Hướng dẫn cơ bản về bệnh sương mù não: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của sương mù não khác nhau ở mỗi người.

Bạn có cảm thấy suy nghĩ của mình bị mờ nhạt hoặc phân tán không? Có lẽ bạn cảm thấy mình đang [lơ lửng] trong một đám mây hoặc choáng váng. Nếu vậy, bạn có thể đang phải đối mặt với tình trạng sương mù não.

Mặc dù khó có thể định nghĩa về mặt y học nhưng sương mù não là một trải nghiệm dễ hiểu đối với nhiều người.

Nói chung, sương mù não đề cập đến các vấn đề liên quan đến sự tập trung, chú ý hoặc trí nhớ. Những vấn đề này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng và đôi khi hàng năm.

Tình trạng này gần đây đã trở thành chủ đề được quan tâm đặc biệt do đây là một triệu chứng của COVID kéo dài. COVID kéo dài được chẩn đoán khi các triệu chứng của COVID-19 kéo dài hơn bốn tuần kể từ lần nhiễm trùng đầu tiên.

Mặc dù tình trạng sương mù não có thể gây khó chịu nhưng tin tốt là các nhà nghiên cứu đang bắt đầu hiểu được các yếu tố cơ bản góp phần gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, từ đó đưa ra các lựa chọn điều trị khả thi.

Vì sương mù não không có định nghĩa chính thức trong cộng đồng y tế và không có tiêu chuẩn chẩn đoán chuẩn nên việc ước tính mức độ phổ biến của tình trạng này là một thách thức. Việc ước tính mức độ phổ biến của sương mù não trong bối cảnh của một bệnh lý cụ thể thường thực tế hơn.

Những căn bệnh nào có liên quan đến sương mù não?

Sương mù não thường được coi là triệu chứng của các bệnh khác hơn là bản thân một căn bệnh. Sau đây là một số tình trạng có liên quan chặt chẽ nhất với sương mù não.

1. Hội chứng mệt mỏi mạn tính

Bệnh nhân hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS) thường mô tả các triệu chứng hiện có là mệt mỏi tinh thần quá mức. Kiểm tra nhận thức thần kinh ở bệnh nhân CFS có thể cho thấy sự thiếu hụt về trí nhớ làm việc, sự tập trung, sự chú ý và đặc biệt là về tốc độ và hiệu quả giải quyết thông tin.

2. Đau cơ xơ hóa

Khoảng 15% đến 40% số người bị đau mạn tính do rối loạn nguyên phát gặp phải tình trạng sương mù não.

Tiến sĩ Robert Keenan, phó giám đốc phụ trách các vấn đề lâm sàng của Khoa Thấp khớp tại Duke University, nói với Duke Health rằng hơn 70% đến 80% bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa gặp phải tình trạng sương mù não.

Bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa đôi khi sử dụng thuật ngữ “fibro fog” để mô tả sự thiếu hụt chức năng nhận thức mà họ gặp phải với tình trạng này. Một nghiên cứu cho thấy chức năng nhận thức đã giảm đáng kể ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa, với mức độ ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập/trí nhớ và tốc độ chú ý/tâm thần vận động. Những bệnh nhân này có chức năng điều hành và trí nhớ ngắn hạn bị ảnh hưởng ở mức độ trung bình.

3. Bệnh ung thư

Có tới 85% bệnh nhân ung thư đang được điều trị báo cáo bị suy giảm nhận thức từ nhẹ đến nặng.

Bệnh nhân đang điều trị ung thư thường bị suy giảm nhận thức do hóa trị liệu (CICI), thường được gọi là “não hóa trị.” Những bệnh nhân này gặp khó khăn với chức năng điều hành, sự tập trung, sự chú ý và trí nhớ làm việc.

4. COVID kéo dài

Khoảng 70% bệnh nhân COVID kéo dài gặp khó khăn về nhận thức.

Một nghiên cứu tiết lộ rằng ở những người trưởng thành sương mù não sau COVID kéo dài, có số lần gặp khó khăn trong việc tìm từ và suy giảm trí nhớ chủ quan cao hơn. Ngoài ra, hiệu suất của những bệnh nhân này trong các nhiệm vụ nhận thức dựa trên máy điện toán kém hơn.

5. Bệnh tế bào mast hệ thống

Bệnh tế bào mast hệ thống là một rối loạn hiếm gặp do sự tích tụ quá nhiều tế bào mast, một loại tế bào bạch cầu. Một khảo sát gần đây trên những người bị chứng rối loạn tế bào mast đã báo cáo rằng hơn 90% trong số họ gặp triệu chứng sương mù não từ trung bình đến nặng gần như hàng ngày.

6. Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng

Sương mù não là lời phàn nàn phổ biến của những người gặp phải hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS), một chứng rối loạn tuần hoàn máu khiến nhịp tim của một người tăng lên khi đứng lên và các triệu chứng khác xảy ra. Sương mù não nổi bật nhất ở các chức năng nhận thức cao hơn như trí nhớ làm việc và chức năng điều hành, nhưng thường bị giới hạn ở khi cá nhân đứng thẳng.

7. Bệnh celiac

Hầu hết những bệnh nhân celiac đều cho biết họ gặp phải tình trạng sương mù não, mặc dù các triệu chứng dường như được cải thiện khi tuân thủ bữa ăn không gluten.

Cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về mối quan hệ giữa bệnh celiac và suy giảm nhận thức, nhưng bằng chứng hiện tại càng ủng hộ ý kiến ​​cho rằng ruột và não có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Các triệu chứng của sương mù não là gì?

Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của sương mù não khác nhau ở mỗi người. Bệnh nhân thường khó mô tả sự thiếu hụt nhận thức của mình bằng thuật ngữ cụ thể.

Có thể có một số sự trùng lặp lâm sàng về sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng liên quan đến sương mù não, nhưng nói chung, mọi người báo cáo các triệu chứng sau:

  • Một cảm giác mơ hồ về tinh thần.
  • Cảm giác như đang ở trên mây.
  • Tinh thần mệt mỏi quá mức.
  • Cảm giác “rải rác”.
  • Khó khăn với sự tập trung hoặc chú ý.
  • Gặp khó khăn khi đang tập trung.
  • Khó khăn với trí nhớ làm việc.
  • Tăng tính hay quên.
  • Khó khăn trong việc xử lý thông tin.

Nguyên nhân gây ra sương mù não?

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây ra sương mù não, nhưng theo đánh giá của Tập san Frontiers in Neuroscience (Lĩnh vực Khoa học thần kinh), tình trạng viêm có thể là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, tình trạng viêm có thể có những tác nhân khác nhau.

Tình trạng viêm thần kinh gây ra sương mù não có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Chất độc, chẳng hạn như những chất liên quan đến ma túy, thuốc lá và đôi khi là rượu.
  • Nhạy cảm với thực phẩm, như không dung nạp gluten.
  • Không dung nạp histamine.
  • Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.
  • Virus hoặc nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh Lyme và COVID-19.
  • Dinh dưỡng kém.
  • Thiếu ngủ.
  • Căng thẳng kinh niên.
  • Một số loại thuốc, bao gồm cả phương pháp điều trị ung thư.
  • Những thay đổi và tình trạng nội tiết tố, như mãn kinh và suy giáp.
  • Các căn bệnh tự miễn như lupus, đau cơ xơ hóa và hội chứng mệt mỏi kinh niên.
  • Các tình trạng như trầm cảm và đau mạn tính.

Vì một số tác nhân hóa trị được biết là có thể gây ra sương mù não nên những hiểu biết sâu sắc về cơ chế hoạt động của các tác nhân hóa trị liệu gây ra sương mù não rất hữu ích.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh sương mù não: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Mặc dù nguyên nhân chính xác của tình trạng sương mù não vẫn chưa được biết rõ nhưng tình trạng viêm được nghi ngờ là cơ chế đằng sau. (Ảnh: The Epoch Times)

Ai có nguy cơ bị sương mù não?

Bất cứ ai cũng có thể bị sương mù não, nhưng những người có nguy cơ cao nhất bao gồm:

  • Phụ nữ: Phụ nữ có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng COVID kéo dài hơn, bao gồm cả những khó khăn về khả năng nhận thức. Thời kỳ mãn kinh cũng có thể gây ra sương mù não. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi bệnh tự miễn, một số trong đó có triệu chứng sương mù não.
  • Người có chế độ dinh dưỡng kém.
  • Những người không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon giấc.
  • Người đang chịu nhiều căng thẳng.
  • Bệnh nhân ung thư đang được điều trị bằng thuốc hóa trị.
  • Người bị nhiễm virus.
  • Những người mắc bệnh Covid kéo dài.
  • Những người bị rối loạn tự miễn dịch nhất định.
  • Những người bị CFS.
  • Những người sống với cơn đau mãn tính.
  • Người bị trầm cảm.

Sương mù não được chẩn đoán như thế nào?

Sương mù não không phải là một tình trạng bệnh lý cụ thể có tiêu chuẩn chính thức nên không có xét nghiệm chẩn đoán tiêu chuẩn; tuy nhiên, bác sĩ của bạn có thể làm một số việc để điều tra nguyên nhân gây ra sương mù não.

  • Bệnh sử và khám thực thể: Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử chi tiết bao gồm thuốc, mức độ căng thẳng, kiểu ngủ và phương pháp ăn uống. Ngoài ra, người đó sẽ thực hiện kiểm tra thể chất kỹ lưỡng.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ của bạn có thể quyết định thực hiện xét nghiệm máu trong phòng thí nghiệm để đảm bảo rằng bạn không bị thiếu bất kỳ chất dinh dưỡng nào và hormone của bạn, bao gồm cả hormone tuyến giáp, được cân bằng. Xét nghiệm cũng có thể được thực hiện để kiểm tra xem có bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào hoặc các tình trạng khác có thể gây ra sương mù não hay không.
  • Đánh giá của chuyên gia: Nếu được phép, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia để đánh giá thần kinh, kiểm tra nhận thức, chụp ảnh não hoặc đánh giá giấc ngủ.

Các phương pháp điều trị sương mù não là gì?

Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra sương mù não và có thể bao gồm:

  • Ăn uống và dinh dưỡng: Sương mù não có thể được kích hoạt do cách ăn uống kém lành mạnh. Việc đánh giá thực phẩm bạn ăn và bảo đảm rằng bạn đang nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết là rất có giá trị.
  • Cải thiện giấc ngủ: Vì giấc ngủ kém hoặc thiếu ngủ có thể góp phần gây ra sương mù não, hãy giải quyết mọi vấn đề về giấc ngủ và bảo đảm giấc ngủ chất lượng mỗi đêm.
  • Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể là một yếu tố gây ra sương mù não. Nếu bạn gặp căng thẳng trong cuộc sống, việc thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng sẽ rất hữu ích.
  • Điều hòa nội tiết tố: Đôi khi sự mất cân bằng nội tiết tố gây ra sương mù não. Hãy bảo đảm mức hormone của bạn được cân bằng hợp lý nhằm giảm bớt tình trạng sương mù não.
  • Kích thích dòng điện trực tiếp xuyên sọ (tDCS): Thủ thuật không gây đau này cung cấp dòng điện đến các bộ phận của não và đã được chứng minh là cải thiện sự chú ý ở những người bị đau cơ xơ hóa.
  • Truyền nước muối vào tĩnh mạch.

Không có loại thuốc nào được phê chuẩn đặc biệt để điều trị chứng sương mù não.

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến sương mù não như thế nào?

Căng thẳng có thể là yếu tố kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm nhiều tình trạng bệnh lý trong cơ thể, bao gồm cả tình trạng suy giảm nhận thức. Quá nhiều căng thẳng có thể gây ra những thay đổi về cấu trúc trong não, dẫn đến rối loạn trí nhớ và có thể làm giảm khả năng nhận thức – đặc biệt ảnh hưởng đến việc ra quyết định, sự chú ý, phán đoán và học tập.

Tin tốt là có một số cách đơn giản để kiểm soát căng thẳng, có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể về trí nhớ và nhận thức đối với những người gặp phải tình trạng sương mù não do căng thẳng gây ra hoặc trầm trọng hơn.

  • Chánh niệm: Chánh niệm giúp cơ thể thư thái và tạo cảm giác an toàn, bình yên.
  • Bài tập thở sâu: Thở cơ hoành có thể làm giảm mức độ căng thẳng bằng cách làm dịu cơ thể.
  • Liệu pháp giãn cơ-chùng cơ (PMR): Đây là một kỹ thuật liên quan đến việc căng và sau đó thả lỏng các cơ trong cơ thể nhằm giảm căng cơ.

Bạn có thể bị hạn chế về những gì bạn có thể làm để giảm bớt các triệu chứng. Hãy tử tế với chính mình và cố gắng làm hết sức mình. Hãy ở cạnh những người bạn và người thân luôn ủng hộ bạn. Họ sẽ là những người có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng lòng tốt và lòng trắc ẩn. Hãy nhận ra rằng bạn không đơn độc; có rất nhiều cá nhân đang phải vật lộn với tình trạng sương mù não. Không có gì phải xấu hổ cả. Nếu cần, hãy đặt báo thức để nhắc nhở bản thân về các nhiệm vụ và sự kiện quan trọng, đồng thời viết ra danh sách để không quên bất cứ điều gì.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với sương mù não là gì?

Có rất nhiều chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Bổ sung các chất dinh dưỡng sau có thể cải thiện các triệu chứng sương mù não:

1. Acid béo omega-3

Ba acid béo omega-3 chính là acid eicosapentaenoic (EPA), acid alpha-linolenic (ALA) và acid docosahexaenoic (DHA). Trong một nghiên cứu, các chất bổ sung dồi dào EPA đã được cung cấp cho những người tham gia trước khi thực hiện một số đánh giá về chức năng nhận thức, cùng với chụp cộng hưởng từ chức năng (MRI). Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bộ não của những người tham gia hoạt động “ít vất vả hơn” và đạt được “hiệu suất nhận thức tốt hơn” sau khi bổ sung rất nhiều EPA so với việc bổ sung trước đó.

Các nghiên cứu khác tiết lộ rằng acid béo omega-3 làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi và cải thiện nhận thức sau chấn thương sọ não ở loài gặm nhấm.

Acid béo omega-3 có thể được tìm thấy trong các loại cá như cá hồi, cá thu và cá mòi, cũng như trong nhuyễn thể, hạt lanh, hạt chia và quả óc chó.

2. Vitamin D

Vitamin D và các chất chuyển hóa đóng một vai trò thiết yếu trong hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là trong các quá trình hình thành thần kinh, tính dẻo dai thần kinh và tính bảo vệ thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy vitamin D làm giảm căng thẳng oxy hóa và giúp tạo ra các yếu tố dinh dưỡng thần kinh và protein cấu trúc khớp thần kinh. Nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh thấp có liên quan đến sự suy giảm chức năng cao hơn liên quan đến suy giảm nhận thức.

Vitamin D có thể được tìm thấy trong cá béo, trứng, nấm, sữa và ngũ cốc tăng cường.

3. Flavonoid

Flavonoid có thể được tìm thấy trong trà xanh, ca cao, bạch quả, rượu vang đỏ và nhiều loại thực phẩm khác. Trong một nghiên cứu, chế độ ăn uống và sức khỏe nhận thức của 1,640 đối tượng từ 65 tuổi trở lên được đánh giá trong khoảng thời gian 10 năm. Sau 10 năm, những đối tượng tiêu thụ ít flavonoid nhất mất trung bình 2.1 điểm trong Bài kiểm tra trạng thái tâm thần tối thiểu, trong khi những người tiêu thụ nhiều flavonoid hơn chỉ mất trung bình 1.2 điểm.

4. Dầu chanh

Trong nghiên cứu, uống một chất lỏng có chứa dầu chanh có liên quan đến việc tăng trí nhớ làm việc một tiếng và ba tiếng sau khi uống và cải thiện khả năng làm toán một tiếng sau khi uống.

5. Vitamin B12

Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, bao gồm cả mất trí nhớ. Cân nhắc bổ sung vitamin B phức hợp.

6. Vitamin C

Thiếu vitamin C có liên quan đến suy giảm nhận thức.

7. Magnesium:

Nghiên cứu cho thấy rằng mức magnesium dưới mức tối ưu trong bữa ăn có thể dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức và các triệu chứng sương mù não.

Magnesium được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu, các loại hạt, rau lá xanh và sữa.

Làm thế nào để ngăn ngừa sương mù não?

Sương mù não không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa được; tuy nhiên, có một số điều bạn có thể làm để giảm thiểu nguy cơ như:

  • Thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt: Ngủ đủ giấc sẽ giảm nguy cơ phát triển chứng sương mù não do chất lượng giấc ngủ kém hoặc thiếu ngủ. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi đêm và tránh sử dụng màn hình trước khi đi ngủ.
  • Dinh dưỡng: Cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh sương mù não. Cần tránh các thực phẩm gây viêm như thực phẩm chế biến sẵn.
  • Quản lý căng thẳng: Căng thẳng mạn tính là tác nhân góp phần đáng kể gây ra tình trạng viêm, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sương mù não. Hãy nghỉ ngơi khi cần thiết, đi ra ngoài hoặc giao lưu với bạn bè khi bạn cảm thấy căng thẳng.
  • Tập thể dục thường xuyên: Các nghiên cứu đã cho thấy rằng các phần não kiểm soát suy nghĩ và trí nhớ ở những người tập thể dục lớn hơn so với những người không tập thể dục. Vì vậy, bạn hãy cố gắng dành 150 phút tập thể dục hàng tuần.
  • Thực hành chánh niệm: Các liệu pháp chăm sóc tâm trí và cơ thể như yoga và thiền định có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng sương mù não.
  • Uống đủ nước: Mất nước chỉ 2% có thể dẫn đến rối loạn chức năng nhận thức. Uống tám ly nước mỗi ngày là một mục tiêu tốt cho bạn.
  • Điều trị bệnh lý nền.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jacquelyn Waters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jacquelyn Waters viết về sức khỏe, khoa học và y học. Cô ấy đặc biệt quan tâm đến mọi thứ về khoa học thần kinh—từ khoa học thần kinh phân tử đến tâm lý học. Cô có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy sinh học đại học và nhận bằng Thạc sĩ khoa học y sinh với chuyên ngành khoa học thần kinh tại Đại học Vanderbilt.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn