Hướng dẫn cần thiết về Rối loạn lo âu: Triệu chứng, Nguyên nhân, Điều trị và Phương pháp tiếp cận tự nhiên

Lo âu là một phản ứng căng thẳng điển hình có thể mang lại lợi ích. Chẳng hạn, trạng thái này sẽ khiến cơ thể nhận thức nguy hiểm và trở nên cảnh giác để bảo vệ chính mình. Lo âu cũng giúp chúng ta tích cực chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng, chẳng hạn như một bài kiểm tra lớn hoặc phỏng vấn xin việc.

Tuy nhiên, rối loạn lo âu khác với cảm giác lo lắng thông thường. Những rối loạn này có thể gây suy nhược cơ thể và thường liên quan đến cảm giác lo lắng và sợ hãi dữ dội quá mức. Giai đoạn sợ hãi và đôi khi hoảng loạn này thường vượt quá mức độ nguy hiểm của tình huống thực tế và có thể diễn ra trong thời gian dài.

Theo đánh giá trên The Lancet, rối loạn lo âu là nhóm rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Trong bài nghiên cứu, các nhà nghiên cứu khẳng định rối loạn lo âu đang hiện diện trên toàn thế giới, với bằng chứng cho thấy cứ 14 người thì có một người đạt các tiêu chuẩn chẩn đoán và hơn 40 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng.

Tỷ lệ mắc rối loạn lo âu cũng ngày càng tăng. Từ năm 1990 đến năm 2019, nghiên cứu nói trên cho thấy số ca rối loạn lo âu trên toàn thế giới đã tăng 50%.

Các loại rối loạn lo âu phổ biến là gì?

Rối loạn lo âu sẽ được chẩn đoán khi cảm giác lo lắng:

  • Cản trở khả năng hoạt động bình thường của cá nhân
  • Không phù hợp với lứa tuổi hoặc không tương xứng với tình huống thực tế

Một số loại rối loạn lo âu thường gặp bao gồm:

Chứng sợ không gian rộng

Nếu mắc chứng sợ không gian rộng, bạn có thể trở nên hoảng loạn khi rơi vào tình huống không thể nhận được giúp đỡ hoặc ở nơi mà việc trốn thoát có thể khó khăn. Sự lo lắng thường kéo dài hơn sáu tháng và làm gián đoạn khả năng hoạt động hàng ngày. Bạn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán nếu cảm thấy sợ hãi khi ở trong hai hoặc nhiều tình huống sau:

  • Ở trong không gian mở
  • Ở trong không gian kín
  • Ở một mình bên ngoài nhà của bạn
  • Ở trong đám đông hoặc trong dòng người
  • Dùng phương tiện giao thông công cộng

Nếu không được điều trị, rối loạn này có thể gây suy nhược và khiến một số người không thể rời khỏi nhà do sợ hãi và lo lắng quá mức.

Rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa được đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức và liên tục liên quan đến các hoạt động hoặc sự kiện, chẳng hạn như công việc, mối quan hệ và sức khỏe. Các triệu chứng có thể bao gồm bồn chồn, khó tập trung, hồi hộp hoặc khó ngủ.

Rối loạn hoảng sợ

Nếu bị rối loạn hoảng sợ, bạn sẽ trải qua các cơn hoảng loạn tái diễn. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh
  • Run rẩy
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm thấy khó thở
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng
  • Đau ngực
  • Tê hoặc ngứa ran
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Ớn lạnh hoặc cảm thấy nóng
  • Cảm giác tách biệt khỏi những gì đang xảy ra
  • Cảm giác về sự diệt vong sắp xảy ra

Một số cá nhân trải qua cơn hoảng loạn khi gặp tác nhân cụ thể. Những người khác lại trải qua một cách bất ngờ. Các cơn hoảng loạn có thể rất dữ dội và đáng sợ với một vài người.

Rối loạn lo âu chia ly

Nếu bị rối loạn lo âu chia ly, bạn sẽ lo lắng hoặc sợ hãi quá mức về việc phải xa một hay nhiều người mà mình gắn bó. Các biểu hiện thể chất của sự đau khổ thường phát triển trong thời thơ ấu, nhưng triệu chứng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nếu cảm giác vượt quá bình thường, kéo dài hơn bốn tuần ở trẻ (sáu tháng ở người trưởng thành) và gây ra các vấn đề về hoạt động hàng ngày, bạn có thể đã đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán. Biểu hiện của rối loạn bao gồm:

  • Lo lắng liên tục về việc mất đi một người cụ thể
  • Những cơn ác mộng xoay quanh sự chia ly
  • Từ chối hoặc sợ phải xa một người cụ thể

Rối loạn lo âu xã hội (Ám ảnh sợ xã hội)

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), dạng rối loạn lo âu phổ biến thứ hai là rối loạn lo âu xã hội, chiếm 7%. Nếu bị rối loạn lo âu xã hội, bạn sẽ cảm thấy lo lắng đáng kể về các tình huống xã hội. Bạn có thể sợ bị sỉ nhục, xấu hổ, bị chỉ trích hoặc bị từ chối khi giao tiếp xã hội. Sự lo lắng này có biểu hiện như: sợ hãi tột độ khi nói trước công chúng, gặp gỡ người mới hoặc thậm chí là ăn uống ở nơi công cộng. Nếu nỗi sợ ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày và kéo dài ít nhất sáu tháng, bạn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán của rối loạn lo âu xã hội.

Ám ảnh chuyên biệt

Dạng rối loạn phổ biến nhất, ám ảnh chuyên biệt, chiếm từ 8 đến hơn 12%. Bạn có thể bị rối loạn này nếu thấy sợ hãi quá mức và liên tục về một đối tượng, hoạt động hoặc tình huống cụ thể mà nhìn chung là không có hại. Việc tiếp xúc với đối tượng, hoạt động hoặc tình huống đó khiến bạn lo lắng dữ dội, mặc dù bạn biết nỗi sợ này là quá mức. Sau đây là một số ví dụ về ám ảnh chuyên biêt:

  • Ám ảnh về môi trường tự nhiên: Sợ độ cao, sấm sét, bóng tối hoặc nước
  • Ám ảnh tình huống cụ thể: Sợ đi máy bay, phương tiện giao thông công cộng, lái xe trong đường hầm hoặc đi trong thang máy
  • Ám ảnh về sinh vật: Sợ nhện, côn trùng, động vật gặm nhấm, chó hoặc các sinh vật khác
  • Ám ảnh về máu, kim và bị thương: Sợ máu, kim, nha sĩ hoặc các thủ thuật y tế xâm lấn
  • Khác: Sợ chú hề, nghẹt thở, nôn mửa hoặc chết đuối

Triệu chứng của rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu có những biểu hiện khác nhau tùy vào từng cá nhân cụ thể. Các triệu chứng bao gồm:

  • Gây gián đoạn hoạt động hàng ngày do tránh một số địa điểm hoặc hoạt động nhất định do sợ hãi
  • Bồn chồn
  • Gặp vấn đề về tập trung
  • Cảm thấy nguy hiểm
  • Khó ngủ
  • Tay lạnh toát mồ hôi
  • Khô miệng
  • Căng cơ
  • Tim đập nhanh
  • Cảm thấy hoảng loạn hoặc sợ hãi
  • Lo lắng liên tục về việc mất đi một người cụ thể
  • Những cơn ác mộng xoay quanh sự chia ly
  • Từ chối hoặc sợ phải xa một người cụ thể

Nguyên nhân của rối loạn lo âu

Nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu ở mỗi người là rất khác nhau. Với mọi cá nhân, một số yếu tố có thể gây ảnh hưởng, như yếu tố di truyền, phát triển và môi trường.

Một số yếu tố thường dẫn đến lo âu:

  • Một số loại thuốc
  • Lạm dụng chất kích thích
  • Tổn thương
  • Trải nghiệm thời thơ ấu
  • Căng thẳng kinh niên

Cơ chế nào dẫn đến lo âu?

Hệ thần kinh giao cảm là một trong hai bộ phận chính của hệ thần kinh tự chủ (ANS). ANS kiểm soát các chức năng cơ thể một cách tự động. Hệ thần kinh giao cảm kích hoạt các nguồn lực của cơ thể để chuẩn bị cho một tình huống đầy thách thức hoặc căng thẳng. Đây thường được gọi là phản ứng “fight or flight – chiến đấu hay bỏ chạy.”

Hạch hạnh nhân, một cấu trúc nhỏ hình quả hạnh nằm sâu trong thùy thái dương não, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là lo lắng và sợ hãi. Kích hoạt quá mức hạch hạnh nhân có thể dẫn đến lo lắng. Căng thẳng kinh niên gây ra viêm hạch hạnh nhân, và bằng chứng cho thấy tình trạng viêm thần kinh và phản ứng miễn dịch qua trung gian căng thẳng đóng một vai trò trong chứng rối loạn lo âu khi tiếp xúc với căng thẳng.

Mất cân bằng vi hệ đường ruột cũng góp phần gây ra rối loạn lo âu.

Hướng dẫn cần thiết về Rối loạn lo âu: Triệu chứng, Nguyên nhân, Điều trị và Phương pháp tiếp cận tự nhiên
Hạch hạnh nhân phát đi tín hiệu nguy cấp, khiến vùng dưới đồi kích hoạt phản ứng căng thẳng. Cơ thể sau đó bắt đầu phóng thích các cytokine và tạo ra tình trạng viêm trong não. (Ảnh: The Epoch Times)

Trong một nghiên cứu, các tác giả đã thực hiện nghiên cứu cắt ngang trên 36 đối chứng khỏe mạnh và 40 bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD). Họ phát hiện những người bị GAD có vi hệ đường ruột ít phong phú và đa dạng hơn so với bình thường.

Nghiên cứu tiếp tục tiết lộ những bệnh nhân GAD bị giảm đáng kể vi khuẩn chống viêm Faecalibacterium và phát triển quá mức của một số vi khuẩn tiền viêm như Escherichia-Shigella và Fusobacterium.

Đây không phải là nghiên cứu duy nhất phát hiện bệnh nhân GAD có lượng vi khuẩn ít phong phú hơn—nghiên cứu khác, chẳng hạn như nghiên cứu được công bố trên Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế, cũng cho thấy điều này.

Ai có nguy cơ phát triển chứng rối loạn lo âu?

APA lưu ý rằng rối loạn lo âu ảnh hưởng đến gần 30% người trưởng thành tại một số thời điểm, bổ sung thêm rằng phụ nữ có nhiều khả năng bị bệnh hơn nam giới. Trên thực tế, rối loạn lo âu phổ biến ở phụ nữ khoảng gấp đôi so với nam giới.

Vì rối loạn lo âu có thể di truyền trong gia đình, một số cá nhân có khuynh hướng bị di truyền mạnh chứng bệnh này.

Các yếu tố môi trường và phát triển khác cũng đóng một vai trò góp phần vào sự khởi phát của bệnh; tuy nhiên, điều này rất khó để làm rõ vì nguyên nhân của rối loạn lo âu có vẻ là do nhiều yếu tố.

Rối loạn lo âu được chẩn đoán như thế nào?

Rối loạn lo âu thường được chẩn đoán thông qua một loạt các bài kiểm tra toàn diện do chuyên gia sức khỏe tâm thần đưa ra, chẳng hạn như nhà trị liệu, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học được cấp phép. Họ sẽ yêu cầu bạn hoàn thành bảng câu hỏi hoặc bài tự đánh giá để đo lường các triệu chứng lo âu và tác động của chúng với cuộc sống hàng ngày.

Chuyên gia sức khỏe tâm thần thường dùng Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), một cẩm nang được dùng rộng rãi cung cấp hướng dẫn chẩn đoán các rối loạn sức khỏe tâm thần. DSM-5 đưa ra tiêu chí cụ thể cho từng rối loạn lo âu và các chuyên gia sẽ so sánh triệu chứng của bạn với tiêu chí này.

Để loại trừ bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào, các chuyên gia có thể yêu cầu bác sĩ đánh giá sức khỏe của bạn và yêu cầu các xét nghiệm cụ thể.

Biến chứng của rối loạn lo âu là gì?

Mặc dù là một tình trạng tâm thần, rối loạn lo âu không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng về thể chất và trạng thái tâm lý xấu hơn. Một số biến chứng bắt nguồn từ sự lo lắng kéo dài, bao gồm:

  • Các cơn hoảng loạn: Bạn có thể đột ngột trải qua một giai đoạn sợ hãi tột độ khiến cơ thể phản ứng dữ dội, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, ớn lạnh hoặc đau ngực.
  • Cô lập xã hội: Việc tương tác xã hội có thể trở nên căng thẳng, đặc biệt với người bị rối loạn lo âu xã hội. Khi giao tiếp xã hội ngày càng trở nên khó chịu, bạn sẽ muốn tự cô lập hoàn toàn.
  • Hệ miễn dịch bị tổn hại: Căng thẳng kinh niên dẫn đến viêm nhiễm và ức chế phản ứng miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng và các bệnh khác.
  • Tăng nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện: Những người bị rối loạn lo âu dễ trở nên lạm dụng các chất như nicotin, rượu và ma túy.
  • Các vấn đề về đường ruột hoặc tiêu hóa: Lo lắng kinh niên gây ảnh hưởng xấu đến đường ruột và mặc dù không nhất định dẫn đến hội chứng ruột kích thích (IBS), nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
  • Mất hứng thú với tình dục: Rối loạn lo âu thường làm giảm ham muốn tình dục của một người.
  • Trầm cảm: Trầm cảm và lo âu thường liên quan với nhau và có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc dẫn đến tình trạng khác.
  • Mất ngủ: Lo lắng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
  • Căng cơ: Khi luôn trong tình trạng căng thẳng, bạn có thể bị căng cơ và gặp triệu chứng đau về thể chất, chẳng hạn như đau đầu.
  • Tự tử: Trong những trường hợp trầm trọng, rối loạn lo âu có thể dẫn đến ý tưởng tự sát hoặc hành vi tự tử.

Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu là gì?

Điều trị rối loạn lo âu nên được tiến hành với từng trường hợp cụ thể. Không phải ai bị rối loạn lo âu cũng cần điều trị; một số cá nhân có thể tự kiểm soát mà không gặp quá nhiều căng thẳng và gián đoạn cuộc sống.

Điều trị là rất quan trọng khi bệnh nhân phải chịu sự đau khổ đáng kể hoặc trải qua biến chứng bất lợi, chẳng hạn như trầm cảm, lạm dụng chất kích thích hoặc có ý định tự tử.

Liệu pháp hành vi nhận thức

Nhiều người bị rối loạn lo âu được hưởng lợi từ liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), thuốc hoặc sự kết hợp giữa CBT và thuốc.

CBT là một hình thức trị liệu tâm lý dựa trên bằng chứng và được dùng rộng rãi. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho một số tình trạng sức khỏe tâm thần, bao gồm cả rối loạn lo âu. CBT tập trung vào mối liên quan giữa cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, đồng thời tìm cách xác định và thay đổi kiểu suy nghĩ và hành vi không lành mạnh góp phần gây ra lo lắng.

Thuốc

Các khuyến nghị về thuốc để điều trị rối loạn lo âu ở người trưởng thành bao gồm một số loại dược phẩm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI): Citalopram, escitalopram, fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine, sertraline
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine chọn lọc (SNRI): Duloxetine, venlafaxine
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Clomipramine
  • Thuốc điều biến calcium: Pregabalin

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến rối loạn lo âu như thế nào?

Thế giới quan đóng một vai trò quan trọng trong cách bạn trải nghiệm và quản lý lo lắng. Duy trì lối suy nghĩ tích cực hoặc phát triển có thể thay đổi cách nhìn và hiểu biết tình huống của bạn. Thông thường, lo lắng được gia tăng bởi sự bóp méo nhận thức, chẳng hạn như thảm họa hóa, khi bạn dự đoán tình huống xấu nhất hoặc tư duy quá rạch ròi, khi bạn nhìn nhận các tình huống đều tuyệt đối đúng hoặc sai.

Rèn luyện bản thân để phát triển tư duy cân bằng bắt nguồn từ lối suy nghĩ thực tế sẽ giúp bạn quản lý lo âu. Có cái nhìn giàu lòng trắc ẩn và nói chuyện tử tế với bản thân sẽ giúp bạn kiểm soát triệu chứng một cách lâu dài.

Căng thẳng liên tục góp phần gây ra tình trạng viêm, vì vậy mà tham dự vào các hoạt động giảm căng thẳng và giảm viêm cũng rất quan trọng.

Các giải pháp tự nhiên cho rối loạn lo âu là gì?

Một số giải pháp tự nhiên có thể giúp giảm thiểu rối loạn lo âu, bao gồm cách ăn uống, tập thể dục và thực phẩm bổ sung.

Cách ăn uống

Vì chứng viêm đóng một vai trò dẫn đến lo lắng, việc tuân theo cách ăn chống viêm có thể có lợi để giảm bớt sự hiện diện và mức độ trầm trọng của triệu chứng lo âu.

Nhu cầu của mỗi cá nhân có thể khác nhau, nhưng dưới đây là một số hướng dẫn cho phương pháp ăn uống chống viêm:

  • Ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật: Bữa ăn của bạn nên bao gồm phần lớn là trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt. Những thực phẩm này rất dồi dào chất chống oxy hóa và phytochemical, có đặc tính chống viêm.
  • Bổ sung các loại cá béo: Các loại cá béo như cá hồi, cá thu và cá mòi là nguồn acid béo omega-3 tuyệt vời, đặc biệt là EPA và DHA, có tác dụng chống viêm mạnh.
  • Chọn chất béo lành mạnh: Dầu ô liu và dầu bơ đều chứa các hợp chất chống viêm.
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến và tinh chế, bao gồm các món có đường, thịt chế biến sẵn và thức ăn nhanh, thường chứa nhiều chất béo không lành mạnh, đường bổ sung và chất phụ gia. Thực phẩm chế biến có thể gây viêm.
  • Thêm một số loại gia vị: Một số loại gia vị và thảo mộc có đặc tính chống viêm mạnh, đặc biệt là nghệ, tiêu đen, gừng và tỏi.

Một nghiên cứu tổng quan lớn trên tập san học thuật Chất dinh dưỡng đã chứng minh tầm quan trọng của cách ăn uống lành mạnh trong việc giảm lo âu. Các tác giả lưu ý rằng các loại thực phẩm chứa rất nhiều kẽm và selenium nên được xem xét do tác dụng chống lo âu của chúng. Kẽm thường có trong rau lá và củ, thịt, hàu và động vật giáp xác. Selenium thường có trong các loại hạt hạch Brazil, đậu, đậu lăng, hải sản và thịt.

Các tác giả tuyên bố rằng kẽm và selenium là những coenzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp, điều hòa chất dẫn truyền thần kinh và dinh dưỡng thần kinh, giải thích tại sao những vi chất này lại cần thiết cho sức khỏe tinh thần.

Do các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự mất cân bằng vi hệ ở bệnh nhân GAD, việc điều chỉnh vi hệ là một phương pháp hữu ích trong điều trị rối loạn lo âu. Điều chỉnh vi hệ đề cập đến việc thay đổi có chủ đích các cộng đồng vi sinh vật trong đường ruột.

Bài đánh giá được công bố trên Tập san Khoa học Phân tử Quốc tế đưa ra một số cách tiếp cận sau:

  • Probiotics (men vi sinh): Probiotics là vi khuẩn sống và nấm men có lợi cho cơ thể người. Những vi sinh vật này có thể được tiêu hóa dưới dạng viên nang, bột hoặc thực phẩm lên men. Probiotic giúp khôi phục hoặc tăng tính đa dạng và cân bằng vi hệ.
  • Prebiotics (chất xơ hòa tan): Mặc dù không có bằng chứng cho thấy chất xơ hòa tan ảnh hưởng đến rối loạn tâm lý, prebiotic khuyến khích sự phát triển và hoạt động của vi sinh vật có lợi trong ruột. Không giống như men vi sinh, prebiotic không phải là sinh vật sống mà đóng vai trò là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi. Các prebiotic phổ biến gồm chất xơ như fructooligosaccaride (FOS), insulin và tinh bột kháng. Ăn prebiotic có thể kích thích sự phát triển của các loài vi khuẩn cụ thể, góp phần tạo nên một vi hệ khỏe mạnh.
  • Cấy ghép vi hệ trong phân (FMT): Còn được gọi là cấy ghép phân, FMT liên quan đến việc chuyển phân từ người hiến tặng khỏe mạnh vào đường tiêu hóa của một người có vi hệ bị bệnh hoặc mất cân bằng. FMT nhằm mục đích tạo ra một vi hệ cân bằng, khỏe mạnh bằng cách cung cấp một nhóm vi sinh vật đa dạng. Tác dụng của phương pháp điều trị này với chứng rối loạn lo âu cần được nghiên cứu thêm.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất cũng làm giảm triệu chứng lo âu. Các tác giả Elizabeth Anderson và Geetha Shivakumar tuyên bố trong bài nghiên cứu, “Bằng chứng mạnh từ các nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng tập thể dục và hoạt động thường xuyên có tác động tích cực đến quá trình sinh lý bệnh của lo âu.” Họ tiếp tục rằng không có cơ chế tập luyện đơn lẻ nào giải thích đầy đủ tác dụng chống lo âu của tập thể dục. Bất chấp điều đó, nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục có liên quan đến giảm lo âu.

Thực phẩm bổ sung

Một số loại thảo mộc và chất bổ sung có tác dụng mạnh trong việc giảm lo âu.

Hoa oải hương

Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp đã xem xét các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng để đánh giá hiệu quả của hoa oải hương với lo âu và trầm cảm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy hoa oải hương có tác dụng đáng kể trong việc giảm lo âu và trầm cảm. Điều trị bằng hoa oải hương, đặc biệt là liệu pháp hương thơm, mang lại kết quả tốt hơn so với không điều trị và điều trị bằng giả dược, thậm chí còn làm giảm huyết áp tâm thu của bệnh nhân. Dùng dầu hoa oải hương để xoa bóp cũng có tác dụng tích cực.

Nhân sâm Ấn Độ

Một nghiên cứu lâm sàng đã điều tra tác dụng giảm lo âu của sâm Ấn Độ ở người trưởng thành bị căng thẳng mức độ cao. Sáu mươi người trưởng thành được phân ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm: một nhóm được dùng giả dược và nhóm còn lại dùng 240mg chiết xuất nhân sâm Ấn Độ mỗi ngày một lần.

Về mặt thống kê, nhóm bệnh nhân dùng chiết xuất sâm Ấn Độ sau đó đã giảm đáng kể điểm Đánh giá lo âu Hamilton (HAM-A) và mức cortisol buổi sáng. Các tác giả kết luận rằng điều này là do tác dụng của sâm Ấn Độ trên trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA), giúp điều chỉnh phản ứng căng thẳng của cơ thể.

Hoa lạc tiên

Một nghiên cứu mù đôi đã xem xét mức độ hiệu quả của hoa lạc tiên trong việc giảm lo âu khi so sánh với dược phẩm oxazepam, một loại thuốc benzodiazepine.

Ba mươi sáu bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-4 với GAD được chỉ định ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm điều trị: 18 cá nhân dùng oxazepam 30mg mỗi ngày cộng với thuốc nhỏ giả dược và 18 cá nhân khác dùng chiết xuất hoa lạc tiên: 45 giọt mỗi ngày, cộng với một viên giả dược. Thử nghiệm kéo dài bốn tuần và các nhà nghiên cứu kết luận cả chiết xuất hoa lạc tiên và oxazepam đều có hiệu quả trong điều trị GAD, không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm khi kết thúc nghiên cứu. Các nghiên cứu sâu hơn nên được thực hiện, nhưng kết quả này là rất hứa hẹn.

Cây rễ vàng

Trong một nghiên cứu, những con chuột được tiếp xúc với một phác đồ căng thẳng nhẹ kinh niên (CMS) trong sáu tuần. Điều trị bằng chiết xuất cây rễ vàng đã đảo ngược hoàn toàn những thay đổi tiêu cực do phác đồ CMS. Trên thực tế, cây rễ vàng có tác dụng tương tự như fluoxetine, một SSRI thường được gọi là Prozac.

Các tác giả cho biết: “Những phát hiện này khẳng định chắc chắn rằng việc dùng cây rễ vàng lâu dài gây ức chế mạnh những thay đổi về hành vi và sinh lý do tiếp xúc lâu ngày với tác nhân gây căng thẳng nhẹ.”

Vitamin D

Trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài 6 tháng, những người tham gia có nồng độ thấp 25-hydroxy vitamin D —dạng lưu thông chính của vitamin D trong máu—được chọn ngẫu nhiên vào nhóm đối chứng hoặc nhóm được bổ sung vitamin D hàng ngày. Các nhà nghiên cứu sau đó nhận thấy sự cải thiện đáng kể triệu chứng lo âu ở nhóm bổ sung vitamin D so với nhóm đối chứng.

Trong bài đánh giá, các tác giả Şerife Akpınar và Makbule Gezmen Karadağ kết luận rằng vitamin D có đặc tính bảo vệ thần kinh, dinh dưỡng thần kinh và điều hòa miễn dịch, đồng thời mức vitamin D thấp góp phần làm gia tăng triệu chứng lo âu.

Làm thế nào để ngăn ngừa rối loạn lo âu?

Mặc dù không thể ngăn ngừa rối loạn lo âu, bạn có thể thực hiện các bước để giảm sự hiện diện và mức độ trầm trọng của triệu chứng. Các bước này gồm có giảm viêm, bằng cách giảm căng thẳng, chọn thực phẩm lành mạnh có tác dụng chống viêm và bảo đảm đủ vi chất dinh dưỡng — đặc biệt là kẽm và selenium. Hơn nữa, bạn có thể dùng một số thực phẩm hoặc chất bổ sung để đóng góp các vi sinh vật lành mạnh cho ruột. Cuối cùng, hãy tận dụng công cụ hữu hiệu là tập thể dục để giảm bớt triệu chứng lo lắng.

Được xem xét về mặt y tế bởi bác sĩ y khoa Beverly Timerding.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The EpochTimes

Jacquelyn Waters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jacquelyn Waters viết về sức khỏe, khoa học và y học. Cô ấy đặc biệt quan tâm đến mọi thứ về khoa học thần kinh—từ khoa học thần kinh phân tử đến tâm lý học. Cô có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy sinh học đại học và nhận bằng Thạc sĩ khoa học y sinh với chuyên ngành khoa học thần kinh tại Đại học Vanderbilt.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn