Các vấn đề về trí nhớ trong hội chứng COVID kéo dài

Một số nghiên cứu mới cho thấy rằng các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung xảy ra ở 7/10 bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài.

Các nhà nghiên cứu ở Anh cho biết, kết quả nghiên cứu gợi ý rằng COVID-19 có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe não bộ, kể cả khi có chế bệnh sinh chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Trưởng nhóm nghiên cứu Lucy Cheke đã giải thích rằng: “Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu xem liệu một số vấn đề của hội chứng COVID-19 kéo dài như viêm nhiễm và đông máu bất thường có ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và đưa ra quyết định hay không.”

Cheke, phó giáo sư khoa Tâm lý học của Đại học Cambridge nói thêm rằng: “Chúng tôi hướng đến điều này dựa trên nghiên cứu trước đó. Tình trạng viêm quá mức và hình thành nhiều cục máu đông trong máu có thể ảnh hưởng đến não bộ. [Và] phát hiện chính của chúng tôi là những người tiếp tục phải chịu đựng nhiều triệu chứng do hội chứng COVID kéo dài đã bị giảm khả năng ghi nhớ ở một mức độ nhất định.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng khoảng 10% – 25% tất cả bệnh nhân nhiễm COVID được cho là có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.

Trong số báo ngày 17/03 trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience, Cheke và cộng sự đã thảo luận về nghiên cứu theo dõi các bệnh nhân nhiễm biến thể virus corona Alpha (biến thể xuất hiện đầu tiên) của họ.

Tất cả những bệnh nhân có hội chứng COVID kéo dài đầu tiên đều đăng ký tham gia nghiên cứu vào giữa tháng 10/2020 và tháng 03/2021, trong giai đoạn biến thể Alpha vẫn đang lưu hành. Không có bệnh nhân nào bị nhiễm các biến thể Delta hay Omicron (các biến thể sau này của virus corona).

Hầu hết các bệnh nhân đều bị nhiễm ít nhất nửa năm trước khi đăng ký tham gia nghiên cứu, và chỉ có một số ít bệnh nhân có triệu chứng nặng phải nhập viện.

Các triệu chứng của bệnh nhân được theo dõi trung bình trong khoảng 1.5 năm.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng 78% bệnh nhân gặp phải vấn đề khó tập trung, trong khi 69% gặp hội chứng “sương mù não.” Khoảng 68% bệnh nhân cho biết họ mắc chứng hay quên và 60% gặp khó khăn trong việc xác định từ ngữ khi nói.

Khi so sánh với đàn ông và phụ nữ chưa bao giờ nhiễm COVID, những người mắc các vấn đề sức khỏe do hội chứng COVID kéo dài có điểm số thấp hơn trong các bài kiểm tra tư duy đánh giá khả năng ghi nhớ từ, hình ảnh và/hoặc đưa ra quyết định.

Nghiên cứu cho thấy nếu các triệu chứng ở những bệnh nhân có hội chứng COVID kéo dài càng tệ, thì khả năng người đó thực hiện các bài kiểm tra càng tệ hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng quan sát thấy rằng những bệnh nhân có hội chứng COVID kéo dài với một số triệu chứng nhất định trong giai đoạn sớm khi nhiễm lần đầu thường dễ phát sinh các vấn đề về tư duy kinh niên. Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, chóng mặt và/hoặc đau đầu.

Lyn Curtis, thành viên trong nhóm nghiên cứu của Cheke, đã trải nghiệm điều này với tư cách là một bệnh nhân.

“Cả đời tôi luôn khỏe mạnh và năng động, nhưng sau khi nhiễm COVID-19 trong đợt đầu tiên, con trai tôi (khi đó 13 tuổi) và tôi dường như đã không thể hồi phục,” cô nói trong một bản tin của Cambridge. “Chúng tôi bị hậu di chứng mệt mỏi suy nhược, một số triệu chứng lạ và những triệu chứng khác làm đảo lộn cuộc sống. Tôi cũng gặp các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng, bao gồm vấn đề về ngôn ngữ và lời nói, gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của tôi.”

Curtis cho rằng các triệu chứng trên “ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc” nên những nghiên cứu như thế là “cần thiết” để giải quyết tốt hơn những vấn đề thực sự đang diễn ra và phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả.

Tiến sĩ Colin Franz là một bác sĩ, nhà khoa học tại Shirley Ryan AbilityLab ở Chicago. Ông đồng ý rằng nghiên cứu trên chưa xác định rõ nguyên nhân của các vấn đề về tư duy này.

Franz, người không tham gia nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi không biết chắc chắn nguyên nhân nào gây ra các vấn đề về chức năng não bộ và sức khỏe do hội chứng COVID kéo dài.”

Ông nói: “Các lý do có thể khác nhau ở mỗi người. Ví dụ, có người có thể bị mất ngủ hoặc khó thở dẫn đến mệt mỏi kinh niên và ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe và chức năng của não bộ. Trong khi những người khác có thể bị viêm dai dẳng trong cơ thể.”

Tuy nhiên, Franz nói rằng những bệnh nhân có hội chứng COVID kéo dài nên giữ tinh thần “lạc quan.”

Ông khuyên: “Hãy tìm một phòng khám hậu COVID toàn diện ở địa phương, nơi có thể kết nối bạn với nhiều bác sĩ có thể giúp giải quyết tất cả các tình trạng suy giảm kéo dài do COVID theo cách tổng thể hơn. Ví dụ, một vài người cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch hoặc hô hấp để điều trị hô hấp, một số khác cần bác sĩ chuyên khoa thấp khớp hoặc phục hồi chức năng để điều trị cơn đau khớp.”

Franz nói: “Hầu hết bệnh nhân của chúng tôi đều cho thấy sự cải thiện nhờ cách tiếp cận theo cấu trúc, nhưng những cải thiện này diễn ra dần dần. Và bạn cũng không cần phải vật lộn với những triệu chứng này một mình.”

Bài viết này được đăng lần đầu trên trang HealthDay.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn