4 cách hữu hiệu giúp trẻ tránh bị cận thị nặng hơn

Rất nhiều phụ huynh đặt câu hỏi rằng, xem máy tính bảng nhiều có ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của trẻ hay không? Việc đeo kính ảnh hưởng đến thị lực của trẻ như thế nào? Nguyên nhân nào khiến trẻ càng ngày càng cận? Có cách nào làm chậm độ cận thị ở trẻ em không?

Thanh thiếu niên Á Châu có tỷ lệ cận thị cao

Thị lực của trẻ bắt đầu phát triển từ khi trẻ mới sinh. Sau khi một đứa trẻ được sinh ra, nhờ sự kích thích của ánh sáng và môi trường xung quanh mà mắt trẻ sẽ liên tục duy trì sự phát triển, thẳng cho đến khoảng 6 tuổi trẻ mới có thị lực của một người trưởng thành. Vấn đề về thị lực phổ biến nhất trong quá trình phát triển này là tật cận thị ở trẻ em.

Cận thị rất phổ biến ở trẻ em Á Châu thuộc chủng tộc da vàng. Có thống kê cho thấy, thanh thiếu niên ở các nước Đông Á có tỷ lệ cận thị lên tới 70%.

  • Cận thị là khi trẻ không thể nhìn rõ các vật ở xa
  • Viễn thị là không có khả năng nhìn rõ các vật ở gần
  • Loạn thị là mắt mờ do khúc xạ ánh sáng không đều

Đây đều là những vấn đề thị lực thuộc về tật khúc xạ, nguyên nhân là do sự sai lệch gây ra bởi sự khúc xạ ánh sáng dẫn đến không thể hình thành hình ảnh rõ ràng trên võng mạc.

Vậy tại sao tật cận thị thường gặp ở trẻ em? Đường kính nhãn cầu của trẻ sẽ dài dần lên trong quá trình phát triển, khi ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt, do đường kính nhãn cầu quá dài khiến điểm hội tụ xuất hiện trước võng mạc nên dẫn đến cận thị, đây là tình huống khá phổ biến trong quá trình phát triển của thanh thiếu niên. Những vấn đề về thị lực này đều có thể được điều chỉnh bằng cách đeo kính hoặc kính áp tròng.

Cận thị không được khắc phục kịp thời có thể dẫn đến nhược thị

Bất kỳ vấn đề về thị lực nào cũng cần được điều chỉnh nếu ảnh hưởng đến việc học ở trường của trẻ. Nếu trẻ bị mờ mắt lâu ngày cũng có thể khiến cơ trán bị căng và gây đau đầu. Một số phụ huynh lo lắng rằng “đeo kính sẽ làm trẻ bị cận thị nặng hơn”, nhưng những lo ngại như vậy là không có cơ sở.

Ngoài ảnh hưởng đến việc học tập, cận thị còn ảnh hưởng gì đến trẻ? Một số trẻ bị cận thị (hoặc viễn thị) tương đối nghiêm trọng, nếu không được phát hiện hoặc khắc phục kịp thời thì có thể khiến trẻ bị nhược thị.

Nhược thị là chỉ các dây thần kinh võng mạc đang phát triển của trẻ – có thể là một bên hoặc hai bên – do không thể nhìn thấy hình ảnh trong thời gian dài mà dẫn đến bộ não lựa chọn làm suy yếu một cách có chọn lọc sự phát triển thị lực của mắt. Người bị nhược thị không thể lấy lại thị lực bình thường ngay cả khi đeo kính. Từ đó có thể thấy, việc khám mắt định kỳ cho trẻ là rất quan trọng.

Làm thế nào để phát hiện một đứa trẻ bị nhược thị? Nếu cha mẹ phát hiện con mình bị lác (thường gọi là mắt lé), hay lồi mắt thì phải nhờ bác sĩ kiểm tra có vấn đề về tật khúc xạ nào không.

Hiệp hội Trẻ em Hoa Kỳ khuyến cáo rằng nên bắt đầu kiểm tra thị lực khi trẻ bước vào tuổi lên 4. Đây cũng là bước kiểm tra rất quan trọng trước khi trẻ đến trường để xem tại sao trẻ bị cận thị. Nếu cha mẹ bị cận thị, thì có thể di truyền, điều này làm tăng khả năng cận thị ở trẻ.

Bốn cách để trẻ tránh bị cận nặng hơn

1. Tăng cường các hoạt động ngoài trời: Cho trẻ chơi ngoài trời ít nhất 40 phút mỗi ngày là có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị một cách hiệu quả.

2. Đeo kính áp tròng chỉnh hình giác mạc (còn được gọi là kính OK): Đây là loại kính áp tròng đặc biệt cho trẻ đeo vào ban đêm để thay đổi hình dạng bề mặt giác mạc và giảm tật khúc xạ, giúp trẻ có thể nhìn rõ vào ban ngày mà không cần đeo kính. Tất nhiên, tiền đề là đứa trẻ phải chấp nhận đeo kính áp tròng và giữ sạch sẽ để tránh nhiễm trùng mắt.

3. Dùng thuốc nhỏ mắt: Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng, cho trẻ nhỏ atropine hàng ngày ở nồng độ thấp (0.01%) có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị. Nhưng trước khi sử dụng, cần phải được bác sĩ nhãn khoa kiểm tra chi tiết và thảo luận về tác dụng phụ của thuốc.

4. Giảm sử dụng máy tính bảng: Nhìn vào máy tính bảng có thực sự khiến trẻ cận thị nặng hơn không? Mặc dù hiện tại không có dữ liệu nào cho thấy thời gian sử dụng màn hình quá nhiều sẽ trực tiếp khiến thị lực của trẻ kém đi, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng cường các hoạt động ngoài trời của trẻ có thể làm giảm tỷ lệ cận thị một cách hiệu quả. Nếu trẻ thường xuyên ở nhà xem màn hình điện tử và giảm bớt các hoạt động ngoài trời thì sẽ gián tiếp khiến độ cận thị càng ngày càng tăng.

Thông tin sơ lược về tác giả:

Bác sĩ Hoàng Ngạn Hồng (Grace Yen Hoong Ooi, MD) là giáo sư lâm sàng, bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Weill Cornell và Bệnh viện Lutheran Đại học New York, và là Giám đốc Phòng khám Nhi khoa Hạnh Phúc ở New York. Bà tốt nghiệp Trường Y Harvard và Đại học McGill ở Canada. Trang web Phòng khám Nhi khoa Hạnh phúc.

Lý Giai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn