Chữa lành bằng sự giúp đỡ – Cách giảm bớt trầm cảm, lo âu qua những hành động tử tế

Hành động tử tế thường xuất phát từ lòng vị tha, nhưng cũng mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho người trao tặng.

Nhà hiền triết Aesop đã từng nói, “Không có bất kỳ hành động tử tế nào, dù nhỏ đến đâu là bị hoài phí.

Nghiên cứu gần đây cho thấy những hành động tử tế có thể giúp chữa lành chứng lo âu và trầm cảm.

Những hành động đơn giản – như nướng bánh cho đồng nghiệp hay chơi cờ với các thành viên trong gia đình – bất kể cử chỉ đó lớn nhỏ như thế nào và khi được thực hiện chỉ vì người khác, đều có ích cho chứng lo âu và trầm cảm.

Cuộc điều tra thử nghiệm được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Ohio State University cho thấy, thông qua việc giúp đỡ người khác, những người bị căng thẳng, lo âu và trầm cảm (cả mức độ trung bình và nặng) đã có tiến triển tốt về trạng thái tinh thần, điều này không xuất hiện trong hai kỹ thuật trị liệu của hai nhóm đối chứng khác.

Trưởng nhóm nghiên cứu David Cregg cho biết, “Thực hiện những việc tốt đẹp cho người khác và tập trung vào nhu cầu của người khác thực sự có thể giúp những người bị trầm cảm và lo lắng cảm thấy tốt hơn về bản thân.”

Nghiên cứu được công bố trên Tập san The Journal of Healing Psychology (Tâm lý học Chữa bệnh), có sự tham gia của 122 người bị lo âu và trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Sau phần giới thiệu ngắn gọn, họ được chia thành ba nhóm – nhóm đầu tiên được giao nhiệm vụ lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động xã hội, nhóm thứ hai được chỉ định liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), và nhóm thứ ba được yêu cầu thực hiện những hành động tử tế theo mọi khả năng – tất cả sẽ được thực hiện trong vòng năm tuần.

Lập kế hoạch hoạt động xã hội

Nghiên cứu cho thấy một trong những đặc điểm của cá nhân khỏe mạnh và phát triển là có mối liên hệ xã hội chặt chẽ và cách để đạt được điều đó là qua việc lập kế hoạch và tham gia các cuộc hội họp xã hội.

Tham gia vào các hoạt động xã hội đã được chứng minh là hữu ích trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và hạnh phúc. Theo nguyên tắc này, những người tham gia được yêu cầu lên kế hoạch cho hoạt động xã hội với những người khác trong hai ngày của mỗi năm tuần.

Liệu pháp nhận thức hành vi

Bởi vì suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta có mối liên hệ với nhau nên cách chúng ta diễn giải tình huống sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận và hành xử. Một trong những phương pháp áp dụng CBT là đánh giá lại nhận thức. Do đó suy nghĩ tốt đẹp sẽ thúc đẩy hành vi tích cực và suy nghĩ không đúng đắn sẽ tạo ra tác động có hại đến tâm trạng và hành vi con người. Đánh giá lại nhận thức bằng viết nhật ký giúp chúng ta ghi lại rõ ràng những suy nghĩ bản thân. Nhóm này được yêu cầu ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của họ ít nhất hai ngày trong mỗi năm tuần.

Thực hiện những hành động tử tế

Nghiên cứu cho thấy một trong những đặc điểm của những cá nhân thành đạt là thiên hướng phục vụ người khác (Inagaki & Orehek, 2017). Trong cuộc sống hàng ngày, khi chúng ta thực hiện những hành động tử tế cho người khác mà không mong đợi bất kỳ phần thưởng nào, điều đó có thể tạo ra những thay đổi tích cực lâu dài cho sức khỏe và hạnh phúc tổng thể của con người. Những hành động tử tế này có thể lớn hoặc nhỏ, miễn là được dùng để phục vụ người khác và có thể trả giá bằng thời gian hoặc nguồn lực.

Theo đó, nhóm thứ ba trong nghiên cứu được yêu cầu thực hiện ba hành động tử tế mỗi ngày trong hai ngày của mỗi năm tuần. Một số hành động liên quan đến hoạt động tình nguyện cho tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức dựa trên đức tin, tham gia các sự kiện từ thiện, viết thư xác nhận cho ai đó, để lại lời nhắn động viên cho bạn cùng phòng, v.v…

Chữa lành bằng sự giúp đỡ - Cách giảm bớt trầm cảm, lo âu qua những hành động tử tế
Bạn bè của chúng ta không cần nghe rằng nỗi khổ của họ sẽ qua đi; chúng ta thừa nhận trải nghiệm của họ. (Ảnh: Odua Images/Shutterstock)

Những người tham gia được đánh giá sau năm tuần làm theo hướng dẫn. Các phát hiện cho thấy người tham gia từ cả ba nhóm có sự cải thiện với tỷ lệ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm đều giảm. Ông Cregg cho biết, “Những kết quả này rất đáng khích lệ vì cho thấy cả ba biện pháp can thiệp của nghiên cứu đều có hiệu quả trong việc giảm bớt căng thẳng và cải thiện sự hài lòng.”

Ông nói thêm, “Nhưng các hành động tử tế vẫn có lợi thế hơn so với các hoạt động xã hội khác và việc đánh giá lại nhận thức, nhờ khiến mọi người cảm thấy gắn kết hơn với người khác, đây là một phần quan trọng của hạnh phúc.”

Khi so sánh mức độ thay đổi quan sát được giữa ba nhóm, nhóm thực hiện hành động tử tế cho thấy sự cải thiện cao nhất. Theo đồng tác giả Jennifer Cheavens, việc tham gia các hoạt động xã hội không thực sự nâng cao cảm giác gắn kết với môi trường của người tham dự.

Bà nói, “Có điều gì đó đặc biệt khi thực hiện những hành động tử tế khiến mọi người cảm thấy được kết nối với người khác. Việc chỉ ở bên người khác, tham gia các hoạt động xã hội là chưa đủ.”

Bà Cheavens cũng nói thêm rằng “chúng tôi thường nghĩ rằng những người bị trầm cảm đã phải đối mặt với đủ việc, nên chúng tôi không muốn tạo thêm gánh nặng bằng cách yêu cầu họ giúp đỡ người khác. Nhưng các kết quả này đi ngược lại suy nghĩ đó.”

Đối với các kỹ thuật CBT được áp dụng trong nghiên cứu, các phát hiện cho thấy người ta không cần phải thực hiện toàn bộ để đạt được lợi ích – mặc dù việc hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị có thể cho kết quả tốt hơn. Nghiên cứu kết luận rằng ngoài các kỹ thuật thông thường, những hành động tử tế có thể giúp tạo ra các kết nối xã hội.

Theo ông Cregg, “Hành động đơn giản như giúp đỡ người khác có tác dụng chữa lành cho những người bị trầm cảm và lo âu, vượt xa các phương pháp điều trị khác.”

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn