Những gắn bó thời thơ ấu giúp chúng ta kết nối với nhau

Mối quan hệ đầu tiên của chúng ta trở thành khuôn mẫu cho tất cả các mối quan hệ tiếp theo

Chúng ta được sinh ra để kết nối. Là con người, chúng ta có các mối quan hệ và chúng ta cần có sự kết nối sinh học, cảm xúc và tâm lý với những người khác.

Chúng ta học cách kết nối và cách tạo ra các kiểu kết nối trong thuở ấu thơ và thuở nhỏ.

Nhiều khuôn mẫu và trải nghiệm này trở thành cách chúng ta hiểu thế giới và con người hoạt động như thế nào. Các trải nghiệm ban đầu với những người chăm sóc chính dạy chúng ta những điều cần thiết trong cuộc đời.

Sự gắn bó là nhịp điệu giao tiếp mà cha mẹ và em bé chia sẻ cùng nhau. Bạn có thể nghĩ về điều này khi nhìn thấy một em bé nhìn cha mẹ và họ chạm mắt nhau bằng một ánh nhìn tuyệt vời: Cha mẹ mỉm cười và em bé cũng cười, sau đó cha mẹ hôn còn bé thì thủ thỉ. Hoặc, khi một bé sơ sinh khóc toáng lên để nói với cha mẹ rằng bé đang đói rồi mẹ bế bé lên, cho bé bú rồi ôm ấp vỗ về bé cho đến khi bé no sữa với trái tim đầy ấm áp, yêu thương.

Nhịp điệu giao tiếp tạo nên khuôn khổ cho những tương tác mà chúng ta mang theo trong suốt cuộc đời và cách chúng ta hiểu về tình yêu, như tâm lý học hiện đại mô tả.

Em bé cần sự kết nối yêu thương để phát triển

René Spitz là bác sĩ tâm thần đã nghiên cứu trẻ sơ sinh và trẻ em trong trại trẻ mồ côi và nhà tù trước khi Tây Y hiểu được tầm quan trọng của sự gắn bó hoặc kết nối.

Thông qua nghiên cứu vào những năm 1930, bác sĩ Spitz phát hiện rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể chết nếu không được giao tiếp hoặc tiếp xúc, ôm ấp, vuốt ve: Bé có thể nhận được đầy đủ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe nhưng không thể phát triển tốt do thiếu sự tiếp xúc yêu thương.

Bác sĩ Spitz đã quay phim các trẻ sơ sinh và trẻ chập chững không có sự gắn bó lành mạnh và những hình ảnh này được sử dụng để thúc đẩy những thay đổi trong cách các cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngày nay, những hình ảnh như vậy có thể rất đáng lo ngại và ám ảnh.

Đây là cách các mối quan hệ cơ bản có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.

Ú òa không chỉ là một trò chơi

Sự gắn bó là một quá trình giao tiếp được xây dựng trong suốt thời thơ ấu và được hình thành lúc 8 tháng tuổi, khi trẻ phát triển một số kỹ năng nhận thức nhất định. Trẻ phát triển khả năng nhận thức về cái mà các nhà giáo dục gọi là đối tượng trường tồn —sự hiểu biết về nhân quả, rằng con người và vật thể tồn tại khi chúng ta không thể nhìn thấy những điều ấy. Trẻ yêu thích trò chơi ú òa đang trong giai đoạn phát triển này.

Trong suốt thời thơ ấu và trẻ thơ, chúng ta học một loạt các hành vi và cách suy nghĩ cũng như cảm nhận về bản thân và người khác. Quá trình này giúp chúng ta hiểu các mối quan hệ hoạt động như thế nào.

Đây là những gì các nhà tâm lý học gọi là mô hình gắn bó của thế giới, các lược đồ hoặc quan điểm về thế giới mà trẻ em phát triển.

Ví dụ, cách bé hiểu như thế nào về chuyện gì đang xảy ra nếu bị bóng đập vào người sẽ phản ánh mô hình gắn bó của bé. Bé có nghĩ rằng các bé khác ghét bé và trở nên xấu tính hay không, hay bé bị đánh nghĩ rằng đó chỉ là một tai nạn?

Cảm giác an toàn hoặc bất an

Những kiểu gắn bó hoặc cách hiểu về tương tác này là những gì chúng ta học được thông qua mối quan hệ với những người chăm sóc mình.

Trẻ phát triển sự gắn bó (hoặc mối quan hệ) an toàn với cha mẹ khi trẻ cảm thấy cha mẹ là người an toàn để khám phá thế giới. Khả năng phản ứng nhạy cảm của cha mẹ đối với con khi con cần họ là rất quan trọng để trẻ hình thành sự gắn bó an toàn với họ.

Thuyết gắn bó (attachment theory) đưa ra bốn loại hoặc bốn cách hiểu về hành vi gắn bó: an toàn, tránh né bất an, lúc thế này lúc thế khác và thiếu tổ chức.

  • Trẻ có kiểu gắn bó an toàn học được rằng nhu cầu tình cảm của bé sẽ được đáp ứng. Khi trưởng thành, người này thấy tương đối dễ gần gũi với người khác và không lo lắng về sự gần gũi hay bị bỏ rơi.
  • Trẻ có kiểu gắn bó tránh né bất an học được rằng cha mẹ không sẵn sàng về mặt tình cảm và sẽ không đáp ứng khi cần thiết. Khi trưởng thành, người này gạt bỏ cảm xúc và các mối quan hệ và không thích tiếp cận quá gần gũi với mọi người.
  • Trẻ có kiểu gắn bó lúc thế này lúc thế khác đã học được rằng cha mẹ đôi khi vui vẻ và đôi khi không sẵn sàng về mặt tình cảm. Khi trưởng thành, người này mải mê với các mối quan hệ mà họ thường lo bị bỏ rơi.
  • Cuối cùng, sự gắn bó thiếu tổ chức – được cho là ảnh hưởng đến 15% dân số – xảy ra khi trẻ trải qua tổn thương nghiêm trọng. Đứa trẻ có kiểu gắn bó thiếu tổ chức thể hiện sự sợ hãi trong các tương tác.

Sự phân loại về việc gắn bó với cha mẹ – các khuôn mẫu về cách trẻ giao tiếp với cha mẹ – thường được truyền qua các thế hệ. Trong khi các nhà tâm lý học đã hệ thống hóa những hành vi này và chúng được hiểu theo nhiều cách khác nhau trong hàng thiên niên kỷ.

Sự gắn bó có thể thay đổi

Các khuôn mẫu gắn bó có thể khác nhau với mỗi mối quan hệ cha mẹ – con cái. Các khuôn mẫu có thể thay đổi từ bất an sang an toàn.

Trẻ có thể trở nên an toàn hơn nếu cha mẹ có sự nhạy cảm hơn với các tín hiệu của trẻ. Một người trưởng thành có thể trở nên an toàn hơn khi có một mối quan hệ mật thiết cho phép họ tin tưởng đối phương sẽ đáp ứng nhu cầu tình cảm của họ.

Sự gắn bó cũng có thể thay đổi từ an toàn sang bất an nếu người đó trải qua những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống hoặc nếu cha mẹ ít quan tâm hơn về mặt tình cảm dành cho con.

Giúp con kết nối

Việc giúp con xây dựng nền tảng để tạo ra các mối quan hệ thích nghi tích cực với mọi người trong suốt cuộc đời là rất quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên:

An ủi con khi con bị tổn thương về thể chất, ốm đau, buồn bã, sợ hãi hoặc cô đơn.

Trả lời và chú ý đến con.

Cho con cảm giác tin tưởng vào thế giới và mọi người trong đó.

Khi bạn rời xa con, hãy cho con biết bạn sẽ đi đâu, khi nào bạn quay lại và đưa cho con một vật bảo mật để con nhớ đến bạn.

Cố gắng tỏ ra dễ đoán và tích cực nhất có thể khi phản ứng với hành vi của con.

Chơi các trò chơi vận động thể chất và chia sẻ thời gian, giao tiếp bằng mắt, chạm vào con và chia sẻ cảm xúc.

Hãy ý thức được thời gian con tiếp xúc hoặc sử dụng công nghệ. Tất cả các trải nghiệm, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ, đều ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.

Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn hoặc nghĩ là quan trọng đối với người lớn mà bạn muốn con mình trở thành. Hãy cho con những kinh nghiệm thời thơ ấu để hỗ trợ tầm nhìn đó.

Với tư cách là cha mẹ, chúng ta hãy cố gắng không trở nên hoàn hảo nhưng đủ tốt.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn