếu có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm. Giá trị thông thường: < 300 nmol/L, hay < 0.3 µmol/L.

Homocysteine

Vitamin B12 có tác dụng như một coenzyme cho methionine synthase, một enzyme chịu trách nhiệm tái tạo methionine từ homocysteine. Sự thiếu hụt B12 (hay folate) có thể dẫn đến tình trạng tích tụ homocysteine.

Homocysteine ​​tăng cao là yếu tố nguy cơ với bệnh tim mạch. Nồng độ cao homocysteine có thể làm tăng quá trình oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô, gây viêm, và tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.

Khoảng tham chiếu: < 15 µmol/L

Ferritin

Ferritin là loại protein dự trữ sắt. Nồng độ ferritin thấp trong máu cho thấy cơ thể đang thiếu sắt. Nguồn sắt từ thực vật ít được cơ thể hấp thụ hơn so với động vật và một số người ăn chay hoặc thuần chay, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai hoặc trong độ tuổi sinh nở, có thể cần bổ sung thêm sắt. Quá nhiều sắt cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Khoảng tham chiếu

Nam giới: 50–336 µg/L

Nữ giới: 40–307 µg/L

Lưu ý: Bạn nên tham khảo cách bổ sung sắt dựa trên nồng độ ferritin trong cuốn Hướng dẫn bổ sung chung (General Supplement Guidelines) và Tư vấn Vitamin cá nhân hóa (Personalized Vitamin Advisor).

Hemoglobin A1C

Hemoglobin A1c (HbA1C) là một chỉ số về nồng độ đường dài hạn trong máu (trong khoảng ba tháng), biểu thị phần trăm huyết sắc tố trong máu được glycosyl hóa (gắn với một phân tử đường). Khi nồng độ đường huyết tăng cao, lượng huyết sắc tố glycosyl hóa được hình thành càng nhiều và sẽ tích lũy trong suốt thời gian tồn tại của tế bào. Nồng độ cao HbA1c biểu thị tình trạng tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.

Khoảng tham chiếu: < 5.7%

Vitamin D

Cơ thể chủ yếu hấp thụ vitamin D qua ánh mặt trời, và việc sử dụng thực phẩm bổ sung là điều cần thiết để bảo đảm đủ lượng quanh năm và ngăn ngừa tổn thương da do phơi nắng quá mức. Nồng độ vitamin D thấp có thể dẫn đến loãng xương, trầm cảm, bệnh tự miễn, ung thư và tiểu đường. Nồng độ vitamin D quá cao cũng có thể gây hại cho sức khỏe.

Khoảng tham chiếu: 30–45 ng/mL hoặc 75–115 nmol/L

Chỉ số Omega-3

Các acid béo omega-3 chuỗi dài DHA và EPA thường được cung cấp từ nguồn cá béo. DHA và EPA là thành phần cấu trúc và chức năng quan trọng của màng tế bào ở não và võng mạc, đồng thời còn có tác dụng chống viêm và bảo vệ tim mạch.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ số omega-3 thấp (dưới khoảng 5%) có mối liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Trong cơ thể, việc chuyển đổi acid alpha-linolenic từ nguồn thực vật thành DHA và EPA bị hạn chế, và việc tiêu thụ tiền chất DHA và EPA (tốt nhất là từ thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ tảo) là cách tốt nhất để tăng nồng độ omega-3 trong máu. Bạn có thể đánh giá nồng độ omega-3 bằng xét nghiệm chỉ số omega-3, một thông số biểu thị tỷ lệ phần trăm acid béo trong màng hồng cầu được tạo thành từ DHA và EPA.

Yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1)

Xét nghiệm này dành cho những người từ 75 tuổi trở lên. Yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1 – Insulin-like growth factor 1) là loại hormone quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình tăng trưởng trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Nồng độ IGF-1 đạt đỉnh ở giai đoạn vị thành niên và tuổi 20, sau đó giảm dần khi cơ thể già đi. Ở người trưởng thành, IGF-1 lưu hành trong máu được xác định chủ yếu bằng lượng protein nạp vào; đạm động vật làm tăng IGF-1 nhiều hơn đạm thực vật, và đạm từ sữa là loại làm tăng IGF-1 mạnh nhất. Nồng độ IGF-1 tăng cao sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa và tăng nguy cơ ung thư và tử vong sớm.

Tuy nhiên, đôi khi nồng độ IGF-1 quá thấp, đặc biệt ở người lớn tuổi, có thể dẫn đến một số vấn đề. Cơ thể cần đủ IGF-1 để duy trì khối lượng xương, khối lượng cơ và chức năng não.

Khoảng tham chiếu: 100–160 ng/mL

LDL bị oxy hóa hay chỉ số LDL Cholesterol

Xét nghiệm này dành cho những người có tiền sử LDL cholesterol cao hơn 110 mg/dl.

Tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Tuy nhiên, LDL bị oxy hóa (oxLDL) là chỉ dấu quan trọng hơn so với LDL toàn phần cho nguy cơ mắc bệnh, vì LDL bị oxy hóa dễ gây xơ vữa (làm tăng hình thành mảng bám) nhiều hơn so với LDL tự nhiên.

LDL bị oxy hóa cũng làm rối loạn chức năng nội mô, đẩy nhanh tiến triển và làm mất ổn định mảng xơ vữa động mạch.

LDL đo được, còn được gọi là “LDL trực tiếp”, biểu thị nồng độ LDL cholesterol máu được tính trực tiếp thay vì tính toán bằng cách sử dụng các phép đo lipid khác. Thông thường, LDL cholesterol lưu hành trong máu được tính từ các phép đo cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) và chất béo trung tính. Khi đó, kết quả LDL trở nên kém tin cậy nếu LDL có nồng độ thấp hoặc chất béo trung tính có nồng độ cao.

Khoảng tham chiếu:

oxLDL: < 60 U/L

LDL đo được: < 100 mg/dl

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Joel Fuhrman
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Joel Fuhrman là bác sĩ gia đình được hội đồng chứng nhận, tác giả sách bán chạy nhất và nhà nghiên cứu dinh dưỡng chuyên về ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh tật thông qua các phương pháp dinh dưỡng và tự nhiên. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên DrFuhrman.com.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn