Làm cách nào để cải thiện chất lượng cuộc sống khi về già?

Các chuyên gia cân nhắc về việc làm thế nào để bảo vệ sức khỏe và nguồn lực tài chính trong nhiều năm tới

Chúng ta đã từng nghe kể về rất nhiều câu chuyện tìm kiếm sự trường sinh bất lão vào thời cổ đại. Dù chưa bao giờ có thể vượt qua cái chết, con người cũng đã phát triển nhiều phương pháp để trì hoãn quá trình này.

Công nghệ hiện đại đã có bước tiến đáng kể giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Vào thời đầu của thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của người Mỹ là dưới 50. Thời nay, tuổi thọ trung bình là gần 80, với ngày càng nhiều người Mỹ sống thọ trên 90 tuổi.

Nhưng với một số người, những thập niên kéo dài thêm này giống như gánh nặng hơn là điều hạnh phúc. Vào những năm 1960, mọi người chỉ sống khoảng một thập niên sau khi nghỉ hưu. Còn bây giờ, mọi người có thể sống tới ba thập niên sau khi về hưu. Điều này khiến nhiều người cao niên lo rằng khoản tiết kiệm của họ có thể cạn kiệt trước khi họ qua đời.

Trong cuốn sách “AgeProof: Living Longer Without Running Out of Money or Breaking a Hip” (Tạm dịch: Bằng chứng tuổi tác: Sống thọ hơn mà không cạn kiệt tài sản hay gãy xương hông), các tác giả đã xem xét sự tương đồng giữa sức khỏe và nguồn lực tài chính, cũng như cách để duy trì cả hai tốt hơn khi chúng ta già đi. Được viết bởi chuyên gia tài chính của Today Show, bà Jean Chatzky, và giám đốc chăm sóc sức khỏe của Phòng khám Cleveland, Tiến sĩ Michael Roizen, “AgeProof” cho thấy thực tế khắc nghiệt của việc già đi cùng các chiến lược hữu ích giúp tối đa hóa sức khỏe và nguồn lực tài chính.

(Ảnh: Được sự cho phép của Grand Central Life & Style.)
(Ảnh: Được sự cho phép của Grand Central Life & Style.)

Nơi sức khỏe và tiền bạc giao thoa

Giao điểm dễ thấy nhất của tiền bạc và hạnh phúc là chi phí chăm sóc sức khỏe. Khi càng phải quản lý nhiều bệnh kinh niên, số tiền mà bạn cần bỏ ra sẽ càng lớn. Ngoài tiền bảo hiểm, chi phí chăm sóc sức khỏe tự thân sẽ làm hao mòn dần khoản tiết kiệm hưu trí của bạn. Đó là trong trường hợp bạn có đủ tiền để tiêu dùng.

Một báo cáo năm 2016 từ Viện Hưu trí được Bảo hiểm cho thấy gần một nửa người Mỹ thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh không có khoản để dành sau khi về hưu và sống chủ yếu bằng các khoản thanh toán An sinh Xã hội. Thêm vào đó, họ phải chịu khoản nợ tín dụng trị giá vài nghìn USD trong khi bị vô số các bệnh kinh niên. Khi này, bạn có thể hình dung tại sao ngày càng có nhiều người cao tuổi phải đối mặt với một tương lai tài chính ảm đạm.

Tuy nhiên, theo “AgeProof,” mọi người có thể thực hiện từng bước đơn giản để giảm thiểu gánh nặng tuổi già bằng những thay đổi lối sống nho nhỏ ngay từ hôm nay. Trên thực tế, 85% chi phí chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ bắt nguồn từ việc quản lý các bệnh kinh niên, vốn chủ yếu gây ra bởi các yếu tố có thể kiểm soát, như: dùng các sản phẩm không tốt cho sức khỏe (chẳng hạn như thuốc lá), lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất, và không kiểm soát căng thẳng.

Ông Roizen nói: “Di truyền học đóng một vai trò nhất định, nhưng ít quan trọng hơn so với lối sống.”

Chúng ta đều biết cần phải ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và để dành tiền tiết kiệm phòng khi bệnh tật, nhưng việc thực hiện sao lại khó khăn đến vậy? Theo bà Chatzky, lý do là bởi chúng ta không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh. Thay vào đó, chúng ta sống cho hiện tại và thiếu sự đồng cảm với bản thân trong tương lai.

Bà nói: “Người ta thường không đưa ra quyết định đúng đắn đối với vấn đề sức khỏe và tài chính. Một trong những lý do quan trọng là do chúng ta quá tập trung vào hiện tại. Chúng ta chỉ quan tâm đến thời điểm hiện tại.”

Trì hoãn sự hài lòng có thể không dễ dàng, nhưng nghiên cứu cho thấy việc trau dồi kỹ năng này là dấu hiệu của sự thành công trong tương lai.

Càng sớm thực hiện các bước để bảo vệ sức khỏe và tài sản của mình, bạn càng ít gặp phải khó khăn khi bước sang tuổi nghỉ hưu.

Bà Chatzky nói về thí nghiệm kẹo dẻo Stanford nổi tiếng vào những năm 1960 và 1970. Trong thí nghiệm này, trẻ em được yêu cầu lựa chọn giữa phần thưởng nhỏ tức thời (kẹo dẻo, bánh quy, hoặc bánh quy xoắn) và một phần thưởng lớn hơn nếu sẵn sàng chờ đợi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ lựa chọn phần thưởng lớn sẽ thành công hơn trong cuộc sống sau này: Chúng nhận được điểm SAT cao hơn, đạt trình độ học vấn tốt hơn, và duy trì chỉ số khối cơ thể hiệu quả hơn.

Con người từ lâu đã bị mê hoặc bởi tâm lý sống cho hiện tại, và thời nay, tâm lý này còn được khuếch đại hơn bao giờ hết. Tại sao phải ăn uống lành mạnh trong khi có sẵn thức ăn vặt ngon lành, tiện lợi, và rẻ tiền? Tại sao phải tập thể dục trong khi có thể nằm dài trên giường và xem Netflix say sưa? Tại sao phải tiết kiệm tiền để mua món đồ xa xỉ trong khi có thể mua ngay lập tức bằng thẻ tín dụng hoặc khoản vay lãi suất cao?

Mọi người thi thoảng có thể nuông chiều bản thân, nhưng việc khuất phục lâu dài trước sự hài lòng tức thời có thể gây ra hậu quả to lớn. Hai phần ba dân số Hoa Kỳ bị thừa cân hoặc béo phì, và gần một nửa không trả hết thẻ tín dụng hàng tháng. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang, một hộ gia đình trung bình ở Hoa Kỳ nợ hơn 15,000 USD trong thẻ tín dụng, với lãi suất trung bình là 15%. Điều này có nghĩa là, chỉ riêng khoản nợ đã tốn khoảng 2,250 USD mỗi năm.

Càng sớm thực hiện các bước để bảo vệ sức khỏe và tài sản của mình, bạn sẽ càng ít gặp phải khó khăn khi bước sang tuổi nghỉ hưu. Nhưng có một điều mà bà Chatzky và ông Roizen đều đồng ý là: Không bao giờ là quá muộn để bạn bắt đầu thay đổi.

Kiểm soát căng thẳng bằng chiến lược

Bà Jean Chatzky (Ảnh của Ari Michaelson)
Bà Jean Chatzky (Ảnh của Ari Michaelson)

Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, 72% người Mỹ cho biết họ đã đôi lần bị căng thẳng về tiền bạc trong một tháng qua và 22% đã trải qua căng thẳng tột độ.

Nhiều trong số những tai ương tài chính này có liên quan đến chi phí chăm sóc sức khỏe. Khoảng 15 triệu người dưới 65 tuổi sẽ tiêu hết tiền tiết kiệm cho các hóa đơn chăm sóc y tế. Ngay cả khi có bảo hiểm, khoảng 10 triệu người vẫn phải đối mặt với các hóa đơn mà họ không thể thanh toán.

Nếu sức khỏe và tài chính bị ảnh hưởng, bạn có lẽ sẽ không muốn nghĩ nhiều về điều này. Ai có thể lên kế hoạch cho tương lai trong khi đang sống chật vật và không có thời gian để chuẩn bị bữa ăn lành mạnh hay tập thể dục thường xuyên?

Điều này thật khó để giải quyết, và sự căng thẳng mà chúng gây ra có thể là nguồn cơn của bệnh tật, dẫn đến một vòng xoáy luẩn quẩn. Căng thẳng kinh niên làm hệ miễn dịch suy yếu, khiến bạn gặp phải các triệu chứng như đau lưng, nhức đầu, lo lắng và trầm cảm. Cuối cùng, căng thẳng còn góp phần gây ra bệnh tim, đột quỵ, ung thư, v.v.

Tình trạng căng thẳng liên quan đến sức khỏe và tài chính là điều khiến nhiều người phiền não, nhưng chúng ta thường lựa chọn bỏ trốn thay vì đối mặt và giải quyết vấn đề.

“Phương pháp giải tỏa căng thẳng hàng đầu ở Mỹ là rượu và TV. Chúng rất hữu ích để bạn vượt qua thời điểm hiện tại, nhưng khi cơn say qua đi, sự căng thẳng vẫn còn đó,” ông Roizen nói. “Với những căng thẳng liên quan đến tài chính, bạn phải giải quyết và loại bỏ tận gốc vấn đề thì tình trạng căng thẳng mới biến mất.”

Bà Chatzky nói: “Căng thẳng liên quan đến sức khỏe cũng vậy. Bạn không thể ngâm mình trong bồn tắm chứa đầy bong bóng xà phòng và hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn.”

Các tác giả cho biết thiền định có thể là phương pháp khởi đầu hiệu quả để giải quyết căng thẳng (vì bạn sẽ đưa ra quyết định tốt hơn khi suy nghĩ rõ ràng hơn). Nhưng để giải quyết ổn thỏa vấn đề sức khỏe hoặc căng thẳng tài chính, bạn cần khắc phục tận gốc vấn đề.

Bước đầu tiên bạn nên làm là xem xét dữ liệu. Dù không muốn đến đâu, bạn vẫn phải đối diện với thực tại, và làm điều này càng sớm càng tốt. Bạn kiếm được bao nhiêu tiền? Bạn nợ bao nhiêu? Bạn có đang chi tiêu vượt quá số tiền kiếm được hay không? Bạn cần trả những khoản nợ nào để giữ cho con tàu tài chính không bị chìm?

“AgeProof” cũng cung cấp số liệu đơn giản giúp tự đánh giá sức khỏe. Ví dụ, nếu số đo vòng eo lớn hơn một nửa chiều dài cơ thể, đó là dấu hiệu của thừa mỡ bụng. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe, vì chất béo có thể tiết ra hóa chất gây viêm và tạo gánh nặng lên cơ quan nội tạng, dẫn đến các bệnh kinh niên. Bạn có thể đứng lên khỏi ghế mà không cần vịn tay? Đó là cách để kiểm tra cơ lực của các cơ thân mình.

Bà Chatzky nói: “Đó là thước đo quan trọng để bạn bắt đầu. Khi đã đo đạc xong, bạn có thể tìm thấy các bước tiếp theo để đạt được mục tiêu sức khỏe.”

Với nhiều người, chỉ nhìn vào những con số cũng khiến họ cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, căng thẳng không hẳn là xấu; mà có thể trở thành động lực để thay đổi. Khi có cái nhìn tỉnh táo về sức khỏe và tài chính của mình, bạn sẽ điều chỉnh thói quen một cách dễ dàng hơn.

Bà Chatzky nói: “Bất kỳ sự cố gắng nào giúp chúng ta làm điều đúng đắn đều thực sự có giá trị.”

Thành công nhờ thiết lập thói quen

Làm thế nào để đạt được bước tiến nhảy vọt khi bạn đã sẵn sàng thay đổi lối sống của mình? Bà Chatzky và ông Roizen nói rằng bí mật không phải là sức mạnh ý chí, mà chính ở việc thiết lập thói quen.

Chọn một thói quen mà bạn muốn thay đổi và duy trì trong khoảng vài tuần.

Ví dụ: nếu bạn luôn gửi một phần tiền hàng tháng vào tài khoản sức khỏe hoặc quỹ hưu trí tư nhân, bạn sẽ không cần nghĩ đến việc tiết kiệm tiền để nghỉ hưu. Tương tự như vậy, nếu bạn chuẩn bị sẵn bữa sáng và bữa trưa lành mạnh, bạn sẽ ít bị cám dỗ bởi thức ăn vặt khi đói.

“Tất cả điều này giúp chúng ta thiết lập những thói quen tốt hơn. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều trong những năm tháng sau này,” bà Chatzky nói.

Phần lớn những gì bạn làm thường là một quá trình tự động. Nghiên cứu từ Đại học Duke cho thấy các thói quen chi phối 40% thời gian trong ngày của chúng ta, chứ không phải quyết định có ý thức. Vì vậy, thay vì từ bỏ các thói quen xấu, “AgeProof” khuyên bạn nên tìm cách thay đổi từng thói quen. Chiến lược này ít khiến bạn cảm thấy mâu thuẫn vì nó phù hợp với cách hoạt động vốn có của bộ não.

Bà Chatzky nói: “Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bạn có thể nghĩ ra một thói quen thay thế và tìm ra cách kết hợp nó vào cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ trở nên tốt hơn và thành công hơn trong việc thực hiện thói quen đó.”

Ví dụ, ông Roizen cho biết trong các bệnh nhân của mình, những người lựa chọn đạp xe cố định thay vì nằm dài trước TV là những người thành công nhất trong việc đẩy lùi bệnh tiểu đường loại 2, cao huyết áp, hoặc bệnh tim mạch.

Bạn không cần thay đổi mọi thứ cùng một lúc. Trên thực tế, bà Chatzky và ông Roizen khuyên rằng nên thay đổi một cách từ từ. Chọn một thói quen mà bạn muốn thay đổi và duy trì trong khoảng vài tuần. Các tác giả cho biết những chiến lược thu được từ quá trình thay đổi một thói quen sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh và ý chí để vượt qua rào cản về vấn đề sức khỏe hoặc tài chính kế tiếp.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Conan Milner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Conan Milner là một ký giả sức khỏe của The Epoch Times. Anh tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Lương y Hoa Kỳ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn