Kính áp tròng giúp ích cho thị lực nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho mắt

Kính áp tròng là lựa chọn phổ biến để điều chỉnh thị lực vì mang lại tầm nhìn tự nhiên và không bị cản trở so với kính đeo mắt có gọng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ thiết bị y tế nào, kính áp tròng cũng tiềm ẩn một mức độ rủi ro nhất định đối với thị lực — thậm chí có thể gây mù lòa — nếu sử dụng không đúng cách.

Kính áp tròng và nguy cơ nhiễm trùng

Một trong những rủi ro phổ biến nhất khi đeo kính áp tròng là nhiễm trùng. Mặc dù các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến mất thị lực rất hiếm gặp, chỉ có ảnh hưởng đến một trên 500 người dùng hàng năm, nhưng kính áp tròng có thể là nơi sinh sản hoàn hảo cho vi khuẩn có hại.

Tiến sĩ Joseph Allen, bác sĩ nhãn khoa và người sáng lập kênh YouTube giáo dục Doctor Eye Health, nói với The Epoch Times rằng, “Quan trọng là chúng ta cần phải nhận biết rằng nhiễm trùng mắt là biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến việc đeo kính áp tròng.”

Nhiễm trùng có thể dẫn đến đỏ, đau, cảm giác nóng rát, ngứa và sưng mắt. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm mất thị lực vĩnh viễn hoặc thậm chí mù lòa.

‘Nhiễm trùng đe dọa tính mạng’: FDA thu hồi thuốc nhỏ mắt do nhiễm vi khuẩn, nấm.

Tiến sĩ Allen cho biết thêm, thói quen vệ sinh kém, chăm sóc kính áp tròng không đúng cách và đeo kính áp tròng quá lâu sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh.

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, người dùng cần rửa tay trước khi rửa kính áp tròng, thực hiện các biện pháp vệ sinh và khử trùng kính áp tròng, chẳng hạn như rửa và bảo quản kính trong dung dịch mới mỗi khi lấy kính ra và thay kính áp tròng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Kính áp tròng giúp ích cho thị lực nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương cho mắt

Một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp gọi là viêm giác mạc Acanthamoeba có thể gây tổn thương nghiêm trọng giác mạc và gây mù lòa. Nguyên nhân là do nước bị ô nhiễm hoặc vệ sinh kính áp tròng kém. Viêm giác mạc do Acanthamoeba gây ra bởi một loại sinh vật cực nhỏ phổ biến trong môi trường, thường thấy trong nước, đất, không khí, tháp giải nhiệt, hệ thống HVAC và hệ thống nước thải. Một phụ nữ đã nhiễm bệnh này khi đeo kính áp tròng, dẫn đến thị lực kém hơn và cuối cùng phải cắt bỏ mắt sau những ca phẫu thuật thất bại.

Kính áp tròng có màu sắc có thể làm hỏng thị lực

Kính áp tròng màu sắc — tạo ra hình ảnh ấn tượng trong trang phục Halloween — có thể làm hỏng thị lực vĩnh viễn, đặc biệt là những kính áp tròng mua trực tuyến mà không cần kê đơn.

Tiến sĩ Allen cho biết, hầu hết các kính áp tròng thời trang được sản xuất bằng vật liệu và công nghệ thấu kính cũ hơn, có thể có nguy cơ biến chứng cao hơn do nhựa của thấu kính cũ hơn và khả năng thẩm thấu oxy kém.

Ông nói thêm, “Nhiễm trùng mắt, phù giác mạc và sẹo là những biến chứng nghiêm trọng có khả năng dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.”

Một nghiên cứu cho thấy các hóa chất được sử dụng để nhuộm kính áp tròng màu không cần kê đơn bao gồm chlorine và các hóa chất độc hại khác có thể được hấp thụ vào mắt.

(Ảnh: Africa-Studio/Shutterstock)
(Ảnh: Africa-Studio/Shutterstock)

Cô Laura Butler đã bị đau mắt dữ dội chỉ sau 10 tiếng đeo kính áp tròng màu không vừa vặn mua ở cửa hàng, cô nói với Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO), “Bởi vì tôi không được chuyên gia chăm sóc mắt lắp đúng cách nên tròng kính dính vào mắt tôi như một chiếc giác hút.”

Việc đeo kính không vừa vặn sẽ gây nhiễm trùng, mài mòn giác mạc hoặc trầy xước giác mạc.

Cô nói thêm, “Tôi rất đau đớn và phải dùng thuốc trong 4 tuần và không thể nhìn rõ để lái xe trong 8 tuần. Bây giờ tôi đang sống với một vết sẹo giác mạc, tổn thương thị lực và sụp mí mắt.”

Tiến sĩ Allen khuyên bạn nên mua kính áp tròng thời trang từ các chuyên gia về mắt, những người thường có những hạn chế về cách sử dụng. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ cung cấp các mẹo an toàn cho kính áp tròng Halloween.

Loét giác mạc để lại hậu quả nặng nề

Một nguy cơ khác liên quan đến kính áp tròng là loét giác mạc hoặc vết loét hở trên giác mạc. Hai tổn thương này có thể làm suy giảm thị lực nghiêm trọng và trong một số trường hợp hiếm gặp có thể gây mù lòa.

Các yếu tố nguy cơ chính là đeo kính quá lâu hoặc đeo kính khi ngủ. Đeo kính áp tròng khi ngủ có thể làm gián đoạn dòng chảy bình thường của nước mắt và việc cung cấp oxy cho giác mạc, dẫn đến không đủ oxy và lượng carbon dioxide quá mức trong mô giác mạc, cuối cùng gây chết tế bào và tổn thương do thiếu lưu thông máu đầy đủ.

Một yếu tố nguy cơ khác gây loét giác mạc là bị khô mắt – tình trạng mắt không tiết đủ nước mắt để bôi trơn bề mặt. Tiến sĩ Allen cho biết, “Kính áp tròng có thể phá vỡ màng nước mắt tự nhiên và gây kích ứng.”

Hầu hết các trường hợp vết trầy xước giác mạc sẽ lành trong vòng 24 đến 72 tiếng và không có biến chứng.

Không phải ai cũng có thể đeo kính áp tròng một cách an toàn

Theo Tiến sĩ Allen, một số người có nguy cơ cao bị biến chứng kính áp tròng.

Những người có một mắt còn hoạt động phải đối mặt với nguy cơ mất thị lực cao hơn nếu có vấn đề xảy ra. Ngoài ra, những người bị bệnh khô mắt hoặc dị ứng nghiêm trọng có thể làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn khi đeo kính áp tròng.

Tiến sĩ Allen cho biết thêm, “Hơn nữa, những người có tiền sử nhiễm trùng mắt có nguy cơ cao bị biến chứng. Trong những trường hợp như vậy, bạn cần cân nhắc và tư vấn cẩn thận với chuyên gia chăm sóc mắt để xác định các lựa chọn điều chỉnh thị lực phù hợp nhất và tránh các biến chứng tiềm ẩn.”

Mặc dù tiện lợi nhưng kính áp tròng cũng tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe, kính áp tròng cần được vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Bạn hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về mắt như đau, đỏ hoặc thay đổi thị lực.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn