Bản tin đặc biệt

Những câu chuyện chưa kể về vaccine đậu mùa

Vaccine đậu mùa được biết đến như một thành tựu mang tính đột phá trong lịch sử để loại trừ bệnh đậu mùa. Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét kỹ hơn thì mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Trong sự phát triển của khoa học y tế, vaccine nổi bật như những thành tựu to lớn được ca ngợi vì vai trò trong việc kiểm soát và có thể loại bỏ một số căn bệnh nguy hiểm nhất của nhân loại. Tuy nhiên, câu chuyện về vaccine không chỉ đơn giản là thành tựu khoa học. Đó là một câu chuyện phức tạp, được dệt nên bởi các phương pháp tân tiến, các quan điểm đa chiều và các cuộc tranh luận về tính hiệu quả và an toàn.

Câu chuyện về vaccine – đặc biệt là vaccine đậu mùa – không chỉ là một chương trong lịch sử y học. Đó là cuộc hành trình được đánh dấu bởi những khám phá sáng tạo, những ảnh hưởng đến xã hội và quá trình tìm tòi liên tục. Bệnh đậu mùa, từng là một tai họa khủng khiếp, là căn bệnh đầu tiên được loại bỏ nhờ chích ngừa. Tuy nhiên, con đường dẫn đến thành công này không hề bằng phẳng mà gập ghềnh với những thách thức và tranh cãi.

Trong loạt bài “Nhìn lại lịch sử vaccine” này, chúng ta sẽ khám phá lịch sử đa diện của vaccine, kiểm tra dữ liệu lịch sử và tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc về hiệu quả và độ an toàn của vaccine.

Hành trình này bắt đầu với vaccine đậu mùa – điểm khởi đầu mở ra cánh cửa cho chích ngừa hiện đại nhưng cũng đặt ra những câu hỏi còn vang vọng cho đến ngày nay.

Nhìn chung, vaccine đậu mùa có thể được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu với việc Tiến sĩ Edward Jenner phát minh ra vaccine vào năm 1796. Giai đoạn thứ hai liên quan đến các phiên bản khác nhau của vaccine đậu mùa được phổ biến và chích ngừa trong thế kỷ 18 và 19. Cuối cùng, giai đoạn thứ ba là chích ngừa vaccine đậu mùa hiện đại vào cuối thế kỷ 20 và 21.

(Ảnh minh họa The Epoch Times, Shutterstock, Getty Images)
(Ảnh minh họa The Epoch Times, Shutterstock, Getty Images)

Đánh giá chính của chúng tôi là đưa ra một quan điểm toàn diện, dựa trên dữ liệu khoa học và được làm phong phú thêm bởi bối cảnh lịch sử. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại quá khứ một cách chi tiết để hiểu hiện tại và định hình suy nghĩ về tương lai của y tế công cộng và khoa học y tế.

Căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử

Câu chuyện về vaccine bắt đầu bằng từ những thành tựu mang tính đột phá trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Một trong những thành công sớm nhất là việc phát triển vaccine đậu mùa của Tiến sĩ Edward Jenner (1749 – 1823) vào cuối thế kỷ 18, thời điểm then chốt chứng minh tiềm năng của vaccine.

Bệnh đậu mùa, do virus variola gây ra, từng là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới. Bệnh đặc trưng bởi sốt, khó chịu, nổi mụn mủ trên da [để lại] sẹo biến dạng và mù lòa ở nhiều [bệnh nhân] còn sống sót. Bệnh có một lịch sử lâu đời gắn liền với sự phát triển của nền văn minh nhân loại.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh đậu mùa có hai dạng: bệnh đậu mùa nhẹ, với tỷ lệ tử vong 1% và bệnh đậu mùa nặng, với tỷ lệ tử vong 30%. Khoảng 65-80% những người sống sót có những vết sẹo sâu, rỗ trên khuôn mặt được gọi là “mụn rỗ.”

Bệnh đậu mùa là nguyên nhân gây ra khoảng 300 đến 500 triệu ca tử vong trên toàn thế giới với trung bình 5 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong thế kỷ 18, chỉ riêng ở châu Âu, ước tính có khoảng 400,000 ca tử vong mỗi năm và 1/3 số người còn sống sót bị mù lòa.

Ảnh bên trái: Một màng virus trong suốt có nguồn gốc từ tế bào chủ bao lấy hạt virus. Lõi bên trong (màu đỏ) chứa vật liệu di truyền DNA. Các ống phủ trên bề mặt giúp virus bám vào tế bào chủ. (Ảnh: Kateryna Kon/Shutterstock)
Ảnh bên trái: Một màng virus trong suốt có nguồn gốc từ tế bào chủ bao lấy hạt virus. Lõi bên trong (màu đỏ) chứa vật liệu di truyền DNA. Các ống phủ trên bề mặt giúp virus bám vào tế bào chủ. (Ảnh: Kateryna Kon/Shutterstock) Ảnh bên phải: Bạo loạn bệnh đậu mùa ở Milwaukee, Wisconsin (1894). (Ảnh: stock illustration/Getty Image)

Phát minh năm của tiến sĩ Edward Jenner vào năm 1796

Vaccine đậu mùa được Tiến sĩ Jenner giới thiệu vào năm 1796. Câu chuyện về loại vaccine đầu tiên này bắt đầu từ niềm tin của những người vắt sữa rằng nhiễm bệnh đậu bò có thể ngăn ngừa mắc bệnh đậu mùa.

Lấy cảm hứng từ niềm tin này, Tiến sĩ Jenner đã thử nghiệm trên một cậu bé 8 tuổi, James Phipps. Tiến sĩ Jenner đã lấy dịch từ vết thương do bệnh đậu bò của một cô gái vắt sữa bò và chà xát lên người James. Sau đó James tiếp xúc với [virus] đậu mùa nhưng không phát bệnh, Tiến sĩ Jenner kết luận rằng việc chích ngừa bệnh đậu bò có hiệu quả.

Các bước mà Tiến sĩ Edward Jenner đã thực hiện để tạo ra vaccine đậu mùa, bắt đầu bằng việc chủng ngừa virus đậu bò cho James Phipps, một loại virus tương tự như virus đậu mùa, để tạo ra khả năng miễn dịch. (Ảnh: The Epoch Times)
Các bước mà Tiến sĩ Edward Jenner đã thực hiện để tạo ra vaccine đậu mùa, bắt đầu bằng việc chủng ngừa virus đậu bò cho James Phipps, một loại virus tương tự như virus đậu mùa, để tạo ra khả năng miễn dịch. (Ảnh: The Epoch Times)

Quá trình này sau đó được gọi là “chích ngừa,” bắt nguồn từ từ “vacca” trong tiếng Latin có nghĩa là bò; và “vaccinia” cho bệnh đậu mùa bò. Bài viết năm 1798 của Tiến sĩ Jenner đã khẳng định khả năng miễn dịch suốt đời với bệnh đậu mùa qua phương pháp này.

Nghiên cứu trên một người này đã phát triển thành câu chuyện hiện đại được kể trong sách giáo khoa của chúng ta hàng trăm năm rằng “được truyền cảm hứng từ những người vắt sữa, Tiến sĩ Jenner đã phát minh ra vaccine đậu mùa từ virus đậu bò, mang lại khả năng bảo vệ chéo chống lại bệnh đậu mùa.”

Hơn nữa, những chi tiết ít được biết đến trong câu chuyện này đã lan truyền trong hơn 200 năm. Có ít nhất hai điểm không đúng về câu chuyện này.

Thật không may, điều đầu tiên là câu chuyện về cô gái vắt sữa dường như được sáng tạo bởi John Baron, bạn của Tiến sĩ Jenner và là người viết tiểu sử đầu tiên. Trong cuốn sách “The Life of Edward Jenner MD” (Cuộc Đời của Tiến Sĩ Edward Jenner), ông Baron nói rằng bản thân Tiến sĩ Jenner chưa bao giờ tuyên bố đã phát hiện ra giá trị của bệnh đậu bò, và ông cũng chưa bao giờ nói lần đầu tiên ý tưởng ấy đã nảy ra trong đầu ông như thế nào, mặc dù có rất nhiều thư từ [của ông ấy]. Huyền thoại về những cô gái vắt sữa chỉ là huyền thoại mà thôi.

Điểm thứ hai là virus có trong vaccine đậu mùa ban đầu của bác sĩ Jenner được cho là một loại virus đậu bò. Tuy nhiên, điều này có đúng không? Câu trả lời tương đối mơ hồ. Thay vì virus đậu bò, bằng chứng cho thấy Tiến sĩ Jenner có thể đã sử dụng vaccine hoặc virus đậu ngựa, đây được xem là bí ẩn lớn nhất trong câu chuyện về vaccine của Jenner.

Các loại virus khác nhau, các bệnh khác nhau

Bệnh đậu mùa gây ra bởi virus variola, một loại virus DNA thuộc chi Orthopoxvirus. Loại virus này chỉ lây nhiễm ở người. Con người là ổ chứa duy nhất được biết đến, virus lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với yếu tố bị nhiễm bệnh trên màng nhầy. Điều quan trọng là virus không lây truyền từ bò.

Bệnh đậu bò do virus đậu bò gây ra, chủ yếu cư trú ở các loài động vật có vú hoang dã như gia súc, mèo mà không gây ra triệu chứng rõ ràng. Ở người, bệnh đậu bò thường nhẹ và tự giới hạn, đặc trưng bởi sốt, đau nhức và mụn nước đỏ tiến triển thành tổn thương chứa đầy mủ.

Hơn nữa, virus đậu ngựa còn làm câu chuyện trở nên phức tạp hơn, vì Tiến sĩ Jenner cũng đã sử dụng bạch huyết từ tổn thương đậu ngựa để điều chế vaccine đậu mùa vào năm 1813 và 1817. Bệnh đậu ngựa gây ra tổn thương mụn mủ ở ngựa và những người nuôi ngựa.

Virus đậu bò, virus đậu ngựa và virus đậu mùa đều là những loại virus khác nhau. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Jenner đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả bò và ngựa, để tạo ra cơ chất vaccine. Thực tiễn này đã dẫn đến sự phát triển của nhiều loại vaccine pha chế, thường được sử dụng mà không có hiểu biết đầy đủ về thành phần của vaccine.

Ảnh trái: Chân dung của Edward Jenner, bác sĩ và nhà khoa học người Anh, người tiên phong trong khái niệm vaccine bằng cách tạo ra vaccine đậu mùa, loại vaccine đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Mikroman6/Getty Images)
Ảnh trái: Chân dung của Edward Jenner, bác sĩ và nhà khoa học người Anh, người tiên phong trong khái niệm vaccine bằng cách tạo ra vaccine đậu mùa, loại vaccine đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Mikroman6/Getty Images) Ảnh phải: Tranh khắc cổ minh họa về lần chích ngừa đầu tiên của Tiến sĩ Edward Jenner. (Ảnh: mikroman6/Getty Images)

Một bài nghiên cứu năm 2018 trên Tập san The Lancet Infectious Diseases (Bệnh Truyền nhiễm Lancet) của bà Clarissa Damaso đã xem xét lại một cách cẩn thận lịch sử phức tạp và ít người biết đến của vaccine đậu mùa và kết luận rằng các chủng virus mà Tiến sĩ Jenner sử dụng vẫn còn là một bí ẩn (có thể là virus đậu bò, đậu ngựa hoặc nhiều virus đậu mùa).

Vào năm 1823, khi Tiến sĩ Jenner qua đời, đã có ba loại vaccine phòng bệnh đậu mùa riêng biệt: bệnh đậu bò, được mô tả là “bạch huyết tinh khiết từ bê,” mỡ ngựa, được mô tả là “chất lỏng bảo tồn sự sống thực sự và đích thực” và các biến thể mỡ ngựa.

Vaccine thường được áp dụng bằng cách cạo da cánh tay hoặc đùi [từ người bệnh], sau đó chích cho người khác, phương pháp này được gọi là chích vaccine từ cánh tay đến cánh tay. Vaccine của Tiến sĩ Jenner thiếu tiêu chuẩn hóa và thử nghiệm an toàn.

Bất chấp sự không chắc chắn, thiếu tiêu chuẩn chất lượng và thiếu nghiên cứu đầy đủ về thành phần, không ai biết chính xác những gì bên trong loại cocktail đến từ nhiều nguồn khác nhau này – giống như nước dùng chứa hàng trăm nghìn vi sinh. Tuy nhiên, khái niệm chích ngừa của Jenner đã được áp dụng rộng rãi dựa trên sự mê tín.

Ý tưởng cho rằng chích chất lỏng hoặc mô bị nhiễm bệnh từ động vật vào người để “ngăn ngừa” một căn bệnh khác ở người, đi ngược lại lẽ thường và logic, đồng thời tạo ra sự hoài nghi khoa học trong [cộng đồng] các bác sĩ đương đại.

Chủ nghĩa hoài nghi y tế

Vaccine của Tiến sĩ Jenner đã gặp phải những thách thức ban đầu.

Bác sĩ và tác giả y khoa người Anh, Tiến sĩ Charles Creighton (1847 – 1927), được đánh giá cao nhờ những bài viết mang tính học thuật về lịch sử y học. Cuốn sách “History of Epidemics in Britain” (Lịch Sử Dịch Bệnh ở Anh 1891-1894) của ông được mô tả là “tác phẩm kinh điển với độ chính xác không thể nghi ngờ.”

Trong một cuốn sách khác “Jenner and Vaccination: A Strange Chapter of Medical History” (Jenner và Chích Vaccine: Một Chương Kỳ Lạ của Lịch Sử Y Học), ông đã phê bình lý thuyết vaccine gồm bốn tuyên bố chính thiếu bằng chứng khoa học của Tiến sĩ Jenner:

  • Vaccine ngăn ngừa bệnh đậu mùa.
  • Vaccine không lây nhiễm.
  • Vaccine không gây ra dịch bệnh.
  • Vaccine an toàn.

Tiến sĩ Creighton nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu chi tiết hơn về bệnh lý để thực sự hiểu rõ về vaccine.

Tương tự, các chuyên gia y tế nổi tiếng khác vào thời điểm đó, bao gồm Ngài Erasmus Wilson, thường được gọi là “cha đẻ của ngành bác sĩ về da,” Tiến sĩ John D. Hillis, Tiến sĩ Living, Ngài Ranald Martin, Giáo sư W.T. Gairdner, Tiến sĩ Tilbury Fox, và Tiến sĩ Gavin Milroy, đã làm chứng rằng việc chủng ngừa bệnh đậu mùa ban đầu là phương tiện lây lan bệnh phong.

Tiến sĩ Robert Hall Bakewell, bác sĩ điều trị bệnh phong, và những người khác đã đưa ra những rủi ro liên quan đến việc chích ngừa. Họ trích dẫn những ví dụ trong đó việc chích ngừa làm lây lan các bệnh như bệnh phong hơn là ngăn ngừa nhiễm trùng, từ đó thách thức quan điểm về chích ngừa.

Đã có tranh cãi lịch sử xung quanh việc chích ngừa bệnh đậu mùa. Trong phim hoạt hình châm biếm của James Gillray, công bố năm 1802, vaccine đậu bò đang được chích cho những phụ nữ trẻ đang sợ hãi tại Bệnh viện chủng ngừa và Đậu mùa. Bò “mọc ra” từ cơ thể người, làm phóng đại những tuyên bố trước đó về việc những người phát triển các đặc điểm của bò sau khi chích ngừa. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Đã có tranh cãi lịch sử xung quanh việc chích ngừa bệnh đậu mùa. Trong phim hoạt hình châm biếm của James Gillray, công bố năm 1802, vaccine đậu bò đang được chích cho những phụ nữ trẻ đang sợ hãi tại Bệnh viện chủng ngừa và Đậu mùa. Bò “mọc ra” từ cơ thể người, làm phóng đại những tuyên bố trước đó về việc những người phát triển các đặc điểm của bò sau khi chích ngừa. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Năm 1799, ngay sau khi Tiến sĩ Jenner công bố bài viết về việc sử dụng virus đậu bò để ngăn ngừa bệnh đậu mùa suốt đời, Tiến sĩ Drake, một bác sĩ phẫu thuật đến từ Anh, đã tiến hành một thí nghiệm chích ngừa cho ba đứa trẻ bằng loại vaccine được lấy trực tiếp từ cậu bé Edward Jenner.

Thật không may, khi thử chích ngừa bệnh đậu mùa, cả ba đứa trẻ được chích ngừa vẫn bị bệnh. Vaccine đã thất bại.

“Ba đứa trẻ gồm một cậu bé 17 tuổi và hai đứa trẻ ở Colborne (một em 4 tuổi, em còn lại 15 tháng) đã sớm xuất hiện các mụn nước đậu bò và đóng vảy theo thời gian thông thường. Cậu bé 17 tuổi được chích ngừa vào ngày 20/12, và hai em kia vào ngày 21. Các em đều phát bệnh vào ngày thứ tám sau chích ngừa, cả mụn mủ khu trú và phát ban toàn thân kèm theo sốt.”

Thất bại từ năm 1804

Theo thời gian, nhiều trường hợp chích ngừa không hiệu quả đã được báo cáo. Bất chấp những lời hứa hẹn ban đầu về khả năng bảo vệ, mọi người vẫn bị bệnh đậu mùa sau khi được chích ngừa.

Tiến sĩ Baron, trong cuốn sách “The Life of Edward Jenner” cho biết, “Từ năm 1804, các báo cáo về thất bại trong việc chích ngừa đã bắt đầu gia tăng.” Trong cùng năm đó, Tiến sĩ John Birch, bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện St. Thomas, cho hay, “Mỗi bài đăng đều có những lời kể về những thất bại của việc chích ngừa.”

Vào năm 1809, Huân tước Henry Petty đã phát biểu tại Hạ viện rằng, “Trừ khi Tiến sĩ Jenner hoàn toàn mù quáng vì sự kiêu ngạo, chắc hẳn ông ấy nhận ra rằng niềm tin chung vào việc chích ngừa như đã thấy trong năm 1801, đã bị lung lay nhiều bởi trải nghiệm của bảy năm tiếp theo.”

Tại Ủy ban Cung ứng vào ngày 29/07/1807, ông Shaw-Lefevre, khi phát biểu về đề nghị trợ cấp công cộng cho Tiến sĩ Edward Jenner, đã đề cập đến báo cáo của Ủy ban Điều tra, trong đó tuyên bố rằng “việc thực hành chích vaccine là giải pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa đúng đắn.” Ông đã dứt khoát phủ nhận sự thật của tài liệu này và cho thấy 56 trường hợp chích vaccine vẫn bị bệnh đậu mùa. Ông Shaw-Lefevre nói, “Ở đây chúng tôi có 56 trường hợp thất bại thực sự.”

Tập san Medical Observer (Quan sát Y khoa) năm 1810 có thông tin chi tiết về 535 trường hợp bị bệnh đậu mùa sau khi chích vaccine, trong đó có 97 trường hợp tử vong và 150 trường hợp bị tổn thương do vaccine. Dữ liệu này được trợ giúp bởi 10 chuyên gia y tế, trong đó có hai giáo sư giải phẫu đã chứng kiến ​​những thương tích do chích ngừa trong chính gia đình họ.

Nhiều báo cáo về việc chích ngừa bệnh đậu mùa không thành công đã xảy ra trong nhiều năm kể từ năm 1804. Tờ Medical Observer năm 1810 có thông tin chi tiết về 535 trường hợp bị bệnh đậu mùa sau khi chích ngừa, trong đó có 97 trường hợp tử vong và 150 trường hợp bị tổn thương do vaccine. (Ảnh chụp màn hình từ Đạo luật chích vaccine của Quốc hội từ The Epoch Times)
Nhiều báo cáo về việc chích ngừa bệnh đậu mùa không thành công đã xảy ra trong nhiều năm kể từ năm 1804. Tờ Medical Observer năm 1810 có thông tin chi tiết về 535 trường hợp bị bệnh đậu mùa sau khi chích ngừa, trong đó có 97 trường hợp tử vong và 150 trường hợp bị tổn thương do vaccine. (Ảnh chụp màn hình từ Đạo luật chích vaccine của Quốc hội từ The Epoch Times)

Một bài nghiên cứu năm 1817 có tựa đề “Quan sát về các bệnh phổ biến” trên London Medical Repository Monthly Journal and Review (Tập san và Đánh giá Hàng tháng của Kho lưu trữ Y tế Luân Đôn) đã báo cáo rằng nhiều người đã được chích ngừa vẫn bị bệnh đậu mùa.

1818: 1,200 ca chích ngừa của bác sĩ phẫu thuật người Scotland

Năm 1818, sau khi chích ngừa cho 1,200 người khỏe mạnh, Tiến sĩ Thomas Brown, một bác sĩ phẫu thuật người Scotland với 30 năm kinh nghiệm lâm sàng, phát hiện ra rằng nhiều người được chích ngừa vẫn nhiễm virus và thậm chí tử vong vì bệnh đậu mùa.

Tiến sĩ Brown đã thảo luận về những biến chứng và thất bại liên quan đến việc chích ngừa đậu mùa. Ông mô tả những tình huống mà các cá nhân, mặc dù đã được chích ngừa (được biểu thị bằng quầng đỏ hình thành xung quanh vết chích vaccine), vẫn bị bệnh đậu mùa. Trong một số trường hợp, bệnh đậu mùa trở nên nghiêm trọng (hợp lưu) và thậm chí dẫn đến tử vong. Đáng chú ý, ông đề cập đến những trường hợp mụn mủ đậu mùa phát triển trong khu vực chích vaccine.

Trong bối cảnh bệnh đậu mùa, “hợp lưu” dùng để chỉ một dạng bệnh trầm trọng trong đó các tổn thương mụn mủ hợp nhất lại và bao phủ một phần đáng kể của cơ thể. Thay vì các mụn mủ nằm rời rạc, riêng biệt, các tổn thương trở nên tập trung dày đặc, tạo thành các vết mẩn đỏ hoặc vỡ mủ liên tục. Dạng bệnh đậu mùa trầm trọng này thường có nguy cơ biến chứng cao hơn và diễn biến bệnh nặng nề hơn.

Tiến sĩ Brown nhấn mạnh thêm rằng các báo cáo từ khắp nơi trên thế giới, bất cứ nơi nào việc chích ngừa được thực hiện, đều cho thấy tỷ lệ thất bại trong chích ngừa đã gia tăng đáng kể.

Ông cũng đề cập rằng khi những người đã được chủng ngừa hơn sáu năm tiếp xúc với bệnh đậu mùa đang hoạt động mạnh thì gần như tất cả họ đều bị bệnh đậu mùa. Điều này làm dấy lên mối lo ngại lớn về việc liệu vaccine đậu mùa có hiệu quả tốt trong thời gian dài hay không và liệu nó có thực sự bảo vệ chống lại căn bệnh này hay không.

Ông nói, “Tuy nhiên, thưa ngài, trước tiên tôi phải tự do nhận xét rằng không ai hơn tôi có thể cảm thấy thất vọng sâu sắc về việc chích ngừa không đem lại sự bảo vệ hoàn hảo chống lại bệnh đậu mùa.” Lương tâm của ông không còn có thể ủng hộ việc chích ngừa được nữa.

Tiến sĩ Thomas Brown, một bác sĩ phẫu thuật người Scotland với 30 năm kinh nghiệm lâm sàng, sau khi chích ngừa cho 1,200 người khỏe mạnh nhưng nhiều người trong số họ vẫn nhiễm virus, đã thất vọng với việc chích ngừa bệnh đậu mùa. (Ảnh chụp màn hình từ Tập san Y khoa và Phẫu thuật Edinburgh của The Epoch Times)
Tiến sĩ Thomas Brown, một bác sĩ phẫu thuật người Scotland với 30 năm kinh nghiệm lâm sàng, sau khi chích ngừa cho 1,200 người khỏe mạnh nhưng nhiều người trong số họ vẫn nhiễm virus, đã thất vọng với việc chích ngừa bệnh đậu mùa. (Ảnh chụp màn hình từ Tập san Y khoa và Phẫu thuật Edinburgh của The Epoch Times)

Năm 1829, một nhà báo người Anh, William Cobbett, đã nhấn mạnh rằng chích ngừa có hiệu quả kém đối với việc ngăn ngừa bệnh đậu mùa. Trong cuốn sách ông viết, “Advice to Young Men and (Incidentally) to Young Women” (Lời Khuyên Dành Cho Các Chàng Trai Trẻ và (Tình Cờ) Dành Cho Các Cô Gái Trẻ), “Trong nhiều trường hợp, những người được chính Jenner chích ngừa sau đó đã thực sự bị bệnh đậu mùa. Một số người đã tử vong vì căn bệnh này, trong khi những người khác hầu như không sống sót.”

1845: The Lancet báo cáo sự gia tăng [ca mắc] sau khi chích ngừa

Năm 1845, ông Stanley, chủ tịch Hiệp hội Y khoa và Chirurgical Hoàng gia, đã công bố một bài viết trên tờ The Lancet của Tiến sĩ George Gregory, một bác sĩ của Bệnh viện Bệnh đậu mùa ở London.

Bệnh viện đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân bị đậu mùa và rất quan trọng cho sự phát triển của các phương pháp điều trị bệnh và những cố gắng chích ngừa trong thế kỷ 18 và 19.

Tiến sĩ Gregory đã viết về việc bệnh viện của ông, sau khi thoát khỏi bệnh đậu mùa vào những năm 1842 và 1843, lại gặp phải một trận dịch vào năm 1844 và số ca tử vong hàng tuần do căn bệnh này gia tăng đáng kể. Đây là điểm mấu chốt:

Năm 1844, có 647 bệnh nhân đậu mùa nhập viện, đánh dấu một trong những năm có tỷ lệ nhập viện cao nhất kể từ khi bệnh viện thành lập năm 1746.

Trong trận dịch đậu mùa năm 1844, 312 bệnh nhân đậu mùa đã được chích vaccine đậu mùa, chiếm 48% số bệnh nhân nhập viện.

Trong số 312 bệnh nhân được chích ngừa, 100 người bị bệnh ở thể nhẹ hơn và gần 2/3 bị bệnh từ trung bình đến nặng. Trong số 312 bệnh nhân được chích ngừa, 24 người đã tử vong – tỷ lệ tử vong gần 8%.

Tóm lại, bài nghiên cứu trên Lancet năm 1845 cho thấy rằng việc chích ngừa bệnh đậu mùa vào thế kỷ 19 không có hiệu quả như mong đợi trong việc ngăn chặn sự lây lan hoặc giảm mức độ trầm trọng của bệnh đậu mùa. Bằng chứng là số lượng ca mắc và tử vong cao đáng kể trong trận dịch năm 1844.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times