Nghiên cứu: Một loại omega-3 mới có thể ngăn ngừa căn bệnh hàng đầu gây ra mù lòa

LPC-DHA–một loại omega-3 mới có thể từ máu đi đến võng mạc, giúp cải thiện tình trạng suy giảm thị lực do các bệnh như tiểu đường, Alzheimer và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) vốn là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực.

LPC-DHA –một loại omega-3 mới

Các nhà khoa học thuộc Khoa Y Đại học Illinois đã phát triển LPC-DHA, một omega-3 mới có thể dễ dàng ngấm vào mắt khi dùng qua đường uống.

“Acid béo omega-3 là acid béo không bão hòa có mặt chủ yếu trong dầu cá,” Tiến sĩ Daniel Laroche, chủ tịch Advanced Eyecare của New York và phó giáo sư nhãn khoa lâm sàng tại Trường Y Icahn ở Mount Sinai, nói với The Epoch Times.

Ông nhấn mạnh rằng vì acid béo omega-3 rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển trong suốt cuộc đời của một người, chúng ta nên dùng chúng trong các bữa ăn hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù omega-3 rất quan trọng cho sức khỏe của mắt, nhưng công thức hiện tại, thường ở dạng triacylglycerol-DHA (TAG-DHA), không đi đến mắt sau khi dùng.

DHA, hay acid docosahexaenoic, là một acid béo omega-3 quan trọng giúp duy trì sức khỏe của mắt. Võng mạc và não chứa nồng độ DHA cao nhất, nên chúng ta cần bổ sung chúng thông qua bữa ăn vì cơ thể không thể tự sản xuất dưỡng chất này với số lượng cần thiết.

Nồng độ DHA trong võng mạc thấp thường gặp ở người bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, bệnh võng mạc do tiểu đường và Alzheimer.

Với nghiên cứu trên động vật này (pdf), các nhà khoa học đã tạo ra một dạng lysophospholipid mới của DHA, hay LPC-DHA, từ đó thành công tăng lượng DHA trong võng mạc và giảm các vấn đề về mắt do các bệnh như Alzheimer.

Cô Sugasini Dhavamani, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Khoa Y thuộc Đại học Illinois ở Chicago, cho biết trong một tuyên bố: “LPC-DHA trong bữa ăn vượt trội hơn rất nhiều so với TAG-DHA khi giúp làm giàu DHA ở võng mạc và có thể có lợi cho bệnh nhân bị những bệnh võng mạc khác nhau.”

Cô Dhavamani đã trình bày nghiên cứu trên tại Discover BMB, một cuộc họp thường niên của Hiệp hội Hóa sinh và Sinh học Phân tử Hoa Kỳ, diễn ra từ ngày 25-28/03 tại Seattle.

Cô Dhavamani cho biết: “Cách tiếp cận này cung cấp một phương pháp mới giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rối loạn chức năng võng mạc liên quan tới bệnh Alzheimer và bệnh tiểu đường.”

Có thể ngăn ngừa tình trạng mất thị lực

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra giả thuyết rằng LPC-DHA vượt trội hơn so với các chất bổ sung DHA hiện có, như dầu cá và dầu nhuyễn thể, với công dụng làm giàu DHA ở võng mạc và ngăn ngừa bệnh võng mạc trên mô hình động vật mắc bệnh Alzheimer khởi phát sớm.

Cô Dhavamani cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi đã chứng minh được, khi dùng LPC-DHA liều thấp cho những con chuột trưởng thành bình thường, lượng DHA trong võng mạc có thể tăng lên gần 100%.”

Các nhà nghiên cứu dùng liều tương đương với 250 đến 500 mg/ngày ở người.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết DHA trong võng mạc không thể tăng hiệu quả như vậy khi dùng TAG-DHA trong bữa ăn hoặc DHA tự do từ các chất bổ sung có sẵn, trên mô hình động vật mắc bệnh Alzheimer.

Khám phá này có thể mở ra các phương pháp ngăn ngừa các bệnh về võng mạc, như bệnh võng mạc do tiểu đường, cũng như AMD, một bệnh gây mất hoặc mờ thị lực trung tâm.

AMD là nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực nghiêm trọng ở người trưởng thành, ảnh hưởng đến 10% người Mỹ trên 50 tuổi. Bệnh gồm hai dạng: teo (“khô”) hoặc tiết dịch (“ướt”), theo Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ. Khoảng 20 triệu người từ 40 tuổi trở lên đang chung sống với AMD, theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) trong năm 2019.

Bệnh võng mạc do tiểu đường xảy ra ở bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 và loại 2, gây ra do lượng đường huyết cao khiến lưu lượng máu đến võng mạc bị suy giảm. Khi không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Cô Dhavamani và các thành viên trong nhóm nhấn mạnh rằng khám phá này có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về mắt liên quan đến chứng sa sút trí tuệ.

Khoảng 2%, hay 100,000 người bị sa sút trí tuệ ở Hoa Kỳ có kèm theo suy giảm thị lực. Viện Lão hóa Quốc gia ước tính rằng đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên khoảng 250,000 người.

“Chúng tôi tin rằng nghiên cứu sẽ có tác dụng đáng kể trong việc ngăn ngừa suy giảm thị lực ở người mắc bệnh Alzheimer,” các tác giả viết trong bản tóm tắt. Những bất thường ở võng mạc do bệnh Alzheimer bao gồm thoái hóa thần kinh thị giác và mất tế bào thần kinh.

“Trong bệnh Alzheimer, bệnh nhân thường gặp các vấn đề về thị giác không gian,” ông Laroche cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng phát hiện này có áp dụng cho người hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

“Liệu phương pháp này có thực sự giúp ích hoặc ngăn ngừa bệnh tật ở người hay không?” ông Laroche tự hỏi. “Còn nhiều nghiên cứu nữa cần được tiến hành để làm rõ vấn đề này.”

DHA rất cần thiết cho sức khỏe của mắt

Có một vài lý do khiến DHA trở nên cần thiết cho sức khỏe của mắt.

Theo một bài báo trên Journal of Nutrition and Metabolism, DHA là thành phần cấu trúc nên võng mạc. DHA cũng là thành phần cấu trúc chính của các phân đoạn bên ngoài tế bào cảm quang trong võng mạc, chịu trách nhiệm phát hiện ánh sáng và truyền tín hiệu hình ảnh đến não.

DHA cũng duy trì tính lưu động và tính toàn vẹn của màng võng mạc. Điều này rất quan trọng cho hoạt động bình thường của tế bào cảm quang và hiệu quả của quá trình truyền thông tin thị giác.

DHA còn có tác dụng chống viêm; chứng viêm ở mắt có thể phá hủy các cấu trúc mỏng ở võng mạc và góp phần gây ra bệnh AMD. Những đặc tính chống viêm này cũng bảo vệ võng mạc theo nhiều cách khác.

Lượng DHA thấp trong mắt có liên quan đến một số tình trạng suy giảm thị lực.

DHA trong võng mạc suy giảm đáng kể ở bệnh nhân tiểu đường, viêm võng mạc sắc tố và AMD, từ đó dẫn đến những khiếm khuyết về chức năng, suy giảm sự phát triển thị giác và giảm nhạy với ánh sáng ở người bệnh.

Các dạng omega-3 có sẵn cũng có lợi cho sức khỏe của mắt

Khi được hỏi các chất bổ sung omega-3 hiện tại có giúp ích cho mắt hay không, ông Laroche lưu ý rằng những loại dầu này chủ yếu cải thiện chức năng tuyến sụn mi mắt. Tuyến sụn mi mắt là tuyến nằm ở rìa mi mắt và tạo ra phần dầu trong nước mắt.

Cải thiện chức năng của tuyến có thể làm dịu triệu chứng khô mắt.

Ông lưu ý: “Omega-3 cũng được chứng minh là hữu ích ở bệnh nhân bị cận thị và thoái hóa điểm vàng.”

Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy omega-3 có tác dụng khi bôi trực tiếp lên mắt.

Ông Laroche cho biết: “Omega-3 dùng tại chỗ là một phương pháp điều trị đầy hứa hẹn cho bệnh khô mắt, nhưng chúng ta còn thiếu các bằng chứng tài liệu khoa học về ứng dụng khi dùng tại chỗ. Các nghiên cứu sâu hơn ở người là cần thiết để đánh giá hiệu quả thực tế của omega-3 dạng bôi.”

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The EpochTimes

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn