Mận có thể dưỡng gan và tăng sức đề kháng, nhóm người này không nên ăn nhiều

Hiện nay đang vào mùa mận chín rộ. Mận có lợi đối với việc dưỡng gan, tăng sức đề kháng, nhưng có một nhóm người không nên ăn nhiều.

Mận có thể tăng sức đề kháng và dưỡng gan

Mận là một loại trái cây có tính thích ứng với môi trường rất mạnh mẽ, cũng không kén chọn thổ nhưỡng, lại sinh trưởng nhanh, cho sản lượng cao. Mận có nhiều chủng loại, trên thị trường thường thấy hai loại là mận đen và mận đỏ.

Những loại mận này mặc dù màu sắc khác nhau, nhưng đều nhiều dinh dưỡng. Bác sĩ khoa Thực phẩm – chuyên gia dinh dưỡng Trần Tiểu Vi (Chen Xiaowei) cho biết, hàm lượng Anthocyanin, Sắt, các nhóm Vitamin B, Vitamin C có trong mận là rất cao. Những chất dinh dưỡng này đều có tác dụng hỗ trợ điều tiết, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Nếu xét một cách riêng biệt, thì Anthocyanin có thể chống oxy hóa, chống viêm, có thể giúp loại bỏ các gốc tự do được tạo ra bởi các yếu tố bên ngoài như ô nhiễm không khí do tia tử ngoại v.v. và các yếu tố bên trong như áp lực của bản thân. Các gốc tự do sẽ tạo thành quá trình oxy hóa, gây tổn hại đến các tế bào trong cơ thể, dẫn đến lão hóa và bệnh tật. Bổ sung Anthocyanin có thể duy trì bình thường sự vận hành và trao đổi chất của cơ thể.

Mận cũng là một loại thực phẩm bổ sung sắt rất tốt cho người ăn chay. Bác sĩ Trần Tiểu Vi cho biết, không có sự khác nhau quá lớn về hàm lượng chất dinh dưỡng trong các loại mận có màu sắc khác nhau. Ví như, mận có vỏ đen đậm chứa hàm lượng Anthocyanin và sắt cao hơn một chút; hàm lượng sắt trong mận có thịt màu hồng cao hơn một chút so với mận có thịt màu vàng.

Các Vitamin nhóm B trong trái mận có thể thúc đẩy quá trình tổng hợp Enzyme trong cơ thể, giảm mệt mỏi, giúp thả lỏng và thư giãn thần kinh. Vitamin C thì có thể thúc đẩy quá trình sản sinh Collagen.

Mận có thể dưỡng gan và tăng sức đề kháng
Mận có vỏ đen đậm chứa hàm lượng Anthocyanin và sắt cao một chút. (Ảnh: Shutterstock)

Theo Trung y, mận vốn có công dụng dưỡng gan. Phó viện trưởng Hứa Trung Nghiêm (Xu Zhongyan) của Phòng khám Trung Y Hán Bổ Thế Gia (Đài Loan) cho biết, trong “Hoàng Đế Nội Kinh-Tố Vấn” gọi trái mận là “Can chi quả”, nghĩa là trái cây của gan. Tôn Tư Mạc cũng từng đề cập đến rằng, người mắc bệnh gan thích hợp ăn mận.

Mận tính bình, vị chua ngọt, hơi đắng, Trung y giảng vị chua nhập gan. Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm chỉ ra rằng, đối với những người mắc bệnh gan kinh niên thời kỳ đầu và người thường hay thức đêm, thì có thể nói mận là một loại trái cây khá thích hợp để ăn, có thể dùng dưỡng gan.

Mận còn có thể kích thích sự thèm ăn, hỗ trợ tiêu hóa. Can khí không thông thuận cũng sẽ ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng, ăn mận với số lượng vừa phải có thể làm cho Can khí được thông.

Mận chín kỹ một chút hãy ăn, người có dạ dày kém nên chú ý đến lượng mận ăn vào

Mận vốn có vị chua, một ngày ăn khoảng 1-2 trái là được, nếu ăn quá nhiều, ví như khoảng 3 trái trở lên, có thể sẽ gây ra vấn đề về đường tiêu hóa. Khi bụng đói cũng không nên ăn nhiều, người có dạ dày bình thường thì có thể ăn 1 trái khi bụng đói.

Tuy nhiên, có một nhóm người cần chú ý khi ăn mận: người bị bệnh viêm loét dạ dày, viêm dạ dày cấp mạn tính, trào ngược dạ dày và các bệnh lý về dạ dày khác.

Những bệnh nhân này không thích hợp ăn mận khi bụng đói. Nhưng có thể ăn một trái sau bữa ăn, như vậy sẽ ít ảnh hưởng đến dạ dày, còn hỗ trợ tiêu hóa.

Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm nhắc nhở rằng, nên ăn mận đã chín kỹ, vì mận chưa chín kỹ sẽ có độ chua cao hơn, sẽ gây kích thích dạ dày mạnh hơn, dạ dày của một người bình thường chưa chắc đã chịu được.

Có câu tục ngữ là “Lý tử thụ hạ mai tử nhân” (tạm dịch: Dưới gốc mận có chôn người chết), chủ yếu là vì trong trái mận xanh có chứa độc tố. Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm nói rằng, độ tiếp thụ đối với mận của một số người lớn tuổi xung quanh ông không cao, nhưng mận được bán trên thị trường đều không quá xanh, nên đừng lo lắng về độc tố của nó. Nếu gặp phải mận đang còn hơi cứng thì chờ chín hơn, khi cùi mềm hơn hãy ăn, như thế mới không tổn thương dạ dày.

Mận có thể dưỡng gan và tăng sức đề kháng
Người có dạ dày không khỏe, không nên ăn mận khi bụng đói. (Ảnh: Shutterstock)

Khi mua phải mận quá chua thì nên làm gì? Có thể cho thêm đường phèn rồi đun lên, chưng cất rượu

Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, khi chọn mua mận, có thể quan sát bề ngoài vỏ và cùi của trái mận:

  1. Vỏ có trơn mịn hay không, tốt nhất là chọn những trái không có nếp nhăn. Không nên chọn những trái có bề ngoài thô ráp và có hình dạng kỳ lạ.
  2. Cùi phải chắc, độ cứng mềm vừa phải là trái ngon. Nếu trái quá mềm, có thể đã chín quá, sẽ không giữ được lâu.

Vì mận ăn cả vỏ và cùi, nên trước khi ăn phải ngâm và cọ rửa sạch mới có thể loại bỏ thuốc trừ sâu. Bác sĩ Trần Tiểu Vi khuyên rằng, mận sau khi rửa nên ăn càng sớm càng tốt, vì trái cây dễ bị dập trong quá trình rửa làm tăng nhanh quá trình hư thối.

Ngoài ăn trực tiếp, mận còn có thể chưng với đường phèn, chưng cất rượu.

Có một số ý kiến cho rằng, mận chưng đường phèn có thể nhuận hầu, thông giọng. Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm cho rằng, so với các loại trái cây như quất, lê và hạnh nhân, thì hiệu quả trên của mận kém hơn, sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu để nhuận hầu, thông giọng. Nhưng nếu không may mua lỡ mận quá chua, có thể cho thêm đường phèn để chưng, cũng có tác dụng nhuận hầu một chút.

Ngoài ra, cũng có thể nhân đang mùa mận chín rộ, mua một ít ủ thành rượu, đến mùa hè năm sau lấy ra dùng.

Người xưa cho rằng: “Lập hạ đắc thực lý, năng lệnh nhan sắc mỹ” (tạm dịch: Mùa hè ăn mận, nhan sắc đẹp lên). Bác sĩ Hứa Trung Nghiêm giải thích, vào mùa hè, uống nước mận ép phối hợp với chút rượu, hoặc dùng trực tiếp rượu mận, thì sẽ có tác dụng làm đẹp nhất định. Hơn nữa, trải qua quá trình lên men khi ủ rượu, mận sẽ không còn độ chua và chát. Vì vậy mùa hè năm nay có thể mua ít mận về chế thành rượu, đến sang năm lấy ra uống.

Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn