Các cơn đau tim tăng đột biến vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới, không chỉ vì thời tiết lạnh giá

Các bác sĩ tim mạch cân nhắc về lý do và đưa ra những lời khuyên cần thiết cho để có trái tim khỏe mạnh trong kỳ nghỉ lễ.

Mùa nghỉ lễ cho thấy sự gia tăng nguy cơ [về tim mạch] mà nhiều người có thể không nghĩ tới. Nghiên cứu cho thấy khả năng xuất hiện tình trạng cấp cứu tim mạch gây đe dọa mạng sống trong thời gian lễ hội lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm. Các nguyên nhân bao gồm căng thẳng gia tăng, thói quen bị gián đoạn, và thậm chí có thể là quá vui vẻ trong kỳ nghỉ.

Năm 2004, một nghiên cứu trên Tập san Circulation (Tuần hoàn) của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy các trường hợp tử vong do tim mạch xảy ra vào ngày 25/12 là cao nhất. Tiếp đến là ngày 26/12 và ngày 01/01.

Một số trường hợp cấp cứu tim mạch có thể xảy ra do điều kiện mùa đông khắc nghiệt và nhiệt độ đóng băng, thời tiết lạnh có thể gây co mạch máu. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2016 tại New Zealand, nơi có tháng Mười Hai và tháng Một ấm áp, đã nhận thấy xu hướng tương tự. Điều này thể hiện mối liên quan giữa các biến cố tim mạch với các kỳ nghỉ.

Nhiều bằng chứng hơn cho thấy sự gia tăng đáng kể các biến cố tim mạch phần nào có liên quan đến các ngày nghỉ lớn nói chung.

Một nghiên cứu quan sát ở Thụy Điển phát hiện ra rằng nguy cơ đau tim cao hơn xảy ra vào ngày Giáng Sinh và những kỳ nghỉ giữa mùa hè, đặc biệt trong đêm Giáng Sinh. Không thấy nguy cơ gia tăng trong lễ Phục sinh hoặc các sự kiện thể thao, bao gồm FIFA World Cup và Thế vận hội Olympic mùa đông. Nam giới có xu hướng xuất hiện cơn đau tim trong Thế vận hội Olympic mùa hè nhưng không đáng kể.

Nguy cơ cao hơn vào sáng sớm và thứ Hai. Nguy cơ rõ rệt hơn ở những người trên 75 tuổi bị bệnh tiểu đường và có tiền sử bệnh mạch vành.

Tiến sĩ Ahmad Alkhalil, bác sĩ tim mạch can thiệp và giám đốc của [trung tâm] Can thiệp van tim hai lá và ba lá qua da tại Viện tim Stony Brook, nói với The Epoch Times rằng sự gia tăng các cơn đau tim vào dịp giữa mùa hè, với lễ kỷ niệm phổ biến tại Thụy Điển nhân ngày hạ chí, và dường như ảnh hưởng nhiều hơn đến nam giới.

Ông nói, “Phụ nữ không bị ảnh hưởng nhiều,” đồng thời lưu ý rằng có lẽ điều này có thể là do các hoạt động nướng thịt và uống rượu mà nam giới tham gia nhiều hơn. Ông nói thêm, “Trong khi đó, dịp Giáng Sinh và Năm mới thì đồng đều hơn, không có sự phân biệt giới tính. Cả nam và nữ đều có xu hướng tham gia.”

‘Hội chứng trái tim tan vỡ’ là nguyên nhân của một số ca bệnh

Tiến sĩ Alkhalil cho biết, mặc dù nhiều nghiên cứu quan sát liên kết những ngày nghỉ lễ với các cơn đau tim, nhưng phương pháp luận của họ lại hạn chế việc chứng minh nhân quả. Ông lưu ý, “Vì vậy, tất cả những gì có thể nói là tồn tại một mối liên quan.”

Ông nói thêm, những biến cố [tim mạch] này giống với bệnh cơ tim do căng thẳng hay còn gọi là “hội chứng trái tim tan vỡ.” Đây là một tình trạng tạm thời đặc trưng bởi sự suy yếu đột ngột của cơ tim.

Hội chứng trái tim tan vỡ hay bệnh cơ tim Takotsubo, dường như có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng, mặc dù hiện tượng này vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Điểm mấu chốt là có một yếu tố căng thẳng được xác định gây giảm đáng kể chức năng của tim. Không giống như bệnh tắc nghẽn mạch vành cần đặt stent, trong bệnh lý này mạch vành không bị tắc nghẽn.

Tiến sĩ Alkhalil cho biết thông thường bệnh nhân đến viện vì đau ngực do tắc nghẽn mạch vành, nhưng [với bệnh Takotsubo] “Bạn chỉ cần điều trị bằng thuốc, sau đó tim sẽ từ từ hồi phục.”

Kỷ niệm hay mối nguy hiểm ngày nghỉ?

Tiến sĩ Supreeti Behuria, giám đốc khoa tim mạch hạt nhân tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island ở New York, nói với The Epoch Times rằng những yếu tố căng thẳng trong kỳ nghỉ như đi du lịch và dành thời gian cho gia đình thường làm gián đoạn các thói quen lành mạnh.

Tiến sĩ Behuria cho biết, “Một số người quên uống thuốc, quên thói quen tập thể dục hàng ngày, và có thể không tuân theo cách ăn uống lành mạnh cho [sức khỏe] trái tim.”

Sự kết hợp của những yếu tố này trong kỳ nghỉ lễ có thể dẫn đến bệnh tim mạch hoặc cơn đau tim.

Những yếu tố này kết hợp với nhau làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch, đặc biệt đối với những người bị các bệnh như cao huyết áp, cholesterol máu cao hoặc tiểu đường.

Một mối nguy hiểm khác là “hội chứng tim ngày lễ,” nhịp tim không đều do uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ nếu không được điều trị.

Tiến sĩ Behuria cho biết, “Để giảm nguy cơ bị hội chứng tim ngày lễ, mọi người nên ăn uống điều độ, tránh uống quá nhiều caffeine, và duy trì cung cấp đủ nước. Không uống quá 1 ly đồ uống có cồn mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly đối với nam giới.”

Làm sao để nâng niu trái tim của bạn

Ngoài những căng thẳng và sự nuông chiều bản thân quá mức trong kỳ nghỉ, thời tiết lạnh giá khắc nghiệt còn gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, tuân theo các thực hành sức khỏe cơ bản có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch quanh năm.

Tiến sĩ Mohammed Elamir, bác sĩ chính tại Phòng khám Aviv, đưa ra năm lời khuyên để giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch. Ông gọi đây là “năm trụ cột tạo nên sức khỏe tốt.”

  • Ăn uống phù hợp với bản thân: Tiến sĩ Elamir nói, “Không phải ai cũng nên ăn uống giống nhau.” Nên tham khảo ý kiến ​​chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của bạn.
  • Tập thể dục đầy đủ: Không phải tất cả chúng ta đều nên cố gắng để trở thành vận động viên chạy marathon. Hãy nói chuyện với một chuyên gia tập thể dục để xác định mức độ tập thể dục an toàn cho bạn.
  • Ngủ ngon: Giấc ngủ chất lượng rất quan trọng đối với sức khỏe. Nếu không thấy thoải mái sau một đêm nghỉ ngơi, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.
  • Rèn luyện trí óc: Mặc dù không liên quan trực tiếp đến tim, nhưng việc giữ cho trí óc luôn hoạt động có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh tim bằng cách ngăn ngừa chứng mất trí nhớ liên quan đến bệnh tim. Hãy cân nhắc việc học các kỹ năng mới để tránh suy giảm nhận thức.
  • Học cách quản lý căng thẳng: Căng thẳng có liên quan đến các vấn đề tim mạch và các bệnh tật khác. Bạn nên tìm hiểu về tâm linh, xây dựng tình bạn, và tìm kiếm các giao tiếp xã hội để duy trì sức khỏe trong suốt cả năm.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn