Công dụng của đậu bắp trong kiểm soát đường huyết và lipid máu, 5 điều lưu ý

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, tăng tập thể dục và lối sống lành mạnh, đậu bắp - một loại rau củ cũng có tác dụng hạ đường huyết giống như thuốc.

Bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính phổ biến có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan và hệ cơ quan khác nhau. Ngoài việc dùng thuốc hạ đường huyết, công dụng của đậu bắp (Abelmoschus esculentus) còn giúp bệnh nhân tiểu đường điều hòa đường huyết.

Theo thống kê năm 2021 của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), 537 triệu người trưởng thành (từ 20 đến 79 tuổi) trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh tiểu đường. Đến năm 2030, số bệnh nhân tiểu đường toàn cầu sẽ lên tới 643 triệu người. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 11.6% người dân ở Hoa Kỳ bị bệnh tiểu đường và 38% người trưởng thành đang ở giai đoạn tiền tiểu đường. Điều đó có nghĩa là khả năng điều chỉnh đường huyết của họ bị suy giảm và có khả năng phát triển thành bệnh tiểu đường toàn phát nếu không được kiểm soát. Vì vậy, việc kiểm soát đường huyết là vấn đề cần được nhiều người quan tâm.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, tăng tập thể dục, và lối sống lành mạnh, công dụng của đậu bắp – một loại rau củ – còn giúp hạ đường huyết giống như thuốc.

Công dụng của đậu bắp trong kiểm soát đường huyết và lipid máu, 5 điều lưu ý
Ngoài các lợi ích cho người bị bệnh tiểu đường, đậu bắp giàu chất xơ, rất hữu ích cho những bệnh nhân mắc bệnh ruột kích thích và lipid máu cao. (Shutterstock)

Một nghiên cứu lâm sàng mới năm 2023 cho thấy bệnh nhân tiểu đường loại 2 có thể cải thiện lipid máu, đường huyết và chứng viêm mạn tính mà không có bất kỳ tác dụng phụ đáng chú ý nào bằng cách uống 1,000 miligam viên nang bột đậu bắp ba lần một ngày trong ba tháng.

Năm 2018, một nghiên cứu trên động vật được công bố trên Tập san Cell Journal (Tế bào) đã xác nhận rằng công dụng của đậu bắp còn là tiềm năng chống tăng đường huyết và hạ lipid máu nhờ giảm tổn thương mô tuyến tụy.

Dồi dào Polysaccharides và Flavonoid

Đậu bắp là một loại trái cây nhiệt đới (ăn như rau) chứa nhiều dưỡng chất, có khả năng kiểm soát đường huyết chủ yếu nhờ các polysaccharide và flavonoid. Polysaccharides là carbohydrate phức tạp không làm tăng đường huyết mà thay vào đó ngăn chặn đường huyết tăng đột biến và tăng hấp thụ glucose. Flavonoid là chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ các tế bào đảo tụy khỏi tổn thương do gốc tự do, ức chế một số enzyme ảnh hưởng đến đường huyết, và cải thiện tình trạng viêm mạn tính.

Ngoài polysaccharides và flavonoid, đậu bắp còn chứa các thành phần tốt cho sức khỏe khác. Các bộ phận khác nhau của đậu bắp chứa nhiều thành phần hoạt tính sinh học khác nhau, bao gồm các hợp chất polyphenolic, đặc biệt là catechin oligomeric và các dẫn xuất flavonoid như quercetin. Nghiên cứu cho thấy công dụng của đậu bắp còn nổi tiếng với khả năng chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư, điều hòa miễn dịch, bảo vệ dạ dày, bảo vệ thần kinh, hạ lipid và chống tiểu đường.

Ngoài cách ăn đậu bắp như một loại rau, có thể ép hạt đậu bắp khô thành dầu. Hạt đậu bắp chứa nhiều acid béo không bão hòa lành mạnh, chất chống oxy hóa và các nguyên tố vi lượng. Những thành phần này có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, chống viêm và lão hóa, bảo vệ da, v.v… Dầu hạt đậu bắp cũng làm tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin, do đó làm giảm đường huyết.

5 điều cần lưu ý khi ăn đậu bắp

Đậu bắp có thể được chế biến theo nhiều cách như xào, hầm và luộc. Loại rau này có hương vị nhẹ và thanh mát. Tuy nhiên, khi ăn đậu bắp, cần cân nhắc một số điều sau:

  • Chứa oxalate: Các oxalate có thể kết hợp với các khoáng chất khác để tạo thành sỏi. Nếu bạn có xu hướng bị sỏi oxalate, hãy ăn đậu bắp ở mức độ vừa phải.
  • Có thể gây phản ứng dị ứng: Những phản ứng có thể bao gồm phát ban da, nôn mửa, tiêu chảy, ho và sốt. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong khi ăn đậu bắp, hãy ngừng ăn.
  • Chứa vitamin K: Vitamin K tham gia vào quá trình đông máu. Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, hãy thận trọng khi ăn đậu bắp.
  • Có thể làm giảm đường huyết: Nếu bạn dùng thuốc hạ đường huyết, hãy theo dõi xem đường huyết của bạn có quá thấp hay không.
  • Có thể không phù hợp với những người có vấn đề sức khỏe nhất định như bệnh về đường tiêu hóa. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn