Một thói quen lành mạnh cho tầm nhìn rõ ràng

Lời khuyên mà bác sĩ nhãn khoa có thể không nói với bạn

Cùng với việc thời gian sử dụng màn hình ngày càng gia tăng nhanh chóng, các nhà khoa học và chuyên gia chăm sóc mắt đã phát hiện một bí quyết để cải thiện và duy trì sức khỏe của hệ thống thị giác, đó là tiếp xúc với ánh mặt trời vào lúc bình minh.

Thời lượng sử dụng màn hình của mọi người đã tăng lên gấp đôi trong 12 tháng qua, theo Chỉ số Tầm nhìn năm 2022 của Úc và phần lớn người được phỏng vấn thừa nhận rằng họ đã dành 8 giờ mỗi ngày để xem thiết bị hoặc tivi.

Nhà thần kinh học người Mỹ kiêm giáo sư sinh học thần kinh và nhãn khoa tại Trường Y Đại học Stanford Andrew Huberman, người gần đây đã đoạt Giải Cogan nhờ những khám phá quan trọng nhất trong nghiên cứu về thị giác, cho biết rằng ánh sáng mặt trời có hiệu quả đặc biệt trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh trong suốt cuộc đời của một người. Khi bạn tiếp xúc với ánh mặt trời, ánh sáng có thể giúp điều chỉnh nhịp sinh học trong cơ thể.

Giáo sư Huberman cho biết, “Việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh sẽ kích hoạt các tế bào có chức năng điều chỉnh thủy tinh thể trong mắt, cung cấp dưỡng chất cho các cấu trúc và giảm nguy cơ phát triển cận thị.”

Ánh sáng không chỉ giúp thư giãn mắt và duy trì thị lực mà còn có tác động tích cực to lớn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, bao gồm bộ não, tâm trạng và quá trình chuyển hóa.

Ông khuyên mọi người nên dành ra từ 5 đến 10 phút mỗi sáng cho mắt tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Vào những ngày nhiều mây, ánh sáng vẫn đủ để mang lại tác động tích cực, nhưng bạn sẽ cần gia tăng thời gian phơi nắng lên ít nhất 15 đến 20 phút.

Giáo sư nói:

“Bạn hãy hướng khuôn mặt lên bầu trời. Không nhìn thẳng vào mặt trời hay nhìn vào hướng ánh sáng khiến bạn khó chịu; bạn chỉ cần nhắm mắt lại và chớp mắt khi cần thiết để bảo vệ đôi mắt.”

Một thói quen lành mạnh cho tầm nhìn rõ ràng
Phơi nắng ngoài trời không chỉ giúp bạn giảm bớt căng thẳng mà còn rèn luyện cơ mắt. (Ảnh: Song about summer/Shutterstock)

Thực hành nhìn toàn cảnh

Bên cạnh việc phơi nắng, thực hành nhìn toàn cảnh, tức là nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc đi ra ngoài và không tập trung vào bất cứ thứ gì, cũng có thể giúp đôi mắt của bạn không bị mắc kẹt trong trạng thái nhìn mọi vật ở cự ly gần.

Giáo sư Huberman cho biết: “Điều này liên quan đến sự chuyển động của thủy tinh thể, thuỷ tinh thể sẽ trở nên dày hơn và thư giãn hơn. Sự thư giãn của thủy tinh thể là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để duy trì sức khỏe của hệ thống cơ bên trong mắt.”

Cứ sau 30 phút làm việc tập trung, hãy nhìn ra ngoài và thư giãn cơ mặt và mắt, gồm cả cơ hàm.

Mỗi 90 phút một lần, nếu bạn đang nhìn gần hoặc nhìn vào màn hình điện thoại hay máy tính, hãy dành ít nhất 20 đến 30 phút ở bên ngoài nếu có thể, và luyện tập nhìn không cận cảnh.

Nếu không thể ra ngoài, bạn nên đến bên cửa sổ hoặc ban công để thư giãn mắt.

Lý tưởng nhất là luôn mở cửa sổ, do cửa sổ có khả năng lọc ánh sáng xanh và ánh sáng mặt trời mà bạn cần vào ban ngày.

Một thói quen lành mạnh cho tầm nhìn rõ ràng

Với những thói quen đúng đắn, chúng ta có thể duy trì và thậm chí nâng cao khả năng nhìn của mình khi già đi. (Ảnh: Teodor Lazarev/Shutterstock)

Nhìn theo vật thể để cải thiện cơ mắt

Các bài tập nhìn cũng rất tốt để giữ cho các cơ ngoài nhãn cầu—vốn kiểm soát chuyển động của mắt—được linh hoạt và khỏe mạnh.

Giáo sư Huberman nói: “Tôi mong mọi người có thể trải nghiệm thế giới bên ngoài và nhìn theo các đối tượng một cách trực quan.”

“Đây sẽ là lý do chính đáng để xem một trận đấu khúc côn cầu và để mắt đến quả bóng, xem thể thao trực tiếp hoặc xem một trận quần vợt, rồi nhìn quả bóng đi tới đi lui.”

Nếu điều này khó thực hiện, bạn có thể tập điều chỉnh cơ nhãn cầu bằng cách theo dõi trực quan một quả bóng hoặc cây viết. Hãy nhìn cận cảnh trong vòng 5 đến 20 giây, sau đó từ từ di chuyển đồ vật ra xa khoảng cách một cánh tay và tập trung nhìn trở lại.

Làm điều này trong năm đến mười phút ba lần một tuần.

Ông nói: “Điều này giống như việc huấn luyện thị giác hậu chấn thương, để thử và sửa chữa các khía cạnh cân bằng, vận động, thị giác và nhận thức của bộ não.”

Nếu bạn không phải là người dậy sớm?

Với những người dậy muộn hoặc không thể ra ngoài vào sáng sớm, hãy thử ra ngoài vào buổi chiều.

Các bước sóng thấp của mặt trời vẫn có thể xuyên qua ngay cả khi trời u ám.

Ánh sáng mặt trời buổi chiều đóng vai trò là điểm neo thứ hai để não và cơ thể nhận biết thời gian và giúp duy trì tính nhất quán của đồng hồ sinh học .

Ánh sáng mặt trời buổi chiều có thể làm giảm một số tác động xấu của ánh sáng nhân tạo ban đêm.

Giáo sư Huberman nói: “Việc bảo tồn tầm nhìn thực sự đáng giá, và nếu bạn còn trẻ, đây là thời điểm tuyệt vời để xây dựng một hệ thống thị giác cực kỳ khỏe mạnh.”

Giáo sư Huberman có nhiều đóng góp trong lĩnh vực phát triển bộ não, tính linh hoạt của não và tái tạo thần kinh. Ôngđã dành 20 năm để làm sáng tỏ hoạt động bên trong của hệ thống thị giác dựa trên nền tảng khoa học sẵn có và mới xuất hiện gần đây.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jessie Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jessie Zhang là một phóng viên thường trú tại Sydney. Cô chuyên đưa tin về các tin tức của Úc, tập trung vào vấn đề về sức khỏe và môi trường. Quý vị có thể liên hệ với cô Zhang qua [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn