Nghiên cứu: Căng thẳng làm tăng gấp 4 lần nguy cơ di căn ung thư

Nghiên cứu mới cho thấy hormone gây căng thẳng kích hoạt những tế bào bạch cầu tạo ra con đường di căn ung thư.

Một phát hiện mang tính đột phá liên hệ các hormone gây căng thẳng với sự gia tăng gấp bốn lần khả năng di căn ung thư, làm sáng tỏ lý do tại sao bệnh nhân bị căng thẳng trầm trọng thường có tỷ lệ sống sót thấp hơn.

Bà Mikala Egeblad, nhà nghiên cứu ung thư và là tác giả chính, nói với The Epoch Times: “Có lẽ rất ít tình huống gây ra căng thẳng như việc được chẩn đoán và điều trị ung thư.”

Hiểu được mối liên quan giữa căng thẳng và ung thư có thể mở ra phương pháp mới để bảo vệ bệnh nhân khỏi những tác động bất lợi của căng thẳng như một phần trong kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư.

Một khám phá tình cờ mở đường cho nhiều nghiên cứu hơn

Nhóm các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (CSHL) đã phát hiện glucocorticoids – một loại hormone gây căng thẳng – đóng vai trò tạo ra môi trường thân thiện với di căn.

Phòng thí nghiệm Egeblad, được chuyển đến Đại học Johns Hopkins, nghiên cứu cách giao tiếp giữa khối u và hệ miễn dịch ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u ở chuột. Các nhà nghiên cứu đã vô tình phát hiện mối liên quan này và nhận thấy khối u phát triển nhanh hơn ở những con chuột bị căng thẳng do thay đổi nơi ở.

Theo tác giả đầu tiên Xue-Yan He, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại CSHL và hiện là trợ lý giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Washington, hiện tượng này mở đường cho nhiều nghiên cứu sâu hơn về vấn đề tiếp xúc với căng thẳng mạn tính và cách điều này có thể khuyến khích sự lây lan ung thư.

Bà He đã điều tra mối liên quan này bằng một nghiên cứu trên chuột với sự mô phỏng căng thẳng mạn tính, dẫn đến những quan sát đáng kinh ngạc: có sự gia tăng các tổn thương dạng u và sự lây lan của bệnh ung thư tăng gấp bốn lần.

Cấu trúc ‘mạng nhện’ khuyến khích các tế bào ung thư

Theo nghiên cứu được công bố trên Cancer Cell (Tế bào ung thư), kích thước khối u ở vú của chuột tăng gần gấp đôi và tốc độ di căn đến phổi tăng từ hai đến bốn lần so với nhóm đối chứng không bị căng thẳng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện căng thẳng mạn tính tác động đến bạch cầu trung tính, gây ra sự tăng hoạt hóa bạch cầu trung tính trong các mô nơi tế bào ung thư di chuyển.

Khi xem xét mô phổi, các tác giả phát hiện căng thẳng mạn tính làm thay đổi môi trường bên trong theo hướng có thể đẩy mạnh sự phát triển của ung thư bằng cách tăng bạch cầu trung tính và sau đó làm giảm tế bào T, tế bào miễn dịch tiêu diệt ung thư.

“Chúng tôi cũng tìm thấy nhiều cấu trúc nền ngoại bào (extracellular matrix) hơn; đó là một [mạng lưới] protein có thể trợ giúp sự phát triển của tế bào ung thư,” bà He nói với The Epoch Times. Cấu trúc nền ngoại bào giúp các tế bào gắn với nhau và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và di chuyển của tế bào.

Bà Egeblad giải thích rằng bạch cầu trung tính trong mô tạo ra cấu trúc giống như mạng nhện gọi là bẫy ngoại bào bạch cầu trung tính (neutrophil extracellular traps – NET). Về cơ bản, NET là những mạng DNA dính nhằm mục đích bẫy mầm bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp ung thư, NET không đóng vai trò bảo vệ thông thường.

Thay vào đó, theo bà Egeblad và bà He, có vẻ như NET, do căng thẳng gây ra, đã khuyến khích sự phát triển của tế bào ung thư vú đến phổi. Bà He nói thêm: “Nghiên cứu cho thấy căng thẳng mạn tính sẽ kích hoạt bạch cầu trung tính, giúp tế bào ung thư phát triển.”

Để xác nhận rằng glucocorticoid đẩy mạnh sự hình thành NET, dẫn đến gia tăng di căn, các tác giả đã thực hiện ba thử nghiệm, mỗi thử nghiệm đều can thiệp vào con đường này. Đầu tiên, họ loại bỏ bạch cầu trung tính ra khỏi chuột bằng kháng thể. Tiếp theo, họ chích enzyme hòa tan NET. Cuối cùng, họ sử dụng những con chuột có bạch cầu trung tính không đáp ứng với glucocorticoid.

Theo bà He, mỗi cuộc thử nghiệm đều đạt kết quả tương tự: Việc giảm bạch cầu trung tính đã ngăn chặn sự di căn do căng thẳng gây ra.

Căng thẳng mạn tính khiến cơ thể phát triển ung thư

Các tác giả nghiên cứu viết: “Dữ liệu cho thấy glucocorticoids được tiết ra khi cơ thể bị căng thẳng mạn tính sẽ dẫn đến sự hình thành NET và thiết lập môi trường vi mô đẩy mạnh di căn.”

Thật bất ngờ, nghiên cứu còn cho thấy căng thẳng mạn tính có thể khiến NET hình thành và thay đổi các mô phổi ở chuột không bị ung thư, về cơ bản là chuẩn bị cho sự xuất hiện của ung thư.

Mặc dù nghiên cứu nhấn mạnh lý do tại sao việc kiểm soát căng thẳng trầm trọng lại quan trọng trong điều trị ung thư, nhưng cũng chỉ ra phương pháp trị liệu tiềm năng có thể nhắm mục tiêu vào sự hình thành NET hoặc ngăn chặn các thụ thể glucocorticoid.

Bà Egeblad cho biết: “Hướng đi chính tiếp theo là hiểu rõ mức độ áp dụng của điều này với con người và chúng ta có thể làm gì để ức chế căng thẳng, trước tiên là ở mô hình động vật và sau đó là ở bệnh nhân.”

Bà cũng hy vọng rằng việc hiểu được phản ứng căng thẳng sẽ giúp cải thiện kết quả điều trị và tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.

Làm sáng tỏ mối liên quan giữa căng thẳng và ung thư có thể dẫn đến tử vong

Căng thẳng là điều không thể tránh khỏi với một người được chẩn đoán ung thư. Theo một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Scientific Reports (Báo cáo khoa học), nhiều bệnh nhân cho rằng các quyết định điều trị—và sự không chắc chắn, lo lắng và thậm chí hối tiếc—là nguồn gốc khiến họ đau khổ.

Trong một bài tổng quan từ năm 2023 được đăng tải trên Tập san Annual Review of Psychology (Tâm lý học hàng năm), các tác giả đã chia sẻ dữ liệu hàng thập niên cho thấy kỹ thuật giảm căng thẳng giúp cải thiện kết cục cho bệnh nhân ung thư. Các kỹ thuật quản lý căng thẳng bao gồm:

  • Hít thở: Gồm thở sâu, chậm trong khi tập trung vào việc làm đầy phổi và thư giãn cơ bắp.
  • Thư giãn cơ liên tục: Gồm việc co và sau đó giãn cơ bắp. Hầu hết mọi người bắt đầu từ ngón chân hoặc đầu và dần dần thư giãn tất cả các cơ.
  • Thiền dịch: Với kỹ thuật này, bạn có thể học cách thư giãn tâm trí và tập trung vào cảm giác bình hòa bên trong.
  • Yoga: Yoga tập trung tâm trí vào hơi thở và tư thế để tạo sự thư giãn và giảm mệt mỏi.

Nhiều phát hiện trong bài tổng quan có liên quan liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) với nhà tư vấn, tập trung vào việc tích cực thay đổi suy nghĩ và hành vi. Bệnh nhân cũng được dạy cách phân biệt giữa yếu tố gây căng thẳng nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong tầm kiểm soát.

Với yếu tố gây căng thẳng có vẻ như nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như sự không chắc chắn khi đối mặt với kế hoạch chăm sóc ung thư, các kỹ thuật thư giãn với sự trợ giúp từ xã hội dường như giúp bệnh nhân kiểm soát lo lắng.

Tham gia vào các nhóm và kết nối với những người đồng nghiệp đang gặp khó khăn tương tự sẽ cung cấp một mạng lưới hỗ trợ. Chia sẻ kinh nghiệm tạo cảm giác thân thuộc, giảm bớt sự cô lập, một điều có thể đi kèm với bệnh ung thư.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Cara Michelle Miller
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Cara Michelle Miller là một nhà văn tự do và nhà giáo dục sức khỏe toàn diện. Cô đã giảng dạy tại Trường Cao đẳng Khoa học và Y tế Thái Bình Dương tại thành phố New York trong 12 năm và dẫn dắt các cuộc hội thảo về truyền thông cho sinh viên kỹ thuật tại The Cooper Union. Hiện tại cô viết bài tập trung vào chăm sóc tích hợp và các phương thức toàn diện.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn