Hướng dẫn cơ bản về bệnh Alzheimer: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, và giải pháp tự nhiên

Bệnh Alzheimer là một rối loạn tiến triển của não, ảnh hưởng đến khoảng 6.5 triệu người từ 65 tuổi trở lên. Căn bệnh này khiến não bị teo lại và làm tế bào não chết dần. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến suy giảm dần dần các kỹ năng như tư duy, trí nhớ, xã hội và hành vi. Bài viết này cung cấp những thông tin cơ bản về triệu chứng, nguyên nhân, các phương pháp điều trị và giải pháp tự nhiên của bệnh Alzheimer.

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ bảy ở Hoa Kỳ.

Các dạng Alzheimer phổ biến là gì?

Bệnh Alzheimer được phân thành hai loại:

Khởi phát sớm

Bệnh Alzheimer khởi phát sớm, còn được gọi là bệnh Alzheimer khởi phát lúc trẻ, trong độ tuổi từ 30 đến giữa 60. Loại này chiếm khoảng 5 đến 6% dân số bị Alzheimer.

Người ta không hiểu đầy đủ tại sao một số người bị bệnh sớm trong khi những người khác thì không. Với hầu hết những người bị bệnh Alzheimer khởi phát sớm, nguyên nhân thường không liên quan đến bất kỳ đột biến gene nào.

Bệnh Alzheimer khởi phát sớm có thể do đột biến tại một trong ba gene, APP, PSEN1 hoặc PSEN2, và đột biến này có thể được truyền cho các thành viên khác trong gia đình. Kết hợp lại, những gene này xuất hiện ở dưới 1% tổng số người bị Alzheimer và khoảng 11% những người được chẩn đoán dạng khởi phát sớm. Vì vậy, nếu cha mẹ hoặc ông bà của bạn bị bệnh Alzheimer khởi phát sớm, thì một trong ba đột biến gene này có thể liên quan.

Khởi phát muộn

Dạng phổ biến nhất của Alzheimer là bệnh Alzheimer khởi phát muộn. Bệnh xuất hiện ở những người trong độ tuổi giữa 60 và chiếm 90 đến 95% các trường hợp bị Alzheimer.

Gene apolipoprotein E (APOE) nằm trên nhiễm sắc thể 19 thường liên quan đến Alzheimer khởi phát muộn. Nếu mang gene này, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị bệnh, nhưng bạn sẽ có nguy cơ cao hơn so với người bình thường.

APOE có ba loại: APOE2, APOE3 và APOE4. APOE4 là loại làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và bệnh có thể khởi phát sớm hơn một chút. Một người có thể bị ảnh hưởng bởi tối đa hai loại gene APOE4. Bạn càng có nhiều gene APOE4, nguy cơ bị bệnh sẽ càng tăng.

Trong khi gene APOE4 ảnh hưởng đến nguy cơ bị bệnh Alzheimer, một số yếu tố khác tương tác với di truyền học gây khó khăn cho việc xác định một nguyên nhân cụ thể của bệnh.

Một số gene có thể liên quan đến sự phát triển của bệnh Alzheimer khởi phát muộn, nhưng cần được nghiên cứu thêm.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ nặng dần theo thời gian và cuối cùng trở nên trầm trọng. Những người bị bệnh Alzheimer khởi phát sớm có thể nhận thấy khó nhớ các cuộc trò chuyện hoặc sự kiện gần đây, nhưng người khác thường không nhận thấy sự thay đổi tinh tế này. Khi các triệu chứng tiến triển, bạn bè và thành viên trong gia đình có thể nhận thấy sự biến đổi.

Những thay đổi của bộ não liên quan đến bệnh có thể ảnh hưởng đến:

  • Trí nhớ
  • Khả năng suy nghĩ
  • Ra quyết định
  • Khả năng hoàn thành nhiệm vụ
  • Thay đổi hành vi và tính cách
  • Kỹ năng

Trí nhớ

Khi tình trạng mất trí nhớ của bệnh Alzheimer trở nên tệ hơn, các khả năng hoạt động khác của bệnh nhân cũng vậy.

Những người bị bệnh Alzheimer có thể quên các cuộc hẹn, sự kiện hoặc cuộc trò chuyện. Họ có thể lặp lại câu hỏi hay câu nói, đặt nhầm đồ vật hay đặt chúng ở những vị trí bất thường.

Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân Alzheimer có thể đi lạc dù ở những nơi quen thuộc. Họ có thể gặp khó khăn trong việc lựa chọn những từ tốt nhất để diễn đạt suy nghĩ hoặc trò chuyện, cuối cùng có thể quên tên của bạn bè, thành viên gia đình và vật dụng hàng ngày.

Khả năng suy nghĩ

Bệnh Alzheimer gây khó suy nghĩ và tập trung. Các khái niệm trừu tượng, chẳng hạn như con số, là thách thức với bệnh nhân trong việc định hướng.

Các công việc hàng ngày như thanh toán hóa đơn đúng hạn, quản lý tài chính, và thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ là những thách thức vô cùng lớn với bệnh nhân.

Cuối cùng, một người bị bệnh Alzheimer có thể không quản lý được hoặc thậm chí không thể nhận ra các con số.

Ra quyết định

Bệnh nhân Alzheimer bị suy giảm khả năng đưa ra quyết định hợp lý liên quan đến các tình huống và hoàn cảnh hàng ngày.

Họ thường đưa ra quyết định sai lầm khi chọn quần áo phù hợp với thời tiết hoặc đưa ra lựa chọn không phù hợp với môi trường xã hội.

Ứng phó với những thách thức hàng ngày có thể ngày càng khó khăn hơn. Ví dụ, một người có thể không đưa ra được lựa chọn sáng suốt khi lái xe hoặc không biết cách phản ứng với thức ăn cháy trên bếp.

Lập kế hoạch và hoàn thành nhiệm vụ

Khi bệnh tiến triển, các hoạt động thường ngày như chuẩn bị đi làm hoặc làm theo công thức nấu ăn cũng trở nên khó khăn. Theo thời gian, bệnh nhân Alzheimer thể tiến triển sẽ quên cách thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như đánh răng hoặc mặc quần áo.

Thay đổi hành vi và tính cách

Những thay đổi ở não liên quan đến Alzheimer có thể ảnh hưởng đến hành vi và tâm trạng của bệnh nhân. Theo bệnh viện Mayo Clinic, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Tâm trạng thất thường
  • Trầm cảm
  • Xa lánh xã hội
  • Mất hứng thú với các hoạt động
  • Đi lang thang
  • Mất khả năng kiềm chế
  • Ảo tưởng, chẳng hạn như tin rằng họ đã bị cướp
  • Tức giận và hung hăng
  • Không tin tưởng vào người khác
  • Thay đổi về giấc ngủ

Kỹ năng

Mặc dù bệnh Alzheimer gây ra những thay đổi đáng kể về kỹ năng và trí nhớ, nhưng bệnh nhân vẫn có thể giữ lại một số kỹ năng ngay cả khi triệu chứng trở nên tệ hơn. Điều này là do các kỹ năng được kiểm soát bởi phần não bị ảnh hưởng sau này trong quá trình bệnh.

Các kỹ năng được bảo tồn bao gồm đọc, viết, hát, biểu diễn, làm nghệ thuật và may vá.

Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer

Nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer không hoàn toàn được hiểu rõ. Người ta cho rằng các protein trong não hoạt động bất thường đã làm gián đoạn chức năng của tế bào tế bào thần kinh. Điều này bắt đầu một loạt các sự kiện phá hủy tế bào thần kinh, khiến chúng mất kết nối với nhau và cuối cùng là tử vong.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng với hầu hết mọi người, bệnh Alzheimer là do sự kết hợp của các yếu tố như lối sống, di truyền, và môi trường ảnh hưởng dần dần đến não. Tuy nhiên, yếu tố di truyền – gần như chắc chắn gây ra bệnh – chiếm ít hơn 1% các trường hợp bị Alzheimer.

Bệnh Alzheimer bắt đầu xảy ra trong nhiều năm trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Tổn thương thường bắt nguồn từ phần não kiểm soát trí nhớ. Việc mất tế bào thần kinh bắt đầu ảnh hưởng đến vùng não khác theo một mô hình khá dễ đoán và khi đến giai đoạn cuối cùng, khối lượng não đã giảm đi rất nhiều.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng khám phá vai trò của hai loại protein trong sự phát triển của Alzheimer:

  • Các mảng: Beta-amyloid là một phần của protein lớn hơn. Khi kết hợp với nhau, những mảnh protein này sẽ trở nên độc hại và làm gián đoạn sự giao tiếp của neuron. Các cụm tạo thành chất cặn lớn hơn được gọi là mảng amyloid, chứa các mảnh vụn tế bào khác.
  • Đám rối: Protein tau giúp não vận chuyển dưỡng chất và các chất cần thiết khác. Trong bệnh Alzheimer, hình dạng của protein tau thay đổi và tích tụ trong cấu trúc bất thường gọi là đám rối sợi thần kinh. Các đám rối này làm rối loạn hệ thống vận chuyển và phá hủy tế bào.
Hướng dẫn cơ bản về bệnh Alzheimer: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, và giải pháp tự nhiên
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ bảy ở Hoa Kỳ. (Ảnh: The Epoch Times)

Các giai đoạn của bệnh Alzheimer

Khi Alzheimer tiến triển, cuối cùng bệnh sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các vùng não và làm suy yếu khả năng ngôn ngữ, phán đoán, khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ, suy nghĩ và cử động.

Theo Bệnh viện Mayo, bệnh Alzeimer được đặc trưng bởi năm giai đoạn.

Tiền lâm sàng

Bệnh Alzheimer giai đoạn tiền lâm sàng là giai đoạn khởi phát của bệnh nhưng kéo dài rất lâu trước khi triệu chứng xuất hiện. Giai đoạn này thường được xác định trong nghiên cứu khi bệnh nhân không gặp phải hoặc không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.

Giai đoạn tiền lâm sàng có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm. Ngay cả khi bệnh nhân không gặp phải triệu chứng hay sự thay đổi, kỹ thuật công nghệ có thể xác định sự tích tụ protein beta-amyloid, một dấu hiệu của bệnh. Việc xác định sớm sự lắng đọng này có thể rất quan trọng trong thử nghiệm lâm sàng trong tương lai khi những phương pháp điều trị mới cho bệnh phát triển.

Suy giảm chức năng nhận thức nhẹ (MCI)

Những người bị suy giảm nhận thức nhẹ trải qua những thay đổi về khả năng tư duy và trí nhớ. Ở giai đoạn này, việc thay đổi chưa bắt đầu ảnh hưởng đến các mối quan hệ và công việc. Những người bị ảnh hưởng có thể nhận thấy những khoảng trống trong trí nhớ, chẳng hạn như quên mất các sự kiện hoặc cuộc trò chuyện gần đây.

Những người bị MCI cũng có thể gặp khó khăn trong việc xác định cần bao nhiêu bước để hoàn thành một nhiệm vụ hoặc đánh giá nhiệm vụ sẽ mất bao lâu. Khả năng đưa ra quyết định rõ ràng cũng trở nên khó khăn trong giai đoạn này.

Sa sút trí tuệ mức độ nhẹ

Chứng sa sút trí tuệ mức độ nhẹ do bệnh Alzheimer thường là giai đoạn mà hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán. Trong giai đoạn này, gia đình, bạn bè, và bác sĩ hoàn toàn nhận ra rằng người bệnh đang phải vật lộn với các vấn đề về suy nghĩ, trí nhớ và việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Ở giai đoạn này, người bệnh có thể gặp phải:

  • Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, thực hiện nhiệm vụ phức tạp, và phán đoán đúng đắn.
  • Thay đổi tính cách và hành vi như tức giận, khó chịu, thiếu động lực hoặc cảm thấy lãnh đạm thờ ơ.
  • Mất trí nhớ.
  • Bị mất hoặc thất lạc đồ đạc.
  • Khó tổ chức và bày tỏ suy nghĩ.

Sa sút trí tuệ mức độ trung bình

Bệnh nhân sa sút trí tuệ mức độ trung bình thường dễ quên và nhầm lẫn hơn. Do đó, họ cần được trợ giúp trong việc chăm sóc bản thân và hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo và tắm rửa.

Những người bị chứng sa sút trí tuệ mức độ trung bình có thể:

  • Phán đoán kém: Bệnh nhân có thể không nhận biết được ngày, tháng hoặc nơi sinh sống. Họ có thể nhầm người lạ với gia đình hoặc lẫn lộn các thành viên trong gia đình.
  • Cần sự trợ giúp trong công việc hàng ngày: Bệnh nhân có thể cần giúp đỡ trong việc chải chuốt, chọn quần áo phù hợp, dùng nhà tắm, v.v. Ở giai đoạn này, đôi khi họ có thể mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.
  • Trải qua những thay đổi đáng kể về tính cách và hành vi: Một số bệnh nhân có thể bộc phát sự hung hăng hoặc bồn chồn, thường là vào cuối ngày. Họ cũng trở nên hoang tưởng hoặc nghi ngờ.
  • Đi lang thang: Người bệnh có thể bắt đầu đi lang thang để tìm kiếm những nơi quen thuộc. Xu hướng này khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm khi ở một mình.
  • Mất trí nhớ nhiều hơn: Bệnh nhân sa sút trí tuệ mức độ trung bình có thể quên số điện thoại, địa chỉ hoặc nơi họ lớn lên. Họ có thể lặp lại những câu chuyện hoặc tự tạo ra câu chuyện để lấp đầy khoảng trống trong trí nhớ.

Sa sút trí tuệ mức độ nặng

Trong giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, chức năng tâm thần tiếp tục suy giảm và khả năng thể chất bắt đầu bị tổn hại.

Trong sa sút trí tuệ mức độ nặng, người bệnh có thể:

  • Suy giảm sức khỏe thể chất: Ở giai đoạn này, bệnh nhân không thể đi lại, ngồi hoặc ngẩng đầu mà không có sự trợ giúp. Cơ bắp trở nên cứng nhắc và phản xạ bị bất thường. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ mất kiểm soát nhu động bàng quang và ruột.
  • Cần trợ giúp chăm sóc cá nhân hàng ngày: Người bệnh sẽ cần trợ giúp trong việc đi vệ sinh, ăn uống, mặc quần áo, và tất cả các hoạt động chăm sóc bản thân khác.
  • Mất khả năng giao tiếp logic: Trong giai đoạn này, người bệnh thỉnh thoảng có thể nói rõ các cụm từ hoặc từ, nhưng không còn nói được một cách logic.

Ai có nhiều khả năng bị bệnh Alzheimer?

Cứ 10 người từ 65 tuổi trở lên thì có một người bị bệnh Alzheimer. Tiền sử gia đình, tuổi tác, di truyền, nhiễm trùng, tiếp xúc với hóa chất và các yếu tố khác đóng một vai trò trong việc phát triển bệnh Alzheimer.

Di truyền học và tiền sử gia đình

Những người có cha mẹ hoặc anh chị em được chẩn đoán bị bệnh Alzheimer có nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Như đã đề cập trước đó, gene APOE4 làm tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, trong khi khoảng 25 đến 30% dân số mang allele APOE4, không phải ai cũng phát triển bệnh.

Giới tính

Theo Trường Y Harvard, phụ nữ có nhiều khả năng bị Alzheimer hơn so với nam giới. Lý do chính là do phụ nữ thường sống lâu hơn. Theo bảng tuổi thọ bảo hiểm, có khả năng một bé gái sinh năm 2019 sẽ sống lâu hơn 5 năm so với một bé trai sinh cùng năm: 81 tuổi so với 76 tuổi.

Sự ô nhiễm

Các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer. Theo bệnh viện Mayo, ô nhiễm không khí, chẳng hạn như khói từ việc đốt gỗ và khí thải giao thông, làm tăng đáng kể nguy cơ.

Tuổi

Tuổi già là yếu tố nguy cơ chính của bệnh Alzheimer. Mặc dù căn bệnh này không phải là một phần của quá trình lão hóa điển hình, nhưng khả năng mắc bệnh sẽ tăng lên khi bạn già đi.

Theo Trường Y Harvard, số người bị bệnh Alzheimer mỗi năm là:

  • 4 trên 1,000 người từ 65 đến 74 tuổi
  • 32 trên 1,000 người từ 75 đến 84 tuổi
  • 76 trên 1,000 người từ 85 tuổi trở lên

Chấn thương vùng đầu

Có bằng chứng cho thấy chấn thương sọ não (TBI) có thể dẫn đến tăng nguy cơ bị chứng sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer. Nguy cơ gia tăng ở những người đã trải qua nhiều đợt chấn thương sọ não hoặc chấn thương mức độ nặng.

Hội chứng Down

Bệnh Alzheimer phổ biến ở những người bị hội chứng Down. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng điều này có thể liên quan đến việc có ba bản sao của nhiễm sắc thể 21.

Nhiễm sắc thể 21 là một gene cần thiết cho quá trình sản xuất protein dẫn đến việc tạo ra beta-amyloid. Sự lắng đọng beta-amyloid có thể tạo thành các mảng gây tổn thương mô não. Các triệu chứng thường xuất hiện sớm hơn từ 10 đến 20 năm ở những người bị hội chứng Down so với dân số nói chung.

Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ

Những người bị MCI có nguy cơ bị chứng sa sút trí tuệ cao hơn. Nếu MCI chủ yếu ảnh hưởng đến trí nhớ, thì nhiều khả năng tình trạng này sẽ tiến triển thành bệnh Alzheimer hoặc chứng sa sút trí tuệ. Nếu bạn được chẩn đoán MCI, hãy lên lịch hẹn khám định kỳ với bác sĩ để theo dõi các triệu chứng và tiến triển.

Uống nhiều rượu

Tiêu thụ quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến chức năng não. Các nghiên cứu cho thấy rằng việc uống nhiều rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị chứng sa sút trí tuệ, đặc biệt là chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm.

Giấc ngủ kém lành mạnh

Các nghiên cứu cho thấy những người có chất lượng ngủ kém, chẳng hạn như khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ, có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer.

Sức khỏe tim và lối sống

Nghiên cứu cho thấy các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim cũng có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, liệu những yếu tố này có làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ bằng cách làm trầm trọng thêm những thay đổi trong não của bệnh Alzheimer hoặc dẫn đến những thay đổi về mạch máu hay không vẫn chưa được biết đến. Những yếu tố nguy cơ của bệnh tim gồm:

  • Cao huyết áp
  • Bệnh tiểu đường loại 2 kiểm soát kém
  • Tập thể dục ít
  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động
  • Cholesterol cao

Đây là tất cả những yếu tố có thể thay đổi được và có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.

Tương tác xã hội

Tham gia vào các hoạt động và giao tiếp xã hội làm khơi dậy trí óc và có thể giúp giảm nguy cơ bị Alzheimer. Giáo dục dường như cũng cung cấp một tác động tương tự. Trình độ học vấn thấp hơn trung học phổ thông thường có liên quan đến nguy cơ bị bệnh Alzheimer.

Các xét nghiệm để phát hiện bệnh Alzheimer là gì?

Một yếu tố quan trọng trong chẩn đoán bệnh Alzheimer là xác định các triệu chứng của bệnh nhân. Phản hồi từ bạn bè và các thành viên trong gia đình về các triệu chứng của bệnh nhân và những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày giúp nhà cung cấp dịch vụ y tế đưa ra các quyết định sáng suốt.

Các xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu có thể giúp loại trừ các chẩn đoán có khả năng khác, hoặc có thể trợ giúp nhà cung cấp trong việc xác định các dấu chứng sa sút trí tuệ.

Chẩn đoán bệnh Alzheimer thường bao gồm kiểm tra thể chất và thần kinh, và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Kiểm tra thể chất và thần kinh

Bác sĩ sẽ bắt đầu sàng lọc bệnh Alzheimer bằng cách tiến hành bài kiểm tra thể chất thần kinh để đánh giá các yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Trương lực cơ và sức mạnh cơ.
  • Khả năng đứng lên khỏi ghế và đi ngang qua phòng hay không.
  • Thị giác và thính giác.

Đánh giá tâm thần kinh

Bác sĩ có thể thực hiện một bài kiểm tra trạng thái tinh thần ngắn gọn để đánh giá các kỹ năng tư duy và trí nhớ. Các hình thức mở rộng của bài kiểm tra này có thể cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về chức năng nhận thức có thể đo được ở những người có trình độ học vấn và độ tuổi tương tự.

Những bài kiểm tra này có thể giúp thiết lập một chẩn đoán và dùng làm cơ sở để theo dõi các triệu chứng trong tương lai.

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm

Các xét nghiệm máu có thể xác định liệu các yếu tố khác có thể gây lú lẫn và suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như mức vitamin thấp hoặc rối loạn tuyến giáp có phải là nguyên nhân gây bệnh. Phân tích huyết học cũng có thể được dùng để đo nồng độ beta-amyloid và protein tau. Tuy nhiên, những xét nghiệm này thường không có sẵn và có thể không được bảo hiểm chi trả.

Chụp hình ảnh não

Hình ảnh não có thể xác định những thay đổi có thể nhìn thấy được liên quan đến bệnh Alzheimer và các tình trạng có thể gây ra các triệu chứng tương tự khác như khối u, chấn thương, hoặc đột quỵ.

Các kỹ thuật mới hơn có thể giúp xác định những thay đổi cụ thể trong não do Alzheimer gây ra, nhưng những kỹ thuật này thường được dùng chủ yếu trong các thử nghiệm lâm sàng hoặc các trung tâm y tế lớn.

Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Công nghệ X-quang chuyên dụng này tạo ra các hình ảnh cắt ngang của não, thường được dùng để loại trừ các chấn thương đầu, đột quỵ, và khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Công nghệ này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để chụp hình ảnh não, có thể cho thấy sự teo nhỏ của một số vùng não liên quan đến bệnh Alzheimer và loại trừ các tình trạng khác. Chụp MRI thường được ưu tiên dùng trong đánh giá Alzheimer hơn so với chụp CT.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Chụp PET ghi lại những hình ảnh trong quá trình bị bệnh. Một chất đánh dấu phóng xạ được chích vào máu để hiển thị một đặc điểm cụ thể trong não.

Chụp PET có thể bao gồm:

  • Fluorodeoxyglucose (FDG) PET: Hình ảnh cho thấy vị trí các chất dinh dưỡng chuyển hóa kém trong não. Việc xác định đặc điểm tổn thương ở những vùng não này có thể giúp phân biệt bệnh Alzheimer với các dạng sa sút trí tuệ khác.
  • Amyloid PET: Loại chụp PET này đo lượng amyloid lắng đọng trong não. Mặc dù chủ yếu được dùng trong nghiên cứu, nhưng cũng có thể dùng amyloid PET để kiểm tra các triệu chứng bất thường hoặc khởi phát sớm.
  • Tau PET: Chủ yếu được dùng trong nghiên cứu, giúp đo lường các đám rối trong não.

Các xét nghiệm bổ sung đôi khi có thể được xem xét để đo lường amyloid và protein tau trong dịch não tủy. Những xét nghiệm này sẽ được chỉ định nếu các triệu chứng tiến triển nặng nhanh hơn bình thường hoặc nếu bệnh nhân trẻ hơn độ tuổi thông thường.

Các biến chứng của bệnh Alzheimer là gì?

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh Alzheimer khiến những người bị bệnh khó kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác.

Theo bệnh viện Mayo, một người bị Alzheimer không thể:

  • Tuân theo một kế hoạch điều trị.
  • Giải thích các triệu chứng của căn bệnh khác.
  • Nói với người khác nếu bị đau.
  • Giải thích các tác dụng phụ của thuốc.

Khi bệnh Alzheimer tiến triển, những thay đổi trong não có thể dẫn đến các bệnh lý khác, như:

  • Cúm, viêm phổi, đường tiết niệu và các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Khó nuốt và hít phải thức ăn hoặc chất lỏng.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Té ngã và gãy xương.
  • Dinh dưỡng kém hoặc mất nước.
  • Các vấn đề về răng như sâu răng hoặc loét miệng.

Phương pháp điều trị bệnh Alzheimer là gì?

Hiện tại, chưa có một phác đồ điều trị nào chữa được Alzheimer, nhưng Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã chấp thuận một số loại thuốc mới để giúp kiểm soát các triệu chứng và quá trình tiến triển của bệnh. Phần lớn các loại thuốc được chấp thuận đều có hiệu quả nhất đối với những người đang ở giai đoạn đầu hoặc giữa của căn bệnh.

Điều trị bệnh Alzheimer nhẹ đến trung bình

Điều trị các triệu chứng nhẹ đến trung bình của bệnh Alzheimer có thể đem lại cho bệnh nhân sự tự tôn, thoải mái, và độc lập trong thời gian dài hơn.

Các chất ức chế cholinesterase cải thiện sự truyền đạt thông tin giữa các tế bào. Những thuốc này thường được sử dụng đầu tiên trong việc điều trị, giúp bảo tồn một chất hóa học trong não bị suy giảm ở bệnh nhân Alzheimer. Do đó, thông thường bệnh nhân sẽ thấy triệu chứng được cải thiện một chút.

Các thuốc sau đây là các chất ức chế cholinesterase có thể làm giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng về hành vi và nhận thức:

  • Galantamine
  • Rivastigmine
  • Donepezil

Lecanemab và aducanumab là các liệu pháp miễn dịch đã được FDA chấp thuận nhanh chóng để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Những loại thuốc này nhắm đến protein beta-amyloid để làm giảm các mảng amyloid trong não. Ở những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ, nghiên cứu chứng minh rằng lecanemab làm chậm tốc độ suy giảm trong 18 tháng và giảm mức protein amyloid trong não.

Các nghiên cứu được thực hiện trên aducanumab cũng chứng minh hiệu quả của thuốc này trong việc giảm protein amyloid ở não, nhưng vẫn còn nghi ngờ về khả năng làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức của thuốc. Nghiên cứu sâu hơn đang được tiến hành để kiểm tra khả năng làm chậm sự suy giảm nhận thức của hai loại thuốc này.

Điều trị bệnh Alzheimer trung bình đến nặng

Bệnh nhân có chẩn đoán bị Alzheimer mức độ trung bình đến nặng được điều trị bằng chất đối kháng với N-methyl-D aspartate (NMDA) gọi là memantine.

Thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng, giúp bệnh nhân có thể duy trì một số chức năng hàng ngày như tự mình tắm rửa trong thời gian dài hơn so với khi không điều trị bằng thuốc.

Memantine được cho là hoạt động bằng cách điều chỉnh một chất hóa học thiết yếu trong não gọi là glutamate, là chất có thể dẫn đến chết tế bào não nếu nồng độ quá dư thừa.

Các chất đối kháng NMDA hoạt động theo cơ chế khác hẳn với các chất ức chế cholinesterase, vì vậy hai loại thuốc này có thể được kê toa cùng lúc.

Lối suy nghĩ ảnh hưởng đến bệnh Alzheimer như thế nào?

Khoa học đã chứng minh một tư duy tích cực có liên quan đến kết cục sức khỏe tốt hơn. Những người có thể duy trì trạng thái tích cực sau một biến cố trong cuộc sống dường như có sức khỏe tốt hơn và giảm khả năng bị sa sút trí tuệ.

Một nghiên cứu được đăng trên tập san Psychological Science đã báo cáo rằng những người có thái độ tích cực thường ít bị mất trí nhớ theo tuổi tác. Những người tham gia nghiên cứu đã báo cáo những cảm xúc tích cực mà họ trải nghiệm trong hơn 1 tháng. Trong các buổi đánh giá cuối cùng, những người tham gia đã hoàn thành các bài kiểm tra trí nhớ và hiệu suất. Các bài kiểm tra liên quan đến nhớ lại các từ ngay sau phần trình chiếu và sau đó lặp lại sau 15 phút.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu mối liên quan giữa cảm xúc tích cực và suy giảm trí nhớ trong khi xem xét giới tính, tuổi, trầm cảm, trình độ học vấn, cảm xúc tiêu cực, và hướng ngoại. Các kết quả của họ cho thấy trí nhớ bị suy giảm theo tuổi tác, nhưng những người sống tích cực hơn sẽ ít bị suy giảm trí nhớ hơn trong 10 năm.

Áp dụng những thay đổi lối sống giúp ích cho sức khỏe bộ não và duy trì hoạt động nhận thức và xã hội có thể giúp củng cố lối suy nghĩ tốt hơn và cải thiện tâm trạng, cũng như đem lại các lợi ích ngắn hạn và dài hạn cho bộ não.

Các giải pháp tự nhiên cho bệnh Alzheimer là gì?

Một số thực phẩm và chất bổ sung đã được chứng minh là có lợi ích trong việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh Alzheimer.

Cách ăn uống

Các thực phẩm tăng cường bộ não giúp ích cho trí nhớ, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây, rau, cá, và chất béo lành mạnh, có thể giúp cải thiện chức năng bộ nhớ. Bệnh viện Mayo khuyến nghị các loại thực phẩm sau đây để tối ưu hóa chức năng bộ nhớ.

Ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu

Các loại carbohydrate phức tạp như lúa mì lứt, đậu gà, hạt couscous và đậu lăng là những thực phẩm tốt cho não vì chúng cung cấp một nguồn glucose chậm và bền vững. Các tế bào thần kinh cần glucose từ carbohydrate để hoạt động bình thường. Các loại ngũ cốc nguyên hạt và đậu cần nhiều thời gian hơn để chuyển hóa và giàu folate (vitamin B9), giúp cải thiện trí nhớ.

Trái cây

Dưa hấu chứa nhiều lycopene, là chất chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, dưa hấu còn là một nguồn nước tinh khiết tuyệt vời, có giá trị đối với sức khỏe bộ não. Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể làm giảm sự minh mẫn và suy giảm trí nhớ.

Nho có rất nhiều hợp chất nâng cao trí nhớ – resveratrol. Nho concord chứa polyphenol, một chất chống oxy hóa đặc biệt có ích cho bộ não.

Các loại quả mọng, đặc biệt là việt quất, có nhiều chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ bộ não khỏi tổn thương oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa sớm và suy giảm trí nhớ.

Quả bơ rất giàu chất béo không bão hòa đơn. Khi tiêu thụ với lượng vừa phải thay cho chất béo bão hòa, những trái cây này sẽ cải thiện chức năng trí nhớ bằng cách giảm mức cholesterol.

Rau xanh

Các loại rau có lá màu xanh đậm, chẳng hạn như cải xoăn, rau bina và cải cầu vồng, có thể làm ngăn cản suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác nhờ các chất chống oxy hóa, chẳng hạn vitamin C. Rau xanh giàu folate, có thể cải thiện trí nhớ bằng cách giảm viêm, giúp tăng tuần hoàn máu đến bộ não.

Củ cải đường rất giàu nitrate, các hợp chất tự nhiên làm giãn mạch máu giúp máu chứa nhiều oxy đi vào não.

Hải sản

Động vật giáp xác và động vật có vỏ đều là những nguồn tuyệt vời chứa vitamin-B12, một chất dinh dưỡng được cho là giúp ngăn ngừa suy giảm trí nhớ. Động vật giáp xác và động vật có vỏ đều giàu cholesterol, vì vậy cần ăn với lượng vừa phải.

Các loại acid béo omega-3 đều rất tốt cho sức khỏe bộ não. Vì các loại acid này có nhiều trong cá béo, do đó người ta cho rằng nên bổ sung cá vào bữa ăn của các bệnh nhân Alzheimer ít nhất 2 lần/tuần. Các lựa chọn tốt nhất bao gồm cá hồi hồ, cá mòi, cá hồi, cá ngừ và cá cơm.

Chất béo lành mạnh

Các loại quả hạch cũng là một nguồn chứa acid béo omega-3. Những chất béo này được tìm thấy trong các thực phẩm như quả óc chó, chứa ít triglyceride, giúp điều hòa huyết áp, cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ đông máu.

Dầu oliu cung cấp chất béo không bão hòa đơn. Những chất béo này giúp giảm mức cholesterol “không tốt” khi sử dụng thay cho chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa. Ngoài ra, dầu oliu siêu nguyên chất cải thiện sức khỏe mạch máu và có thể góp phần ngăn ngừa bệnh Alzheimer khởi phát sớm.

Thực phẩm bổ sung

Củ nghệ: Loại gia vị phổ biến trong gia đình này chứa một hợp chất chống oxy hóa và chống viêm gọi là curcumin, được biết đến với khả năng cải thiện chức năng các mô não. Các nghiên cứu cho thấy curcumin có thể làm chậm quá trình tiến triển của Alzheimer bằng cách giảm số lượng mảng bám trong não. Ngoài ra, chất này cũng giúp ngăn ngừa sự tích tụ và kết dính của protein beta-amyloid.

Các loại hạt chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu: Tiêu thụ các loại hạt như bí ngô, hướng dương và vừng chứa nhiều vitamin E và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác là một trong những giải pháp tự nhiên hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh Alzheimer. Nhóm hạt này được cho là giúp nâng cao khả năng nhận thức và hỗ trợ chức năng thần kinh. Ngoài ra, hạt mè chứa nhiều acid amino tyrosine – một chất sản xuất dopamine – và zinc (kẽm), vitamin B6, và magnesium, giúp giữ cho trí nhớ nhạy bén và bộ não linh hoạt.

Ashwagandha (Withania somnifera) – sâm Ấn Độ: Được sử dụng rộng rãi trong các công thức thảo dược để điều trị các bệnh liên quan đến não, loại thảo dược này nổi tiếng với khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh.

Gotu Kola (Centella asiatica) – rau má: Một ứng cử viên cho giải pháp điều trị tự nhiên của bệnh Alzheimer, loại thảo dược này có thể cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ chuyển hóa, nâng cao trí nhớ, và duy trì bộ não khỏe mạnh.

Hạt mè: Là nguồn giàu acid amino tyrosine – một chất sản xuất acid amino tyrosine – một chất sản xuất dopamine – và zinc (kẽm), vitamin B6, và magnesium, giúp giữ cho trí nhớ nhạy bén và bộ não linh hoạt.

Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh Alzheimer?

Bệnh Alzheimer là bệnh không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ về lối sống có thể điều chỉnh để giảm nguy cơ bị bệnh này.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc thực hiện các giải pháp để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch cũng có thể làm giảm khả năng bị sa sút trí tuệ.

Lựa chọn lối sống lành mạnh cho tim có thể giúp giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ bao gồm:

  • Áp dụng bữa ăn gồm sản phẩm tươi, các loại dầu tốt cho sức khỏe, và các loại thực phẩm ít chất béo bão hòa, chẳng hạn như cách ăn Địa Trung Hải.
  • Tránh uống quá nhiều rượu.
  • Tuân theo các khuyến nghị điều trị để kiểm soát cao huyết áp, tiểu đường, và cholesterol cao.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Không hút thuốc.
  • Duy trì thói quen ngủ lành mạnh.
  • Châm cứu.
  • Duy trì các hoạt động xã hội và giữ một tâm trí tích cực.
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng.
  • Bổ sung các loại vitamin và các chất bổ sung mỗi ngày.
Hướng dẫn cơ bản về bệnh Alzheimer: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, và giải pháp tự nhiên
Mặc dù không có cách hoàn toàn phòng ngừa bệnh Alzheimer, việc thay đổi nhiều thói quen sống có thể giảm nguy cơ bị bệnh. (Ảnh: The Epoch Times)

Nghiên cứu lớn, dài hạn được tiến hành ở Phần Lan cho thấy việc thay đổi lối sống giúp giảm mức độ suy giảm nhận thức ở những người có nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Những người tham gia nghiên cứu được tham gia các buổi học nhóm và cá nhân tập trung vào tập thể dục, cách ăn uống, và các hoạt động xã hội.

Một nghiên cứu khác được tiến hành ở Australia đã đánh giá các buổi huấn luyện, tập thể dục, cách ăn uống và những thay đổi lối sống khác. Những người này có kết quả nhận thức tốt hơn sau 1, 2, và 3 năm khi so sánh với những người không không được huấn luyện.

Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng việc duy trì tinh thần lành mạnh và hòa nhập xã hội không chỉ có liên quan đến việc giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer mà còn giúp bảo tồn các kỹ năng tư duy sau này. Duy trì hòa nhập xã hội và tinh thần bao gồm các hoạt động như khiêu vũ, sáng tạo nghệ thuật, chơi cờ, đọc sách, và chơi nhạc cụ, và một số hoạt động khác.

Bài viết trên được xem xét về mặt y tế bởi Tiến sĩ Beverly Timerding.

Thanh Ngọc và Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Stacy Swartz
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Stacy Swartz, BSHIM, RHIA, CCS, CPC, giám đốc điều hành của Ocean Health Executives. Bà Stacy có hơn 26 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý thông tin sức khỏe và là tác giả của cuốn sách “Mastering Evaluation and Management Services in Healthcare: A Resource for Professional Services” (tạm dịch: Làm chủ các dịch vụ quản lý và đánh giá trong chăm sóc sức khỏe: Nguồn lực cho các dịch vụ chuyên nghiệp).
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn