Nội soi đại tràng: Kết quả bất ngờ từ một nghiên cứu lớn, liệu có đáng để thực hiện?

Mặc dù nhiều người coi nội soi là một thủ thuật không thoải mái hoặc thậm chí đáng sợ, nhưng hàng năm có khoảng 15 triệu ca nội soi đại tràng tại Hoa Kỳ. Trong 10 năm qua, 60.6% những người từ 50 đến 75 tuổi không có tiền sử cá nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng đã từng một lần được thực hiện thủ thuật này.

Người ta tin rằng nội soi đại tràng không chỉ giúp phát hiện ung thư mà còn ngăn ngừa ung thư phát triển từ polyp. Do độ nhạy và độ đặc hiệu cao, nội soi đại tràng đã được coi là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc ung thư đại tràng trong một thời gian dài.

Kết quả bất ngờ từ một nghiên cứu nội soi đại tràng lớn

Tuy nhiên, một nghiên cứu lâm sàng lớn gần đây của Sáng kiến Bắc Âu-Châu Âu về Ung thư Đại trực tràng (NordICC) được công bố vào tháng 10/2022, đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của nội soi đại tràng.

Nghiên cứu cho rằng nội soi không cứu được nhiều mạng sống như chúng ta tưởng.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển 84,585 người tham gia ở Ba Lan, Na Uy, Thụy Điển và Hà Lan; 28,220 người thuộc nhóm được mời (được mời nội soi đại tràng) và 56.365 người thuộc nhóm chăm sóc thông thường.

Vào thời điểm cuối của 10 năm theo dõi, nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư đại trực tràng sau 10 năm là 0,28% ở những người tham gia trong nhóm được mời và 0.31% ở nhóm chăm sóc thông thường. Nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào là 11.03% ở nhóm được mời và 11.04% ở nhóm được chăm sóc thông thường.

Về biến cố bất lợi, 15 người bị xuất huyết nặng sau khi cắt bỏ polyp. Theo nghiên cứu, không có trường hợp tử vong nào liên quan đến tầm soát trong vòng 30 ngày sau khi nội soi đại tràng.

Tỷ lệ mắc ung thư đại tràng đã giảm đáng kể kể từ năm 1975. Hầu hết mọi người tin rằng nguyên nhân là do tăng cường sàng lọc và cải thiện biện pháp điều trị.

Vì trước đây không có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về nội soi đại tràng đối với ung thư đại trực tràng, thử nghiệm NordICC đã châm ngòi một cuộc thảo luận sôi nổi: Nội soi có thực sự ngăn ngừa ung thư đại trực tràng không?

Nếu lợi ích không như mọi người mong đợi, bối cảnh sàng lọc ung thư đại trực tràng có thể được định hình lại hoàn toàn.

Nghiên cứu châm ngòi cuộc tranh luận gay gắt

Nhiều bác sĩ cho rằng các nhà nghiên cứu của NordICC nên tiếp tục theo dõi nghiên cứu của mình, và đánh giá các thử nghiệm khác ở thời điểm hiện tại để có thể làm sáng tỏ những lợi ích của việc nội soi sàng lọc tại thời điểm sau 10 năm. Thời gian theo dõi là rất quan trọng, vì nhiều người tin rằng lợi ích của nội soi đại tràng là điều trị các polyp tiền ung thư. Do vậy có thể mất nhiều thập kỷ trước khi chúng ta thấy được lợi ích lâu dài của việc tầm soát bằng nội soi.

Các bác sĩ có nhận thức khác nhau về kết quả của nghiên cứu NordICC vì những lý do sau:

Đầu tiên, thử nghiệm có tỷ lệ tham gia thấp hơn mong đợi — chỉ 42% được nội soi — và không cung cấp thông tin về việc tuân thủ các hướng dẫn giám sát polyp.

Hầu hết nghĩ rằng nghiên cứu không thay đổi giá trị của nội soi đại tràng. Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, thủ thuật này sẽ làm giảm 31% nguy cơ ung thư và giảm 50% khả năng tử vong do ung thư đại trực tràng nếu tuân thủ 100%.

Ngoài ra, các quốc gia được thử nghiệm có tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với Hoa Kỳ. Các bác sĩ lâm sàng Hoa Kỳ ủng hộ nội soi đại tràng, trong khi các hệ thống y tế châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào soi đại tràng sigma linh hoạt, tức là chỉ kiểm tra phần dưới của đại tràng.

Nội soi đại tràng: Kết quả bất ngờ từ một nghiên cứu lớn, liệu có đáng để thực hiện?
So sánh tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng ở Hoa Kỳ so với Châu Âu, 2020. (Ảnh: The Epoch Times)

Tuy nhiên, các quốc gia không có chương trình sàng lọc vẫn chứng kiến sự cải thiện về tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng. Một nhận xét về những phát hiện được công bố trên The Lancet Oncology cho rằng vẫn chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về mối quan hệ nhân quả giữa tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng và các cuộc sàng lọc quốc gia.

Thứ hai, người thực hiện sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của nội soi. Tỷ lệ phát hiện u tuyến là tỷ lệ phát hiện được u tuyến khi nội soi sàng lọc đại trực tràng. Các bác sĩ nội soi có tỷ lệ phát hiện u tuyến cao sẽ giúp bệnh nhân được bảo vệ khỏi u tuyến tốt hơn.

Thứ ba, nghiên cứu được thực hiện trong các nhóm dân cư châu Âu và có thể không đại diện cho các nhóm nhân khẩu học khác nhau ở Hoa Kỳ.

Nguy cơ của nội soi đại tràng

Lợi ích và nguy cơ phụ thuộc vào việc tuân thủ quy trình sàng lọc, cơ hội gặp bác sĩ nội soi có kinh nghiệm và nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của chính bạn.

Đối với một người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng, việc theo dõi sát sao và có chế độ ăn uống lành mạnh có thể sẽ có lợi hơn.

Mặt khác, một lối sống lành mạnh không đảm bảo rằng bạn sẽ không bị ung thư đại trực tràng. Những người thân thế hệ thứ nhất của những người bị ung thư đại trực tràng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao gấp sáu lần ở tuổi trước 50. Người thân ở thế hệ thứ hai và thứ ba tương ứng có nguy cơ tăng 1,5 lần và gấp ba lần, nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng gấp hai đến ba lần.

Bác sĩ có thể xác định rằng bạn có nguy cơ mắc bệnh cao nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại tràng hoặc bạn có tiền sử mắc bệnh polyp đại tràng hay bệnh viêm ruột.

Nội soi đại tràng vẫn là tiêu chuẩn vàng nếu nghi ngờ ung thư ở bệnh nhân. Và thủ thuật sẽ có lợi nhất cho bệnh nhân nếu ung thư được tìm thấy và loại bỏ khi tổn thương polyp đang chuyển dạng thành ung thư.

Tiên lượng của bệnh nhân ung thư đại trực tràng thay đổi tùy theo vị trí ung thư, với các khối u bên phải có tiên lượng nặng nhất, do đó việc chẩn đoán sớm ở nhóm bệnh nhân này đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, có nhiều rủi ro đối với nội soi—ngoài nguy cơ gây mê.

Nguy của nội soi bao gồm xuất huyết nặng (14,6 biến cố trên 10.000 ca thực hiện), thủng (3.1 trên 10,000) hoặc nhiễm trùng. Những tỷ lệ này cao hơn so với soi đại tràng sigma, một phương pháp ít tốn kém hơn, ít xâm lấn hơn và có thể được thực hiện mà không cần dùng thuốc an thần.

Nội soi đại tràng xâm lấn và nặng nề hơn so với các xét nghiệm ung thư đại tràng khác, chẳng hạn như xét nghiệm phân và soi đại tràng sigma, đồng thời nó đòi hỏi nhiều nguồn lực lâm sàng hơn.

Một số tổ chức y tế đã giảm độ tuổi được khuyến nghị để bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng từ 50 xuống 45. Lý do là các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu thêm về nguyên nhân, sinh học và cách ngăn ngừa bệnh tiến triển sớm.

Một số yếu tố nguy cơ đã trở nên phổ biến hơn trong 45 năm qua-chẳng hạn như béo phì, lối sống ít vận động và hút thuốc-có thể dẫn đến nhiều trường hợp ung thư khởi phát sớm hơn. Cách ăn uống nghèo nàn, đặc biệt là chế độ ăn nhiều thịt và chất béo chế biến sẵn, ít trái cây và rau quả, ngày càng có liên quan đến ung thư đại tràng khởi phát sớm. Một số nghiên cứu cũng đã phát hiện thấy thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng khởi phát sớm.

Vì ung thư đại trực tràng vẫn còn tương đối hiếm, ảnh hưởng đến dưới 1,8 trên 100,000 người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), nên việc giảm tuổi sàng lọc có thể là một gánh nặng và không hiệu quả về chi phí. Ngoài ra, xu hướng xuất hiện bệnh nhân mới trẻ tuổi có thể là do sàng lọc sớm và chẩn đoán quá mức, điều này có thể tạo thêm gánh nặng cho người bệnh.

Hình dưới đây cho thấy quá trình phát triển lâu dài của ung thư đại tràng. Nếu ung thư tại chỗ được xác định rất sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể được cải thiện. Nhưng không ai thực sự biết phải mất bao lâu để một tế bào ung thư phát triển thành một thứ gì đó gây chết người và có những rủi ro khác cần xem xét vốn cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Nội soi đại tràng: Kết quả bất ngờ từ một nghiên cứu lớn, liệu có đáng để thực hiện?
Phải mất 10–15 năm để hình thành ung thư biểu mô đại tràng. (Ảnh: The Epoch Time)

Hãy đặt lợi ích và rủi ro của nội soi đại tràng lên bàn cân

Việc quyết định xem nội soi đại tràng có hiệu quả về mặt chi phí hay không sẽ dựa trên nguy cơ bị ung thư đại trực tràng của chính bạn, tùy thuộc vào tiền sử gia đình của bạn và các yếu tố nguy cơ khác.

Nếu bạn sẽ bị xuất huyết nghiêm trọng do nội soi, khả năng gây hại là 100%. Để tránh nguy cơ gây hại hoặc nếu bạn không thể chịu đựng được nội soi, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng xét nghiệm hoá miễn dịch phân để sàng lọc bệnh nhân nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng có độ chính xác chẩn đoán tổng thể cao, do tính an toàn, đơn giản, chi phí thấp, độ chính xác, và sự khó chịu tối thiểu của phương pháp này.

Chúng ta vẫn cần dữ liệu tốt hơn về lợi ích và nguy cơ của nội soi. Để tính đến các bệnh đi kèm, phương pháp điều trị ung thư, sự khác biệt liên quan đến giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán, tiền sử gia đình và các yếu tố rủi ro khác, cần có thêm dữ liệu chuyên sâu cho từng bệnh nhân cụ thể.

Lý tưởng nhất là khi bệnh nhân gặp bác sĩ, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cá nhân hoá cho bệnh nhân; ví dụ, “Smith thân mến, khả năng ông bị ung thư đại trực tràng là X phần trăm, dựa trên tất cả thông tin ông đã cung cấp.”

Tuy nhiên, có rất nhiều điều không chắc chắn trong cuộc sống. Ngay cả trong cách bạn nấu ăn, nguyên liệu bạn sử dụng và cách chế biến—thật khó để số hóa các yếu tố đó vì không có mô hình đơn nhất nào để dự đoán rủi ro của một người. Điều chỉnh cách tiếp cận đối với sàng lọc ung thư đại trực tràng cho từng người dựa trên các yếu tố nguy cơ của họ và sàng lọc chính xác, có thể cải thiện hiệu quả và chi phí-hiệu quả của sàng lọc bằng nội soi đại trực tràng.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn