Dây thìa canh (Gymnema Sylvestre) giúp kiểm soát đường huyết và cảm giác thèm đường

Dây thìa canh đã được dùng trong y học Ayurvedic trong gần 2,000 năm, loại thảo mộc mạnh mẽ này có thể là một liệu pháp bổ trợ hiệu quả cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2.

CÁC LOẠI THỰC PHẨM CHỨC NĂNG THỊNH HÀNH VỚI TIỀM NĂNG BẤT NGỜ – PHẦN 2

Đây là phần 2 trong loạt bài “Các loại thực phẩm chức năng thịnh hành với tiềm năng bất ngờ.”

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá cơ sở khoa học đằng sau một số thực phẩm chức năng phổ biến và đầy hứa hẹn để giúp quý vị quyết định xem liệu có phù hợp với mình không.

Phần 1. Hãy bỏ qua các quảng cáo cường điệu, chúng ta có 4 lý do chính để sử dụng thực phẩm chức năng

Tương lai của y học bắt nguồn từ quá khứ, nơi thiên nhiên cung cấp hầu hết các loại thuốc cho con người qua thực vật. Thời nay, [việc sử dụng] thảo dược đang thông dụng trở lại khi các bác sĩ và bệnh nhân nhận ra đặc tính trị liệu mạnh mẽ và độ an toàn tương đối của thảo dược so với dược phẩm.

Dây thìa canh, một loại thảo dược được dùng rộng rãi trong y học Ayurvedic và được các thầy thuốc Ayurvedic ở Ấn Độ kê đơn điều trị bệnh tiểu đường cũng như nhiều căn bệnh khác trong gần 2,000 năm qua.

Có nhiều bác sĩ Tây y quan tâm đến khả năng hạ đường huyết và giảm cảm giác thèm đường của loại thảo mộc này, đặc biệt là tiềm năng điều trị bệnh tiểu đường. Dây thìa canh cũng có thể làm dịu chứng viêm, trợ giúp giảm cân và giảm cholesterol LDL (đôi khi được gọi là cholesterol “xấu”) và chất béo trung tính triglycerides.

Sử dụng trong Y học Ayurvedic

Cây thuốc là trung tâm của y học Ayurvedic, một nền y học Ấn Độ cổ xưa dựa trên cách tiếp cận sức khỏe toàn diện, cả thể chất lẫn tinh thần.

Bà Jamie Bacharach, nhà châm cứu có chứng chỉ hành nghề, nói với The Epoch Times trong một email, “Phương pháp Ayurvedic dựa trên tâm trí/cơ thể con người và cách mà cơ thể tương ứng với năm yếu tố căn bản: đất, nước, lửa, không khí và không.”

Bà Bacharach cho biết, thời nay cách tiếp cận của Ayurvedic vẫn giống như hàng nghìn năm trước.

Bà nói, “Mục tiêu chính của nền y học Ayurvedic là giúp mọi người sống lâu và khỏe mạnh hơn mà không cần dùng thuốc kê toa.”

Thay vào đó, các thầy thuốc Ayurvedic áp dụng các phương pháp điều trị đa dạng, bao gồm: yoga, châm cứu, xoa bóp và thảo dược.

“Nền y học Ayurvedic không phải là tách trà thảo dược dành cho tất cả mọi người nhưng nhiều người tìm thấy niềm an ủi, sự thoải mái và chữa lành qua các bài học và việc thực hành.”

Dây thìa canh, còn được gọi là “gurmar” trong tiếng Hindi, nghĩa là “kẻ hủy diệt đường.” Lá thìa canh có chứa acid gymnemic, một hợp chất có khả năng ức chế vị ngọt của đường.

Đây là một loài thuộc họ Bông tai (milkweed), mọc ở Ấn Độ cũng như một số vùng ở Trung Quốc, Châu Phi, Malaysia và Sri Lanka.

Cây Dây thìa canh (Ảnh: HerbToday/Shutterstock)
Cây Dây thìa canh (Ảnh: HerbToday/Shutterstock)

Mặc dù Dây thìa canh có nguồn gốc lịch sử sâu xa với công dụng điều trị sốt rét và vết rắn cắn nhưng giá trị được công nhận nhiều nhất là khả năng chống lại bệnh tiểu đường một cách tự nhiên và hiệu quả bằng cách điều chỉnh lượng đường huyết và insulin.

Tiềm năng lâm sàng và điều trị

Một đánh giá toàn diện năm 2019 về Dây thìa canh được xuất bản trên Tập san Frontiers in Pharmacology (Lĩnh vực Dược lý) đã xem xét tất cả các nghiên cứu được công bố trước đây để xác định hợp chất hóa thực vật, dược lý và tiềm năng lâm sàng của cây thuốc này.

Hóa thực vật là các chất hóa học tự nhiên có trong thực vật. Thân cây Dây thìa canh chứa các hợp chất trị liệu đặc hiệu, bao gồm stirysterol và triterpenoid saponin.

Stigmasterol, một sterol thực vật có đặc tính chống tiểu đường, chống ung thư, chống oxy hóa và hạ đường huyết.

Triterpenoid saponin có vô số lợi ích dược lý, bao gồm chống khối u, kháng nấm, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch và trị tiểu đường.

Dây thìa canh cải thiện lượng đường huyết

Năm 1887, ông David Hooper, dược sĩ và là nhà nghiên cứu đã công bố một nghiên cứu trên Tập san Nature (Tự nhiên) sau khi ông quan sát thấy chỉ bằng cách nhai lá cây Dây thìa canh, người ta không còn cảm nhận được vị ngọt của đường nữa. Ông viết, “Đường cùng với các … thực phẩm ăn kiêng khác rõ ràng đã bị mất vị ngọt sau khi nhai những chiếc lá này. Ví dụ, trong chiếc bánh gừng, người ta chỉ cảm nhận được vị cay của gừng; phần còn lại của chiếc bánh chỉ là một bữa ăn vô vị,”

Ông Hooper còn chiết xuất acid gymnemic từ các bộ phận chính của cây. Đây là hợp chất quan trọng nhất giúp hạ đường huyết.

Năm 1925, KG Gharpurey, bác sĩ phẫu thuật, đã viết về trải nghiệm của ông với Dây thìa canh trong một bức thư gửi cho biên tập viên của Tập san Indian Medical Gazette (Y học Ấn Độ). Sự tò mò của ông trỗi dậy sau khi đọc các bài viết về việc nhiều người không còn cảm nhận được vị ngọt khi nhai lá cây này. Ông trộn bột lá [dây thìa canh] với nước tiểu của bệnh nhân tiểu đường và nhận thấy tỷ lệ đường trong nước tiểu giảm. Ông tiếp tục thử nghiệm bằng cách cho bệnh nhân dùng bột lá [dây thìa canh] và nhận thấy tác dụng tương đương trong việc giảm hoặc loại bỏ lượng đường trong nước tiểu.

Ông viết, “Ghi chú này được viết ra để các nhân viên y khoa có thể thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này trên diện rộng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, bởi vì cho đến nay các đặc tính chống tiểu đường của cây dường như đã bị bỏ qua.”

Dây thìa canh tăng tiết Insulin

Dây thìa canh kích thích tuyến tụy tiết insulin. Mặc dù bản thân điều này đã là rất đáng chú ý, dây thìa canh còn có thêm một đặc tính giúp cho loại thảo mộc này trở thành một phương pháp điều trị tiểu đường mang tính đột phá.

Một đánh giá toàn diện về loại cây này được công bố trên Tập san Pharmacologyonline (Dược lý trực tuyến) năm 2008, “Vào năm 1990, một loạt các nghiên cứu về chiết xuất Dây thìa canh được công bố, đã đưa loại thảo mộc này từ chỗ thú vị trở thành một cuộc cách mạng. Nghiên cứu cho thấy, chiết xuất Dây thìa canh trên động vật bị tiểu đường không chỉ có kết quả cải thiện glucose nội môi, mà sự cải thiện này đi cùng với sự tái tạo các tế bào beta trong tuyến tụy.”

Tuyến tụy sản xuất insulin. Bệnh nhân tiểu đường loại 1 không có khả năng tạo ra loại hormone quan trọng này và khi bệnh tiểu đường loại 2 tiến triển, tuyến tụy sẽ suy yếu và khó để có thể sản xuất đủ insulin.

Nghiên cứu được công bố ở Ấn Độ năm 1987 là một trong những nghiên cứu đầu tiên đưa ra khám phá này.

Một cơ chế khác của Dây thìa canh là khả năng ức chế glucose đi vào máu. Do các phân tử tạo nên acid gymnemic có cấu trúc tương tự glucose, nên có thể gắn vào thụ thể đường ở ruột và ngăn cản glucose đi vào máu, dẫn đến lượng đường trong máu giảm xuống.

Cô Margie Navarro, chuyên gia châm cứu và là nhà thảo dược có chứng chỉ hành nghề cho biết, “Khi ăn nhiều đường, quý vị sẽ có cảm giác hưng phấn. Nhưng ngay sau đó, quý vị sẽ bị hạ đường huyết vì một lượng lớn insulin được tiết ra để đáp ứng với lượng đường [tăng cao] trong cơ thể. Kết quả là chỉ 30 phút sau khi ăn đồ ngọt, quý vị lại thèm đường. Bằng cách gắn vào thụ thể đường, Dây thìa canh ngăn đường đi vào máu và duy trì sự cân bằng nội môi trong cơ thể.”

Một nghiên cứu kéo dài 90 ngày năm 2011 trên 65 bệnh nhân dùng Dây thìa canh cho thấy nồng độ đường huyết trung bình trước bữa ăn của họ giảm 11%. Việc bổ sung Dây thìa canh cũng làm giảm lượng đường huyết hai tiếng sau bữa ăn 13% và giảm huyết sắc tố A1C từ 8.8% xuống 8.2%. Ngoài ra, 11 bệnh nhân trong nhóm có khả năng điều chỉnh đường huyết kém nhất, với lượng huyết sắc tố A1C ban đầu từ 10% trở lên, đã có thể giảm liều thuốc điều trị tiểu đường. Huyết sắc tố A1C đánh giá mức đường huyết trung bình trong ba tháng qua.

Cơ chế hoạt động chống tiểu đường của Dây thìa canh

Một số cơ chế hoạt động đã được đề nghị để giải thích hoạt động chống tiểu đường của Dây thìa canh, bao gồm tác dụng ức chế đường của acid gymnemic như đã đề cập ở trên.

Dây thìa canh cũng làm tăng tiết insulin, gợi ý khả năng tái tạo insulin và tế bào beta của tuyến tụy. Các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất và tiết insulin để điều chỉnh lượng đường huyết.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy một hợp chất (chiết xuất metanol) trong cây làm tăng sinh tế bào beta, cho thấy Dây thìa canh có thể giúp phục hồi chức năng tế bào tuyến tụy và điều trị bệnh tiểu đường loại 1.

Dây thìa canh (Gymnema Sylvestre) giúp kiểm soát đường huyết và cảm giác thèm đường
(Ảnh: The Epoch Times)

Bà Navarro nói với The Epoch Times rằng mặc dù các nghiên cứu cho thấy khả năng tái tạo tế bào beta của Dây thìa canh, tuy nhiên, “đối với bệnh tiểu đường loại 1, việc mong đợi sự hồi phục hoàn toàn và không cần chích insulin là điều không thực tế.”

Bà Navarro và bà Bacharach nhấn mạnh rằng thực phẩm chức năng này không thay thế các loại thuốc điều trị tiểu đường được kê toa và bệnh nhân chỉ nên dùng Dây thìa canh như một liệu pháp bổ trợ cùng với thực đơn ăn kiêng và vận động thể chất, nhằm duy trì mức đường huyết và insulin ở trạng thái cân bằng.

[Sử dụng Dây thìa canh] liều rất cao có thể làm giảm đường huyết xuống mức nguy hiểm, gây suy nhược, lú lẫn và chóng mặt. Không nên dùng Dây thìa canh cùng lúc với các loại thuốc hạ insulin khác. Bà Navarro khuyên bệnh nhân tiểu đường nên được bác sĩ nội tiết chăm sóc khi dùng Dây thìa canh. “Các bác sĩ nội tiết theo dõi lượng insulin trong cơ thể quý vị thay đổi như thế nào khi bổ sung Dây thìa canh và có thể giảm liều insulin hàng ngày nếu cần.”

Bệnh nhân của bà Bacharach thường dùng Dây thìa canh kết hợp với thuốc trị tiểu đường truyền thống. “Theo kinh nghiệm của tôi, sử dụng Dây thìa canh luôn là phương pháp can thiệp bổ sung, không phải phương pháp điều trị độc lập. Điều quan trọng cần lưu ý là không có thực phẩm chức năng nào có thể thay thế thực đơn ăn uống và việc tập thể dục. Chăm sóc cơ thể là công việc số 1 và là ưu tiên hàng đầu của quý vị.”

Dây thìa canh giảm cảm giác thèm đường và hỗ trợ giúp giảm cân

Dây thìa canh cũng có thể giúp đẩy nhanh việc giảm cân bằng cách kiểm soát lượng đường huyết và giảm cảm giác thèm ngọt. Cơ chế gắn vào thụ thể đường ở ruột để ngăn chặn sự hấp thụ glucose cũng xảy ra trên lưỡi để ức chế vị ngọt của đường.

Bà Navarro cho biết, “Dây thìa canh làm giảm tác dụng chuyển hóa của insulin. Việc giảm lượng insulin trong máu cũng điều chỉnh lượng chất béo trung tính trong tuần hoàn. Đây là loại chất béo thường gây mỡ bụng, đặc trưng của hội chứng chuyển hóa.”

Một đánh giá tổng quan năm 2013 cho biết, acid hydroxy citric (một chiết xuất từ ​​nhiều loại thực vật nhiệt đới) kết hợp với Dây thìa canh đã làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), cholesterol LDL, chất béo trung tính và cholesterol toàn phần.

Dây thìa canh giảm mỡ và chất béo trung tính

Chiết xuất lá Dây thìa canh cũng cho thấy đặc tính hạ lipid mạnh mẽ khi dùng cho những chú chuột cái Wister. Các nhà nghiên cứu cho những chú chuột ăn thực đơn nhiều chất béo trong 4 tuần, khiến chúng tăng cân đáng kể, tăng mức LDL (cholesterol xấu) và chất béo trung tính, đồng thời giảm mức HDL (“cholesterol tốt”). Sau bốn tuần, những chú chuột được chia thành các nhóm và được cho dùng Dây thìa canh hoặc atorvastatin, một loại thuốc giảm cholesterol tiêu chuẩn.

Sau bốn tuần dùng Dây thìa canh hoặc atorvastatin, các nhà nghiên cứu nhận thấy Dây thìa canh làm giảm cả mức LDL và chất béo trung tính đồng thời làm tăng cholesterol HDL.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng mặc dù Dây thìa canh không có tác dụng tiềm năng đối với cholesterol như thuốc atorvastatin, loại thảo dược này vẫn được xem là một liệu pháp bổ trợ cho tình trạng máu nhiễm mỡ vì thảo dược là lựa chọn thay thế an toàn và tiết kiệm hơn.

Một phân tích gộp năm 2021 cho thấy bổ sung Dây thìa canh có thể làm giảm đáng kể chất béo trung tính ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.

Một phân tích gộp khác năm 2023 cũng cho thấy kết quả tương tự, kết luận rằng việc bổ sung Dây thìa canh có thể làm giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần, chất béo trung tính và cholesterol LDL, cho thấy tiềm năng cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Cách sử dụng Dây thìa canh

Có một số cách khác nhau để dùng Dây thìa canh. Lá Dây thìa canh có thể ăn được và thường được nhai trực tiếp. Một số người xay nhuyễn Dây thìa canh để pha trà.

(Ảnh: Tawin Mukdharakosa/Shutterstock)
(Ảnh: Tawin Mukdharakosa/Shutterstock)

Bà Navarro gợi ý nên dùng Dây thìa canh dưới dạng thảo dược khô trộn với cà phê trong bình pha cà phê French press để có liều lượng thấp hơn. “Quý vị cũng có thể dùng Dây thìa canh dưới dạng cồn thuốc [một dạng chiết xuất thảo dược bằng cách ngâm thảo dược trong dung môi là cồn], thường có liều lượng cao hơn so với dạng thảo dược khô hoặc viên nang.

Bà nói, “Nhiều công ty thực hiện thử nghiệm do bên thứ ba cung cấp và quý vị có thể hỏi liệu họ đã thực hiện các nghiên cứu định tính về sản phẩm để bảo đảm hiệu lực hay chưa. Hãy tìm các thương hiệu có nhiều sản phẩm chất lượng cao và nơi có thể trả lời tất cả các câu hỏi về nguồn gốc thảo mộc”.

An toàn và các tác dụng phụ

Dây thìa canh nhìn chung là an toàn cho người lớn khi dùng với liều lượng khuyến cáo. Tuy nhiên, do còn thiếu các nghiên cứu về độ an toàn, một số nhóm người nên tránh dùng loại thảo dược này, bao gồm:

  • Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Trẻ em và trẻ sơ sinh.
  • Người bị bệnh tiểu đường (trừ khi có sự giám sát của bác sĩ).
  • Người bị dị ứng với cây bông tai vì cả hai cùng họ.

Cây John’s wort (Ban âu) có tác dụng làm giảm lượng đường huyết, do vậy không nên dùng chung với Dây thìa canh.

Một nghiên cứu đã báo cáo tình trạng nhiễm độc gan ở một bệnh nhân điều trị bệnh tiểu đường bằng Dây thìa canh, gợi ý rằng Dây thìa canh có thể liên quan đến tình trạng này. Tuy nhiên, các tác giả không tìm thấy báo cáo nào trước đây cho thấy Dây thìa canh gây tổn thương gan.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Allison DeMajistre
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Allison DeMajistre, BSN, RN, CCRN, là một nhà văn y tế tự do của The Epoch Times. Cô là một y tá đã được chứng nhận và từng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc tích cực. Cô chuyên viết về các chủ đề liên quan đến bệnh tim mạch.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn