4 loại thuốc phổ biến có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm

Nhiều người dân Mỹ có thể bị trầm cảm do tác dụng phụ từ việc thường xuyên dùng các loại thuốc kê toa.

Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khoảng 21 triệu người Mỹ, tương đương 8.4% dân số nước này. Một số loại thuốc thường được kê đơn cho các bệnh không liên quan, nhưng có thể có tác dụng phụ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm.

Tiến sĩ Timothy B. Sullivan, chủ tịch khoa tâm thần học và khoa học hành vi tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island ở New York, nói với The Epoch Times rằng có nhiều cơ chế để giải thích cho vấn đề này. “Tuy nhiên, bởi vì có khá nhiều loại thuốc, và mỗi loại có cơ chế tác dụng khác nhau khiến chúng ta khó có thể xác định được nguyên nhân cụ thể.”

Những người dùng benzodiazepine, corticosteroid, thuốc điều trị huyết áp, và một số loại kháng sinh đang có nguy cơ đặc biệt cao. Nghiên cứu cho thấy hầu hết những loại thuốc này tác động đến sự cân bằng các chất hóa học trong não, cũng như ảnh hưởng đến sản xuất và điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng.

Người Mỹ vô tình tiếp xúc với nguy cơ gây trầm cảm cao

Một nghiên cứu năm 2018 từ Đại học Illinois Chicago trên 26,000 người Mỹ trưởng thành, cho thấy 37.2% những người tham gia dùng ít nhất một loại thuốc kê toa có thể gây trầm cảm hoặc tăng nguy cơ tự tử.

Các nhà nghiên cứu đã xác định hơn 200 loại thuốc thường được kê đơn, bao gồm thuốc điều trị huyết áp và tim, thuốc kháng acid, và thuốc chống viêm, có thể gây các tác dụng phụ như trầm cảm hoặc tự tử.

Nghiên cứu phát hiện thấy những người trưởng thành dùng đồng thời từ ba loại thuốc này trở lên có 15% khả năng bị trầm cảm. Để so sánh, những người không dùng bất kỳ loại thuốc nào có khả năng bị trầm cảm là 5%, và người chỉ dùng một loại thuốc có 7% khả năng bị chứng trầm cảm.

Những rủi ro trên là đáng kể, vì các loại thuốc này thường không được kê đơn để điều trị trầm cảm, dẫn đến bác sĩ và bệnh nhân có thể thiếu nhận thức về mối nguy cơ.

Các thuốc benzodiazepine như valium và xanax

Benzodiazepine thường được dùng để điều trị chứng lo âu, mất ngủ, và động kinh. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và các rối loạn sức khỏe tinh thần khác thông qua biến đổi hàm lượng một chất dẫn truyền thần kinh ở não là gamma-aminobutyric acid (GABA), vốn giúp điều chỉnh tâm trạng.

Một bài tổng quan năm 2017 gồm 17 nghiên cứu, đã phát hiện mối liên quan nhất quán giữa các loại thuốc benzodiazepine và sự tăng nguy cơ tự tử. Các nguyên nhân có thể bao gồm tăng tính bốc đồng hoặc dễ gây hấn, tái phát các triệu chứng hoặc hội chứng cai nghiện, và độc tính do quá liều. Nguy cơ tự tử dường như cũng tùy thuộc vào liều lượng dùng thuốc.

Nếu bạn đang dùng benzodiazepine và gặp phải các triệu chứng trầm cảm, bạn cần hỏi ý kiến của người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Họ có thể đề nghị giảm liều dùng hoặc kê một loại thuốc khác không có tác dụng phụ trầm cảm.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng có thể kiểm soát hiệu quả chứng lo âu. Liệu pháp nhận thức-hành vi tập trung vào việc thay đổi các thói quen và suy nghĩ tiêu cực đã cho thấy hiệu quả mà không làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Các phương pháp điều trị khác như thiền định, chánh niệm, tập thể dục aerobic có thể giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng, hỗ trợ kiểm soát chứng lo âu và mất ngủ.

Các loại thuốc corticosteroid như Hydrocortisone và Prednisone

Corticosteroid là thuốc dùng điều trị chứng viêm và các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp.

Mặc dù có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh, các loại thuốc này cũng làm tăng nguy cơ bị trầm cảm do làm giảm mức serotonin, là một loại hormone đem lại “cảm giác dễ chịu” giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và cảm giác đau. Nguy cơ bị chứng trầm cảm đặc biệt cao khi dùng các loại thuốc corticosteroid ở liều cao.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) [cũng] có hiệu quả trong kiểm soát các bệnh lý cần dùng đến corticosteroid. NSAID thường được dùng để giảm đau, hạ sốt, và có hiệu quả giảm viêm mà không gây trầm cảm. NSAID thậm chí còn có thể dùng để cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, không nên dùng NSAID trong thời gian dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ trầm trọng khác.

Các loại thuốc điều trị huyết áp

Theo một bài tổng quan hệ thống về các nghiên cứu gồm 415,000 người tham gia, một số loại thuốc huyết áp bao gồm thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs), thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh calcium, có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Các cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng có giả thuyết rằng các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến những chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng.

Những lựa chọn thay thế không có tác dụng phụ gây trầm cảm bao gồm:

1.Thuốc lợi tiểu: Những loại thuốc này giúp loại bỏ sodium và chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể, giảm thể tích máu và huyết áp.

2.Thuốc ức chế men chuyển: Thuốc này giúp cơ thể giảm sản xuất angiotensin, một loại hormone làm co mạch máu và tăng huyết áp. Nghiên cứu cho thấy các chất ức chế men chuyển thậm chí còn có tác dụng bảo vệ chống trầm cảm, đặc biệt là ở người cao tuổi.

3.Thay đổi lối sống: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục và bỏ thuốc lá có thể góp phần duy trì mức huyết áp khỏe mạnh.

Thuốc kháng sinh

Một nghiên cứu gần đây đối với trẻ em và thanh niên đã phát hiện mối liên quan giữa việc dùng thuốc kháng sinh phổ rộng để điều trị nhiễm trùng và sự gia tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm, đặc biệt là ở nam giới. Một nghiên cứu khác cho thấy kết quả này có thể là do ảnh hưởng của một số loại kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột.

Ông Sullivan cho biết, “Một lượng lớn nghiên cứu trong hơn một thập niên vừa qua đã cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng và hành vi.”

Những thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột có liên quan đến các bệnh lý tâm thần. Mặc dù probiotics và prebiotics được chứng minh là một giải pháp tiềm năng, nhưng hiện tại chưa có phương pháp tiếp cận phù hợp nào để kiểm soát hiệu quả hệ vi khuẩn đường ruột. Ông Sullivan nhấn mạnh một mục tiêu được khuyến nghị là quản lý dinh dưỡng nhằm thúc đẩy hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.

Ông lưu ý: “Tuy nhiên, chúng tôi không có khuyến nghị cụ thể và tin cậy nào để giảm nguy cơ trầm cảm. Ăn ít thịt đỏ, nhiều trái cây và chất xơ, chẳng hạn như cách ăn Địa Trung Hải, có thể giúp làm giảm nguy cơ.”

Điều quan trọng cần lưu ý là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường kê đơn thuốc kháng sinh khi họ tin rằng cần dùng thuốc này để điều trị nhiễm trùng, và bạn nên thảo luận với bác sĩ về bất kỳ mối lo ngại nào của mình.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn