Hướng dẫn cơ bản về say nóng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa

Say nóng, hay say nắng, là hậu quả nặng nhất do sức nóng và là tình trạng cấp cứu y tế tiến triển nhanh chóng. Nếu không được điều trị, say nóng có thể dẫn đến tổn thương nhanh chóng và trầm trọng ở não, tim, thận, cơ và thậm chí tử vong.

Say nóng thường xảy ra sau các bệnh nhẹ hơn liên quan đến sức nóng như chuột rút, ngất xỉu và kiệt sức vì nóng. Nếu có thể hạ nhiệt trong vòng 30 phút thì những tình trạng nhẹ hơn này không cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Tuy nhiên, say nóng có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ, thậm chí không có dấu hiệu tổn thương do sức nóng trước đó.

Các loại say nóng

1. Say nóng do gắng sức

Say nóng do gắng sức chủ yếu gặp ở những người trẻ và khỏe mạnh khi tham gia các hoạt động mạnh như thể thao, làm việc nặng nhọc hoặc huấn luyện quân sự trong môi trường nóng và/hoặc ẩm ướt.

Đôi khi, say nóng do gắng sức thậm chí có thể xảy ra khi không có môi trường nóng bức.

Thật không may, những người bị say nóng do gắng sức thường ít quan tâm đến tác động tiềm tàng của sức nóng đối với sức khỏe, dẫn đến bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Ngoài ra, những người này thường trẻ hơn và/hoặc khỏe mạnh hơn những người không bị say nóng.

Khi cần đến chăm sóc đặc biệt, say nóng do gắng sức có tỷ lệ tử vong là 26.5%.

2. Say nóng không do gắng sức

Say nóng không gắng sức, còn được gọi là say nắng cổ điển, thường xảy ra ở những người khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, chẳng hạn như người già, trẻ nhỏ hoặc những bệnh nhân mạn tính. Không giống như say nắng do gắng sức, loại này có thể mất vài ngày mới biểu hiện.

Trong trường hợp này, ngay cả khi không hoạt động thể chất cường độ cao, việc tiếp xúc với nhiệt độ cao ở môi trường xung quanh có thể gây ra say nắng, kèm theo các bệnh đi kèm như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh thận, sa sút trí tuệ, và nghiện rượu.

Khi phải chăm sóc đặc biệt, tỷ lệ tử vong của say nóng cổ điển là 63.2%, cao hơn so với say nóng do gắng sức. Điều này là do, trong trường hợp say nóng do gắng sức, người bệnh thường ngừng hoạt động khi nhận thấy các dấu hiệu. Đôi khi họ buộc phải dừng lại vì tình trạng thể chất (ví dụ như bị ngất) không cho phép họ tiếp tục. Tuy nhiên, trong trường hợp say nóng không gắng sức, tình trạng của người bệnh sẽ tiếp tục xấu đi cho đến khi nhận được trợ giúp y tế.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của say nóng

Hiện nay, có hai bộ tiêu chí say nóng đang được sử dụng trên toàn thế giới.

Theo tiêu chí của Bouchama, say nóng xảy ra khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40°C (104°F), kèm theo khô da và các bất thường của hệ thần kinh trung ương. Định nghĩa phổ biến này đã được sử dụng trên lâm sàng.

Tuy nhiên, những bệnh nhân lớn tuổi thường không có biểu hiện tăng nhiệt độ trầm trọng, và định nghĩa Bouchama không bao gồm các dấu hiệu tổn thương cơ quan khác. Do đó, Japanese Association for Acute Medicine (Hiệp hội Y học Cấp tính Nhật Bản) đã đưa ra tiêu chí say nóng của riêng mình bao gồm các biến chứng về thận và gan cũng như các yếu tố khác nhưng không lấy nhiệt độ làm tiêu chí.

Kiệt sức do nóng thường là dấu hiệu báo trước của say nóng, và có các triệu chứng thuộc triệu chứng của say nóng, với một ngoại lệ nhỏ. Vì vậy, các dấu hiệu kiệt sức do nóng có thể cảnh báo về tình trạng say nóng sắp xảy ra.

1. Triệu chứng kiệt sức do nóng và say nóng

Kiệt sức do nóng có các triệu chứng sau:

  • Tăng nhịp tim hoặc nhịp thở.
  • Đau nhói đầu.
  • Chóng mặt.
  • Mất phương hướng nhẹ/cảm giác lú lẫn.
  • Rất khát nước.
  • Yếu cơ hoặc chuột rút.
  • Cáu gắt.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Xanh xao (da nhợt nhạt).
  • Ra mồ hôi.
  • Ngất xỉu hoặc mất ý thức.
  • Nhiệt độ cơ thể sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Lượng nước tiểu giảm.

2. Các triệu chứng khác của say nóng

Say nóng có thể có các triệu chứng tương tự như kiệt sức vì nóng. Tuy nhiên, say nóng cổ điển thường giảm hoặc không đổ mồ hôi, trong khi say nóng do gắng sức được đặc trưng bởi đổ mồ hôi.

Khi kiệt sức vì nóng chuyển thành say nóng, tình trạng tâm thần của bệnh nhân cũng trở nên tồi tệ hơn. Điều này có thể giúp phân biệt kiệt sức vì nóng với say nóng.

Các triệu chứng say nóng khác bao gồm:

  • Nhiệt độ cơ thể rất cao: Nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 104ºF (40ºC) hoặc cao hơn.
  • Da đỏ: Điều này là do nhiệt độ cơ thể tăng cao.
  • Thay đổi trạng thái tinh thần hoặc hành vi: Bên cạnh sự nhầm lẫn và khó chịu, bệnh nhân có thể bị nói ngọng, kích động, bồn chồn trầm trọng, khó tập trung, ảo giác, và mê sảng.
  • Động kinh: Não có thể bị tổn thương khi cơ thể rung lắc không kiểm soát trong thời gian dài.
  • Hôn mê: Mất ý thức có thể xảy ra ở cả tình trạng kiệt sức vì nóng và say nóng.
  • Giảm tiết mồ hôi: Đây là dấu hiệu cơ thể không còn phản ứng bình thường với việc đổ mồ hôi để tự làm mát, từ đó dẫn đến tình trạng quá nóng.
  • Kiệt sức đột ngột, quá mức: Bệnh nhân có thể đột ngột cảm thấy yếu và mệt mỏi.
  • Lưỡi khô, sưng: Say nóng có thể khiến lưỡi sưng lên và khô.

Nếu một bệnh nhân bị say nắng không được điều trị y tế kịp thời, họ có thể bị tổn thương hoặc suy các cơ quan quan trọng hoặc thậm chí tử vong. Điều này là do thời gian kéo dài ở nhiệt độ cao như vậy có thể khiến protein và màng tế bào trong cơ thể bị thoái hóa hoặc hoạt động sai chức năng. Sức nóng dữ dội cũng có thể gây ra sự phá vỡ các tế bào cơ tim và mạch máu, làm tổn thương thêm các cơ quan.

Các giải pháp sơ cứu để điều trị say nắng

Nếu ai đó có dấu hiệu say nắng, đặc biệt là nhiệt độ cơ thể cao trên 104ºF (40ºC), hãy gọi 911. Trong khi chờ trợ giúp đến, hãy thực hiện các hành động sau để làm mát người quá nóng:

  • Di chuyển nạn nhân đến nơi có bóng râm, thông gió tốt hoặc trong nhà.
  • Cởi bỏ quần áo thừa.
  • Làm mát người ngay lập tức bằng cách:
  • Cho tắm nước lạnh, cách này cũng có thể áp dụng một cách an toàn đối với người lớn tuổi (đồng thời theo dõi huyết áp và nhiệt độ cơ thể để tránh quá lạnh), cho đến khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 100.4ºF (38ºC).
  • Hồi sức tim phổi (CPR), nếu cần.
  • Dùng vòi xịt vào người nếu không thể tắm bằng nước lạnh.
  • Chườm túi nước đá hoặc khăn/miếng bọt biển ướt, lạnh lên cơ thể, bao gồm đầu, cổ, nách, lưng và vùng háng. Làm mát những khu vực này có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể vì chúng đều có mạch máu gần bề mặt da.
  • Quạt vào người bệnh.
  • Nếu bệnh nhân say nóng hoàn toàn tỉnh táo, hãy cho uống nửa ly nước mát từ từ sau mỗi 15 phút. Tránh chất lỏng có cồn hoặc caffeine. Đồ uống thể thao cũng là lựa chọn tốt vì chúng chứa nước và chất điện giải.
  • Ở lại với người bệnh cho đến khi các chuyên gia y tế đến.
Hướng dẫn cơ bản về say nóng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa
Các giải pháp sơ cứu điều trị say nắng trong khi chờ nhân viên y tế cấp cứu đến. (Ảnh: The Epoch Times)

Nguyên nhân chính của say nóng

Say nóng xảy ra khi hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể không hoạt động, thường kết hợp với tình trạng mất nước và các yếu tố như sản sinh nhiệt trao đổi chất quá mức (do gắng sức), nhiệt độ môi trường khắc nghiệt và khả năng tản nhiệt không đủ hoặc kém.

Điều này khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhanh khiến cơ chế tiết mồ hôi kém hiệu quả. Kết quả là cơ thể bị quá nóng và không thể hạ nhiệt, gây ra tình trạng viêm, gây hại cho tế bào.

Hướng dẫn cơ bản về say nóng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa
Vùng dưới đồi giám sát quá trình điều nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, não sẽ kích hoạt tuyến mồ hôi bài tiết mồ hôi và các mao mạch ở da giãn ra để thải nhiệt nhằm làm mát cơ thể. Khi nhiệt độ trở nên quá cao, dù là do môi trường hay do gắng sức, cơ thể sẽ bị quá tải và ngừng hoạt động, dẫn đến say nóng. (Ảnh: The Epoch Times)

Theo một bài báo đăng trên The New England Journal of Medicine (Tập san Y học New England – NEJM), phản ứng viêm do say nóng tương tự như hội chứng đáp ứng viêm toàn thân, có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng, chẳng hạn như đông máu nội mạch lan tỏa, suy đa cơ quan, và thậm chí cả tử vong. Giảm lưu lượng máu đến ruột khi say nóng có thể làm hỏng thành tế bào và khiến độc tố cũng như các chất có hại xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm độc nội độc tố trong máu.

Vì cơ thể tạo ra một lượng lớn nhiệt bên trong nên chúng ta dựa vào vùng dưới đồi để điều chỉnh nhiệt độ, giữ nhiệt độ ở khoảng 98.6°F (37°C).

Các yếu tố góp phần gây ra say nóng do gắng sức và say nóng cổ điển:

  • Mặc quá nhiều quần áo hoặc mặc quá chật, cản trở sự thoát hơi nước và làm mát cơ thể. Đổ mồ hôi có thể chiếm tới 90% quá trình giảm nhiệt của cơ thể.
  • Bị mất nước do không uống đủ nước để bù đắp do mồ hôi.
  • Ở nơi ẩm ướt và/hoặc thông gió kém làm giảm khả năng hạ nhiệt của cơ thể bằng cách đổ mồ hôi.
  • Uống rượu làm cản trở quá trình điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
  • Bị cháy nắng.
  • Dùng thuốc. Tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể khiến người bệnh dễ bị mất nước hoặc tăng nhiệt độ cơ thể.
Hướng dẫn cơ bản về say nóng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa
Bất kỳ một hoặc sự kết hợp nào của những yếu tố này đều có thể khiến bạn có nguy cơ bị say nóng khi thời tiết nắng nóng. (Ảnh: The Epoch Times)

Vào mùa hè, nhiệt độ trong xe hơi đỗ bên ngoài có thể tăng 20ºF (-6ºC) trong vòng 10 phút và lên tới 40ºF (4ºC) trong vòng một tiếng, ngay cả khi thời tiết có vẻ không nóng lắm. Trong hội chứng em bé bị bỏ quên (forgotten baby syndrome), người lớn có thể vô tình bỏ quên trẻ trong xe hơi, dẫn đến trẻ bị say nóng hoặc tử vong.

Các giai đoạn của say nóng

Theo đánh giá của NEJM, say nóng thường biểu hiện qua ba giai đoạn, say nóng do gắng sức rõ ràng hơn so với say nắng cổ điển:

  1. Giai đoạn cấp tính tăng thân nhiệt-thần kinh: Giai đoạn này làm tăng nhanh nhiệt độ cơ thể và các triệu chứng thần kinh.
  2. Giai đoạn huyết học-enzyme: Giai đoạn này đạt đỉnh điểm từ 24 đến 48 tiếng sau biến cố, liên quan đến những thay đổi về thông số máu và nồng độ enzyme. Rối loạn chức năng và suy đa cơ quan có thể biểu hiện nặng nhất trong giai đoạn này.
  3. Giai đoạn thận-gan muộn: Nếu các triệu chứng lâm sàng kéo dài từ 96 tiếng trở lên, giai đoạn này có thể xảy ra và ảnh hưởng đến thận và gan.

Ai có nhiều khả năng bị say nóng

Bất cứ ai cũng có thể bị say nóng, nhưng những nhóm người sau đây có nguy cơ cao hơn:

    • Từ 60 tuổi trở lên: Hệ thần kinh trung ương bị suy giảm và không còn khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể đầy đủ.
    • Sống một mình hoặc bị cô lập về mặt xã hội/vô gia cư.
    • Mang thai hoặc đang cho con bú, những người có nhiệt độ cơ thể cao hơn.
    • Trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ có hệ thần kinh trung ương chưa phát triển đầy đủ và tỷ lệ đổ mồ hôi thấp.
    • Nam giới: Đàn ông dễ bị say nóng hơn phụ nữ, nhưng không phải là các bệnh liên quan đến nhiệt khác.
  • Đã từng bị say nóng.
    • Thừa cân hoặc béo phì, cơ thể sinh ra nhiều nhiệt bên trong hơn mức trung bình.
    • Thiếu ngủ, vì thiếu ngủ có thể làm giảm mồ hôi.
    • Hạn chế khả năng di chuyển, chẳng hạn như những người nằm liệt giường hoặc cần trợ giúp trong các hoạt động hàng ngày và những người có giác quan hoặc nhận thức kém.
    • Làm việc ngoài trời như công nhân xây dựng, người lao động.
    • Bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, xơ nang và bệnh về đường hô hấp; rối loạn tâm thần (ví dụ, tâm thần phân liệt và trầm cảm); hoặc các vấn đề lạm dụng chất gây nghiện (ví dụ: cocaine, heroin và thuốc lắc).
    • Dùng một số loại thuốc có thể gây mất nước (ví dụ: thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị bệnh thận cấp tính và mạn tính và tăng đường huyết) hoặc nhiệt độ cơ thể cao (ví dụ: penicillin, thuốc chống lao, quinidine và phenytoin).
    • Gặp phải thời tiết nắng nóng đột ngột, chẳng hạn như đợt nắng nóng.
    • Sống trong ngôi nhà thông gió kém, không có điều hòa.
  • Không uống đủ nước.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Sống ở thành phố: Những người này dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, nơi các thành phố và khu vực đô thị có xu hướng nóng hơn các khu vực nông thôn và ngoại ô lân cận. Điều này là do các tòa nhà bê tông có khả năng hấp thụ nhiệt vào ban ngày và tỏa nhiệt từ từ vào ban đêm, dẫn đến nhiệt độ ban đêm tăng cao.
  • Các vận động viên, quân nhân và những người hoạt động thể chất trong điều kiện căng thẳng về thể chất ngày càng dễ bị say nóng do gắng sức, đặc biệt nếu họ bị huấn luyện viên và/hoặc đồng đội gây áp lực quá mức.
  • Lính cứu hỏa và những người làm việc trong môi trường nóng và mặc quần áo cồng kềnh hoặc nặng (ví dụ: thiết bị chữa cháy, trang phục linh vật, thiết bị bảo hộ cá nhân).

Các xét nghiệm để chẩn đoán say nóng

Chẩn đoán say nóng thường được thực hiện bởi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại khoa cấp cứu. Họ đánh giá cẩn thận các triệu chứng của bệnh nhân, tiến hành khám sức khỏe và đo nhiệt độ trực tràng (được xem là chính xác nhất) để phát hiện bất kỳ nguyên nhân tiềm ẩn nào khác khiến nhiệt độ tăng cao nhằm loại trừ các tình trạng bệnh lý khác.

Để đánh giá thêm tình trạng bệnh, xác nhận chẩn đoán và/hoặc đánh giá tổn thương cơ quan, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể yêu cầu các xét nghiệm cụ thể:

  • Công thức máu toàn bộ (CBC) hoặc công thức máu toàn phần (FBC) giúp cung cấp thông tin có giá trị về các tế bào máu: số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu; đánh giá khả năng vận chuyển oxy của bệnh nhân bằng cách phân tích các chỉ số hồng cầu, huyết sắc tố và hematocrit.
  • Phân tích khí máu được dùng rộng rãi để đánh giá mức độ khí và hàm lượng acid-base trong máu. Xét nghiệm khí máu cung cấp thông tin quan trọng về áp suất riêng phần của oxy và carbon dioxide trong máu, do đó cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình trạng oxy hóa và thông khí của bệnh nhân (cần thiết để đánh giá chức năng hô hấp). Xét nghiệm này cũng hữu ích trong trường hợp bệnh hiểm nghèo để đo độ acid của máu, từ đó đo độ ổn định trao đổi chất của cơ thể.
  • Xét nghiệm sodium huyết thanh đo nồng độ sodium trong máu, nồng độ này phải được duy trì gần mức bình thường để tránh tác hại lên hệ thần kinh trung ương. Sodium là chất điện giải cần thiết giúp điều chỉnh cân bằng chất lỏng, chức năng thần kinh và co thắt cơ.
  • Xét nghiệm potassium huyết thanh đo mức potassium trong huyết thanh. Potassium là một khoáng chất quan trọng tạo điều kiện cho dẫn truyền thần kinh và cơ bắp, trợ giúp trao đổi chất dinh dưỡng tế bào và bảo đảm chức năng tim khỏe mạnh. Xét nghiệm tiêu chuẩn này được sử dụng để bảo đảm duy trì mức độ an toàn của chất điện phân. Nồng độ potassium có thể bị ảnh hưởng bởi lượng ăn vào và rối loạn chức năng thận. Mất nước và say nóng có thể gây nhiều căng thẳng cho thận.
  • Xét nghiệm thời gian prothrombin (PT) và thời gian tromplastin một phần (PTT) là hai xét nghiệm đông máu có thể cho thấy sự bắt đầu của biến chứng trầm trọng là đông máu nội mạch lan tỏa, thường đi kèm với suy đa cơ quan.
  • Xét nghiệm creatine kinase, hay xét nghiệm creatine phosphokinase, giúp đo nồng độ một loại enzyme có chủ yếu trong các tế bào cơ, bao gồm cơ xương, cơ tim và mô não. Chấn thương cơ xương và tiêu cơ vân (đặc trưng bởi sự phá vỡ mô cơ) làm phóng thích lượng lớn creatine kinase và myoglobin, một loại protein cơ vào máu. Sự kết tủa của myoglobin trong thận có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
  • Phân tích nước tiểu để kiểm tra nhiễm trùng, glucose và các vấn đề về quá trình lọc ở thận, cũng như myoglobin để đánh giá khả năng tiêu cơ vân trong say nóng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) đầu được tiến hành trong hầu hết các trường hợp khi bệnh nhân bị lú lẫn để loại trừ các vấn đề não khác có thể điều trị được hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được tiến hành cho những bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh để đánh giá các tổn thương mạch máu nhỏ do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết và xác định phù nề do độc tế bào liên quan đến tổn thương thần kinh không hồi phục.
  • Chụp X-quang ngực nếu có các triệu chứng hô hấp cụ thể hoặc lo ngại về các biến chứng tiềm ẩn liên quan đến say nóng.
  • Điện tâm đồ (EKG) là một thủ thuật dễ dàng và không gây đau đớn, có thể theo dõi hoạt động điện tim, vì say nóng đôi khi có thể gây ra nhịp tim bất thường hoặc phát hiện các vấn đề về nhịp tim có thể cần được chăm sóc y tế chuyên khoa.
  • Chọc dò tủy sống là một thủ thuật y tế để lấy mẫu dịch não tủy từ khoang xung quanh tủy sống. Chọc dò tủy sống có thể loại trừ các nguyên nhân khác làm tăng nhiệt độ cơ thể.

Các chuyên gia y tế nên cẩn thận lựa chọn các xét nghiệm thích hợp nhất. Làm nhiều xét nghiệm hơn không nhất thiết có nghĩa là kết quả tốt hơn, vì đôi khi có thể dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán. Trong trường hợp xấu nhất, sự chậm trễ như vậy có thể làm tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.

Các biến chứng của say nóng

Điều trị kịp thời có thể làm giảm nhẹ các dấu hiệu lâm sàng. Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục sau bất kỳ giai đoạn nào của tình trạng cấp cứu do nhiệt mà không bị ảnh hưởng lâu dài trong vòng vài ngày. Tiên lượng xấu đi khi rối loạn chức năng thận và gan kéo dài hơn 96 giờ.

Suy nội tạng sau say nóng chủ yếu là do tế bào chết vì nhiệt, vi đông máu, xuất huyết và tổn thương do viêm. Một số di chứng về thần kinh có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng. Theo một nghiên cứu, nguy cơ tử vong cao hơn ở những người từng nhập viện vì sức nóng.

Tùy thuộc vào thời gian nhiệt độ cơ thể duy trì ở mức cao, say nóng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm:

  • Hôn mê.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).
  • Sưng và có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho não (ví dụ, teo tiểu não) và các cơ quan quan trọng khác.
  • Suy thận và/hoặc gan.
  • Suy tim sung huyết.
  • Nhịp tim không đều.
  • Tổn thương thần kinh.
  • Các vấn đề về tuần hoàn (ví dụ, giảm lưu lượng máu đến tim).
  • Tiêu cơ vân.
  • Hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính.
  • Chứng mất trí nhớ Anterograde.
  • Rối loạn nhận thức.
  • Đông máu rải rác nội mạch.
  • Rối loạn chức năng trao đổi chất.
  • Hội chứng khoang (rất hiếm).

Các phương pháp điều trị say nóng

Trong số ba giai đoạn say nắng, giai đoạn quan trọng nhất đối với nhân viên y tế chăm sóc ban đầu là giai đoạn cấp tính, vì việc nhận biết và điều trị nhanh chóng trong giai đoạn này có thể cứu sống được bệnh nhân.

1. Phương pháp làm mát

Trên lâm sàng, điều trị say nóng bao gồm việc làm mát cơ thể nhanh chóng thông qua các phương tiện cơ học, kèm theo các quy trình hồi sức tiêu chuẩn. Khi tiên lượng xấu đi khi nhiệt độ cơ thể vẫn ở mức cao, chỉ có thể trì hoãn việc làm mát bằng phương pháp hồi sức tim phổi thiết yếu (CPR). Các phương pháp làm mát phổ biến bao gồm:

  • Ngâm nước lạnh: Phương pháp này được xem là hiệu quả nhất nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh. Ngâm mình trong nước lạnh có thể đạt được tốc độ làm mát thông thường khoảng 32ºF (0.2ºC) mỗi phút khi bị say nóng do gắng sức.
  • Dội nước: Khi không có khả năng ngâm nước lạnh, bạn cũng có thể dội nước lạnh lên người trong khi quạt cho người bệnh.
  • Thổi không khí mát: Quạt điện có thể giúp làm mát người.
  • Tấm/chăn làm mát: Nhân viên y tế có thể quấn tấm làm mát hoặc tấm ướt lỏng lẻo quanh người bệnh.
  • Túi chườm đá: Nhân viên y tế có thể chườm túi đá lên cổ, háng, lưng và nách của bệnh nhân. Phương pháp này có hiệu quả tốt với bệnh nhân lớn tuổi.
  • Rửa bằng nước lạnh: Phương pháp điều trị này bao gồm việc dùng các ống mỏng, dẻo gọi là ống thông để lấp đầy các khoang cơ thể bằng nước lạnh, giúp giảm nhiệt độ tổng thể của cơ thể. Ống thông có thể được đưa vào trực tràng, bàng quang hoặc xuống cổ họng để giảm nhiệt.
  • Tuần hoàn ngoài cơ thể: Trong những trường hợp vô cùng nặng, cần dùng máy tim phổi nhân tạo (bên ngoài cơ thể) để nhận và làm mát máu từ tim và phổi của bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi nhân lực được đào tạo bài bản và trang thiết bị tiên tiến.
  • Làm mát bằng bay hơi và đối lưu: Kết hợp giữa phun nước mát hoặc nén lạnh cùng với thổi khí liên tục trên cơ thể, chẳng hạn như quạt hoặc bộ điều hòa không khí, để đạt được tốc độ làm mát lên tới gần 33ºF (0.31ºC) mỗi phút. Phương pháp này cũng có hiệu quả tốt với bệnh nhân lớn tuổi.
  • Dịch truyền tĩnh mạch được làm mát: Chúng được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay của bệnh nhân.

Trong khi sử dụng bất kỳ phương pháp nào trong số này, điều cần thiết là phải theo dõi chặt chẽ nhịp tim và nhịp thở của người bệnh và chuẩn bị đầy đủ cho hồi sức tim nếu cần thiết.

Thật không may, không thể sử dụng thuốc vì chúng không thể tăng tốc độ làm mát. Các loại thuốc hạ sốt như aspirin và acetaminophen không có hiệu quả vì bệnh do sức nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể theo một con đường khác với cơn sốt thông thường. Ngoài ra, những loại thuốc này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn đông máu và tổn thương gan ở bệnh nhân say nóng.

2. Bù nước

Bù nước cũng rất cần thiết khi làm mát bệnh nhân. Khi bệnh nhân nhập viện, nhân viên y tế sẽ bù nước hoặc điện giải bị mất cho bệnh nhân bằng đường tĩnh mạch.

Nếu hoàn toàn tỉnh táo, bệnh nhân cũng có thể uống nước và/hoặc đồ uống thể thao để bù nước.

3. Thuốc và oxy

Trong và sau khi điều trị bằng phương pháp làm mát, bác sĩ có thể kê:

  • Benzodiazepine để ngừng run/co giật trong quá trình điều trị làm mát, vì run/co giật sẽ tạo ra nhiệt bên trong cơ thể.
  • Bổ sung oxy.
  • Thuốc kháng sinh. Theo một nghiên cứu trên động vật, việc dùng thuốc kháng sinh đường uống không hấp thu, thuốc nhuận tràng và thuốc xổ trước khi bắt đầu bị căng thẳng nhiệt đã cải thiện tỷ lệ tử vong do say nóng. Thuốc kháng sinh có thể giúp giảm lượng độc tố từ vi khuẩn đường ruột qua thành ruột bị tổn thương do nhiệt. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để biết liệu điều này có hữu ích ở những bệnh nhân xuất hiện [tổn thương] sau khi bắt đầu say nóng hay không.

4. Các liệu pháp

Khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân giảm và các bác sĩ ngừng phương pháp điều trị làm mát, cần can thiệp ngay lập tức với các cơ quan có triệu chứng đồng thời lưu ý đến khả năng xảy ra hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS).

Thật không may, vào cuối những năm 2010, có rất ít lựa chọn điều trị để kiểm soát rối loạn chức năng của các cơ quan. Hiện nay, một số phương pháp điều trị mới đang được thử nghiệm.

Để điều trị các rối loạn chức năng hoặc suy cơ quan sau đây, bác sĩ sử dụng các liệu pháp sau:

  • Liệu pháp trợ giúp gan nhân tạo: Trong một trường hợp ở Nhật Bản, một bệnh nhân liên tục gặp vấn đề về ý thức, dẫn đến cần theo dõi điện não đồ (EEG) liên tục, trong đó xác định nguyên nhân cơ bản là suy gan. Bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp trợ giúp gan nhân tạo, tình trạng đã cải thiện.
  • Liệu pháp chống đông máu: Một bệnh nhân say nóng suýt tử vong do suy đa cơ quan và đông máu nội mạch lan tỏa được điều trị bằng phương pháp làm mát, hồi sức tích cực, điều trị chống đông máu (với thuốc chống đông máu loại 3) và steroid. Sau đó bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn mà không còn vấn đề sức khỏe nào kéo dài.
  • Liệu pháp lọc máu: Liệu pháp lọc máu có thể giúp điều trị hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan tốt hơn bằng cách loại bỏ các cytokine tiền viêm liên quan đến say nóng.
  • Cắt cân mạc: Trong trường hợp hội chứng khoang (tăng áp lực trong khoang cơ kín gây cản trở lưu lượng máu), bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật cắt cân mạc (các lớp mô liên kết dày bao quanh cơ) để giảm bớt áp lực trong cơ.
  • Thuốc co mạch và tăng co bóp tim: Trong trường hợp suy tim, có thể xem xét chích tĩnh mạch dobutamine, milrinone hoặc epinephrine. Đối với suy đa cơ quan nặng, tim phổi nhân tạo (ECMO) có thể được sử dụng khi cần thiết.

Lối suy nghĩ ảnh hưởng đến say nóng như thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy rằng suy nghĩ hoặc kỳ vọng về việc chữa lành có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống sinh học của cơ thể, tương tự như phản ứng được thấy với giả dược, hiệu quả chủ yếu bị ảnh hưởng bởi niềm tin của bệnh nhân. Do đó, tư duy tích cực có thể nâng cao hiệu quả của thuốc và phương pháp điều trị thực tế. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể về thái độ tích cực tác động đến tiên lượng của say nóng, nhưng bằng chứng ủng hộ sự lạc quan trong các bệnh khác cho thấy thái độ tích cực có thể hiệu quả hơn thái độ bi quan.

Cách ngăn ngừa say nóng

Mặc dù có khả năng gây tử vong nhưng say nóng có thể dự đoán và phòng ngừa được. Bạn có thể thực hiện các bước sau để ngăn ngừa say nóng, đặc biệt là khi thời tiết nóng nực:

  • Trong thời tiết oi bức, hãy cố gắng ở trong nhà khi có thể.
  • Khi nhiệt độ trong nhà tăng, hãy đóng rèm và bật quạt điện hoặc máy điều hòa.
  • Nếu máy điều hòa ở nhà không có hiệu quả, bạn có thể đến trung tâm mua sắm có máy điều hòa, rạp chiếu phim hoặc thư viện.
  • Nếu bạn phải ở ngoài trời, hãy ở trong khu vực có bóng râm.
  • Lên kế hoạch cho các hoạt động và thể thao mạnh vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày để tránh nắng nóng đỉnh điểm.
  • Bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách dùng kem chống nắng, đội mũ rộng vành hoặc dù che nắng.
  • Thường xuyên nghỉ giải lao để uống nước trong các hoạt động ngoài trời và dùng bình xịt để phun sương để tránh quá nóng.
  • Tăng dần thời gian ở ngoài trời để cơ thể thích nghi với nhiệt độ.
  • Giữ đủ nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc, nước muối nhẹ, nước dùng và đồ uống thể thao. Tránh nước ngọt và rượu vì có thể làm bạn mất nước. Ngoài ra, tránh uống nước quá lạnh vì có thể gây đau bụng.
  • Chia nhỏ bữa ăn và ăn những loại thực phẩm không cần nấu nướng.
  • Chọn quần áo nhẹ, rộng rãi, được làm bằng vải thoáng khí và có màu sắc nhẹ nhàng để giúp bạn luôn mát mẻ.
  • Hãy tắm nước mát khi cảm thấy thích.
  • Kiểm tra với bác sĩ để xem liệu có loại thuốc nào của bạn có thể làm giảm khả năng tỏa nhiệt của cơ thể hay không.
  • Không bao giờ để bất kỳ ai (đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi) trong xe đóng kín vào những ngày nắng ấm vì nhiệt độ bên trong xe có thể nhanh chóng tăng cao đến mức nguy hiểm. Điều này vẫn xảy ra ngay cả khi cửa sổ hơi mở. Ngoài ra, hãy nhớ khóa xe đang đỗ để trẻ em không thể vào trong đó và bị mắc kẹt.
  • Hãy lưu ý đến những thành viên gia đình, bạn bè và hàng xóm lớn tuổi, ốm yếu và yếu đuối, những người có thể cần trợ giúp để đối phó với nắng nóng.
  • Biết các triệu chứng của bệnh do sức nóng để bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác.
  • Kiểm tra chỉ số nóng bức (heat index) gồm nhiệt độ không khí và độ ẩm tương đối để ước tính mức độ nóng đối với cơ thể con người. Độ ẩm tương đối từ 60% trở lên sẽ ngăn mồ hôi bay hơi hiệu quả, làm suy yếu quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể.
  • Hãy nhớ rằng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đầy đủ có thể nâng cao chỉ số nóng bức lên 15ºF (-9ºC). Một giải pháp thay thế được dùng chủ yếu ở Canada là Humidex.

Các cách tập thể dục an toàn trong thời tiết nắng nóng bao gồm:

  • Uống 5 đến 10 ounce (150 đến 300ml) nước cứ sau 15 đến 20 phút khi tập thể dục.
  • Mặc quần áo sáng màu làm từ chất liệu thoáng khí.
  • Tập thể dục tại phòng tập thể dục trong nhà.
  • Chú ý bổ sung nước khi tập các bài tập dưới nước.
  • Tăng dần cường độ tập luyện để cơ thể quen với nhiệt độ.

Bài viết trên được xem xét về mặt y tế bởi Bác sĩ Beverly Timeding.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn