Sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng – khi nào cần đi khám ngay?

Nếu phát hiện sớm, ung thư đại trực tràng có thể được điều trị hiệu quả với cơ hội phục hồi cao hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu của căn bệnh này dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng khác như bệnh trĩ và chứng khó tiêu. Vậy làm thế nào để phân biệt triệu chứng chảy máu do bệnh trĩ hay do ung thư gây ra?

Bạn đã từng gặp phải các triệu chứng như đầy hơi, sôi bụng, hoặc chảy máu trực tràng, và lo lắng liệu chúng có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng hay không?

Trong bài viết này, một bác sĩ ngoại khoa đã giải thích về các dấu hiệu cảnh báo cần theo dõi và khi nào cần nhanh chóng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để thăm khám chuyên khoa.

Chảy máu trực tràng: Dấu hiệu ung thư đại trực tràng hay bệnh trĩ?

Một trong những dấu hiệu nổi bật của ung thư đại trực tràng là chảy máu trực tràng, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh trĩ. Vậy làm thế nào để phân biệt trĩ và ung thư đại trực tràng?

Trong một cuộc phỏng vấn với thời báo The Epoch Times, ông Jung-Chien Chen, Giám đốc điều hành của Trung tâm phẫu thuật xâm lấn tối thiểu tại Bệnh viện đa khoa Min-Sheng ở Đài Loan, giải thích rằng bệnh trĩ là chứng giãn tĩnh mạch xuất hiện ở hậu môn hoặc phần dưới của trực tràng. Khi xảy ra kích thích vật lý, chẳng hạn như khi đại tiện, búi trĩ có thể bị chảy máu do ma sát.

Khác với bệnh trĩ, chảy máu trực tràng do ung thư đại trực tràng có thể xảy ra ngay cả khi không đi tiêu. Do các tế bào niêm mạc dễ tổn thương trong khu vực ung thư, chảy máu có thể xảy ra không liên tục mà không cần kích thích vật lý. Thậm chí, trong trường hợp bệnh nhân đi ngoài phân lỏng hoặc tiêu chảy, chảy máu vẫn có thể xảy ra. Ông Chen cho biết thêm, nếu chảy máu trực tràng xảy ra nhiều lần trong vòng một tháng hoặc hàng ngày trong một tuần, bạn nên nhanh chóng tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh.

Sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng – khi nào cần đi khám ngay?
Sự khác biệt giữa máu trong phân do bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng. (Ảnh: The Epoch Times)

Hơn nữa, ông Chen tuyên bố rằng bất kỳ thay đổi nào trong thói quen đại tiện cũng nên được xem xét một cách nghiêm túc vì chúng có khả năng chỉ điểm triệu chứng của ung thư đại trực tràng. Ví dụ, đột nhiên bị đầy bụng, chuyển từ đại tiện hàng ngày sang hai hoặc ba ngày một lần hoặc giảm kích thước khuôn phân từ độ dày một ngón tay cái xuống dưới một ngón tay út trong hơn một tuần, tất cả đều dấy lên mối quan ngại của bệnh.

Những thay đổi này có thể chỉ ra các vấn đề trong đường ruột, đặc biệt là trực tràng, có thể dẫn đến tắc nghẽn hoặc hẹp ruột. Theo ông Chen, những người từ 40 tuổi trở lên nên cân nhắc thực hiện xét nghiệm tìm máu trong phân hoặc nội soi nếu họ gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

Sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng – khi nào cần đi khám ngay?
Ba triệu chứng đường ruột cần được đến cơ sở y tế ngay lập tức. (Ảnh: The Epoch Times)

Sôi bụng: Dấu hiệu khó tiêu hay ung thư đại trực tràng?

Thường xuyên thấy sôi bụng có thể là dấu hiệu của chứng khó tiêu, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng. Sự khác biệt ở đây là gì?

Theo ông Chen, sự nhào trộn thức ăn, dịch tiêu hóa và không khí khi ruột co bóp có thể tạo ra tiếng sôi bụng. Thông thường, nếu tiếng sôi bụng là do chứng khó tiêu, có thể cảm thấy như ruột đang co bóp với tốc độ nhanh hơn, sau đó là tiêu chảy, và tiếng sôi có thể giảm dần. Triệu chứng sôi bụng cũng có thể tồn tại trong hai hoặc ba ngày cùng với tiêu chảy hoặc nôn mửa, nhưng cuối cùng sẽ biến mất.

Nhưng tiếng sôi bụng do ung thư đại trực tràng lại khác. Ông Chen so sánh ruột già của con người như một đường ống, nếu có một khối u hoặc bất thường nào khác bên trong làm cản trở dòng khí và chất lỏng, thì các chất tích tụ sẽ di chuyển và cọ xát vào nhau, tạo ra tiếng sôi bụng.

Khi khí và chất lỏng đột ngột xuyên qua vật cản, có thể nghe thấy một tiếng động lớn ngắn, sau đó tiếng sôi bụng sẽ biến mất. Loại âm thanh này thường không gây ra các triệu chứng như tiêu chảy hoặc nôn mửa. Nếu một người nghe thấy tiếng sôi ùng ục từ ruột sau khi nhịn ăn hơn 8 giờ, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư đại trực tràng.

Có mối liên hệ giữa triệu chứng đầy hơi có mùi và ung thư đại trực tràng?

Ông Chen giải thích rằng mùi đầy hơi bị ảnh hưởng bởi loại thực phẩm ăn vào. Ăn thực phẩm cay, nhiều protein, hoặc thực phẩm chứa nhiều đậu có thể gây đầy hơi với mùi nặng hơn vào ngày hôm sau. Điều này có thể được cải thiện bằng điều chỉnh cách ăn uống.

Phân ở trong ruột càng lâu thì mùi càng nặng. Một lý do có thể khiến phân tích tụ trong ruột là do khối u ở ruột làm tắc nghẽn phân, gây giảm nhu động ruột. Nếu một người bị đầy hơi có mùi hôi dai dẳng mặc dù đã ăn kiêng thanh đạm, thì nên đi khám chuyên khoa để xác định xem có liên quan đến ung thư đại trực tràng hay không.

Giảm cân đột ngột có phải là dấu hiệu của ung thư?

Ông Chen cho biết, trong giai đoạn đầu của ung thư đại trực tràng, cân nặng thường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi ung thư tiến triển đến giai đoạn thứ hai hoặc thứ ba, khối u có thể bắt đầu xâm lấn các mạch máu và hệ bạch huyết, lấy đi các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể.

Điều này có thể dẫn đến giảm nồng độ albumin, thiếu máu, giảm cân, suy nhược, da nhợt nhạt, và phù nề. Cần lưu ý rằng giảm cân không rõ nguyên nhân có khả năng là một triệu chứng của bệnh ung thư và cần được khám bác sĩ ngay lập tức.

Làm thế nào để phòng ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả?

Ông Chen khuyến nghị nên ăn tăng lượng chất xơ và uống đủ nước để kích thích nhu động ruột đều đặn và ngăn ngừa phân tích tụ trong ruột, từ đó duy trì môi trường đường ruột khỏe mạnh, giảm nguy cơ polyp và ung thư.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách ăn uống cân bằng, nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt và rau củ, cũng như một lượng trái cây vừa phải, đồng thời tránh lượng calorie và đường dư thừa.

Sự khác nhau giữa bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng – khi nào cần đi khám ngay?
Thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. (Ảnh: The Epoch Times)

Một tổng quan hệ thống được công bố trên Tập san British Medical Journal năm 2011 cho thấy rằng ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ từ ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt, có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Một nghiên cứu thuần tập được công bố trên Tập san Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ của Viện Ung thư Quốc gia vào năm 2020 cho biết việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt như một nguồn chất xơ có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Nghiên cứu đã phân tích thói quen ăn kiêng của gần 500,000 người Mỹ trưởng thành từ 50 đến 71 tuổi và phát hiện ra rằng những người tiêu thụ lượng ngũ cốc nguyên hạt cao nhất có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng thấp hơn 16% so với những người tiêu thụ ít ngũ cốc nguyên hạt nhất.

Không giống như ngũ cốc tinh chế, ngũ cốc nguyên hạt có chứa cám, mầm, và nội nhũ. Nhóm thực phẩm này rất giàu chất xơ, chất béo lành mạnh, protein, vitamin B và vitamin E, cũng như các khoáng chất iron (sắt), copper (đồng), zinc (kẽm) và magnesium. Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo lứt, kê, ngô, yến mạch, kiều mạch, lúa mạch, diêm mạch, lúa miến, v.v.

Châu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn