Chữa lành ung thư với 3 chiến lược chính: Những hiểu biết sâu sắc từ một vị giáo sư đã khỏi bệnh

Ngoài y học thông thường còn có rất nhiều lựa chọn để chữa lành cơ thể, tâm trí và tinh thần.

Năm 2008, Bor-Cheng Han, giáo sư Khoa Y tế Công cộng tại Đại học Y Đài Bắc, phát hiện ra ông có một khối u 7.5 inch trong gan. Sau khi cắt bỏ gần 2/3 lá gan, các tế bào ung thư sau đó đã di căn đến phổi. Ông đã trải qua 25 phiên hóa trị và 12 phiên xạ trị và dùng thuốc nhắm mục tiêu. Ba năm sau, ông phải phẫu thuật lần nữa do ung thư gan tái phát.

Hiện nay, ông Han đã chiến thắng căn bệnh ung thư thành công trong suốt 15 năm mà không hề tái phát hay phải dùng thuốc. Giờ đây, ông không chỉ khỏe mạnh hơn mà còn tràn đầy năng lượng hơn bao giờ hết. Hành trình chống lại ung thư đã khiến ông suy ngẫm về những bí mật thực sự để đạt được sức khỏe thể chất. Trong chương trình “Health 1+1” của The Epoch Times, ông đã đi sâu tìm hiểu các phương pháp tự chữa bệnh của mình, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và những hiểu biết sâu sắc vô giá về việc vượt qua căn bệnh ung thư.

Ông Han được chẩn đoán bị bệnh viêm gan cấp tính ở tuổi 31, khiến ông phải lựa chọn ưu tiên cách ăn uống và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, ông vẫn được chẩn đoán bị bệnh ung thư gan ở tuổi 51. Hành trình vượt qua căn bệnh ung thư của ông đã dẫn đến nhận thức sâu sắc rằng sức khỏe thực sự đòi hỏi phải nuôi dưỡng bốn khía cạnh: thể chất (cách ăn uống và tập luyện), cảm xúc, tinh thần và sự hòa nhập xã hội. Chỉ khi nuôi dưỡng đồng thời tất cả các khía cạnh này, người ta mới có thể ngăn ngừa và chống lại ung thư một cách hiệu quả.

Dưới đây là ba cách mà ông đã áp dụng:

1. Cách ăn chống ung thư

Ông Han tuân thủ nguyên tắc 5S dưới đây khi áp dụng cách ăn chống ung thư:

  1. Lựa chọn (Selection): Chọn thực phẩm tươi, theo mùa, không độc hại, sạch sẽ.
  1. Đơn giản (Simple): Tiêu thụ thực phẩm được chế biến bằng phương pháp nấu đơn giản và giảm thiểu tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến kỹ lưỡng.
  1. Khẩu phần nhỏ (Small): Ăn vừa phải, tránh ăn uống quá nhiều.
  1. Ăn chậm (Slow): Nhai chậm trong khi ăn.
  1. Cười (Smile): Ăn với tâm trạng vui vẻ vì nó thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu.

Trong suốt hành trình chống lại bệnh ung thư của mình, ông Han đã kết hợp các loại nước ép trái cây và rau quả tự làm vào thói quen hàng ngày của mình, nhằm điều chỉnh thói quen ăn uống kén chọn trước đây và bảo đảm nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết đồng thời giải độc cơ thể. Bắt đầu bằng việc tiêu thụ từ 50 đến 68 ounce nước trái cây mỗi ngày, hiện nay ông đã giảm xuống còn 10 đến 16 ounce mỗi ngày. Điều này, cùng với cách ăn uống đã được điều chỉnh cho phép ông duy trì lượng dinh dưỡng cân đối.

Thành phần trong nước ép của ông bao gồm rau và trái cây, cũng như các loại hạt và gia vị, thường có tổng cộng khoảng 20 đến 30 loại. Tỷ lệ rau thường gấp đôi trái cây. Ông còn bổ sung các loại gia vị như quế, nghệ, gừng và tiêu đen không chỉ có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm tuyệt vời mà còn mang lại tác dụng làm ấm để cân bằng tính mát của rau và trái cây. Các loại hạt như mè trắng, mè đen, hạt lanh cũng có thể được đưa vào để tăng cường sự đa dạng và cân bằng dinh dưỡng.

Một tổng quan y văn được đăng trên tập san Nutrients (Dinh dưỡng) năm 2016 cho rằng các loại gia vị như nghệ, tiêu đen, ớt và nghệ tây có tác dụng chống ung thư.

Hơn nữa, ông Han nhấn mạnh khái niệm “tiêu thụ thực phẩm điều độ,” nghĩa là ăn nhiều hơn một chút những gì có lợi cho cơ thể và ít hơn một chút những gì không tốt cho cơ thể. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không được quá chú trọng vào thực phẩm và cho rằng, với một thái độ thoải mái trong việc ăn uống, người ta có thể chống lại bệnh ung thư và nâng cao sức khỏe tổng thể một cách hiệu quả.

Sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư, giáo sư Bor-Cheng Han đã trải qua một sự thay đổi sâu sắc trong tư duy, trở nên lạc quan và nhẹ nhàng hơn. (Ảnh do Bor-Cheng Han cung cấp)
Sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư, giáo sư Bor-Cheng Han đã trải qua một sự thay đổi sâu sắc trong tư duy, trở nên lạc quan và nhẹ nhàng hơn. (Ảnh do Bor-Cheng Han cung cấp)

2. Điều chỉnh tư duy

Một nghiên cứu được công bố trên tập san SSM – Population Health năm 2022 đã xác nhận rằng căng thẳng kinh niên có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do ung thư.

Sau khi được chẩn đoán bị bệnh ung thư, ông Han đã có sự thay đổi rõ rệt về sức khỏe tinh thần. Ông trở nên điềm tĩnh và thoải mái hơn. Trước đây, ông đã phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao, dẫn đến căng thẳng và thử thách về mặt cảm xúc. Ngoài ra, các mối quan hệ giữa các cá nhân của ông cũng bị ảnh hưởng. Ông giải thích rằng việc nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực như hận thù, buồn phiền và đau buồn có thể gây ra căng thẳng tột độ, cuối cùng dẫn đến tình trạng viêm mãn tính.

Ông Han đã trải nghiệm những thay đổi đáng kể trong tư duy của mình. Ông có cái nhìn lạc quan và tích cực về cuộc sống, tiếp cận thử thách với sự bình tĩnh. Ông học cách thả lỏng cơ thể, buông bỏ mối hận thù và thậm chí đưa ra lời xin lỗi trong khi tìm cách hòa giải với người khác. Nhờ đó, ông trở nên hạnh phúc hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ đáng chú ý nhất là sự cải thiện trong mối quan hệ của ông với vợ và con gái. Ông Han nhớ lại một sự cố trong quá trình hóa trị, khi vợ ông chuẩn bị bữa ăn cho ông và ông phàn nàn rằng nó không ngon. Vợ ông đã rơi nước mắt trước những lời chỉ trích của ông. Chính trong khoảnh khắc đó ông mới nhận ra mình đang có thái độ phàn nàn với gia đình. Ông tự hỏi: “Việc nuôi dưỡng cảm xúc tiêu cực như vậy có lợi cho sức khỏe của mình không? Tại sao kể từ khi cưới nhau, mình lại có nhiều mâu thuẫn với vợ như vậy?”

Trong khoảnh khắc đó, ông Han quyết định buông bỏ mọi oán hận, bất hạnh mà ông đã chất chứa đối với gia đình. Ông xin lỗi vợ mình và nói: “Anh đã sai rồi.” Ngay khi những lời đó thoát ra khỏi môi, ông cảm thấy căng thẳng ngay lập tức được giải tỏa và toàn bộ cơ thể ông trở nên thư giãn. Ông có cảm giác mạnh mẽ rằng mối quan hệ của họ sẽ có một bước ngoặt tích cực.

Mối quan hệ của ông Han với con gái cũng theo một khuôn mẫu tương tự. Giống như nhiều bậc cha mẹ Á châu đặt kỳ vọng cao vào con cái, ông từng áp dụng phong cách nuôi dạy con nghiêm khắc, điều này gây áp lực đáng kể cho con gái và dẫn đến những tổn thương cảm xúc cho cô ấy.

Ông Han nhận ra rằng việc gây áp lực lên ai đó không phải là biểu hiện của tình yêu thương – nó chỉ tạo thêm khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Vì vậy, ông đã xin lỗi con gái mình vì những bất đồng trong quá khứ, bắt đầu lại cuộc trò chuyện và thu hẹp khoảng cách giữa họ — cuối cùng là hàn gắn mối quan hệ cha con.

Khi nói đến việc thay đổi suy nghĩ của một người, ông Han đề cập rằng ông thường nghe câu “hãy rèn luyện bản thân, đừng đòi hỏi ở người khác.” Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm vì hầu hết mọi người đều thiếu quyết tâm để làm điều đó. Ông nhận ra rằng điều quan trọng là trước tiên hãy thừa nhận những sai lầm trong quá khứ của mình, sau đó cam kết thay đổi. Bằng cách không ngừng hoàn thiện bản thân, bạn cũng có thể tìm lại được tình yêu thương dành cho những người xung quanh. Như ông đã nói: “Khi tình yêu thương trở lại, bệnh ung thư sẽ ra đi.”

Một nghiên cứu tổng quan được công bố trên tập san Trends in Cancer (Xu hướng Ung thư) năm 2019 đã đề cập rằng ung thư không chỉ là một căn bệnh về thể chất— mà những tác động tâm lý và xã hội của căn bệnh này đã đặt ra nhiều thách thức trong suốt quá trình điều trị và phục hồi. Tương tự như cách các tế bào ác tính phát triển và lan rộng trong cơ thể, những suy nghĩ tiêu cực cũng có thể phủ bóng đen lên trải nghiệm cuộc sống của bệnh nhân.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trải nghiệm chống lại bệnh ung thư thực sự có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực. Có suy nghĩ “ung thư có thể là một cơ hội” có thể truyền cảm hứng cho sự phát triển cá nhân, tăng cường sự đánh giá cao đối với cuộc sống hoặc thúc đẩy những thay đổi quan trọng trong lối sống, chẳng hạn như áp dụng cách ăn uống lành mạnh hơn và tập luyện.

Một nghiên cứu được công bố trên tập san Health Psychology (Tâm lý học sức khỏe) vào năm 2022 đã khảo sát 273 người sống sót sau ung thư vú và ung thư phụ khoa. Cuộc khảo sát cho thấy 65.9% số người sống sót đồng ý với tuyên bố “ung thư có thể là một cơ hội,” 52.4% đồng ý rằng “ung thư có thể kiểm soát được,” trong khi chỉ có 20.1% đồng tình quan điểm rằng “ung thư là một thảm họa.” Điều thú vị là, những người sống sót ủng hộ quan điểm thứ ba cho biết chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe thấp hơn so với những người ủng hộ hai quan điểm đầu tiên.

3. Tầm quan trọng của việc giảm căng thẳng

Ông Han đã áp dụng kỹ thuật ngâm chân được thực hành trong yoga nhằm thả lỏng cả cơ thể và tinh thần một cách hiệu quả. Phương pháp này rất đơn giản và có thể dễ dàng kết hợp vào thói quen hàng ngày của bạn. Mỗi tối trước khi ngủ, ngâm chân trong nước lạnh có pha một chút muối thô. Bạn có thể sử dụng nước ấm nếu trời quá lạnh trong mùa đông. Hãy bảo đảm tâm trí bạn thảnh thơi và tránh nói chuyện, ăn uống, sử dụng điện thoại di động hoặc đọc sách. Đơn giản chỉ cần ngồi yên lặng, ngâm chân trong mười phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch rồi lau khô.

Ông Han giải thích, phương pháp ngâm chân này mô phỏng việc ngâm chân trong nước biển, có thể giúp tinh thần được tĩnh tâm, thư giãn, điều chỉnh cả hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm. Ngoài việc giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn, ngâm chân như thế nào còn có thể cải thiện làn da, mức năng lượng và giúp cho tinh thần bạn trở nên minh mẫn. Ông Han giải thích thêm rằng khi ngâm chân trong nước lạnh, tâm trí sẽ trở nên bình tĩnh hơn, ngăn ngừa sự bồn chồn, giải tỏa những cảm xúc tiêu cực tích lũy trong ngày và cũng mang lại tác dụng làm mát gan, do đó gia tăng chức năng giải độc của gan.

Hai bài học mà ông Han rút ra từ hành trình chống lại ung thư của mình

Giải pháp cho vấn đề của bạn thường nằm ở những lĩnh vực mới và không quen thuộc. Ví dụ, việc tham khảo ý kiến của một chuyên gia y tế là rất quan trọng khi đối mặt với bệnh tật, không nhất thiết phải bị giới hạn trong y học Tây phương. Có rất nhiều liệu pháp thay thế có sẵn trên toàn thế giới—hãy thoải mái khám phá với tinh thần cởi mở.

Duy trì sức khỏe bao gồm năm khía cạnh chính: sức khỏe tinh thần, hoạt động thể chất, cách ăn uống lành mạnh, giấc ngủ ngon và sự phát triển tinh thần. Ông Han nhấn mạnh rằng sức khỏe thực sự đến từ việc nuôi dưỡng sự phát triển tinh thần của một người, điều này có thể đạt được thông qua những hành động tử tế, tràn đầy lòng trắc ẩn và yêu thương đối với người khác.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn