Mối nguy hiểm của việc ngồi lâu – tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch

Ít ngồi và thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục aerobic như đi bộ nhanh có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh ung thư.

Lối sống ít vận động đang trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu. Với sự gia tăng số lượng người làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch, một số người trong chúng ta thậm chí gần như không ra khỏi nhà. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy lối sống ít vận động có liên quan chặt chẽ đến việc tăng nguy cơ bị bệnh và giảm tỷ lệ sống sót khỏi 6 nguy cơ ung thư, cũng như bệnh tiểu đường và tim mạch.

Lối sống ít vận động đề cập đến việc ngồi hoặc nằm từ 6 tiếng trở lên mỗi ngày (trừ ngủ), thiếu vận động thể chất rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày và tiêu thụ ít năng lượng. Theo một bài viết do Harvard Medical School xuất bản, ước tính có khoảng 67% người lớn tuổi ngồi trên 8 tiếng mỗi ngày, trong khi chỉ có 28% đến 34% những người từ 65 đến 74 tuổi là tích cực hoạt động thể chất.

Ngồi lâu làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, tử vong

Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ tử vong và bệnh tật. Vào năm 2022, JAMA Cardiology (Tập san Tim học của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) đã công bố một nghiên cứu về mối liên quan giữa thời lượng ngồi và tỷ lệ tử vong chung cũng như các bệnh tim mạch nghiêm trọng. Trong số 105,677 người tham gia, 58.6% là nữ với độ tuổi trung bình là 50.4 tuổi, thời gian ngồi trung bình là 4 tiếng mỗi ngày và thời gian theo dõi trung bình là 11.1 năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy so với những người ngồi ít hơn 4 tiếng mỗi ngày, những người tham gia ngồi từ 8 tiếng trở lên mỗi ngày có tỷ lệ tử vong chung tăng 20% và nguy cơ bị bệnh tim mạch nghiêm trọng tăng 21%. Nhóm có lối sống ít vận động hơn/ít hoạt động hơn cũng có tỷ lệ bị bệnh tiểu đường, trầm cảm, rối loạn thể chất và các bệnh mạn tính tăng đáng kể.

Một nghiên cứu khác trên hơn 1 triệu người cho thấy những người trưởng thành ngồi trên 9 tiếng mỗi ngày có nguy cơ tử vong tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, các tác giả của bài nghiên cứu cũng đề cập rằng những người tham gia hoạt động thể chất từ vừa phải đến mạnh trong khoảng 60 đến 75 phút mỗi ngày không tăng nguy cơ tử vong ngay cả khi ngồi trên 8 tiếng mỗi ngày.

Ngồi lâu làm tăng nguy cơ ung thư

Ngồi lâu cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng lối sống ít vận động có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị các loại ung thư khác nhau. Vào năm 2022, the European Journal of Epidemiology (Tập san Dịch tễ học Âu Châu) đã công bố một bài tổng quan từ 77 nghiên cứu ban đầu, bao gồm 17 vị trí ung thư khác nhau và hơn 200,000 trường hợp ung thư. Các nghiên cứu đã phát hiện thấy lối sống ít vận động làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư như sau:

  • Vú – 8 %
  • Đại tràng – 25 %
  • Tuyến tiền liệt – 8 %
  • Trực tràng – 7 %
  • Nội mạc tử cung – 29 %
  • Buồng trứng – 29 %

Ngoài ra, lối sống ít vận động cũng có thể làm giảm tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư. Trong số những bệnh nhân ung thư đại trực tràng, lối sống ít vận động sau khi chẩn đoán làm tăng nguy cơ tử vong cụ thể lên 61%.

Tập thể dục Aerobic làm giảm nguy cơ ung thư

Bằng chứng từ Quỹ Quốc tế Nghiên cứu Ung thư Thế giới cho thấy hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, vú và nội mạc tử cung, đồng thời giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tại Hoa Kỳ, khoảng một nửa số người trưởng thành không tập thể dục aerobic đầy đủ và 77% học sinh trung học không tập thể dục đầy đủ.

Tập thể dục aerobic hay trao đổi chất hiếu khí, là các bài tập về sức bền trong đó các cơ của một người di chuyển một cách nhịp nhàng và phối hợp trong một thời gian dài. Các bài tập aerobic làm tăng nhịp tim và nhịp thở để cung cấp nhiều oxy hơn cho các cơ của cơ thể. Tập thể dục aerobic bao gồm đi bộ nhanh, nhảy dây, chạy, bơi lội và đạp xe, cùng nhiều hoạt động khác.

Vào năm 2023, một nghiên cứu thể dục nhịp tim (CRF) và nguy cơ ung thư ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các nhà nghiên cứu chia CRF thành ba nhóm: cao, trung bình và thấp.

Tập thể dục là một phần quan trọng trong quá trình giảm cân và duy trì cân nặng, mặc dù thực tế là chỉ tập thể dục thì sẽ không có hiệu quả giảm cân đáng kể. (Ảnh: imtmphoto/Shutterstock)
Tập thể dục giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe tổng quát. (Ảnh: imtmphoto/Shutterstock)

CRF đề cập đến khả năng bơm máu của tim và hít oxy của phổi khi tập luyện aerobic của một người. Toàn bộ cơ thể con người cần có oxy để đốt cháy năng lượng dự trữ trong cơ thể, chuyển hóa chúng thành năng lượng nhiệt, được các cơ quan và cơ bắp sử dụng để di chuyển.

Nghiên cứu cho thấy những người có CRF cao hơn có liên quan tuyến tính đến việc giảm nguy cơ ung thư như sau:

  • Đầu và cổ – 19 %
  • Thực quản – 39 %
  • Dạ dày – 21 %
  • Tuyến tụy – 12 %
  • Gan – 40 %
  • Đại tràng – 18 %
  • Trực tràng – 5 %
  • Thận – 20 %
  • Phổi – 42 %

Số lần hoạt động là quan trọng nhất

Koichiro Oka, giáo sư tại Trường Khoa học Thể thao thuộc Đại học Waseda ở Nhật Bản, tin rằng ngồi lâu là “kẻ giết người thầm lặng.” Ông nói rằng nhìn chung, cơ bắp chân liên tục được sử dụng để duy trì tư thế khi đứng và cơ đùi được vận động khi đi bộ. Sự co cơ liên quan đến hoạt động thể chất này sẽ kích thích các chức năng trao đổi chất liên quan đến lượng đường trong máu và chất béo trung tính. Mặt khác, các cơ ở phần dưới cơ thể co bóp ít hơn khi ngồi hoặc nằm so với khi đứng hoặc đi. Vì vậy, ngồi lâu sẽ làm giảm chức năng chuyển hóa, dẫn đến tăng lượng đường trong máu và nồng độ chất béo trung tính, gây nhiều bệnh khác nhau.

Do đại dịch COVID-19, nhiều người đang ngồi nhiều hơn bao giờ hết. Ông Oka tin rằng để ngăn ngừa những tác động tiêu cực của việc ngồi lâu, điều quan trọng là số lần thực hiện chứ không phải cường độ hoạt động thể chất. Ông đề nghị cố gắng không ngồi quá 8 tiếng mỗi ngày và cứ 20 đến 30 phút hãy đứng dậy khỏi chỗ ngồi để thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng, bao gồm ngồi xổm nhẹ, đứng lên khỏi chỗ ngồi, kiễng chân hoặc pha một tách cà phê. Ông cũng lưu ý rằng các tình trạng sức khỏe như đau lưng, cổ và các trạng thái cảm xúc sẽ được cải thiện bằng cách giảm thời gian ngồi khoảng một tiếng mỗi ngày.

Đối với những người dành nhiều thời gian xem TV ở nhà, ông khuyên nên đứng dậy sau mỗi 30 phút và di chuyển xung quanh càng nhiều càng tốt, không sử dụng điều khiển từ xa khi chuyển kênh TV, hoàn thành các công việc gia đình khác (như dọn dẹp hoặc rửa bát), đứng lên đi lại hoặc kéo căng cơ thể trong lúc quảng cáo. Những hoạt động nhẹ nhàng trong cuộc sống hàng ngày này đều rất cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Khánh Nam biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Ellen Wan
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn